Bệnh thận đái tháo đường là bệnh làm giảm chức năng thận xuất hiện ở một số người có bệnh tiểu đường. Nó có nghĩa là thận của bạn không làm tốt những việc mà nó từng làm để loại bỏ các chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể bạn.
Những chất thải này có thể tích tụ trong cơ thể bạn và gây tổn thương đến các cơ quan khác. Chúng tôi sẽ mách bạn 10 điều mọi người hay thắc mắc về bệnh thận đái tháo đường.
1. Nguyên nhân nào gây ra bệnh thận đái tháo đường?
Nguyên nhân của bệnh thận đái tháo đường rất phức tạp và có thể liên quan đến nhiều yếu tố. Một số chuyên gia cho rằng những thay đổi trong lưu thông máu của các bộ phận lọc của thận (tiểu quản thận) có thể đóng một vai trò quan trọng.
2. Khi nào bạn có nguy cơ cao hơn mắc bệnh thận đái tháo đường?
Các yếu tố nguy cơ sau đây có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này: huyết áp cao, kiểm soát glucose (đường) kém, xu hướng do di truyền và chế độ ăn uống.
3. Nếu mắc bệnh tiểu đường, làm thế nào để biết thận của bạn có bị ảnh hưởng không?
Trong giai đoạn đầu, bạn có thể không có triệu chứng bệnh nào cụ thể. Khi chức năng thận suy giảm hơn nữa, chất thải độc hại tích tụ, bệnh nhân thường cảm thấy dạ dày của họ khó chịu, buồn nôn, ăn không ngon, bị nấc cục và tăng cân do giữ nước. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị suy tim và có dịch trong phổi của họ.
4. Có xét nghiệm nào có thể được thực hiện để biết bạn có bị bệnh thận hay không?
Câu trả lời là có. Việc chẩn đoán dựa vào sự hiện diện của một lượng protein bất thường trong nước tiểu. Một loạt các xét nghiệm có thể được thực hiện để cho biết liệu bạn có bị bệnh thận hay không. Xét nghiệm được sử dụng rộng rãi nhất là creatinin và BUN huyết thanh (lượng nito có trong urea máu). Những xét nghiệm này không quá nhạy vì chúng chỉ bắt đầu thay đổi khi bệnh nặng hơn. Những xét nghiệm nhạy hơn khác bao gồm: việc thải creatinin, tốc độ lọc của cầu thận (GFR) và lượng albumin trong nước tiểu.
Ở những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường tuýp 1 (xuất hiện ở tuổi vị thành niên hoặc phụ thuộc vào insulin), chẩn đoán về bệnh thận sớm có thể dựa vào sự hiện diện của một lượng rất nhỏ protein trong nước tiểu (microalbuminuria). Những phương pháp đặc biệt là cần thiết để đo lường những lượng nhỏ protein. Khi lượng protein trong nước tiểu đủ nhiều để có thể tìm ra bằng các xét nghiệm tiêu chuẩn, bệnh nhân sẽ được báo là họ mắc bệnh thận đái tháo đường “lâm sàng”.
5. Trong bao lâu thận sẽ bị ảnh hưởng?
Hầu hết tất cả các bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1 đều phát triển một số bằng chứng về sự thay đổi chức năng của thận trong vòng 2–5 năm sau chẩn đoán. Khoảng 30–40% bệnh thận sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, thường là trong khoảng 10–30 năm.
Các trường hợp bệnh tiểu đường tuýp 2 (xuất hiện lúc lớn hoặc không phụ thuộc insulin) ít được xác định, nhưng nó được cho rằng sẽ tương tự như tuýp 1. Tất nhiên, ngoại trừ việc nó xảy ra ở độ tuổi lớn hơn.
6. Bạn có thể làm gì để ngăn ngừa bệnh thận đái tháo đường?
Có chứng cứ cho rằng việc kiểm soát cẩn thận glucose (lượng đường) giúp ngăn ngừa bệnh thận ở những người bị bệnh tiểu đường. Bạn nên làm đúng, cẩn thận theo toa thuốc của bác sĩ về chế độ ăn uống và thuốc men để giúp kiểm soát mức đường của bạn.
7. Nếu thận đã bị ảnh hưởng, bạn có thể kiềm chế để bệnh không trở nặng không?
Việc ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận là điều có thể. Vì huyết áp cao là một trong những yếu tố chính dự đoán rằng những bệnh nhân tiểu đường sẽ phát triển bệnh thận nghiêm trọng, điều quan trọng là bạn phải uống thuốc trị huyết áp cao đúng liều lượng nếu bạn bị cao huyết áp.
Bác sĩ có thể khuyên bạn nên có một chế độ ăn ít protein, làm giảm lượng việc mà thận của bạn phải làm. Bạn cũng nên tiếp tục thực hiện theo chế độ ăn uống dành cho người mắc bệnh tiểu đường và uống đủ các thuốc được kê toa.
8. Có phương pháp điều trị mới nào có thể giúp bạn không?
Câu trả lời là có. Một số nghiên cứu cho rằng một nhóm các thuốc trị huyết áp cao được gọi là chất ức chế ACE có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh thận tiểu đường. Những thuốc này làm giảm huyết áp trong cơ thể của bạn, và chúng có thể làm giảm áp lực trong việc lọc của thận (các cầu thận). Chúng có thể có lợi mà không liên quan đến những thay đổi trong huyết áp.
Những bệnh nhân dùng những thuốc này có thể có ít protein trong nước tiểu. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ để xem liệu các loại thuốc này có thể giúp bạn không.
9. Bao nhiêu người mắc bệnh thận đái tháo đường phát triển bệnh suy thận?
Khoảng 30% những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và khoảng 10–40% những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ phát triển suy thận giai đoạn cuối, cần điều trị để duy trì cuộc sống. Một số nhóm dân số, chẳng hạn như người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa, có nguy cơ cao phát triển suy thận từ bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn người Mỹ gốc Âu châu.
10. Nếu bị suy thận, bạn cần phải làm gì?
Nếu thận của bạn bị suy, bạn có thể được điều trị lọc máu hoặc bạn có thể là một ứng viên cho một ca ghép thận. Hai phương pháp lọc thận có sẵn hiện nay lọc máu và thẩm phân phúc mạc. Bác sĩ sẽ thảo luận về những sự lựa chọn điều trị cho bạn. Các quyết định về phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn sẽ dựa trên bệnh lý, lối sống, sinh hoạt và sở thích cá nhân của bạn.