Tìm hiểu chung
Phẫu thuật đặt túi ngực là gì?
Đặt túi ngực là phẫu thuật sử dụng túi silicone hoặc túi nước muối đặt vào để làm ngực của bạn lớn hơn và làm thay đổi hình dạng để chúng trông cân đối hơn.
Khi nào bạn nên thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực?
Đặt túi ngực có thể được sử dụng cho hai mục đích:
- Tái tạo: tái tạo lại bầu vú sau đoạn nhũ (đoạn nhũ là phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú, thường được dùng để điều trị ung thư vú);
- Thẩm mỹ: để tăng kích cỡ và cải thiện hình dạng vòng 1.
Tất cả túi ngực đều có lớp vỏ ngoài làm bằng silicone. Còn bên trong thì có thể chứa đầy silicone hay nước muối.
Silicone dùng để làm túi ngực có thể ở dạng lỏng hay gel (slicone kết dính). Túi silicone lỏng và nước muối sẽ cho cảm giác mềm và tự nhiên hơn. Túi silicone dạng gel cho cảm giác chắc hơn và có thể tạo nhiều hình dạng hơn.
Túi ngực phủ polyurethane cho cảm giác chắc lâu dài hơn và có thể giảm nguy cơ dày dính mô sẹo xung quanh túi ngực.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để tìm xem túi ngực bằng silicone có an toàn hay không. Không có bằng chứng nào cho thấy phụ nữ đặt túi ngực silicone có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn cao hơn, chẳng hạn như ung thư vú và viêm khớp. Có báo cáo về mối liên quan giữa đặt túi ngực và một loại ung thư hiếm gặp gọi là lymphoma tế bào lớn bất sản nhưng tỉ lệ nguy cơ này rất nhỏ.
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực?
Trước khi đặt túi ngực, bạn phải tìm hiểu rõ ràng về nguy cơ mắc phải các biến chứng và chi phí phẫu thuật là bao nhiêu.
Nếu bạn chỉ muốn phẫu thuật để làm đẹp thì bạn nên cân nhắc một số biện pháp phẫu thuật thẩm mỹ thay thế khác. Chúng bao gồm mang áo nâng ngực, uống thuốc cải thiện kích cỡ ngực hoặc cố gắng chấp nhận ngoại hình sẵn có của bản thân. Tuy nhiên các loại thuốc làm ngực lớn hơn này chưa được kiểm nghiệm chính xác.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Liệu có biến chứng nào có thể xảy ra hay không?
Các biến chứng chung của các loại phẫu thuật gồm:
- Đau;
- Chảy máu;
- Nhiễm trùng nhỏ;
- Sẹo xấu;
- Tạo cục máu đông.
Các biến chứng cụ thể khi thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực:
- Tụ máu hoặc tụ dịch tại nơi đặt túi ngực;
- Nhiễm trùng túi ngực;
- Mô sẹo dày dính;
- Thay đổi cảm giác ở vú và núm vú;
- Cứng vai;
- Tê hoặc đau kéo dài ở phần ngoài của vú;
- Vỡ hoặc xì túi ngực;
- Túi ngực đặt không được đẹp.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Quy trình thực hiện
Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực?
Phẫu thuật thường được thực hiện sau khi gây mê. Bạn sẽ được chỉ dẫn cụ thể để chuẩn bị cho phẫu thuật, bao gồm việc liệu bạn có thể ăn vài tiếng trước phẫu thuật được không. Đa số trường hợp, bạn nên nhịn ăn khoảng 6 tiếng trước đó. Bạn có thể dùng đồ uống, chẳng hạn như cà phê, một vài tiếng trước phẫu thuật.
Quy trình thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực như thế nào?
Phẫu thuật thường mất khoảng 90 phút.
Phẫu thuật viên thường sẽ đặt túi ngực ngay sau tuyến vú của bạn bởi vì các phẫu thuật này sẽ làm cho ngực bạn đạt được kích cỡ mong muốn và có hình dáng tự nhiên nhất. Tuy nhiên, nếu da và mô vú của bạn không đủ để che phủ túi ngực, bác sĩ thường sẽ đặt túi ngực ở ngay sau cơ ngực.
Bác sĩ thường sẽ tạo ra một đường mổ ở quầng dưới vú, sau đó tách các mô xung quanh ra để tạo ra một khoảng không gian và đưa túi ngực vào qua đường mổ đó.
Hồi phục sức khoẻ
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực?
Bạn có thể về nhà trong cùng ngày hoặc vào ngày hôm sau.
Bạn có thể quay trở lại với sinh hoạt thường ngày sau hai đến ba tuần. Bạn có thể quay lại làm việc sau khoảng một tuần, tùy thuộc vào loại hình công việc.
Bạn có thể thực hiện một số lượng hạn chế các hoạt động sau hai tuần, chẳng hạn như bồng con.
Thường phải mất vài tuần thì ngực của bạn mới hồi phục hoàn toàn và bắt đầu trong có vẻ tự nhiên hơn. Phương pháp tạo hình ngực này sẽ giữ được hình dáng của ngực trong một thời gian dài. Tập luyện đều đặn sẽ giúp bạn quay trở lại với các hoạt động bình thường sớm nhất có thể. Trước khi bắt đầu tập, hãy hỏi xin ý kiến của bác sĩ.
Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.