Theo bác sĩ và là nhà tâm lý học người Áo Alfred Adler, thứ tự sinh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và chỉ số IQ của trẻ. Bên cạnh đó, còn có những yếu tố khác như giới tính, tình trạng kinh tế xã hội, trình độ học vấn… cũng ảnh hưởng đến bé rất nhiều.
Có cả một môn khoa học xung quanh các khái niệm về thứ tự sinh. Nhà tâm lý học Alfred Adler là người đầu tiên cho ra đời “Lý thuyết thứ tự sinh”. Ông cho biết để hiểu được một người, điều quan trọng nhất là bạn phải đặt họ vào trong bối cảnh có sự tương tác với những người khác. Từ đó, ông đã kết luận rằng tính cách và hành vi của một người đã xuất hiện từ thời thơ ấu và thứ tự sinh là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ. Hãy cùng Chúng tôi theo dõi những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về vấn đề này nhé.
Thứ tự sinh là gì?
Hiểu một cách đơn giản, thứ tự sinh là vị trí của trẻ trong gia đình so với những anh chị em còn lại. Việc là con thứ mấy trong gia đình sẽ tác động đến thái độ của cha mẹ và cách mà cha mẹ nuôi dạy trẻ.
Thứ tự sinh có ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con như thế nào?
Thứ tự sinh và cách nuôi dạy con thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ví dụ, đối với con đầu lòng, do cha mẹ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi con nên thường được nuôi dạy theo nhiều cách khác nhau. Bên cạnh đó, cha mẹ thường lo lắng, sợ hãi nên thường sẽ trở thành người giám hộ nghiêm ngặt và bắt trẻ phải tuân theo những điều mà mình yêu cầu.
Tuy nhiên, với con thứ hai hoặc ba, cha mẹ thường có xu hướng nuôi dạy thoải mái hơn do đã có kinh nghiệm từ việc nuôi con đầu. Quan trọng hơn, cha mẹ sẽ không quá quan tâm vào những điều nhỏ nhặt vì lúc này cha mẹ phải dành thời gian để chăm sóc nhiều đứa trẻ hơn.
Thứ tự sinh và tính cách của trẻ
1. Con đầu
Theo Adler, con đầu thường có xu hướng bảo thủ, có khả năng định hướng, có trách nhiệm và có đầu óc của một nhà lãnh đạo. Do là anh chị lớn nhất nhà nên trẻ thường phải chịu trách nhiệm với các em của mình, biết chăm sóc em, lo cho em thay cho cha mẹ. Do đó, trẻ sẽ chủ động trước mọi tình huống và thường có ý thức rất cao về trách nhiệm.
Con đầu thường rất chăm chỉ và luôn muốn làm hài lòng cha mẹ hay thầy cô. Nếu cha mẹ quá nghiêm khắc và đòi hỏi quá nhiều, trẻ sẽ cố gắng và cố gắng hơn nữa. “Chủ nghĩa hoàn hảo” là một trong những đặc điểm trong tính cách của con đầu lòng. Theo nghiên cứu, con đầu cũng là đối tượng dễ mắc phải các rối loạn tâm lý như lo lắng, trầm cảm, căng thẳng… Ngoài ra, trẻ cũng dễ có cảm giác ghen tỵ và bất an khi cha mẹ không chú ý nhiều đến mình và quan tâm đến những đứa trẻ khác trong gia đình.
2. Con giữa
Những trẻ được sinh ra thứ hai thường rất hòa đồng và bình đẳng. Do trẻ không có nhiều trách nhiệm như anh/chị của mình và không cần nhiều sự chăm sóc như các em nên đôi khi trẻ trở thành người rất biết điều chỉnh. Không những vậy, trẻ sẽ có kỹ năng giao tiếp rất tốt và có thể kết nối mọi người lại với nhau. Vì vậy, trẻ thường thích ở chung với bạn bè nhiều hơn là ở với cha mẹ vì cha mẹ chỉ thường chú ý đến con đầu hoặc con út. Ngoài ra, con giữa thường rất thân thiện, có thể làm việc nhóm rất tốt và luôn hỗ trợ, giúp đỡ mọi người.
Mặt khác, những đứa trẻ sinh ra sau anh/chị mình cũng rất dễ mất tự tin, ít tự trọng hơn các anh chị em vì đôi khi trẻ sẽ có cảm giác mình như người thừa, vô hình. Tuy nhiên, lý thuyến thứ tự sinh và sự phát triển tính cách thường khó áp dụng với con giữa bởi số lượng con giữa thường nhiều. Do đó, việc xác định đặc điểm tính cách thường rất khó.
3. Con út
Con út là đứa trẻ nhận được rất nhiều sự chăm sóc từ cả cha mẹ lẫn anh chị. Bên cạnh đó, cách nuôi dạy con của cha mẹ với con út thường rất thoải mái và cho phép chúng khám phá nhiều hơn. Vì vậy, con út thường là những đứa trẻ liều lĩnh và rất sáng tạo. Trẻ thường có năng khiếu về thể thao, âm nhạc hoặc nghệ thuật. Động lực chủ yếu của trẻ là phải làm tốt hơn để vượt qua anh chị của mình.
Tuy nhiên, con út lại có khuynh hướng vô trách nhiệm và phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, anh chị. Điều này có thể khiến trẻ dễ bỏ việc khi trưởng thành.
4. Con một
Những đứa trẻ là con một thường rất tự tin vì trẻ nhận được tất cả tình yêu thương của cha mẹ. Đa phần trẻ chỉ thích ở một mình vì không có ai để trò chuyện và chơi chung.
Ngoài ra, vì là con một nên trẻ không có ai để cạnh tranh, để noi theo. Là con một nên trẻ được cả nhà yêu thương, nâng niu, bảo bọc quá mức. Do đó, tính ích kỉ, phụ thuộc và “tự cho mình là cái rốn của vũ trụ” là những tính cách thường thấy ở con một. Khi trưởng thành, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm nhóm hơn so với những trẻ có anh chị em.
Những trường hợp ngoại lệ
Dưới đây là một vài trường hợp ngoại lệ về sự ảnh hưởng của thứ tự sinh đến tính cách của trẻ:
1. Gia đình “hỗn hợp”
Gia đình hỗn hợp là gia đình được hình thành từ cha mẹ đã ly hôn và tái hôn với người khác. Lúc này, trẻ phải chia sẻ tình yêu của cha/mẹ với những đứa con của mẹ kế hoặc cha dượng. Trẻ có thể không còn là con cả bởi đã có một đứa trẻ lớn hơn thay thế vị trí đó hoặc trẻ không còn là người nhận được sự quan tâm nhiều nhất bởi có một đứa bé nhỏ hơn cần cha mẹ chú ý. Tuy nhiên, nếu trẻ đã hơn 5 tuổi thì tính cách của trẻ sẽ không thay đổi ngay cả khi về ở trong một gia đình mới.
2. Gia đình có các cặp sinh đôi hoặc sinh ba
Đối với các cặp sinh đôi, dường như không có thứ tự sinh. Dù chào đời trước hay sau, trẻ vẫn được cha mẹ đối xử bình đẳng, công bằng.
3. Khoảng cách tuổi giữa những đứa trẻ quá lớn
Nếu trẻ và anh chị em cách nhau quá nhiều tuổi (ít nhất là 5 – 6 năm) thì lý thuyết này sẽ không phù hợp. Một đứa trẻ 5 tuổi với một anh/chị 12 tuổi và một em 1 tuổi có khả năng tính cách của trẻ sẽ phát triển giống với tính cách của con đầu thay vì con giữa.
4. Con nuôi
Trường hợp con nuôi cũng giống với trường hợp trên. Nếu lúc nhận nuôi trẻ còn nhỏ trong khi gia đình đã có 2 đứa con lớn thì tất nhiên trẻ sẽ trở thành đứa con nhỏ nhất trong gia đình. Tuy nhiên, nếu trẻ trên 6 tuổi thì các đặc điểm tính cách vẫn sẽ giữ lại như lúc ban đầu.
Ai là người ảnh hưởng đến tính cách của trẻ nhiều nhất?
Theo nghiên cứu, những người ảnh hưởng nhiều nhất đến tính cách của trẻ là cha mẹ, anh chị em ruột và bạn bè. Nhiều chuyên gia cho rằng anh chị em là người có sức ảnh hưởng nhất trong khi một số khác lại cho rằng bạn bè là người ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, tất cả các nghiên cứu đều đồng tình rằng cha mẹ có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của con cái.
Tính cách của trẻ có thể thay đổi được không?
Tính cách của trẻ hoàn toàn có thể thay đổi chứ không nhất thiết bị bó buộc vào thứ tự sinh. Bạn có thể cải thiện tính cách của trẻ thông qua các bước sau:
• Hiểu
Bạn cần phải hiểu rõ vị trí và vai trò của trẻ trong gia đình. Một khi hiểu rõ các đặc điểm này, bạn sẽ có cách hỗ trợ cho trẻ tốt hơn.
• Nhận biết
Bạn cần phải nhận biết được các rối loạn cảm xúc và nguồn gốc của chúng. Xác định tâm trạng của trẻ, những biến động mà trẻ có thể gặp phải chẳng hạn như con giữa thường có thể cảm thấy thất vọng vì ít được yêu thương trong khi con út thường cảm thấy tức giận vì luôn bị đối xử như một đứa trẻ.
• Quyết định
Đây là lúc mà bạn phải hành động. Nói với đứa con lớn nhất rằng bạn yêu con bất kể con là ai và không cần phải quá cố gắng cho một việc gì đó. Với con giữa, hãy thể hiện tình yêu thương của bạn. Cuối cùng, với con út, hãy cho trẻ gánh vác một số trách nhiệm hoặc công việc để trẻ ít phụ thuộc vào bạn và những người khác xung quanh.
Thứ tự sinh có ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ không?
Đây là một vấn đề nhận được nhiều lời tranh cãi trong những năm gần đây. Một số nghiên cứu cho thấy rằng thứ tự sinh và chỉ số IQ có mối liên hệ với nhau trong khi một số khác lại cho thấy rằng trí thông minh lại bị ảnh hưởng nhiều bởi di truyền, các yếu tố xã hội và sự hướng dẫn của cha mẹ.
Một nghiên cứu lớn được thực hiện tại Đức đã chỉ ra rằng những người có chỉ số IQ cao nhất là những đứa trẻ không có anh chị em và là con đầu lòng, còn chỉ số IQ của anh chị em thì tương tự nhau. Ngoài ra, họ không thấy mối tương quan giữa thứ tự sinh và sự sáng tạo, sự trưởng thành về cảm xúc hay tài năng.
Bên cạnh thứ tự sinh, còn có những yếu tố nào ảnh hưởng đến tính cách của trẻ?
Có nhiều yếu tố có thể quyết định tính cách của một đứa trẻ, chẳng hạn như:
• Giới tính
Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định tính cách của một người. Ví dụ, nếu gia đình có một bé trai sinh đầu và một bé gái sinh thứ hai thì tất nhiên bé gái không cần phải quá cố gắng để thu hút sự chú ý của cha mẹ bởi chính giới tính đã đem đến cho cô bé sự khác biệt và có khuynh hướng có những tính cách của con đầu. Hơn nữa, nếu các bậc cha mẹ thích con trai hơn con gái hoặc ngược lại thì lý thuyết thứ tự sinh cũng không ảnh hưởng nhiều.
• Khoảng cách tuổi tác
Khoảng cách tuổi tác đóng vai trò lớn trong sự phát triển nhân cách của trẻ. Nếu anh chị em gần tuổi và có cùng giới tính thì sẽ có xu hướng cạnh tranh với nhau nhiều hơn. Khoảng cách lý tưởng để tránh điều này là hai đứa trẻ nên cách nhau khoảng 5 tuổi để trẻ có thể tự tạo ra một không gian riêng. Điều này thường không đúng với các cặp song sinh nhưng đa phần những đứa trẻ sinh đôi thường ít có sự cạnh tranh hơn những cặp anh chị em cách nhau vài năm.
• Hình dáng cơ thể
Bắt nạt là tình trạng khá phổ biến ở nhiều gia đình đông con. Những đứa con đầu thường to lớn hơn nên có xu hướng bắt nạt những đứa trẻ nhỏ hơn. Tuy nhiên, tình huống này có thể đảo ngược nếu những đứa trẻ nhỏ khỏe hơn anh chị của chúng.
• Tài năng
Tất cả trẻ em đều đặc biệt nhưng nếu một đứa trẻ có tài năng thiên bẩm ở lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như thể thao, âm nhạc hoặc học tập, cha mẹ thường quan tâm nhiều hơn đến những đứa trẻ này. Những đứa trẻ này sẽ nhận được tất cả tình yêu và sự chú ý mà chúng mong muốn nhưng điều này có thể khiến các anh chị em khác trở nên khó chịu và oán giận.
Mặc dù thứ tự sinh có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ nhưng điều quan trọng mà bạn cần nhớ là sự chăm sóc, yêu thương và bình đẳng giữa những đứa trẻ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc hình thành tính cách.
Bích Ngân/HELLO BACSI