Những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) đang tăng lên ngày càng nhiều giữa những người đàn ông đồng tính và lưỡng tính, đặc biệt là bệnh giang mai. Năm 2014, đàn ông đồng tính và lưỡng tính chiếm đến 83% trường hợp giang mai kỳ I và kỳ II ở Mỹ. Ngoài ra, những người đàn ông này thường có nguy cơ nhiễm bệnh lậu và u lympho hạt sinh dục nhiều hơn những người khác không quan hệ đồng tính.
Trong đó, HPV (vi rút gây u nhú ở người) là tác nhân lây truyền phổ biến nhất ở Mỹ và đang trở thành mối đe dọa lớn trong các mối quan hệ giữa những người đồng tính nam giới bởi vì một vài chủng HPV có thể làm tiến triển ung thư miệng hoặc hậu môn.
Theo các thống kê thì những người đàn ông đồng tính hoặc lưỡng tính có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao gấp 17 lần những người đàn ông thích giao hợp với người khác giới và những người đàn ông dương tính với HIV thường có khả năng mắc ung thư hậu môn cao hơn.
Quan hệ đồng tính: Bệnh tình dục lây lan qua đường nào?
Những căn bệnh này thường lây nhiễm thông qua các con đường quan hệ tình dục không dùng bao cao su với người nhiễm bệnh bao gồm quan hệ tình dục qua đường miệng, hậu môn và âm đạo cũng như các tiếp xúc với cơ quan sinh dục. Mặc dù sử dụng bao cao su cũng có thể ngăn ngừa lây nhiễm HPV và HSV, tuy nhiên hai tác nhân này vẫn có thể lây lan thông qua các tiếp xúc ở những vùng xung quanh bộ phận sinh dục.
Một số những căn bệnh lây truyền như HIV, u lympho hạt sinh dục và bệnh lậu có thể lây lan thông qua chất dịch của cơ thể, cụ thể là tinh dịch. Ngoài ra, các căn bệnh lây truyền khác bao gồm HIV và viêm gan siêu vi B có thể lây lan thông qua đường máu, trong khi bệnh mụn giộp cơ quan sinh dục, bệnh giang mai và HPV lại có thể lây truyền qua các tiếp xúc qua bộ phận sinh dục.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tình dục
Phần lớn các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục thường không biểu hiện bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu bất thường nào, vì thế bạn hoặc người ấy của bạn có thể mắc bệnh mà không hề hay biết.
Cách duy nhất để biết chắc chắc bạn có nhiễm những căn bệnh này hay không là tiến hành kiểm tra sức khỏe. Theo nghiên cứu thì những người mắc những căn bệnh này như mụn giộp sinh dục có nguy cơ mắc HIV cao hơn những người khác.
Khi nào thì bạn nên đi xét nghiệm?
Tất cả những người đồng tính nam, lưỡng tính và những người đàn ông có quan hệ tình dục với người đồng giới nên đi kiểm tra các căn bệnh lây qua đường tình dục thường xuyên.
Thực tế, những người mắc bệnh giang mai khiến họ có nguy cơ mắc cũng như lây truyền HIV cho những người khác. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo những người đàn ông đồng tính và lưỡng tính nên đi kiểm tra các căn bệnh lây truyền dưới đây ít nhất một năm một lần:
- HIV
- Bệnh giang mai
- Viêm gan B
- Viêm gan C (nếu bạn sinh trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1965, hoặc có những hành vi nguy cơ)
- Bệnh lậu hoặc u lympho sinh dục ở trực tràng và dương vật
- Bệnh lậu ở cổ họng nếu bạn quan hệ tình dục qua đường miệng.
Đôi khi, các bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn tiến hành một xét nghiệm máu để tìm ra mụn giộp sinh dục. Nếu bạn quan hệ với nhiều hơn một người hoặc thường quan hệ tình dục với người lạ, bạn nên kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên hơn, đặc biệt là HIV (tốt nhất là 3 đến 6 tháng 1 lần). Ngoài ra, bạn cũng phải thành thật trao đổi với các bác sĩ về tiền sử quan hệ tình dục đồng thời bạn nên tiêm phòng các bệnh như viêm gan A, B và HPV.
Thêm vào đó, việc tìm hiểu những thông tin giúp ích cho quá trình chăm sóc và chung sống cùng HIV cũng hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc điều trị căn bệnh thế kỷ này.
Làm thế nào để bạn phòng ngừa những căn bệnh này?
Với bất kỳ ai, nếu đã quan hệ tình dục thường xuyên thì nguy cơ mắc các căn bệnh lây truyền của họ luôn cao hơn những người khác. Tuy nhiên, có rất nhiều biện pháp mà bạn có thể thực hiện để bảo vệ sức khỏe của mình.
Một trong số đó là tìm hiểu về cách những căn bệnh này lây truyền cũng như làm thế nào bạn có thể giảm đi khả năng mắc chúng bằng những phương pháp sau đây:
- Tiêm phòng: những người đồng tính nam hoặc đàn ông lưỡng tính sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền như viêm gan A, viêm gan B và HPV. Vì lý do này, đàn ông nên tiêm phòng vắc xin ngừa viêm gan A và B và HPV trước 26 tuổi
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
- Khuyên “đối tác” của bạn đi tiêm phòng cũng như khám sức khỏe các bệnh lây truyền trước khi quan hệ
- Sử dụng bao cao su đúng cách trong mỗi lần quan hệ
- Suy nghĩ cẩn thận trước khi sử dụng rượu hoặc các thuốc kích thích khi quan hệ tình dục
- Không quan hệ tình dục với nhiều người
- Hiểu rõ tình trạng của bản thân để có thể chăm sóc sức khỏe bản thân và người bạn đời của mình.
Những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể được chữa trị hay không?
Một số căn bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu và bệnh giang mai đã có thuốc đặc trị. Nếu bạn đã từng điều trị bệnh lây qua đường tình dục trước đó, bạn vẫn phải uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, cho dù tự cảm thấy mình đã khỏe hơn.
Ngoài ra, người ấy của bạn cùng điều trị cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với kết quả điều trị, bởi vì bạn có thể tái nhiễm cùng một căn bệnh khi quan hệ với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, những bệnh lây truyền như mụn giộp sinh dục và HIV không thể chữa khỏi nhưng bạn có thể kiểm soát chúng bằng cách uống các loại thuốc điều trị.
Cuối cùng, để bảo vệ sức khỏe tình dục cho bản thân cũng như người bạn đời, cách tốt nhất là bạn nên quan hệ tình dục một cách an toàn và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để được điều trị kịp thời.