Nhiều người thường có suy nghĩ sai lầm về việc phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh sẽ không bao giờ mang thai được nhưng trong thực tế, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh tim một cách an toàn trong quá trình mang thai.
Một vài trẻ không may mắn sinh ra với tật tim bẩm sinh, nghĩa là tim của trẻ không hoạt động bình thường như những trẻ khác (hay còn gọi là bệnh tim bẩm sinh hay dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em). Cho dù bạn sinh ra với bệnh tim bẩm sinh và đã phẫu thuật để chữa trị, nhưng không có nghĩa rằng bạn đã khỏi bệnh hoàn toàn. Hơn thế nữa, điều quan trọng bạn cần chú ý chính là việc mang thai sẽ khiến tim của bạn chịu áp lực cao và dẫn đến rất nhiều vấn đề khác. Vậy câu hỏi đặt ra là phụ nữ bị bệnh tim có mang thai được không? Hãy cùng HelloBacsi tìm hiểu thêm nhiều thông tin bổ ích về việc mang thai đối với người mắc bệnh tim bẩm sinh và những việc cần làm trước khi mang thai nhé.
Gặp bác sĩ tim mạch (chuyên gia về tim)
Thực tế cho thấy nhiều người mắc bệnh tim bẩm sinh không nhận ra rằng việc đi khám bác sĩ thường xuyên là điều rất quan trọng. Vì thế, họ không bao giờ gặp bác sĩ tim mạch để kiểm tra tổng quát hằng năm. Mang thai khiến tim bạn chịu nhiều áp lực, vì vậy nếu bạn có bệnh tim bẩm sinh, hãy nhờ đến các lời khuyên của bác sĩ tim mạch, người có kinh nghiệm trong việc chữa trị cho những phụ nữ mắc bệnh tim và mang thai để được tư vấn và chăm sóc. Việc tìm gặp bác sĩ để được tư vấn cần phải thực hiện trước thời gian thụ thai. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn đến khoa sản của bệnh viện để được chăm sóc đầy đủ hơn. Ngoài ra, bạn nên hỏi bác sĩ thêm nhiều thông tin khác. Bác sĩ tim mạch sẽ thăm khám và có kế hoạch chăm sóc cụ thể dành cho bạn. Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý việc chẩn đoán ảnh hưởng của bệnh tim bẩm sinh đến quá trình mang thai sẽ rất khó khăn, bởi vì mỗi trường hợp sẽ khác nhau. Tuy nhiên, những nguy cơ phát triển biến chứng nghiêm trọng xảy ra với phụ nữ thường rơi vào 3 loại: nguy cơ nhẹ, trung bình và nặng.
Bạn cần phải có sự chăm sóc kỹ lưỡng của bác sĩ tim mạch trong quá trình mang thai. Đây chính là cách duy nhất để phát hiện những nguy cơ này.
Trẻ
Bệnh tim bẩm sinh của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến em bé. Trẻ sinh ra có thể sẽ nhẹ hơn do tim của người mẹ không hoạt động hiệu quả để cung cấp oxy và dinh dưỡng cho nhau thai, do đó sức khỏe của trẻ sẽ giảm xuống. Ngoài ra, bạn có khả năng sinh non. Tùy thuộc vào từng loại của bệnh tim bẩm sinh mà bạn mắc phải sẽ quyết định trẻ có bị di truyền hay không, ví dụ như hội chứng Marfan. Bạn nên nắm rõ tình hình sức khỏe của bản thân để trẻ có thể được chăm sóc đặc biệt nếu cần thiết. Đôi khi, những dị tật của trẻ đã xuất hiện trước khi bé được sinh ra. Trong trường hợp này, bác sĩ và bệnh nhân cần thảo luận thật kỹ việc mang thai của sản phụ và sức khỏe của trẻ, khi đó, chuyên gia sức khỏe có thể đưa cho bạn lựa chọn tốt nhất.
Chữa trị và tự kiểm soát
Chuyên gia tim mạch có thể cho bạn một vài lời khuyên về những phương pháp điều trị bệnh tim phù hợp, phụ thuộc hầu hết vào tình trạng của bạn. Khi đó, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn kế hoạch chăm sóc cụ thể trước khi mang thai. Điều này có nghĩa bạn cần phải thay thế, điều chỉnh lượng thuốc uống mà bạn đã dùng. Các thuốc ức chế men chuyển (ACEs) là một ví dụ tốt, vì bác sĩ không đề nghị sử dụng chúng khi mang thai. Trong suốt giai đoạn mang thai, bạn cần phải nghe theo bất kỳ chỉ dẫn nào của bác sĩ như áp dụng chế độ ăn uống hoàn hảo cho tim mạch hay tập thể dục… Những hoạt động thể chất cường độ thấp như bơi lội hay đi bộ sẽ rất tốt để duy trì sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, bạn nên nói với bác sĩ trước khi thực hiện những chế độ thể dục mới.
Hầu hết phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh đều hy vọng có thể mang thai, sinh con khỏe mạnh và thành công. Mặc dù vậy, điều quan trọng cần làm là đánh giá tình hình bệnh thật kỹ và quan sát cẩn thận. Hãy chăm sóc sức khỏe thật tốt để sinh ra những em bé thật đáng yêu và khỏe mạnh bạn nhé!