Tìm hiểu chung
Phù vô căn là gì?
Phù là thuật ngữ y khoa dùng để mô tả tình trạng giữ nước, ứ nước trong cơ thể và gây sưng, phù nề. Còn “vô căn” nghĩa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chưa được tìm thấy.
Phù vô căn xuất hiện trong trường hợp người gặp phải không có bệnh lý về tim, thận hay gan. Nó thường liên quan đến bệnh đái tháo đường, béo phì và các vấn đề cảm xúc.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên đến gặp bác sĩ để tìm kiếm nguyên nhân gây phù (chẳng hạn như các vấn đề tiềm ẩn ở tim, thận hoặc mạch máu). Sau khi loại trừ hết các khả năng mà vẫn không rõ nguyên nhân thì bạn sẽ được chẩn đoán là phù vô căn.
Phù có thể xuất hiện định kỳ hoặc kéo dài trong một khoảng thời gian. Sưng ở mặt, tay và chân có thể phát triển nhanh chóng và gây ra những thay đổi đáng kể về cân nặng trong ngày của bạn. Tình trạng này có thể không liên quan đến vấn đề gì nghiêm trọng nhưng sẽ gây phiền toái trong cuộc sống.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng phù vô căn
Bạn có thể cảm thấy sưng nhẹ ở bàn chân, bàn tay, bụng, ngực và mặt. Tình trạng này thường tệ hơn vào cuối ngày và có thể tự hết sau một đêm nghỉ ngơi. Khi bị phù, bạn nên tháo nhẫn, vòng tay và mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để cảm thấy dễ chịu hơn.
Nhiều người khi bị phù vô căn cho biết họ đã tăng hơn khoảng 2kg vào buổi tối so với cân nặng đo được ở buổi sáng. Do đó, bạn nên sử dụng cân để theo dõi và ghi nhận trọng lượng cơ thể vào mỗi buổi sáng, tối cũng như sau khi đi vệ sinh.
Nguyên nhân
Nguyên nhân phù vô căn là gì?
Nguyên nhân cơ bản dường như là do dịch bị rò rỉ ra khỏi các mạch máu nhỏ và đi vào mô. Thế nhưng, tại sao điều này lại xảy ra thì vẫn chưa biết rõ. Thông thường, phù thường nặng hơn sau khi đứng trong khoảng thời gian dài vì áp lực trong tĩnh mạch khi đứng tăng lên so với khi nằm. Việc đi lại nhiều hoặc ngồi yên một chỗ trong thời gian dài cũng khiến tình trạng sưng, phù trở nên nghiêm trọng hơn.
Một nguyên nhân có khả năng khác là do cơ thể giữ muối (natri) lại, khiến dịch cũng không được đào thải ra ngoài và gây phù nề.
Một nguyên nhân khác thường bị bỏ qua và gây khó khăn trong việc chẩn đoán là chế độ ăn xen kẽ giữa một chế độ ăn uống bình thường và chế độ ăn kiêng. Điều này có thể gây ra tình trạng ứ nước không liên tục.
Những ai thường bị phù vô căn?
Phù vô căn chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trung niên và có thể nặng dần theo thời gian. Nhiều người cảm thấy tình trạng phù tệ hơn vào những thời điểm nhất định trong tháng (thường là ngay trước khi có kinh nguyệt).
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán phù vô căn?
Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán phù vô căn ở những phụ nữ trẻ dựa trên khám sức khỏe thông thường và tiền sử bệnh mà không cần làm thêm xét nghiệm nếu không có lý do nghi ngờ nào khác.
Tuy vậy, một số xét nghiệm để xác nhận phù vô căn có thể giúp ích trong những trường hợp khó và chỉ được chỉ định khi có nghi ngờ đáng kể trong chẩn đoán.
- Kiểm tra cân nặng vào buổi sáng và buổi chiều tối. Bạn nên tự cân trọng lượng cơ thể khi không mặc quần áo và bàng quang đang rỗng trước khi ăn/uống vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Nếu cân nặng tăng trung bình khoảng 0,7kg thì có thể là tình trạng phù vô căn.
- Kiểm tra lượng nước tiểu. Sau khi ngưng dùng thuốc lợi tiểu trong ít nhất 10 ngày, bạn uống 20ml/kg (tối đa 1.500ml) nước lọc trong hơn 20 phút, đôi khi từ 7 giờ 30 đến 9 giờ sáng. Nước tiểu được thu thập trong mỗi giờ, bắt đầu từ 1 giờ trước khi uống nước và kết thúc 4 giờ sau đó. Vào ngày đầu tiên, bạn cần đi chậm hoặc đứng trong khoảng thời gian 4 tiếng này. Ngày thứ hai, lặp lại tương tự nhưng sẽ nằm nghiêng trong khoảng 4 giờ cần thu thập nước tiểu. Ở những người bị phù vô căn, có ít hơn 55% lượng nước uống vào được bài tiết ở tư thế đi hoặc đứng và nhiều hơn 65% lượng nước bài tiết ở tư thế nằm nghiêng.
Những phương pháp điều trị phù vô căn
Hầu hết những người bị phù vô căn đều giảm bớt các triệu chứng sưng, giữ nước trong cơ thể nhờ thực hiện chế độ ăn giảm muối (giảm bớt natri), ít carbohydrate.
Đối với những đã từng dùng thuốc lợi tiểu, việc ngưng sử dụng thuốc trong thời gian ngắn cũng giúp cải thiện các triệu chứng.
Những người không đáp ứng với điều trị ban đầu có thể gặp khó khăn trong việc điều trị. Tuy nhiên, các phương pháp khác như sử dụng thuốc trị huyết áp (thuốc ức chế men chuyển) cũng cho thấy hiệu quả trong một số trường hợp.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa phù vô căn?
Một số cách bạn có thể thử để giảm bớt triệu chứng phù cũng như ngăn ngừa chúng tái phát:
Tránh đứng quá lâu
Điều này có thể không dễ gì thực hiện được, đặc biệt khi công việc của bạn đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài. Bạn hãy thử mang tất (vớ) hỗ trợ hoặc quần bó, chúng có thể giúp giảm sưng phù ở mắt cá chân và cẳng chân.
Các sản phẩm này có rất nhiều loại với nhiều kích cỡ khác nhau, giúp bạn cảm thấy thoải mái khi mặc. Bác sĩ cũng có thể chỉ định bạn sử dụng vớ hỗ trợ y khoa.
Giảm cân
Thừa cân có thể gây ứ nước trong cơ thể nên giảm cân và duy trì trọng lượng khỏe mạnh bình thường có thể cải thiện cũng như phòng ngừa phù nề. Tuy nhiên, bạn nên lên kế hoạch giảm cân từ từ thay vì nhịn ăn liên tục.
Thay đổi chế độ ăn
Những gì bạn ăn uống hàng ngày có thể góp phần gây ra tình trạng ứ nước. Vì vậy, bạn nên:
- Hạn chế lượng muối (natri). Phù vô căn thường được cải thiện đáng kể nếu bạn giảm bớt lượng muối ăn hàng ngày. Hãy cố gắng hạn chế nêm muối vào các món ăn, giảm tiêu thụ những thực phẩm chế biến sẵn vì các sản phẩm này thường chứa rất nhiều natri.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu kali. Thực phẩm giàu kali thực sự giúp giảm bớt nồng độ muối trong cơ thể, từ đó có khả năng cải thiện chứng phù nề. Thực phẩm giàu kali bao gồm hầu hết các loại trái cây, nhất là chuối và cà chua. Lưu ý, bạn không nên dùng các viên thực phẩm chức năng bổ sung kali.
Thuốc lợi tiểu
Nhiều người sử dụng thuốc lợi tiểu vì bị phù trong các bệnh lý khác. Tuy nhiên, đối với tình trạng phù vô căn, thuốc lợi tiểu có thể khiến các triệu chứng tệ hơn vì chúng làm rối loạn cân bằng giữa muối và nước trong cơ thể.
Có rất nhiều loại thuốc lợi tiểu khác nhau và một trong số đó không được khuyên dùng cho tình trạng phù vô căn. Do đó, bạn nên thảo luận với bác sĩ trước khi muốn dùng thuốc lợi tiểu.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.