Trẻ ăn theo nhu cầu thay vì nhồi ép chính là yếu tố giúp con hình thành thói quen ăn uống phù hợp, có tính kỷ luật và tránh béo phì. Những lưu ý sau sẽ giúp bạn cho trẻ ăn theo nhu cầu một cách hợp lý.
Lượng thức ăn mà trẻ ăn là mối quan tâm hàng đầu đối với các bậc cha mẹ. Đa số phụ huynh đều cảm thấy rằng con mình ăn ít hơn so với những gì mà trẻ cần. Trẻ ở độ tuổi mới biết đi vẫn đang trong giai đoạn học về thế giới xung quanh và thói quen ăn uống là một trong những điều mà trẻ cần phải học. Nhồi ép trẻ ăn vô tình sẽ khiến trẻ hình thành một thói quen xấu trong tương lai. Cho trẻ ăn theo nhu cầu là cách tốt nhất bạn có thể làm để giúp bé.
Tại sao cần cho trẻ ăn theo nhu cầu của bản thân?
Mức độ đói của mỗi đứa trẻ không giống nhau. Một số trẻ có thể xác định được mức độ đói của bản thân trong khi một số khác thì không. Điều này giống với việc đạt được các cột mốc phát triển ở trẻ sơ sinh. Một số trẻ có thể biết bò từ khi 6 – 7 tháng, một số khác biết bò khi 8 – 9 tháng, một số khác lại không biết bò mà biết đi luôn.
Tương tự như vậy, mỗi trẻ sẽ có phản ứng khác nhau đối với những thực phẩm mới và quan trọng hơn trẻ cần phải biết được mức độ đói của bản thân và học được cách ăn theo nhu cầu. Nếu bạn ép trẻ ăn nhiều thì bạn có thể làm gián đoạn quá trình này và trẻ sẽ phát triển thói quen ăn quá nhiều ngay từ khi còn nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng béo phì. Tốt nhất, bạn nên nhận ra những dấu hiệu của trẻ thông qua những biểu hiện của trẻ khi ăn.
Khi trẻ đói: Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường có các hành động như khóc, mở miệng, lấy muỗng cho vào miệng…
Khi đã no: Trẻ sẽ có các biểu hiện như ăn rất chậm, di chuyển đầu tránh xa món ăn, ngậm miệng, nhả thức ăn, nghịch với đồ ăn thừa…
Đây là một vài dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cảm thấy như thế nào khi ăn. Nhiều cha mẹ ép trẻ phải ăn thêm ngay cả khi trẻ đã có các biểu hiện cho thấy trẻ đã no. Đây là một hành động không tốt mà bạn nên bỏ ngay.
Một số thói quen ăn uống khác bạn nên dạy để trẻ ăn theo nhu cầu
Tránh “đàm phán” với trẻ: Khi trẻ vứt bỏ thức ăn mà mình không thích, bạn có thể cố thương lượng với trẻ bằng cách hối lộ quà bánh. Đây không phải là thói quen tốt, bởi vì nó khiến trẻ nghĩ rằng món ăn dinh dưỡng là một sự trừng phạt và phần thưởng (món tráng miệng hay kẹo) thì ngon hơn món này. Đừng thương lượng với trẻ. Cho trẻ ăn những món ăn này, có thể chỉ là ăn ít. Tất nhiên, bạn có thể khuyến khích trẻ ăn nhiều món khác.
Dùng bữa với gia đình ít nhất 1 lần 1 ngày: Trẻ mới biết đi, trẻ nhỏ thường bắt chước, học hỏi từ người lớn. Vì vậy, khi ở nhà, hãy tạo cho trẻ một không gian thoải mái. Điều này cũng áp dụng đối với việc ăn uống. Chuẩn bị cho trẻ một chỗ ở bàn ăn tối và trong bữa ăn phải có các loại thực phẩm lành mạnh cho trẻ như trái cây và rau củ. Điều này khuyến khích trẻ ăn nhiều thực phẩm lành mạnh hơn ngay từ nhỏ và giúp trẻ có một thái độ tích cực đối với các món ăn này. Đây có lẽ là điểm xuất phát của việc hình thành những thói quen tốt.
Tránh ăn kẹo hoặc khoai tây chiên: Không nên cho trẻ ăn kẹo, khoai tây chiên hoặc nước ngọt. Những thực phẩm này không cung cấp bất cứ chất dinh dưỡng nào cho trẻ. Không những vậy, nó còn giết chết sự “thèm ăn”. Và quan trọng hơn, nó cung cấp một lượng calorie và muối không cần thiết vào cơ thể của trẻ. Điều này có thể gây ra một số căn bệnh nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường ở tuổi vị thành niên sau này.
Tránh xem tivi khi ăn: Một số cha mẹ có thói quen để cho trẻ xem tivi, video trong khi ăn. Bạn nên bỏ thói quen này càng nhanh càng tốt. Việc xem tivi khi ăn có thể khiến trẻ tăng cân đấy.
Với những cách này, bạn có thể giúp trẻ hình thành một số thói quen ăn uống tốt ngay từ khi còn nhỏ. Lúc bắt đầu có thể hơi khó khăn nhưng những điều này sẽ đem đến rất nhiều lợi ích trong tương lai khi trẻ ăn theo nhu cầu của mình.