Tìm hiểu chung
Rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ) là bệnh gì?
Rối loạn nhân cách ái kỷ, hay còn gọi là bệnh ái kỷ hoặc chứng yêu bản thân thái quá, là bệnh lý tâm thần hiếm gặp. Người bệnh chỉ quan tâm đến bản thân, tầm quan trọng của mình bị thổi phồng lên, muốn người khác ngưỡng mộ và tôn trọng mình nhưng lại thiếu đồng cảm với người khác. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ) là gì?
Những người bị bệnh này thường có các triệu chứng sau:
- Phản ứng gây gắt khi nhận được những lời nhận xét không hay hoặc cảm thấy tức giận, xấu hổ khi bị chỉ trích;
- Lợi dụng người khác để đạt được mục tiêu của mình;
- Thổi phồng tài năng và khả năng của mình;
- Luôn mong muốn mọi người chú ý và ngưỡng mộ mình;
- Phớt lờ hoặc không có sự đồng cảm với người khác;
- Hay ảo tưởng về sự thành công của bản thân và nhạy cảm quá mức với những thất bại của mình.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu:
- Bạn nghĩ rằng một thành viên trong gia đình bị chứng rối loạn nhân cách ái kỷ;
- Bạn thấy trầm cảm và có những dấu hiệu kể trên của rối loạn nhân cách ái kỷ.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ)?
Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh này vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, hành vi của cha mẹ có thể có liên quan đến chứng rối loạn nhân cách ái kỷ bao gồm ngược đãi, bỏ bê, nuông chiều và khen ngợi quá nhiều. Di truyền học hoặc các vấn đề về tâm sinh lý cũng có thể có kà một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách ái kỷ.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ)?
Bệnh thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới và bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ)?
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc rối loạn nhân cách ái kỷ là:
- Bố mẹ đánh giá tầm quan trọng của con quá mức;
- Chỉ trích khi con sợ hãi và thất bại.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ)?
Bác sĩ có thể nghi ngờ chứng rối loạn nhân cách ái kỷ dựa trên tiền sử bệnh. Bác sĩ cũng có thể dựa trên những dấu hiệu và triệu chứng mà bạn đang có để đưa ra chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ có các phương pháp kiểm tra khác nhằm xác định xem người bệnh có gặp những vấn đề về thể chất khác có khả năng gây bệnh không.
Những phương pháp nào dùng để điều trị chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ)?
Liệu pháp tâm lý cá nhân là cách điều trị tốt nhất được bác sĩ tâm thần và bác sĩ tâm lý sử dụng. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình nên trò chuyện hàng ngày với người bệnh để mối quan hệ thân mật hơn. Ngoài ra, còn có một phương pháp khác gọi là phương pháp nhận thức hành vi. Phương pháp này giúp phát hiện ra niềm tin và hành vi không lành mạnh đồng thời thay thế bằng những hành động tích cực hơn. Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm cũng đôi khi được dùng ở bệnh nhân bị trầm cảm hoặc lo âu.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (bệnh ái kỷ)?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến rối loạn nhân cách ái kỷ:
- Luôn cởi mở, hòa đồng với mọi người;
- Tìm hiểu về bệnh lý này để sớm nhận ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng mà mình đang có, từ đó có những cách điều trị phù hợp;
- Đến trung tâm y tế nếu bạn nghĩ đến việc làm hại bản thân hoặc người khác;
- Cố gắng giảm căng thẳng bằng cách thiền, tập yoga hoặc thái cực quyền.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.