Bạn có thể nghe cụm từ “cúm dạ dày” nhưng vẫn chưa viết đó là bệnh gì. Thật ra, đây là một tên gọi khác của bệnh viêm dạ dày ruột. Đây là một tình trạng phổ biến, thường khiến người bệnh bị tiêu chảy và nôn mửa. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.
Bệnh viêm dạ dày ruột là gì?
Viêm dạ dày ruột là tình trạng kích ứng đường tiêu hóa do virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra. Đây là một tình trạng phổ biến, chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn có trong thực phẩm hoặc tiếp xúc giữa người với người.
Triệu chứng viêm dạ dày ruột
Triệu chứng chính của bệnh này là tiêu chảy và nôn mửa. Ngoài ra, bạn có thể bị đau dạ dày, đau quặn bụng, sốt, buồn nôn và đau đầu.
Do tiêu chảy và nôn, bạn có thể bị mất nước. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu mất nước sau:
- Khô da
- Khô miệng
- Cảm thấy lâng lâng
- Rất khát nước
Bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ em
Trẻ mắc bệnh thường sẽ mất nước rất nhanh chóng, do đó bố mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước và đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi có bất cứ dấu hiệu mất nước.
Trong thời gian này, bạn cũng không được cho trẻ đến trường cho đến khi các triệu chứng biến mất. Không tự ý cho trẻ dùng thuốc vì một số loại có thể gây tác dụng phụ cho trẻ.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có:
- Các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng (chóng mặt kéo dài, nước tiểu ít hoặc không có, bất tỉnh)
- Tiêu chảy có máu
- Nôn mửa liên tục và không thể uống nước
- Sốt trên 38°C
- Các triệu chứng không cải thiện sau vài ngày
- Có bệnh nền nghiêm trọng, như bệnh thận, viêm ruột hoặc hệ miễn dịch kém, kèm với tiêu chảy và nôn
Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ em
Một người có thể mắc viêm dạ dày ruột qua các con đường sau:
- Tiếp xúc với người nhiễm virus
- Ăn phải thực phẩm hoặc uống nước bị ô nhiễm
- Không rửa tay sau khi đi vệ sinh
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm dạ dày ruột là virus, đặc biệt là rotavirus và norovirus.
Rotavirus là thường gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Norovirus là nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh viêm dạ dày ruột nghiêm trọng.
Mặc dù không phổ biến nhưng vi khuẩn như E. coli và salmonella cũng có thể gây ra bệnh cúm dạ dày.
Một loại vi khuẩn khác, shigella, thường có trong các cơ sở chăm sóc y tế. Chúng lây lan từ người sang người hoặc thông qua thức ăn và nước uống bị ô nhiễm.
Ký sinh trùng cũng có thể gây viêm dạ dày ruột, nhưng không phổ biến. Các sinh vật gây bệnh như giardia và cryptosporidium thường có ở các bể bơi hoặc nước uống bị ô nhiễm.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây kích ứng đường tiêu hóa như:
- Kim loại nặng (asen, cadmium, chì hoặc thủy ngân) trong nước uống
- Ăn nhiều thực phẩm có tính axit, như trái cây họ cam quýt và cà chua
- Độc tố trong một số loại hải sản
- Các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc kháng axit, thuốc nhuận tràng và thuốc hóa trị
Xem biểu đồ giải phẫu bệnh Viêm dạ dày ruột để hiểu rõ hơn
Những phương pháp nào giúp chẩn đoán bệnh viêm dạ dày ruột?
Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng của người bệnh. Để loại trừ các tình trạng sức khỏe có các biểu hiện tương tự, bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm phân giúp tìm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng trong phân
- Soi đại tràng sigma giúp phát hiện các dấu hiệu của bệnh viêm ruột. Nội soi sigmoidoscopy là một thủ tục kéo dài 15 phút thường không cần dùng thuốc an thần.
Điều trị bệnh viêm dạ dày ruột
Hầu hết những người bị cúm dạ dày không cần điều trị. Biện pháp để phục hồi nhanh chóng và an toàn tại nhà là bổ sung nước đúng cách. Nếu tình trạng mất nước xảy ra, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Đây là phương pháp điều trị giúp bù nước nhanh chóng.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định các loại thuốc khác để giảm các triệu chứng của viêm dạ dày ruột. Ví dụ, promethazine, prochlorperazine hoặc ondansetron giúp giảm nôn. Các thuốc này thường ở dạng viên đạn hoặc viên nén tan rã nhanh trên lưỡi vì người bệnh có thể nôn ra thuốc. Bác sĩ cũng kê toa diphenoxylate và atropine hoặc lopermadine để làm chậm tiêu chảy ở một số người.
Thực tế, bác sĩ thường hạn chế việc chỉ định thuốc để điều trị viêm dạ dày ruột vì tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Người bệnh chỉ cần uống đủ nước và các triệu chứng thường sẽ sớm chấm dứt.
Khi các triệu chứng bệnh giảm bớt, đặc biệt là nôn mửa, các bác sĩ có thể đề nghị chế độ ăn phù hợp trong một hoặc hai ngày trước khi quay lại chế độ ăn bình thường. Khoai tây, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp thay thế các chất dinh dưỡng và chất điện giải bị mất khi tiêu chảy.
Những bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc các biểu hiện khác ngoài bệnh viêm dạ dày ruột cần được bác sĩ đánh giá, chẩn đoán và điều trị. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thuốc kháng sinh và các phương pháp điều trị khác có thể không phù hợp với một số bệnh nên việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng. Đối với bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile, có thể cần phải thực hiện xét nghiệm độ nhạy kháng sinh để xác định loại kháng sinh hiệu quả nhất để sử dụng.
Phòng ngừa viêm dạ dày ruột
Không phải lúc nào bạn cũng có thể phòng tránh viêm dạ dày ruột, nhưng một số cách dưới đây có thể giúp phòng ngừa lây nhiễm bệnh:
- Nghỉ làm, hoặc cho trẻ nghỉ học ít nhất 48 giờ sau khi hết các triệu chứng. Bạn hoặc con bạn cũng nên tránh đến thăm bất kỳ ai trong bệnh viện trong thời gian này.
- Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn. Đừng quá lạm dụng gel rửa tay khô vì chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
- Khử trùng bất kỳ bề mặt hoặc đồ vật nào có thể bị nhiễm bẩn.
- Giặt riêng các vật dụng bị nhiễm bẩn như quần áo hoặc ga giường bằng nước nóng.
- Không dùng chung khăn tắm, khăn trải giường, dao kéo hoặc đồ dùng khi bạn hoặc con bạn bị ốm.
- Đảm bảo thực phẩm được bảo quản lạnh đúng cách, luôn nấu chín kỹ thức ăn và không bao giờ ăn đồ ăn đã quá hạn sử dụng.
- Hãy hết sức cẩn thận khi đi du lịch đến những nơi có điều kiện vệ sinh kém trên thế giới.
Trẻ nhỏ có thể chủng ngừa virus rota để giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm dạ dày ruột.