Những điều cần biết về hội chứng ruột kích thích

(3.92) - 71 đánh giá

Nhiều người trong số chúng ta đều đã từng bị những cơn đau dạ dày hành hạ. Tuy vậy, đây không phải là rắc rối duy nhất khi mắc bệnh đau dạ dày mà kèm theo đó là những triệu chứng khác khiến người bệnh khổ sở đủ bề. Với một vài người, hội chứng ruột kích thích chính là vấn đề nhức nhối mà họ phải tìm cách kiểm soát hằng ngày.

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh về tiêu hóa thường gặp. Người mắc phải hội chứng này thường bị co thắt dạ dày, đau bụng, sình bụng, hay ợ chua, tiêu chảy và táo bón.

Thông thường, cứ năm người thì có một người bị hội chứng ruột kích thích. Độ tuổi thường mắc bệnh là từ 20-30 tuổi. Các thống kê cho thấy rằng số trường hợp mắc hội chứng ruột kích thích ở phụ nữ nhiều gần gấp đôi so với nam giới.

Dù hội chứng ruột kích thích không làm tăng nguy cơ mắc những căn bệnh gây nguy hiểm tính mạng, nhưng đây vẫn là một tình trạng mãn tính cần có sự kiểm soát lâu dài.

Bệnh có những triệu chứng, tác hại khác nhau tùy vào từng người và thường kéo dài từ vài ngày đến hàng tháng hoặc lâu hơn nếu bạn bị stress hoặc sẽ xuất hiện sau khi bạn ăn một loại thực phẩm nào đó.

Những triệu chứng của bệnh có thể thuyên giảm sau khi bạn đi vệ sinh. Dù cho hội chứng ruột kích thích sẽ đeo bám người bệnh rất lâu nhưng tình trạng bệnh có thể được cải thiện nếu được điều trị và kiểm soát tốt.

Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích thường gây ra những cơn đạu bụng và thay đổi trong thói quen tiểu tiện. Chẳng hạn, một vài bệnh nhân trước đây chỉ bị táo bón hay tiêu chảy có thể sẽ mắc cùng lúc cả hai bệnh lý này. Những cơn đau thường tệ hơn sau khi ăn và thuyên giảm sau khi bạn đi vệ sinh.

Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể thay đổi theo thời gian. Mỗi giai đoạn tuổi tác khác nhau sẽ xuất hiện những triệu chứng khác nhau. Đôi khi các triệu chứng có thể tái phát trở lại sau một thời gian biến mất. Các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm:

  • Đau và co thắt dạ dày;
  • Thay đổi thói quen đại tiện, bạn có thể bị tiêu chảy, táo bón hoặc đôi khi bị cả hai;
  • Chướng bụng và sình bụng;
  • Đầy hơi;
  • Cảm giác buồn đi tiêu gấp;
  • Cảm giác đi ngoài chưa hết phân;
  • Phân có dịch nhầy.

Mặc dù đôi khi các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể tệ hơn, được cải thiện hay thậm chí biến mất hoàn toàn, rất ít trường hợp có thể chữa dứt điểm bệnh, hội chứng ruột kích thích vẫn là một căn bệnh mãn tính với hầu hết mọi người.

Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích

Các bác sĩ vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích nhưng có nhiều ý kiến cho rằng hội chứng này có liên hệ với sự tăng mẫn cảm của ruột và những vấn đề gặp phải khi tiêu hóa thức ăn. Một vài chuyên gia y tế cho rằng não bộ cũng có vai trò trong việc kiểm soát quá trình đại tiện của cơ thể. Do vậy, hiện tượng ruột kích thích thường được cho là một bệnh lý liên quan đến hệ trục não – ruột.

Điều này có nghĩa rằng bạn sẽ mẫn cảm hơn với các cơn đau ở ruột, và não sẽ phản hồi lại cảm giác này bằng cách truyền đi các tín hiệu để nhắc nhở bạn đi vệ sinh. Bạn có thể bị táo bón hay tiêu chảy vì thức ăn đi qua ruột quá nhanh hoặc quá chậm.

Các yếu tố tâm lý như stress cũng có thể là nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích.

Biện pháp chữa trị chứng ruột kích thích

Vẫn chưa có biên pháp chữa trị dứt điểm cho hội chứng này nhưng bạn có thể kiểm soát chúng bằng những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống, chẳng hạn như:

  • Xác định và tránh ăn các loại thức ăn và thức uống có thê gây khởi phát các triệu chứng;
  • Thay đổi lượng chất xơ trong bữa ăn;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Giảm stress.

Bác sĩ đôi khi cũng kê cho bạn một số loại thuốc để điều trị những triệu chứng riêng biệt của từng người khi mắc hội chứng ruột kích thích.

Nếu những thay đổi trong lối sống không giúp cải thiện các triệu chứng thì bạn nên sử dụng một vài loại thuốc. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích ở dạng vừa và nhẹ chỉ thỉnh thoảng cần dùng thuốc.

Một số loại thuốc mà bác sĩ có thể kê toa cho bạn bao gồm:

  • Các loại thuốc trị co thắt, chẳng hạn thuốc có chứa dicyclomine (Bentyl) hay hyoscyamine (Levsin);
  • Các loại thuốc trị tiêu chảy, chẳng hạn thuốc có chứa loperamide (Imodium) hay diphenoxylate (Lomotil);
  • Thuốc nhuận tràng;
  • Các loại thuốc an thần.

Chỉ một nhóm nhỏ bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích mới có những dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng. Một vài bệnh nhân có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách duy trì một chế độ ăn uống, lối sống khỏe mạnh và hạn chế stress. Các bệnh nhân nặng hơn thì cần uống thuốc và khám bác sĩ.

Chế độ ăn uống phù hợp khi bạn mắc hội chứng ruột kích thích

Không thể dự đoán được chứng ruột kích thích. Bạn có thể không cảm thấy gì trong suốt nhiều tháng trời rồi đột nhiên các triệu chứng bùng phát. Điểm mấu chốt để có thể làm dịu đi các triệu chứng là hiểu được mối liên hệ giữa bệnh với tình trạng căng thẳng và yếu tố thể chất. Do đó, phương pháp chữa trị tốt nhất là thay đổi lối sống.

Bạn hãy hạn chế hoặc tránh ăn các loại thực phẩm gây khởi phát hay làm các triệu chứng trầm trọng thêm. Ngoài ra, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn và ăn ít lại nếu cảm thấy khó chịu hoặc đau sau khi dùng bữa.

Những bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích thường được khuyến nghị điều chỉnh lượng chất xơ trong bữa ăn. Chất xơ có thể giúp giảm táo bón và tiêu chảy. Có nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ mà bạn có thể tìm thấy chẳng hạn như:

  • Yến mạch;
  • Các loại trái cây như chuối hay táo;
  • Các loại củ như cà rốt hay khoai tây;
  • Bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt;
  • Ngũ cốc;
  • Các loại hạt (trừ hạt lanh vàng).

Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống, bạn cũng có thể cần thay đổi thói quen ăn uống. Các triệu chứng có thể được cải thiện nếu bạn:

  • Dùng bữa thường xuyên và nhai từ tốn khi ăn;
  • Không bỏ bữa hay để khoảng cách giữa các bữa quá dài;
  • Uống ít nhất 8 cốc nước trong một ngày, nhất là nước lọc và các loại đồ uống không chứa cà phê như trà thảo dược;
  • Không uống quá ba cốc cà phê và trà trong một ngày;
  • Hạn chế lượng rượu bia và các loại nước có gas;
  • Hạn chế sử dụng các loại tinh bột khó tiêu (tinh bột không bị phân hủy ở ruột non và còn nguyên vẹn khi đến ruột già) thường có trong các loại thực phẩm được chế biến sẵn hay được nấu đi nấu lại;
  • Hạn chế ăn nhiều hơn ba phần trái cây trong một ngày. Một trái táo hay nửa trái bưởi là phù hợp;
  • Tránh xa sorbitol nếu bạn bị tiêu chảy, đây là một chất tạo ngọt nhân tạo có trong các loại bánh kẹo không đường như kẹo cao su, các loại thức uống và các sản phẩm dùng cho người tiểu đường và giảm cân;
  • Nếu bạn bị đầy hơi và sình bụng thì có thể dùng những loại thực phẩm làm từ yến mạch như ngũ cốc ăn sáng hay cháo yến mạch.

Do não kiểm soát quá trình đại tiện nên trạng thái căng thẳng quá độ có thể khiến các triệu chứng trầm trọng hơn. Nghỉ ngơi và thư giãn đầy đủ có thể giúp giảm sự căng thẳng và kiểm soát sự khởi đầu của hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích có thể gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Bệnh nhân mắc phải hội chứng này thường sẽ bị trầm cảm và lo âu. Hiểu rõ về căn bệnh, tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ và chủ động tự chăm sóc bản thân có thể giúp giảm stress.

Bạn nên thông báo cho bác sĩ nếu cảm giác trầm cảm và âu lo ảnh hưởng đến cuộc sống của mình vì những vấn đề này hiếm khi tự cải thiện mà không cần điều trị. Hơn nữa bác sĩ có thể khuyến nghị bạn dùng các loại thuốc chống trầm cảm hay liệu pháp nhận thức hành vi để đối phó và chữa trị căn bệnh này.

Hội chứng ruột kích thích không phải là một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn. Bệnh này cũng không làm gia tăng nguy cơ bị ung thư hay những vấn đề về ruột khác. Bạn vẫn có thể có một cuộc sống bình thường, viên mãn và vui khỏe khi được tiếp nhận những liệu pháp chữa trị phù hợp.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Quản lý những thay đổi về da và móng trong hóa trị liệu

(51)
Trong quá trình thực hiện hóa trị liệu, bạn sẽ thấy những thay đổi về da và móng. Những thay đổi đó là gì? Nó có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của ... [xem thêm]

Bạn đã biết cách chọn kem dưỡng ẩm phù hợp với da mình chưa?

(74)
Ngoài công dụng giúp ngăn ngừa và điều trị da khô, kem dưỡng ẩm còn giúp bảo vệ làn da nhạy cảm, cải thiện tông màu, kết cấu da và tạo nên lớp mặt ... [xem thêm]

Các loại thuốc chữa bệnh gout thường dùng

(88)
Các cơn gout thường gây đau dữ dội. Vì vậy, bác sĩ thường kê cho bệnh nhân các loại thuốc chữa bệnh gout có công dụng giảm triệu chứng sưng viêm và hạ ... [xem thêm]

Làm sao để có nụ hôn tỏ tình ngày Valentine thật ngọt ngào?

(39)
Để có một nụ hôn tỏ tình ngày Valentine thật ngọt ngào, điều quan trọng nhất mà các chàng nên chuẩn bị chính là… chăm sóc sức khỏe răng miệng!Valentine ... [xem thêm]

Muốn lập thời gian biểu cho bé, bạn phải làm sao?

(62)
Lập thời gian biểu cho bé về thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, chơi… ngay từ sớm để tạo thành nếp sinh hoạt tốt. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng khi cho con đi nhà ... [xem thêm]

Các bệnh ngoài da phổ biến bạn có thể mắc phải

(36)
Các bệnh ngoài da không chỉ gây ra cảm giác khó chịu mà còn làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Bạn có biết cách chữa ... [xem thêm]

Lợi ích bất ngờ từ bột sắn dây dành cho mẹ bầu

(42)
Nhiều bà bầu nghĩ đến việc sử dụng bột sắn dây để giải nhiệt cho cơ thể vì sắn dây từ lâu đã được biết đến là một loại thực phẩm có tính ... [xem thêm]

7 nguyên nhân khiến bạn bị rụng lông mi

(91)
Dạo này bạn hay bị rụng lông mi nên cảm thấy đôi mắt không còn xinh đẹp như trước nữa? Nếu bạn muốn có vẻ đẹp quyến rũ với đôi lông mi cong vút thì ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN