Khi bị viêm loét dạ dày, bạn nên cẩn thận trong việc lên thực đơn hàng ngày để đảm bảo cơ thể vẫn được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Đồng thời, dạ dày cũng không phải làm việc quá sức.
Viêm loét dạ dày là tình trạng những thương tổn ở cơ quan này tiến triển thành các vết loét. Nguyên nhân viêm loét dạ dày chủ yếu do nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ từ một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs). Lúc này, khả năng hoạt động của dạ dày sẽ yếu đi. Do đó, bạn nên lưu ý lựa chọn thực phẩm cũng như món ăn khi lên thực đơn hàng ngày, tránh tạo thêm áp lực lên dạ dày.
Chế độ ăn uống dành cho người bị viêm loét dạ dày
Tiêu chí hàng đầu của việc lên thực đơn cho người bị viêm loét dạ dày là món ăn không khiến bạn ợ nóng hay thúc đẩy quá trình sản xuất axit trong dịch dạ dày. Bạn cần ghi nhớ những lưu ý sau khi thiết lập chế độ ăn uống tốt cho bao tử, bao gồm:
- Tránh những thức uống chứa cồn như rượu, bia…
- Cắt giảm lượng caffeine
- Tránh dùng thực phẩm có vị cay
- Hạn chế hoặc tránh ăn sô cô la và trái cây họ cam, quýt cũng như cà chua. Chúng có thể gây chứng ợ nóng ở một số người
- Thường xuyên ăn rau củ quả và trái cây
- Tránh các thực phẩm được chiên hoặc chứa nhiều chất béo
- Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày và tránh ăn quá nhiều trong một lần. Những bữa ăn liên tục với lượng thực phẩm hấp thụ ít sẽ giúp dạ dày dễ dàng hoạt động hơn so với 2 – 3 bữa lớn mỗi ngày
- Nghỉ ngơi, thư giãn vài phút trước và sau mỗi bữa ăn
- Ăn chậm và nhai kỹ thức ăn
- Nên ăn trước khi đi ngủ khoảng 3 tiếng
Ngoài ra, bạn cũng nên bỏ thuốc lá nếu có thói quen không lành mạnh này. Hút thuốc có khả năng hạn chế lưu lượng máu đến dạ dày, đồng thời thúc đẩy sự sản sinh của các hợp chất gây viêm, khiến vết loét trở nên trầm trọng hơn, từ đó nguy cơ điều trị loét dạ dày thất bại tăng cao.
Bạn có thể xem thêm: 7 cách dễ dàng để trị đầy hơi chướng bụng
Người mắc bệnh viêm loét dạ dày nên ăn gì?
Các bác sĩ cũng như chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người mắc bệnh viêm loét dạ dày nên cân nhắc thêm những thực phẩm sau vào thực đơn hàng ngày của mình. Chúng ít có khả năng kích hoạt chứng ợ nóng, kích ứng dạ dày hay gây đau đớn trong quá trình chữa lành các vết loét.
1. Nghệ
Không chỉ là một loại gia vị quen thuộc, nghệ còn là phương thuốc phổ biến dành cho một loạt vấn đề sức khỏe liên quan đến hệ tiêu hóa, bao gồm cả viêm loét dạ dày. Curcumin là hoạt chất có nhiều ở nghệ, đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ điều trị. Nó có thể xoa dịu các cơn đau dạ dày cũng như đẩy nhanh tốc độ phục hồi của những vết loét. Tuy nhiên, nhược điểm của hoạt chất này là khó tan trong nước, khiến bạn cần sử dụng liều lớn curcumin trong thời gian dài mới có thể nhận thấy hiệu quả như mong muốn.
Ngày nay, với nền khoa học – kỹ thuật hiện đại, sự ra đời của Nano Curcumin là một bước tiến lớn. Loại chế phẩm công nghệ cao này thừa hưởng toàn bộ khả năng của curcumin, đồng thời khắc phục hoàn toàn nhược điểm của hoạt chất này. Bạn có thể tìm mua Nano Curcumin dưới dạng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, hãy lưu ý chọn những thương hiệu uy tín và nổi tiếng nhé.
2. Tinh bột
Bạn có thể dùng bánh mì ngũ cốc nguyên hạt hoặc ngũ cốc như nguồn cung cấp năng lượng hàng ngày. Tinh bột từ hai loại thực phẩm này không chỉ mang giá trị về mặt sức khỏe mà còn dễ dàng giúp dạ dày tiêu hóa.
3. Rau củ quả
Bạn có thể chọn bất kỳ loại rau củ quả nào bạn thích ăn, ngoại trừ ớt. Vị cay của ớt có thể kích thích bao tử, không phù hợp với những người đang trong tình trạng viêm loét dạ dày.
4. Trái cây
Dù trong bất kỳ tình huống nào, trái cây luôn là “người bạn tốt” của cơ thể. Vì vậy, bạn có nhiều sự lựa chọn về hoa quả trong giai đoạn điều trị đau dạ dày, bao gồm cả trái cây tươi, trái cây đông lạnh hoặc đóng hộp. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý khi dùng nước ép trái cây. Một số chuyên gia cho rằng thức uống dinh dưỡng này có nhiều nguy cơ khiến bạn ợ nóng.
5. Sữa và sản phẩm làm từ sữa
Dù đang chịu tổn thương, dạ dày vẫn đủ khả năng dung nạp sữa ít béo và các sản phẩm làm từ nó, ví dụ như sữa chua hay phô mai.
6. Thịt và thực phẩm giàu protein
Bác sĩ khuyến nghị người đang trong giai đoạn điều trị viêm loét dạ dày nên bổ sung protein bằng những thực phẩm sau:
- Thịt nạc
- Cá
- Trứng
- Bơ
- Các sản phẩm từ đậu nành
- Đậu Hà Lan
7. Ăn vặt
Những món ăn vặt ít chất béo và ít gây kích ứng cho bao tử như kẹo cứng, bánh gạo… sẽ là lựa chọn phù hợp khi bạn bỗng cảm thấy thèm ăn hoặc cần bổ sung năng lượng tức thời.
8. Gia vị
Bên cạnh nghệ, ở thời điểm này dạ dày có thể dung nạp hầu hết các loại gia vị như muối, các loại thảo mộc, sốt cà chua… Tuy vậy, bạn vẫn nên hạn chế mù tạt. Trong một số trường hợp hiếm gặp, loại gia vị này có khả năng gây khó chịu cho bao tử.
Người bị viêm loét dạ dày không nên ăn gì?
Bạn có thể không bị ảnh hưởng tiêu cực gì từ những thực phẩm dưới đây. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có khả năng gây kích ứng dạ dày hoặc ợ nóng.
1. Thức ăn cay
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng những thực phẩm hoặc gia vị cay nồng như ớt, tiêu xanh, sa tế… có thể khiến tình trạng viêm loét dạ dày trở nên trầm trọng hơn.
2. Caffeine
Một số chuyên gia đặt ra giả thiết rằng caffeine có nguy cơ khiến nồng độ axit trong dạ dày tăng cao. Vì vậy, bạn vẫn nên hạn chế tiêu thụ những sản phẩm chứa caffeine, ví dụ như cà phê, nếu đang bị viêm loét dạ dày.
Tuy nhiên, giả thiết này vẫn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu nhằm xác định độ uy tín.
3. Thức uống chứa cồn
Chất cồn trong rượu, bia sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc điều trị loét dạ dày, khiến quá trình phục hồi bị trì hoãn.
4. Tinh bột xấu
Bánh bích quy, bánh sừng bò hay bánh tiêu là những món ăn làm từ bột gạo chứa thành phần chất béo cao, có nhiều nguy cơ gây kích ứng dạ dày. Ngoài ra, gạo còn cám, chẳng hạn như gạo lứt, cũng có khả năng dẫn đến tình trạng này trong một số trường hợp cá biệt.
5. Rau củ quả
Tuy cà chua mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, nhưng trong trường hợp điều trị đau dạ dày, vị chua của cà có nguy cơ khiến các vết loét trở nặng.
6. Trái cây
Những loại trái cây giàu vitamin C như quả mọng (dâu, việt quất, mâm xôi…) hay trái cây họ cam, quýt (cam, chanh…) có thể gây kích ứng bao tử nếu bạn dùng chúng khi đang bị loét dạ dày.
7. Sữa và sản phẩm làm từ sữa
Sữa chứa nhiều chất béo và những sản phẩm làm từ nguyên liệu này có thể tạo thêm áp lực lên hoạt động của dạ dày, khiến các triệu chứng chuyển biến xấu.
8. Thịt và thực phẩm giàu protein
Thịt xông khói, xúc xích hay thịt mỡ là một số tác nhân trực tiếp gây nên sự khó chịu ở dạ dày, đặc biệt trong tình huống có sự hiện diện của những vết loét.
9. Chất béo
Về cơ bản, chất béo không dễ tiêu hóa. Do đó, nếu hấp thu nhiều chất béo trong lúc đang phải đối mặt với vấn đề viêm loét dạ dày, bạn đã vô tình tạo thêm sức ép cho bao tử.
10. Ăn vặt
Để đảm bảo dạ dày vẫn hoạt động hiệu quả, bạn nên hạn chế dùng những thực phẩm khó tiêu, ví dụ như:
- Khoai tây chiên
- Bỏng ngô
- Bánh nướng