Những phương pháp điều trị hở van tim hiện nay

(4.02) - 98 đánh giá

“Bệnh hở van tim có chữa được không?” là câu hỏi thường gặp ở những người được chẩn đoán mắc bệnh hở van tim. Thực tế, cách điều trị bệnh hở van tim sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trường hợp nhẹ có thể không cần chữa trị nhưng cũng có trường hợp cần sửa chữa hoặc thay van tim.

Tim được chia thành 4 ngăn và có 4 van giúp điều hòa lượng máu theo từng nhịp đập. Bốn van tim lần lượt là van ba lá, van hai lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Các van này sẽ chuyển động đóng, mở theo từng nhịp tim đập và có chức năng giữ cho máu chảy đúng hướng qua bốn ngăn tim rồi đi đến các cơ quan trong cơ thể.

Dị tật bẩm sinh, những vấn đề liên quan đến tuổi tác, nhiễm trùng hay nhiều lý do khác có thể khiến cho một hoặc nhiều van tim không đóng hoàn toàn. Từ đó, máu sẽ chảy ngược trở lại các ngăn tim. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn và ảnh hưởng đến khả năng bơm máu. Tình trạng này được gọi là hở van tim.

Một số người hở van tim nhẹ có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cũng như không cần phải điều trị. Họ vẫn sống với tình trạng này đến hết đời mà không gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên ở một số người, bệnh hở van tim có khả năng tiến triển dần đến khi xuất hiện các triệu chứng. Lúc này, nếu không được điều trị thì bệnh có thể gây suy tim, đột quỵ, đông máu hoặc dẫn đến tử vong do ngừng tim đột ngột.

Bệnh hở van tim có chữa được không?

Hiện nay chưa có loại thuốc có thể chữa khỏi tình trạng hở van tim. Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống và một số thuốc sẽ giúp điều trị được các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài. Lựa chọn cuối cùng khi hở van tim nặng là thực hiện phẫu thuật để sửa hoặc thay van tim mới.

Sử dụng thuốc là một cách điều trị bệnh hở van tim

Bác sĩ có thể chỉ định một vài thuốc cho bạn để điều trị các triệu chứng do hở van tim gây ra hoặc phòng ngừa biến chứng cho tim mạch. Các thuốc sử dụng thường có tác dụng:

  • Hạ huyết áp hoặc làm giảm nồng độ cholesterol trong máu
  • Ngăn ngừa rối loạn nhịp tim
  • Làm loãng máu và ngăn ngừa hình thành cục máu đông (nếu bạn đã phẫu thuật thay van tim)
  • Điều trị bệnh mạch vành để giảm bớt gánh nặng cho tim, giảm nhẹ các triệu chứng
  • Điều trị suy tim giúp mở rộng các mạch máu và thải trừ bớt dịch dư thừa trong cơ thể (chẳng hạn như thuốc lợi tiểu)

Cách điều trị bệnh hở van tim can thiệp: Sửa hoặc thay van tim

Một số van tim nhân tạo được dùng để thay thế cho van tim bị hư hỏng

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị bạn tiến hành phẫu thuật để sửa hoặc thay van tim mới. Việc này giúp phòng ngừa thiệt hại lâu dài cho tim và giảm nguy cơ đột tử.

Quyết định sửa hoặc thay van tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng hở van tim
  • Khi bạn cũng cần phẫu thuật để điều trị một bệnh lý về tim khác (chẳng hạn như bệnh mạch vành)
  • Tuổi tác và sức khỏe tổng thể

Nếu có thể, phương pháp giúp sửa van tim được ưu tiên hơn là thay van nhân tạo bởi vì cơ tim sẽ được cải thiện sức mạnh và phục hồi lại chức năng nhiều nhất có thể. Người bệnh sau khi phẫu thuật sửa van tim cũng ít có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn hơn là thay van tim. Hơn thế nữa, người bệnh cũng không cần uống thuốc làm loãng máu suốt đời.

Tuy vậy thì phẫu thuật sửa chữa khó thực hiện hơn so với thay van tim. Ngoài ra, không phải tất cả các van đều có thể chỉnh sửa được. Van hai lá có khả năng được phẫu thuật chỉnh sửa nhưng van động mạch chủ và van động mạch phổi thường phải thay thế hoàn toàn.

Sửa van tim

Bác sĩ phẫu thuật sẽ chỉnh sửa lại van tim bằng cách:

  • Vá lỗ hở ở van tim
  • Định hình lại các mô ở van tim để chúng đóng chặt hơn
  • Tách dính lá van

Đôi khi, bác sĩ điều chỉnh van tim bằng cách đặt ống thông (cather). Mặc dù thủ thuật đặt ống thông ít xâm lấn hơn phẫu thuật nhưng có thể không mang lại hiệu quả tốt cho một số người bệnh. Hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn và lựa chọn cách thức sửa van tim phù hợp nhất.

Thay van tim

Đôi khi, van tim không thể chỉnh sửa được mà cần phải phẫu thuật để thay van tim mới. Bác sĩ sẽ loại bỏ van tim và thay thế bằng van nhân tạo hoặc van sinh học.

Van tim sinh học được làm từ heo, bò hoặc mô tim của con người và có thể có những phần nhân tạo khác. Tuy nhiên, khi thay thế bằng van loại này, người bệnh cần sử dụng thuốc chống thải ghép để ngăn ngừa hệ miễn dịch đào thải tác nhân lạ ra khỏi cơ thể (thải ghép).

Van nhân tạo có thể tồn tại trong cơ thể lâu hơn van sinh học và thường không cần phải thay mới. Van sinh học có khi phải được thay mới sau khoảng 10 năm, có khi lâu hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng van nhân tạo thì bạn phải sử dụng thuốc làm loãng máu suốt đời.

Thuốc làm loãng máu sẽ giúp ngăn ngừa cục máu đông hình thành trên van tim nhân tạo. Nếu để huyết khối hình thành tại đây thì cơn đau tim hoặc đột quỵ có thể xảy ra. Hơn thế, van nhân tạo còn có khả năng gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cao hơn dùng van sinh học.

Hãy cùng thảo luận với bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp với mong muốn của bản thân nhất.

Các phương pháp khác giúp sửa và thay van tim

Ngày nay, có một số phương pháp giúp chỉnh sửa và thay van tim ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật truyền thống. Các phương pháp này chỉ tạo ra những vết mổ nhỏ hơn để tiếp cận đến van tim. Thời gian nằm viện cũng được rút ngắn, còn khoảng 3–5 ngày so với phẫu thuật truyền thống cần hơn 5 ngày theo dõi hậu phẫu.

Các phương pháp mới có xu hướng ít gây đau đớn hơn cho người bệnh và giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng. Không những thế, thời gian phục hồi cũng nhanh hơn, khoảng 2–4 tuần so với phẫu thuật truyền thống là 6–8 tuần.

Thay đổi lối sống giúp hỗ trợ điều trị hở van tim

Thay đổi chế độ ăn, tập luyện thể dục điều độ giúp phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm

Để hỗ trợ điều trị các bệnh về tim liên quan đến tình trạng hở van tim, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên thay đổi lối sống để tăng cường sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như:

  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho tim
  • Giữ cân nặng tốt cho sức khỏe
  • Kiểm soát các căng thẳng trong cuộc sống
  • Cố gắng hoạt động thể chất thường xuyên
  • Bỏ hút thuốc

Sống khỏe cùng căn bệnh hở van tim

Bệnh hở van tim có chữa được không thì đây vẫn là một bệnh lý mà bạn phải chung sống suốt đời. Cho dù ở mức độ nào, nếu bạn biết bản thân bị hở van tim thì hãy đến gặp bác sĩ thường xuyên để kiểm tra, theo dõi tiến triển của bệnh. Bạn sẽ được siêu âm tim và làm một số xét nghiệm cần thiết khác.

Ngay cả sau khi bạn thực hiện phẫu thuật sửa hay thay van tim mới thì cũng phải phòng ngừa các vấn đề tim mạch có khả năng xảy ra trong tương lai.


Nếu nhận thấy các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn hoặc xuất hiện những triệu chứng mới, bạn cần liên lạc ngay với bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng cần hỏi bác sĩ về những cách giúp thay đổi lối sống sao cho trái tim luôn khỏe mạnh.

Một trong những biến chứng nguy hiểm mà bạn cần ngăn ngừa khi bị hở van tim đó là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Tình trạng nhiễm trùng này có thể phá hủy van tim và dẫn đến tử vong.

Những người có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Đã từng phẫu thuật sửa hoặc thay van tim
  • Từng có một đợt viêm nội tâm mạc trước đó
  • Có các bệnh tim mắc phải (như bệnh thấp tim)
  • Có các loại bệnh van tim khác, ngoại trừ sa van hai lá mà không bị hở/rò rỉ

Bạn cần đến trung tâm y tế ngay khi phát hiện có những triệu chứng của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, như là:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau cơ
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Khó thở
  • Mệt mỏi, yếu ớt
  • Xuất hiện đốm đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân
  • Sưng bàn chân, cẳng chân và bụng

Cuối cùng, bạn nhớ sử dụng đầy đủ các thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Đừng quá lo lắng, bạn hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với căn bệnh này nhờ những cách điều trị phù hợp.

Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã trả lời được thắc mắc bệnh hở van tim có chữa được không cũng như hiểu thêm về những lựa chọn trong điều trị căn bệnh này.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Chữa bệnh về cương dương ở đàn ông tuổi trung niên

(74)
Bệnh cao huyết áp thường không có dấu hiệu hay triệu chứng gì. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó lên đời sống tình dục lại có thể rất rõ ràng. Mặc dù có ... [xem thêm]

Những dấu hiệu của trường mầm non mà bạn không nên cho con học

(16)
Nếu đang phân vân giữa muôn vàn các trường mầm non, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phần nào có được sự chọn lựa ưng ý và tránh những trường ... [xem thêm]

33 tuần

(72)
Hành vi và phát triểnBé phát triển như thế nào?Vào tuần đầu tiên của tháng thứ 9, con bạn sẽ có thể:Để 2 chân trên đất khi được giữ thẳng ... [xem thêm]

Tìm hiểu phương pháp sơ cứu khi trẻ bị mắc nghẹn ở cổ

(33)
Trẻ nhỏ thường cho những vật nhỏ vào miệng. Điều này có thể khiến trẻ bị mắc nghẹn ở cổ gây cản trở khí quản, dẫn đến nghẹt thở. Nếu không ... [xem thêm]

5 tác hại của căng thẳng mà bạn nên biết

(84)
Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng sức khỏe mà bạn không ngờ tới. Bạn đang cảm thấy cực kỳ khó chịu khi hàng tấn công ... [xem thêm]

Sưng hạch bạch huyết? Bạn nên cẩn thận nhé!

(87)
Sưng hạch bạch huyết thường cảnh báo về vấn đề nhiễm trùng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nguyên nhân dẫn đến vấn đề này không chỉ có vậy. Mời bạn ... [xem thêm]

15 cách xua tan cơn buồn ngủ để làm việc hiệu quả

(96)
Những cách hiệu quả và đơn giản nhất để xua tan cơn buồn ngủ khi làm việc, giúp bạn luôn năng động cả ngày đã được Hello Bacsi tổng hợp dưới đây ... [xem thêm]

Phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị viêm phổi bệnh viện

(14)
Hiện nay, việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị viêm phổi bệnh viện không hề dễ dàng. Do đó, các bác sĩ, nhân viên y tế cùng người nhà bệnh nhân cần ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN