Nếu một sáng bạn thức dậy và đột nhiên thấy mắt đỏ ngầu thì đừng làm ngơ. Có rất nhiều nguyên nhân đau mắt đỏ như viêm màng kết, xuất huyết kết mạc… và bạn đừng xem thường nhé!
Đau mắt đỏ là hiện tượng các mạch máu nhỏ xuất hiện trên bề mặt mắt bị to ra và tắc nghẽn. Điều này xảy ra khi không có đủ lượng oxy cung cấp cho giác mạc hoặc các mô trong mắt.
Nhìn chung, một đôi mắt đỏ không phải là vấn đề sức khỏe quá nghiêm trọng nhưng khi nó đi kèm với những cơn đau, chảy nhiều nước mắt hoặc suy giảm thị lực thì bạn cần phải dành nhiều sự quan tâm cho việc tìm cách khắc phục bởi có thể đó là dấu hiệu của những tình trạng y tế nghiêm trọng. Dưới đây là các nguyên nhân đau mắt đỏ mà bạn nên biết.
1. Viêm màng kết
Kết mạc là một màng mỏng trong suốt, nối 2 mí mắt trên và dưới để che đi phần trắng của đôi mắt. Viêm màng kết, hay còn được gọi là viêm kết mạc, là dạng bệnh nhiễm trùng bao gồm các triệu chứng sưng và kích thích kết mạc.
Nhiễm trùng kết mạc gây kích thích các mạch máu khiến chúng sưng lên và làm cho tròng trắng chuyển thành màu hồng hoặc đỏ.
Virus gây ra 80% trường hợp viêm kết mạc. Bệnh xảy ra ở trẻ em là chủ yếu và rất dễ lây lan. Việc lây bệnh thường là do tiếp xúc qua lại với các vật dụng cá nhân hoặc tay đã nhiễm bẩn. Ngoài ra, bệnh còn lây qua đường hô hấp.
Đối với người lớn, viêm kết mạc thường xảy ra do bị dị ứng với bụi hoặc đeo kính áp tròng quá lâu mà không vệ sinh đúng cách. Các dấu hiệu của triệu chứng viêm kết mạc bao gồm: ngứa mắt, chảy nhiều nước mắt, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, hạn chế tầm nhìn và cảm giác khó chịu ở một hoặc hai bên mắt.
Để kết luận bạn có bị viêm kết mạc hay không, bác sĩ thường căn cứ vào màu sắc của mắt và loại dịch do mắt tiết ra. Những người bị viêm kết mạc do vi khuẩn có thể không có triệu chứng đau mắt đỏ nhưng lại có dịch nhầy màu trắng, xanh hoặc vàng do mắt tiết ra. Lúc này, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch để xét nghiệm.
Các lựa chọn điều trị viêm kết mạc thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Để phòng tránh bệnh viêm kết mạc, bạn không nên thường xuyên dùng tay dụi mắt hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân như thuốc nhỏ mắt, mỹ phẩm, khăn hoặc gối với người khác.
2. Loét giác mạc
Loét giác mạc thường là vết loét nhỏ hoặc lớn trên giác mạc khi mắt bị nhiễm khuẩn. Chúng thường xuất hiện sau chấn thương mắt hoặc một số chấn thương khác ở những khu vực gần mắt. Ngoài ra còn có những nguyên nhân sau gây loét giác mạc như nấm, ký sinh trùng, khô mắt, dị ứng, nhiễm trùng lan rộng…
Đây là một bệnh nghiêm trọng của mắt. Nếu không được điều trị đúng cách, loét giác mạc có thế khiến bạn bị mất thị lực. Thậm chí có thể mất đi đôi mắt.
Phương pháp điều trị loét giác mạc phổ biến hiện nay là dùng kháng sinh và thuốc nhỏ mắt đặc biệt theo kê toa của bác sĩ. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể được chỉ định ghép giác mạc.
3. Hội chứng khô mắt
Một người không có đủ lượng nước mắt cần thiết để bôi trơn và nuôi dưỡng mắt được cho là mắc chứng khô mắt, hay còn gọi là hội chứng khô mắt. Nguyên nhân là do thay đổi nội tiết tố hoặc bạn đang dùng một số loại thuốc gây ra hội chứng khô mắt. Hiện tượng khô mắt mãn tính có thể làm cho bề mặt của mắt bị viêm và có màu đỏ. Các triệu chứng khô mắt thường là mỏi mắt, tầm nhìn bị hạn chế, chảy nhiều nước mắt, mắt khó chịu khi xem ti vi hoặc đọc sách.
Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mắt mới có thể xác định bạn có mắc hội chứng khô mắt hay không. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Hội chứng khô mắt mãn tính rất khó chữa trị nhưng có thể phòng ngừa. Đối với những trường hợp khô mắt thể nhẹ, bạn có thể sử dụng nước mắt nhân tạo, gel hoặc thuốc mỡ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu nghiêm trọng hơn, bạn phải phẫu thuật để giảm nhẹ tình trạng của hội chứng khô mắt.
4. Xuất huyết kết mạc (xuất huyết màng cứng)
Kết mạc chứa nhiều mạch máu và mao mạch. Khi những mạch này bị vỡ, máu sẽ rỉ ra khu vực tròng trắng của mắt.
Khi điều này xảy ra, sẽ có một lượng máu nhỏ tích tụ dưới kết mạc và được gọi là xuất huyết màng cứng. Nguyên nhân thường là do chấn thương mắt hoặc chấn thương quanh vùng mắt. Ngoài ra, việc dụi mắt quá mạnh cũng có thể làm xuất huyết kết mạc.
Bệnh xuất huyết kết mạc thường xảy ra nhiều ở những người bị tiểu đường, huyết áp cao hoặc đang dùng một số loại thuốc điều trị khác. Xuất huyết kết mạc chỉ xảy ra trên bề mặt của mắt, không gây ảnh hưởng đến giác mạc của người mắc bệnh.
Trương Phương Đài/ HELLO BACSI