Định nghĩa
Nhiễm nấm Cryptococcus là bệnh gì?
Nhiễm nấm Cryptococcus là bệnh lý gây ra khi hít các bào tử nấm Cryptococcus neoformans. Người bình thường khỏe mạnh hiếm khi mắc phải bệnh này. Tuy nhiên bệnh sẽ nghiêm trọng hơn ở những người mắc chứng rối loạn hệ thống miễn dịch hoặc có hệ miễn dịch yếu, không đủ khả năng đề kháng sự xâm nhập các bào tử nấm.
Những ai thường bị nhiễm nấm Cryptococcus?
Ai cũng có thể nhiễm nấm Cryptococcus, tuy nhiên triệu chứng chỉ thường thấy ở những người bị rối loạn hệ thống miễn dịch hoặc có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như bệnh nhân HIV/AIDS. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm nấm Cryptococcus là gì?
Người bình thường khỏe mạnh thường sẽ không xuất hiện triệu chứng gì khi nhiễm phải loại nấm này. Nhưng ở những người có hệ miễn dịch yếu, sự nhiễm trùng có thể lan đến não. Hầu hết những người mắc bệnh khi được chẩn đoán thường có triệu chứng sưng, kích thích não bộ và tủy sống khi họ được chẩn đoán.
Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm:
- Đau ngực âm ỉ;
- Ho khan;
- Nhức đầu nặng;
- Sốt;
- Mờ mắt, hoặc bị song thị (nhìn ra 2 hình ảnh khác nhau của cùng 1 vật);
- Lú lẫn;
- Buồn nôn;
- Nổi mẩn đỏ trên khuôn mặt và loét da;
- Đổ mồ hôi nhiều bất thường vào buổi tối;
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra nhiễm nấm Cryptococcus là gì?
Nhiễm loại nấm có tên là Cryptococcus neoformans là nguyên nhân gây bệnh. Bào tử loại nấm này thường được tìm thấy trong đất và xâm nhập vào cơ thể bạn qua phổi khi bạn hít phải chúng. Những người bị virus HIV (HIV), cấy ghép nội tạng, ung thư, hoặc hệ miễn dịch suy yếu do bệnh hoặc những người không có lá lách (đã bị cắt bỏ) có nhiều nguy cơ nhiễm loại nấm này hơn. Ở những trường hợp này, nhiễm nấm Cryptococcus hoàn toàn có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị nhiễm nấm Cryptococcus?
Các yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh nấm Cryptococcus, bao gồm:
- Mắc bệnh HIV/AIDS;
- Từng phải cấy ghép nội tạng;
- Từng trải qua hóa trị để chữa trị ung thư;
- Mắc bệnh Hodgkin;
- Dùng thuốc corticosteroid liều cao.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị nhiễm nấm Cryptococcus?
Hầu hết những người có hệ miễn dịch bình thường sẽ tự khỏe lại mà không cần điều trị. Tuy nhiên những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có thể cần nhập viện và điều trị suốt đời để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng lan rộng.
Các bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc kháng nấm và phải sử dụng trong thời gian dài. Bao gồm:
- Amphotericin B;
- Flucytosine;
- Fluconazole.
Lưu ý: Amphotericin B có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm nấm Cryptococcus?
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nấm Cryptococcus thông qua khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm để phát hiện tình trạng nhiễm trùng và khả năng lan rộng như:
- Cấy trùng máu;
- Chụp CT đầu;
- Thử đờm;
- Sinh thiết phổi;
- Nội soi phế quản;
- Phân tích dịch tủy não;
- Chụp X-quang ngực;
- Xét nghiệm kháng nguyên nấm Cryptococcus.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm nấm Cryptococcus?
Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:
- Cần phải tránh các khu vực có khói bụi nhiều và ô nhiễm, đặc biệt là nếu bạn có một hệ miễn dịch yếu;
- Nghỉ ngơi cho đến khi sốt và ho cải thiện;
- Có thể dùng acetaminophen để giảm đau nhẹ và sốt;
- Uống đủ nước và có một chế độ ăn uống lành mạnh. Bạn có thể chia bữa chính ra thành các bữa nhỏ nếu bị buồn nôn;
- Gặp bác sĩ thường xuyên để theo dõi và kiểm tra xem bệnh có tái phát không. Không bỏ liều hoặc ngưng dùng thuốc chống nấm.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được có giải đáp tốt nhất.