Các cơn gout thường gây đau dữ dội. Vì vậy, bác sĩ thường kê cho bệnh nhân các loại thuốc chữa bệnh gout có công dụng giảm triệu chứng sưng viêm và hạ axit uric máu, ngăn chặn bệnh gout tiến triển gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Bệnh gout là gì?
Gout là tình trạng khớp bị viêm, sưng đau dữ dội. Khớp cứng lại và đau nhiều đến mức người bệnh vận động rất khó khăn. Khớp ngón chân cái thường bị ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó là các khớp ở khuỷu tay, cổ tay, khớp ngón tay chân.
Nguyên nhân của bệnh gout là do axit uric tích tụ trong cơ thể lâu ngày, tạo thành các tinh thể bên trong và xung quanh khớp. Khi axit uric tăng thì người bệnh thường không thấy biểu hiện gì cho đến khi cơn gout bùng phát.
Bạn có thể tham khảo thêm: Nguyên nhân bệnh gout: Biết để phòng ngừa
Các cơn gout xuất hiện nhanh chóng và có khả năng quay trở lại. Sau mỗi lần cơn gout trở lại, các mô sẽ bị tổn thương nhiều hơn. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh gout bao gồm tăng huyết áp, bệnh tim mạch, béo phì.
Nam giới và phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn.
Triệu chứng bệnh gout
Triệu chứng bệnh gout thường xảy ra đột ngột, thường vào ban đêm.
- Khớp đau dữ dội, cơn đau lên đến đỉnh điểm khoảng 12 giờ kể từ lúc cơn gout bắt đầu và có giảm về mức độ sau đó, nhưng vẫn để lại cảm giác khó chịu cho người bệnh. Nhiều bệnh nhân thậm chí không thể mang vớ hay đắp chăn vì cơn đau này.
- Khớp sưng, mềm và đỏ tấy.
- Cử động khớp bị giới hạn về biên độ và cường độ: Người bệnh bị đau và cứng khớp nên không thể vận động như bình thường. Nhiều trường hợp nặng không thể đi lại. Có những bệnh nhân bị gout trong thời gian dài được bác sĩ yêu cầu phẫu thuật thay khớp.
Các loại thuốc chữa bệnh gout
Thuốc có tác dụng điều trị cơn gout
Mục tiêu trước mắt trong điều trị bệnh gout là ức chế viêm và kiểm soát cơn đau. Thuốc chữa bệnh gout mà mọi người thường nhắc tới chỉ có tác dụng kiểm soát chứ không thể trị dứt bệnh hoàn toàn.
Điều quan trọng cần lưu ý là nếu một bệnh nhân không đang theo liệu trình hạ axit uric thì không nên bắt đầu liệu pháp hạ axit uric tại thời điểm bị cơn gout cấp tính tấn công. Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân đang điều trị hạ axit uric tại thời điểm bị cơn gout cấp tính tấn công thì không nên ngừng dùng thuốc.
Người ta thường dùng thuốc chống viêm không steroid NSAIDs, colchicine hoặc corticosteroid (dùng toàn thân hoặc nội khớp). Việc lựa chọn phương pháp điều trị nên căn cứ trên tình hình cụ thể của từng bệnh nhân, xem xét xem bệnh nhân có đang mắc căn bệnh hay có vấn đề sức khỏe nào khác, bệnh nhân đang dùng những loại thuốc nào để cân nhắc về tương tác thuốc, hoặc cân nhắc về tác dụng phụ.
- Thuốc chống viêm không sterroid NSAIDs: NSAIDs thường được sử dụng cho cơn gout cấp tính bao gồm ibuprofen 800mg 3-4 lần mỗi ngày hoặc indomethacin 25-50mg 4 lần mỗi ngày. Nên ngừng điều trị khi các triệu chứng được giải quyết.
- Colchicine: Colchicine tiêm tĩnh mạch có độc tính (nghiêm trọng) và có tác dụng phụ, vì vậy chỉ nên sử dụng đường uống. Colchicine uống liều cao thường có tác dụng kém. Liều thấp được công nhận là có tác dụng tốt hơn nhiều và sử dụng kết hợp được với NSAIDs.
- Corticosteroid: Corticosteroid là lựa chọn tiếp theo nếu người bệnh thuộc nhóm chống chỉ định với NSAIDs. Corticosteroid có thể được dùng để tiêm vào khớp bị ảnh hưởng (steroid nội khớp – intra-articular steroid) hoặc dùng qua đường uống (như prednisone và medrol). Steroid nội khớp (intra-articular steroids) hữu ích nếu chỉ có một hay hai khớp bị ảnh hưởng và bác sĩ điều trị là người thành thạo trong việc tiêm các khớp đó. Liều lượng bắt đầu khi dùng cortisteroid là 30-40mg mỗi ngày và kéo dài trong vòng 10-14 ngày.
Thuốc có tác dụng hạ axit uric
Sử dụng các hoạt chất hoặc thuốc làm giảm axit uric sẽ làm giảm tần suất cơn gout và dần dần làm giảm sự hình thành tophi (các nốt sần), giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ bị các biến chứng gây tổn thương, phá hủy khớp vĩnh viễn. Đây là các chỉ định điều trị hạ axit uric:
- Người có kết quả kiểm tra xét nghiệm cho thấy có tophi hoặc bị viêm khớp mãn tính
- Những trường hợp điều trị dự phòng colchicine (colchicine prophylaxis) trong viêm khớp gout cấp tính
- Sỏi thận
- Trường hợp cần điều trị hạ axit uric trước khi thực hiện hóa trị liệu được xem như một hình thức điều trị dự phòng hội chứng ly giải khối u
- Nồng độ axit uric huyết thanh cực cao (12>mg/dl)
Axit uric là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa purine (thành phần axit nucleic của DNA) và được cơ thể sản xuất bình thường trong quá trình tu sửa và phân hủy mô. Khoảng 20% axit uric đến từ nguồn thực phẩm chúng ta ăn. Nguyên nhân làm tăng axit uric máu là: khả năng đào thải axit uric của thận giảm và cơ thể tăng tổng hợp axit uric.
Một số loại thuốc chữa bệnh gout có tác dụng hạ axit uric là:
Probenecid
Probenecid dùng được cho các bệnh nhân bị giảm khả năng thanh thải axit uric do thận và các chức năng bình thường của thận. Nhìn chung, nên giới hạn sử dụng đối với các bệnh nhân dưới 60 tuổi.
Probenecid hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu axit uric ở ống lượn gần của thận. Probenecid có khi dẫn đến tăng kết tủa hình thành sỏi thận nên bệnh nhân được khuyến khích uống nhiều nước. Probenecid chống chỉ định đối với những bệnh nhân bị sỏi thận (bao gồm sỏi canxi và axit uric), bệnh nhân mắc bệnh thận niệu.
Đặc điểm của thuốc:
- Giảm tái hấp thu axit uric ở ống thận gần
- Hữu ích đối với bệnh nhân bị giảm độ thanh thải axit uric
- Khả dụng trong tường hợp suy thận
- Có khả năng làm tăng nguy cơ sỏi thận
Allopurinol
Allopurinol là một chất dễ dung nạp, tiết kiệm về mặt chi phí, thường được dùng để giảm axit uric. Allopurinol có thể dùng với liều thấp khi bắt đầu sử dụng. Trong quá trình điều trị, cần theo dõi các xét nghiệm gan, công thức máu và chức năng thận. Độc tính trong thuốc có khả năng gây phát ban, nhiễm độc gan, ức chế tủy xương và các phản ứng nghiêm trọng. Cần lưu ý các tương tác của thuốc với allopurinol, warfarin và theophylline. Nên tránh dùng Allopurinol ở bệnh nhân dùng azathiprine, 6-mercilaurine và cyclophosphamide vì có nguy cơ nhiễm độc tủy xương.
Đặc điểm của thuốc:
- Ngăn chặn sản xuất axit uric
- Hữu ích đối với bệnh nhân tăng tổng hợp axit uric và giảm độ thanh thải axit uric
- Khả dụng trong trường hợp bị suy thận
- Thường không (hiếm khi) liên quan đến các ức chế tủy xương, nhiễm độc gan và phản ứng quá mẫn
Febuxostat
Năm 2009, FDA đã phê chuẩn việc sử dụng febuxostat, một chất ức chế xanthine oxidase mới, để điều trị tăng axit uric máu trong bệnh gout. Hiệu quả của nó đã được chứng minh ở những bệnh nhân bị bệnh thận nhẹ, trung bình và bệnh gout. Tuy nhiên, người ta nhận thấy chất này có khả năng gây ra những bất thường trong xét nghiệm chức năng gan. Cần thường xuyên thực hiện, theo dõi các xét nghiệm máu. Tương tự như allopurinol, febuxostat có tương tác với azathioprine, 6MP và theophylline.
Đặc điểm của thuốc:
- Là chất ức chế xanthine oxyase (xanthine oxidase inhibitor)
- Ngăn chặn sản sinh axit uric
- Hữu ích ở cả bệnh nhân tăng tổng hợp axit uric và giảm độ thanh thải axit uric
- Khả dụng trong suy thận nhẹ và vừa
- Hiếm khi liên quan đến ức chế tủy xương và nhiễm độc gan
Pegloticase
Uricase là một enzyme chuyển đổi urate hòa tan kém (axit uric) thành allantoin dễ hòa tan hơn (bài tiết qua nước tiểu). Uricase có mặt ở hầu hết các động vật có vú và những động vật có vú này có uricase, giúp chúng không phát triển bệnh gout. Tuy nhiên, con người và một số loài linh trưởng thiếu uricase (do bất hoạt gene trong quá trình tiến hóa) và thiếu khả năng làm cho axit uric dễ tan hơn nên dễ mắc bệnh gout hơn. Pegloticase đã được FDA phê duyệt vào tháng 9/2010 để trị bệnh gout đối với những bệnh nhân điều trị theo phương pháp thông thường không thành công.
Pegloticase tiêm qua đường tĩnh mạch mỗi 2 tuần. Bệnh nhân nên được điều trị dự phòng trong trường hợp có phản ứng dị ứng với steroid, thuốc kháng histamine, đồng thời được theo dõi chặt chẽ sự tiến triển của phản ứng truyền dịch. Cần thận trọng khi kê đơn thuốc này ở những bệnh nhân có tiền sử tim đã được báo trước.
Đặc điểm của thuốc:
- Hữu ích ở cả bệnh nhân tăng tổng hợp axit uric và giảm độ thanh thải axit uric
- Làm tăng độ hòa tan của axit uric để dễ đào thải
- Bệnh nhân nên được điều trị trước khi truyền và theo dõi phản ứng dị ứng
- Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có tiền sử tim đã được báo trước.
Bạn có thể tham khảo thêm: Giúp bạn điều trị bệnh gout (gút) tại nhà
Lối sống giúp cải thiện triệu chứng bệnh gout
- Tránh rượu bia
- Uống đủ nước
- Quản lý cân nặng, vì béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh gout.
- Tuân theo chế độ ăn lành mạnh, không kiêng cữ kham khổ, cũng như không ăn uống quá độ. Ăn rau củ, sữa và các protein ít béo sẽ có lợi. Cần tránh các loại thực phẩm làm tăng axit uric như thịt đỏ, một số loại cá và hải sản, thực phẩm nhiều fructose, nội tạng.
Bạn có thể tham khảo thêm: Bệnh gout nên ăn gì?