Tìm hiểu chung
Bệnh hột xoài (u lympho sinh dục) là bệnh gì?
Bệnh hột xoài (hay còn gọi là u lympho sinh dục hoặc u hạt bạch huyết hoa liễu) là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là bệnh do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây nên. Vi khuẩn này đi qua da và niêm mạc bị xây xát vào các hạch bạch huyết, gây tắc nghẽn xung quanh hạch. Bệnh gây ảnh hưởng đến hạch bạch huyết, cơ quan sinh dục ngoài, thậm chí cả trực tràng và miệng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hột xoài (u lympho sinh dục) là gì?
Triệu chứng của bệnh hột xoài bắt đầu từ 1 đến 4 tuần sau khi tiếp xúc, sau đó cơ quan sinh dục ngoài có hiện tượng nổi bóng nước và lở loét, tuy nhiên những vết này có thể nhanh liền lại. Sau đó, hạch bạch huyết ở vùng bẹn sưng to, đỏ và căng đau. Áp xe (túi mủ) hình thành, rỉ mủ đục và dịch lẫn máu. Sốt, đau nhức cơ, đau đầu, chán ăn, nôn mửa và đau khớp có thể xảy ra.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Trong trường hợp bạn đang được điều trị bệnh hột xoài, nên gọi cho bác sĩ khi:
- Thân nhiệt tăng cao bất thường;
- Đau dữ dội mà thuốc giảm đau không có tác dụng;
- Bị tiêu chảy trong khi dùng thuốc kháng sinh;
- Cơ thể không dung nạp được thuốc.
Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh hột xoài (u lympho sinh dục)?
Nguyên nhân gây ra bệnh hột xoài là do vi khuẩn tên là Chlamydia trachomatis. Vi khuẩn này đi qua da và niêm mạc bị xây xát vào các hạch bạch huyết gây tắc nghẽn xung quanh hạch. Bệnh gây ảnh hưởng đến hạch bạch huyết, cơ quan sinh dục ngoài, thậm chí cả trực tràng và miệng.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: tiếp xúc với những độ vật chứa vi khuẩn Chlamydia trachomatis hoặc với người mắc bệnh không qua đường tình dục.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh hột xoài (u lympho sinh dục)?
Bệnh hột xoài là một bệnh hiếm gặp. Bệnh xuất hiện phổ biến ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Bệnh thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, độ tuổi từ 20 đến 40. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh hột xoài (u lympho sinh dục)?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hột xoài bao gồm:
- Hệ miễn dịch yếu;
- Bị nhiễm HIV;
- Bị các bệnh lây qua đường tình dục khác;
- Quan hệ tình dục không an toàn.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh hột xoài (u lympho sinh dục)?
Bác sĩ chẩn đoán dựa vào tiền sử phơi nhiễm gần đây, khám thực thể và xét nghiệm máu, bao gồm các xét nghiệm với bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bác sĩ có thể lấy mẫu vết thương để cấy vi khuẩn, nếu chủng Chlamydia hoặc kháng thể chống lại vi khuẩn xuất hiện chứng tỏ bạn đã mắc bệnh.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh hột xoài (u lympho sinh dục)?
Những phương pháp phổ biến được dùng để điều trị bệnh hột xoài bao gồm:
- Thuốc kháng sinh được dùng để chống nhiễm trùng và phải được uống trong 3 tuần;
- Các loại thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen và chườm nóng tại chỗ có thể được dùng điều trị khi các triệu chứng gây khó chịu ít;
- Người bệnh nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương;
- Ở một số trường hợp, phẫu thuật cần thực hiện để dẫn lưu hạch bạch huyết viêm nhiễm hoặc rạch bỏ áp xe. Các biến chứng có thể xảy ra gồm viêm mãn tính, liệt dương, rối loạn tiểu tiện và đại tiện.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hột xoài (u lympho sinh dục)?
Bệnh hột xoài có thể được hạn chế nếu bạn áp dụng những thói quen sinh hoạt sau:
- Quan hệ tình dục an toàn;
- Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ cho đến khi hết bệnh;
- Bệnh có thể bị tái phát, do đó bạn nên tái khám đều đặn theo lịch hẹn;
- Nói với bạn tình về tình trạng bệnh để họ có thể đi khám và được điều trị nếu cần;
- Nghỉ ngơi trong giai đoạn cấp của bệnh. Sau đó bạn có thể dần dần hoạt động bình thường trở lại.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.