Chúng ta đều biết rằng, calo là thứ mang lại năng lượng cho cơ thể con người, thế nhưng tại sao sau những bữa ăn no, chúng ta lại có cảm giác buồn ngủ?
Hiện tượng buồn ngủ sau khi ăn xảy ra ở hầu hết tất cả mọi người, nhưng bạn có biết những nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này cũng như liệu bạn có cần lo lắng về nó hay không? Phải chăng từ ngày xưa ông bà ta đã có câu: “Căng da bụng, chùng da mắt” để nói đến hiện tượng này?
Nói chung, cơn buồn ngủ ập đến sau bữa ăn là một hiện tượng hoàn toàn bình thường và không gây hại đến sức khỏe nên bạn không phải lo lắng về điều này. Chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu thêm lý do vì sao chúng ta lại hay buồn ngủ sau khi ăn.
Nguyên nhân gây buồn ngủ
Nếu bạn đang đi du lịch vào các kỳ nghỉ thì việc lịch trình thất thường, căng thẳng hoặc hiện tượng lệch múi giờ có thể là nguyên nhân dẫn đến những cơn buồn ngủ bất chợt. Tuy nhiên, một vài sự thay đổi hormone trong cơ thể khi bạn ăn uống cũng là nguyên nhân gây buồn ngủ. Thêm vào đó, những thực phẩm chứa hàm lượng carbohydrate cao, giàu chất béo hay đường (khoai tây nghiền bơ, bánh bí đỏ,…) sẽ kích hoạt phản ứng của hệ thống thần kinh ngay khi chúng vào đến ruột non. Phản ứng này xảy ra ở hệ thần kinh giao cảm, có chức năng thông báo và điều khiển cơ thể hoạt động chậm lại và tập trung tiêu hóa thức ăn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một nhóm tế bào trong não được gọi là orexin có trong hypothalamus rất nhạy cảm với hàm lượng glucozo và nhóm tế bào này tăng lên rất nhanh sau các bữa ăn. Những tế bào thần kinh này sản sinh protein, orexin làm cho não bạn giảm đi sự tỉnh táo và dẫn đến cơn buồn ngủ.
Tuy nhiên, orexin không phải là hormone thần kinh duy nhất chịu ảnh hưởng bởi thức ăn. Khi lượng đồ ăn tăng lên, đồng nghĩa với việc hàm lượng insulin (đóng vai trò như một phần của hệ tiêu hóa) được giải phóng càng nhiều. Trong khi đó, insulin lại làm tăng lượng serotonin và melatonin phủ sóng toàn bộ não của bạn và hai chất này chính là nguyên nhân gây cho bạn cảm giác buồn ngủ.
Không có cách nào tránh được phản ứng buồn ngủ của cơ thể sau những bữa ăn ngoài việc giảm thiểu khẩu phần ăn, giảm thực phẩm giàu chất béo, carbohydrate và đường. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lo lắng vì điều này xảy ra bình thường và không gây hại cho sức khỏe.
Các yếu tố khác
Chu kỳ tiêu hóa
Cơ thể bạn cần năng lượng để hoạt động, không phải là chỉ để chạy bộ hay tập gym mà để thở hoặc chỉ đơn giản là để tồn tại. Nguồn năng lượng mà chúng ta có được đa phần từ thức ăn. Thức ăn sau khi tiêu hóa được phân giải thành nhiên liệu hoặc glucozo trong hệ thống tiêu hóa. Sau đó, các chất dinh dưỡng đa lượng này có nhiệm vụ cung cấp calo và năng lượng cho cơ thể thực hiện các hoạt động sống. Không chỉ có chức năng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, chu kỳ tiêu hóa còn giúp kích hoạt các phản ứng bên trong cơ thể.
Các loại hormone như cholecystokinin (CCK), glucagon và amylin được giải phóng làm tăng cảm giác no, lượng đường trong máu tăng lên. Bên cạnh đó, insulin được sản sinh để lượng đường này đi từ máu vào các tế bào, nơi mà chúng được dùng để tạo năng lượng.
Có nhiều loại hormone cùng lúc có thể tăng lên trong não bộ, như serotonin gây buồn ngủ. Melatonin là một loại hormone không được giải phóng do ăn uống và cũng gây cho bạn cảm giác buồn ngủ.
Chế độ ăn uống
Mặc dù thực phẩm đều được tiêu hóa cùng một quá trình, nhưng ảnh hưởng của chúng đối với cơ thể lại không giống nhau.
- Nhiều loại thực phẩm, ví dụ như gà tây, có thể làm cho bạn dễ cảm thấy buồn ngủ hơn so với những loại thực phẩm khác. Gà tây và các loại thực phẩm giàu protein khác cùng với rau chân vịt, đậu nành, trứng, phô mai, tàu hủ và cá có chứa amino axit tryptophan được cơ thể sử dụng để tạo ra serotonin gây nên những cơn buồn ngủ.
- Cherry ảnh hưởng đến lượng melatonin, carbohydrate tăng đột ngột và cũng làm giảm lượng đường trong máu.
- Các khoáng chất có trong chuối giúp thư giãn cơ bắp. Bất kỳ yếu tố nào ở trên cũng có thể là yếu tố làm bạn cảm thấy buồn ngủ sau những bữa ăn.
Tuy nhiên, vẫn có những loại thực phẩm không tạo cảm giác buồn ngủ.
- Ví dụ, một chế độ ăn cân bằng bao gồm rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh sẽ giúp thúc đẩy nguồn năng lượng bền vững cho cơ thể.
- Uống nhiều nước, tránh thực phẩm quá nhiều đường, chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều bữa trong ngày cũng là những biện pháp giúp bạn giảm đi hiện tượng này.
Thói quen ngủ
Việc ngủ đủ giấc và chất lượng giấc ngủ cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến phản ứng của cơ thể sau những bữa ăn. Nếu bạn thấy no và thoải mái sau bữa ăn, cơ thể bạn sẽ có xu hướng muốn được nghỉ ngơi.
Bạn nên ngủ đủ giấc để giảm căng thẳng. Tập thể dục và vận động thể thao hằng ngày cũng là một cách để có được những giấc ngủ ngon hơn. Có những nghiên cứu cho thấy việc ngủ trưa giúp cải thiện sự tỉnh táo cả về tinh thần lẫn thể chất.
Các hoạt động thể chất
Tập thể dục không chỉ giúp bạn rèn luyện sức khỏe mà còn tỉnh táo suốt cả ngày, hạn chế được cơ thể bị trì trệ sau những bữa ăn. Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường năng lượng và giảm mệt mỏi, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho bạn trong cuộc sống hàng ngày.
Điều kiện sức khỏe
Trong những trường hợp hiếm gặp, cảm giác mệt mỏi sau bữa ăn hay thường xuyên buồn ngủ cũng có thể là những dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe. Bệnh tiểu đường, thiếu máu, bệnh celiac, không dung nạp thức ăn và ngưng thở khi ngủ có thể làm cho tình trạng buồn ngủ sau bữa ăn tồi tệ hơn. Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi hoặc gặp phải các bệnh lý trên, bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn và tìm ra giải pháp khắc phục.
Cảm giác mệt mỏi sau bữa ăn là hoàn toàn bình thường
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi sau bữa ăn, đừng quá lo lắng bởi đó chỉ là những phản ứng của cơ thể đối với những thay đổi sinh hóa, gây ra bởi quá trình tiêu hóa của bạn. Nói cách khác, đây là hiện tượng tự nhiên của cơ thể và là hoàn toàn bình thường.
Chúng tôi hy vọng đã cung cấp cho bạn những hiểu biết bổ ích về cảm giác buồn ngủ sau khi ăn để bạn biết cách điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp hơn nhé.