Thuốc giúp ngủ ngon: Bạn có nên dùng?

(3.88) - 71 đánh giá

Mất ngủ, ngủ không sâu giấc là những yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Nếu các phương pháp tự nhiên đã không hiệu quả thì liệu thuốc giúp ngủ ngon có giúp tình trạng của bạn cải thiện hơn?

Dưới đây bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các loại thuốc giúp ngủ ngon, lưu ý khi dùng, tác dụng phụ của thuốc ngủ và cách giúp ngủ ngon không cần dùng thuốc nhé!

Các loại thuốc giúp ngủ ngon

Có 3 nhóm thuốc giúp ngủ ngon bao gồm:

1. Thuốc giúp ngủ ngon không kê đơn

Các loại thuốc ngủ không kê đơn thường là:

  • Nhóm thuốc kháng histamine
  • Diphenhydramine
  • Doxylamine

Thuốc kháng histamine thường được sử dụng để điều trị các tình trạng dị ứng. Tuy nhiên, một số nhóm thuốc còn có tác dụng khác giúp hỗ trợ người bị khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Hầu hết các thuốc kháng histamine gây buồn ngủ đều là thuốc kháng histamine thế hệ thứ nhất. Thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai ít gây buồn ngủ thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng dị ứng lâu dài.

Thuốc kháng histamine gây buồn ngủ thường sử dụng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Mặc dù không gây nghiện, nhưng cơ thể sẽ sớm làm quen với tác dụng của thuốc khiến thuốc kém hiệu quả hơn trong việc gây buồn ngủ theo thời gian. Khi sử dụng thuốc lâu dài, bạn có thể gặp tác dụng phụ là hay quên và đau đầu.

2. Thuốc giúp ngủ ngon theo đơn

Các thuốc ngủ theo đơn hoạt động bằng cách làm việc trên các thụ thể trong não để làm chậm hệ thống thần kinh bao gồm các nhóm dưới đây.

Thuốc an thần gây ngủ benzodiazepine

Benzodiazepines là loại thuốc ngủ lâu đời nhất vẫn còn được sử dụng. Các thuốc nhóm benzodiazepin được cho là có nguy cơ gây lệ thuộc cao hơn các thuốc an thần gây ngủ khác. Nhóm thuốc này chủ yếu để điều trị rối loạn lo âu. Các loại thuốc benzodiazepin đã được phê duyệt để điều trị chứng mất ngủ bao gồm estazolam, flurazepam, quazepam, temazepam và triazolam.

Thuốc an thần gây ngủ không chứa benzodiazepine

Một số loại thuốc mới không có cấu trúc hóa học giống thuốc benzodiazepine, nhưng hoạt động trên cùng một khu vực trong não. Nhóm thuốc này có ít tác dụng phụ hơn và ít nguy cơ bị lệ thuộc hơn. Các loại thuốc ngủ bao gồm zalepon, zolpidem và eszopiclone đã được thử nghiệm để sử dụng lâu dài khoảng 6 tháng.

Thuốc chủ vận thụ thể melatonin

Ramelteon là loại thuốc ngủ mới và hoạt động bằng cách bắt chước hormone melatonin điều hòa giấc ngủ. Thuốc này có ít rủi ro gây lệ thuộc về thể chất nhưng vẫn có tác dụng phụ. Tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc là chóng mặt, làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm. Người bị tổn thương gan không nên dùng thuốc này.

3. Thuốc ngủ thảo dược và chất tự nhiên

Các loại thuốc ngủ thảo dược và chất tự nhiên giúp bạn ngủ ngon hơn thường là:

Cây nữ lang

Cây nữ lang (Valerian) là một loại thực vật được sử dụng để cải thiện giấc ngủ, giảm lo lắng và hỗ trợ thư giãn. Cây nữ lang được sử dụng làm thuốc ngủ thảo dược bào chế dưới dạng viên nén, viên nang, chiết xuất từ nữ lang và trà. Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy việc dùng cây nữ lang có thể cải thiện hiệu quả về chất lượng giấc ngủ ở những người bị mất ngủ.

Melatonin

Khi bầu trời xung quanh bắt đầu tối, não sẽ sản sinh ra một loại hormone gọi là melatonin. Chất này giúp điều chỉnh chu kỳ ngủ – thức bằng cách báo hiệu cơ thể rằng đã gần đến giờ đi ngủ. Não tạo ra ít melatonin hơn khi trời sáng và nhiều hơn khi trời tối. Tuổi tác cũng có tác động đến việc sản xuất melatonin và một người càng lớn tuổi sẽ càng tạo ra ít melatonin hơn.

Melatonin mang lại hiệu quả cho những tình trạng như:

  • Mệt mỏi do lệch múi giờ
  • Khó ngủ vào ban đêm
  • Phải làm việc theo ca

Nhiều loại thuốc giúp ngủ ngon có chứa melatonin sẽ mang lại hiệu quả đối với những người bị rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học. Đây là tình trạng khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đi ngủ và thức dậy vào đúng thời điểm cần thiết.

Hoa cúc la mã (Chamomile)

Trà hoa cúc được coi là thuốc ngủ thảo dược nhờ đặc tính an thần nhẹ nhàng, tuy nhiên loại trà này có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người bị dị ứng thực vật hoặc phấn hoa. Để sử dụng loài hoa này giúp ngủ ngon, bạn chỉ cần đun sôi nước, bỏ túi trà vào bình, đậy nắp lại, ủ trong 10 phút rồi sau đó thưởng thức.

Tryptophan

Tryptophan là một axit amin cơ bản được sử dụng trong việc hình thành serotonin hóa học – chất trong não giúp cho cơ thể bạn ngủ. L-tryptophan là sản phẩm phụ phổ biến của tryptophan mà cơ thể có thể thay đổi thành serotonin. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng L-tryptophan giúp bạn ngủ nhanh hơn. Tryptophan có nhiều trong chocolate, yến mạch, chà là khô, sữa, sữa chua, thịt đỏ, trứng, cá, gia cầm…

Kava Kava

Đây là một loại chiết xuất được làm từ Piper methysticum, một loài cây có nguồn gốc ở các hòn đảo phía tây Thái Bình Dương. Kava Kava đã được chứng minh có công dụng cải thiện giấc ngủ ở những người bị mất ngủ liên quan đến căng thẳng. Tuy nhiên, Kava có thể gây tổn thương gan, vì vậy bạn chỉ nên dùng khi có sự giám sát của bác sĩ.

Trước khi có ý định sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thảo dược giúp ngủ ngon nào, bạn cũng cần thăm khám bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân và tư vấn dùng thuốc hợp lý.

Lưu ý khi dùng thuốc giúp ngủ ngon

Bạn hãy quan tâm hơn đến lưu ý khi sử dụng các loại thuốc giúp ngủ ngon để thuốc phát huy công dụng hiệu quả như:

• Kiểm tra y tế: Trước khi định dùng thuốc ngủ, bạn hãy gặp bác sĩ để kiểm tra kỹ lưỡng nhằm tìm ra nguyên nhân cụ thể cho chứng mất ngủ. Nếu đã dùng thuốc ngủ hơn một vài tuần, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để có lịch trình theo dõi phù hợp.

• Đọc hướng dẫn sử dụng thuốc: Hướng dẫn sử dụng thuốc sẽ giúp bạn hiểu cách thức, thời điểm dùng thuốc và tác dụng phụ tiềm ẩn. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn hãy sớm tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ.

• Không dùng thuốc cho đến khi đi ngủ: Thuốc ngủ có thể khiến bạn giảm nhận thức về những gì đang làm, làm tăng nguy cơ xảy ra các tình huống nguy hiểm. Bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi đã hoàn thành xong tất cả công việc và chuẩn bị lên giường ngủ.

• Theo dõi tác dụng phụ: Nếu cảm thấy buồn ngủ, chóng mặt vào ban ngày hoặc gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khác, bạn hãy hỏi bác sĩ về việc thay đổi liều hoặc ngừng thuốc.

• Tránh uống rượu: Bạn không nên dùng rượu chung với thuốc ngủ vì rượu làm tăng tác dụng an thần của thuốc. Một lượng nhỏ rượu kết hợp với thuốc ngủ cũng có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, rối loạn, ngất xỉu, thậm chí có thể dẫn đến thở chậm hoặc không đáp ứng đường thở.

• Uống thuốc đúng chỉ định bác sĩ: Một số loại thuốc ngủ theo đơn chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, không nên dùng liều cao hơn quy định. Nếu liều ban đầu không mang lại tác động đối với giấc ngủ, bạn không nên uống thêm thuốc mà hãy trao đổi với bác sĩ trước.

Tác dụng phụ của thuốc ngủ

Tất cả các loại thuốc ngủ theo đơn đều có tác dụng phụ và triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc cụ thể, liều lượng và thời gian dùng thuốc. Các tác dụng phụ thường gặp như buồn ngủ kéo dài, nhức đầu, đau cơ, táo bón, khô miệng, khó tập trung, chóng mặt, mất ngủ… Một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác có thể xảy ra như:

• Đề kháng thuốc: Khi bạn sử dụng thuốc giúp ngủ ngon kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng đề kháng thuốc. Khi đó, bạn phải dùng liều cao hơn để thuốc có tác dụng nên sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ hơn.

• Lệ thuộc thuốc: Khi bạn chỉ sử dụng cách duy nhất để ngủ là dùng thuốc thì nhiều khả năng sẽ gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc. Các thuốc này thường dễ gây nghiện, khiến bạn gặp khó khăn trong việc ngừng thuốc.

• Triệu chứng cai nghiện: Nếu dừng thuốc đột ngột, bạn sẽ dễ gặp phải các triệu chứng như lúc cai nghiện như buồn nôn, đổ mồ hôi, run rẩy…

• Tương tác thuốc: Thuốc ngủ có khả năng tương tác với các loại thuốc khác, đặc biệt là với thuốc giảm đau theo đơn và thuốc an thần.

• Hồi phục chứng mất ngủ: Khi bạn ngừng uống thuốc ngủ, chứng mất ngủ đôi khi có thể trở lại và trầm trọng hơn trước.

• Che giấu vấn đề tiềm ẩn: Việc sử dụng thuốc giúp ngủ ngon gây khó khăn trong việc chẩn đoán các căn bệnh tiềm ẩn khác, trong đó có rối loạn giấc ngủ.

Hầu hết các tác dụng phụ của thuốc ngủ có đều do lạm dụng thuốc hay dùng thuốc quá liều. Do đó, bạn nên sử dụng thuốc đúng liều lượng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Cách giúp ngủ ngon không dùng thuốc

Nghiên cứu cho thấy việc thay đổi lối sống và thói quen ngủ là cách giúp bạn ngủ ngon, chống lại chứng mất ngủ mà không có nguy cơ tác dụng phụ hoặc phụ thuộc. Điều này sẽ giúp bạn thư giãn khi đi ngủ và cải thiện giấc ngủ hiệu quả hơn là sử dụng thuốc giúp ngủ ngon.

• Tập thói quen trước khi ngủ: Ít nhất 1 giờ trước khi ngủ, bạn nên tránh tiếp xúc ánh sáng từ điện thoại, máy tính… Hãy tập trung vào các hoạt động yên tĩnh, nhẹ nhàng như đọc sách, yoga, nghe nhạc nhẹ…

• Hít thở sâu: Bài tập hít thở sâu ở cả vùng bụng, lưng dưới và lồng ngực sẽ giúp một phần của hệ thống thần kinh kiểm soát thư giãn. Bạn hãy thử nhắm mắt lại, hít thở sâu thật chậm, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng một cách thư giãn.

• Thư giãn cơ: Bạn hãy nằm xuống, bắt đầu với đôi chân trước. Bạn hãy căng các cơ càng chặt càng tốt và đếm đến 10, rồi sau đó thả lỏng. Tiếp tục làm điều này cho mọi nhóm cơ trong cơ thể của bạn.

• Tập thể dục: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập thể dục vào ban ngày sẽ giúp cải thiện giấc ngủ vào ban đêm. Khi tập thể dục, nhiệt độ cơ thể sẽ gia tăng đáng kể rồi sau đó giảm dần. Sự giảm nhiệt độ cơ thể này giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Thời gian tốt nhất để tập thể dục là buổi chiều muộn hoặc đầu buổi tối, thay vì ngay trước khi đi ngủ. Mục tiêu tập là ít nhất 30 phút vào 4 lần mỗi tuần.

Bạn chỉ nên sử dụng thuốc giúp ngủ ngon khi thật sự cần thiết và dùng trong thời gian ngắn hạn do một số tác dụng phụ của thuốc ngủ có thể mang lại. Để an toàn và hiệu quả, bạn hãy thực hiện cách giúp ngủ ngon không dùng thuốc đã được cung cấp trên đây nhé!

Hoàng Trí | HELLO BACSI

Đánh giá:

Bài viết liên quan

12 nguyên nhân gây đau xương chậu ở phụ nữ

(69)
Có khá nhiều nguyên nhân đau xương chậu ở phụ nữ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Do đó, bạn đừng nên chủ quan mà hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin về tình ... [xem thêm]

Mẹ bầu nuôi thú cưng có an toàn?

(69)
Đối với một số gia đình, thú cưng đã từ lâu được xem như một thành viên trong nhà. Thú cưng có thể đem lại nhiều niềm vui, nhưng không phải loài nào ... [xem thêm]

Những điều cần biết về bệnh bạch biến ở trẻ em

(74)
Bệnh bạch biến ở trẻ em là căn bệnh ngoài da dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý. Do đó, các thắc mắc về cách điều trị dứt điểm căn bệnh này luôn được ... [xem thêm]

Lí giải nguyên nhân chất lượng sữa mẹ thấp

(58)
Các bà mẹ trong giai đoạn cho con bú đôi khi lo lắng về nguồn sữa mình và chưa biết làm gì để cải thiện chất lượng sữa cho con yêu. Bài viết dưới đây ... [xem thêm]

Gạo lứt giảm cân: Ăn ngon miệng mà vẫn đẹp dáng!

(21)
Bạn nghĩ rằng ăn gạo lứt giảm cân sẽ hơi kham khổ khi vừa nhai lâu lại ít ngọt hơn so với gạo trắng? Đó là vì bạn chưa biết cách nấu nhiều món ngon ... [xem thêm]

Bệnh phong có những dạng nào?

(15)
Bệnh phong là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Việc xác định rõ các dạng bệnh phong sẽ giúp bạn điều trị bệnh hiệu ... [xem thêm]

Dị ứng nhựa, đừng coi thường!

(84)
Dị ứng nhựa là một phản ứng xảy ra với những protein nhất định được tìm thấy trong mủ của cây cao su – một dạng chất lỏng màu trắng đục. Dị ứng ... [xem thêm]

Tập aerobic có tác dụng gì? Hiểu rõ về thể dục nhịp điệu aerobic

(32)
Thể dục nhịp điệu aerobic, hay còn gọi là thể dục thẩm mỹ, là bất kỳ hoạt động thể chất nào khiến bạn đổ mồ hôi, hơi thở nhanh và tim đập nhanh ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN