Nếu như chức năng lọc của thận bị tổn thương, albumin và một số protein khác lớn hơn từ trong máu có thể thoát qua màng lọc cầu thận và vào trong nước tiểu.
Sự xuất hiện bất thường của protein trong nước tiểu gọi là protein niệu.
Mức độ và phân loại protein niệu (nếu chỉ có albumin trong nước tiểu thì còn gọi là albumin niệu) có thể giúp đánh giá mức độ tổn thương thận. Protein niệu cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ suy giảm chức năng thận tiến triển. Dù chỉ là một lượng nhỏ albumin niệu hoặc protein niệu cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Nguyên nhân protein niệu thoát qua thận là gì?
Có nhiều căn bệnh có thể gây viêm hệ thống lọc của thận, hay còn gọi là viêm cầu thận. Những bệnh khác có thể làm tổn thương màng lọc cầu thận và gây ra protein niệu bao gồm: đái tháo đường/tiểu đường, tăng huyết áp và một số bệnh thận khác.
Các xét nghiệm để xác định protein niệu
Viện Y tế và Chăm sóc Sức khoẻ Quốc gia Anh Quốc (NICE) khuyến cáo rằng bất kì ai có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính hoặc suy giảm chức năng thận đều cần phải làm xét nghiệm nước tiểu để định lượng protein niệu.
Xem thêm bài thận và hệ tiết niệuĐể kiểm tra thận có vấn đề hay không, ban đầu bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm que thử nước tiểu. Nếu bác sĩ của bạn nghi ngờ bạn mắc bệnh thận mạn tính hoặc suy giảm chức năng thận thì mẫu nước tiểu của bạn (tốt nhất là mẫu nước tiểu đầu tiên trong ngày) sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra. Đó là cách duy nhất để xác định một lượng nhỏ albumin và định lượng protein niệu.
Bạn có thể sẽ được đề nghị lặp lại xét nghiệm, đặc biệt trong trường hợp mẫu nước tiểu đầu tiên không phải lấy vào buổi sáng sớm bởi vì có một vài yếu tố khác có thể làm tăng lượng albumin trong nước tiểu.
Triệu chứng của protein niệu là gì
Lượng lớn protein trong nước tiểu có thể làm nước tiểu sủi bọt trong bồn cầu. Sự mất protein trong máu có thể làm thoát dịch từ trong máu ra ngoài và bạn có thể bị phù ở hai bàn tay, bàn chân, ở bụng và ở mặt. Đó là dấu hiệu của mất một lượng rất lớn protein được gọi là hội chứng thận hư.
Hầu hết những người có protein niệu sẽ không chú ý đến những dấu hiệu và triệu chứng bất thường liên quan đến vấn đề này. Xét nghiệm là cách duy nhất để xác định lượng protein trong nước tiểu.
Ai nên làm xét nghiệm tìm protein niệu định kỳ
NICE khuyến cáo rằng những người sau đây cần làm xét nghiệm nước tiểu để tìm protein niệu:
- Những người có chức năng thận kém hơn 60% so với bình thường
- Bệnh nhân đái tháo đường
- Bệnh nhân tăng huyết áp
- Bệnh nhân bị bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, suy tim mạn tính, bệnh mạch máu ngoại vi và bệnh mạch máu não
- Bệnh nhân với bệnh lý phức tạp có ảnh hưởng đến thận như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống (bệnh mà hệ thống miễn dịch tấn công và làm tổn thương các cơ quan và các mô)
- Bệnh nhân có người nhà mắc bệnh thận
- Bệnh nhân có máu trong nước tiểu
Bao nhiêu lâu cần xét nghiệm lại protein niệu
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận tiến triển nên làm xét nghiệm này tối thiểu một năm một lần, hoặc coi như là một xét nghiệm thường quy mỗi lần tới khám bác sĩ. Tần suất chính xác nên dựa vào tình trạng (hay mức độ nguy cơ) của từng bệnh nhân. Việc làm xét nghiệm protein niệu thường xuyên là rất quan trọng với bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính và đái tháo đường.
Nếu tôi có protein niệu, tôi cần được điều trị như thế nào?
Một khi đã chắc chắn có protein niệu, bác sĩ sẽ thường chỉ định một vài xét nghiệm khác giúp tìm ra nguyên nhân. Các bác sĩ chuyên khoa thận cũng sẽ hỗ trợ trong quá trình lập kế hoạch điều trị. Phương pháp điều trị bao gồm:
- Thuốc
- Thay đổi lối sống như giảm cân, tập thể dục và ngừng hút thuốc
- Thay đổi chế độ ăn
Nếu như bạn mắc đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc cả hai, mục đích đầu tiên trong tiến trình điều trị là kiểm soát đường máu và huyết áp, giúp đưa chúng về mức bình thường.
Tài liệu tham khảo
https://patient.info/health/chronic-kidney-disease-leaflet/proteinuria