Chất bổ trợ, hay còn gọi là tá dược, là thành phần thường xuất hiện trong vắc xin bên cạnh kháng nguyên, chất phụ gia, chất bảo quản… với công dụng giúp vắc xin hoạt động hiệu quả hơn
Hiện nay, nhiều loại vắc xin cải tiến yêu cầu phải có tá dược (chất bổ trợ) trong quy trình sản xuất vì lợi ích của chúng đối với đáp ứng miễn dịch trong cơ thể người bệnh. Do đó, việc phát triển tá dược đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình phát triển các dòng vắc xin tiên tiến nhằm cải thiện sức khỏe của mọi người.
Tá dược trong vắc xin là gì?
Tá dược là một thành phần được bổ sung vào vắc xin nhằm tăng số lượng và điều khiển đáp ứng miễn dịch trong cơ thể người bệnh. Nói cách khác, tá dược giúp vắc xin hoạt động hiệu quả hơn. Hầu hết các vắc xin hiện nay chỉ chứa một lượng nhỏ vi trùng – hay nói chính xác hơn là các protein của vi trùng – thay vì là một virus hoặc vi khuẩn hoàn chỉnh. Tá dược cần phải thêm vào trong quá trình điều chế các vắc xin này nhằm đảm bảo cơ thể người bệnh sẽ tạo đáp ứng miễn dịch đủ mạnh để chống lại các mầm bệnh được tiêm vào. Có thể kết luận công dụng chính của tá dược là:
- Tăng tốc và định hướng cho đáp ứng miễn dịch
- Tăng cường phản ứng chéo
- Giảm lượng kháng nguyên và số liều tiêm cần thiết
Một số loại tá dược thường gặp
Sản phẩm từ mầm bệnh
Một vài thành phần dùng làm tá dược trong vắc xin có thể được tạo nên từ các tác nhân gây bệnh. Những thành phần này tạo ra đáp ứng miễn dịch bẩm sinh với vắc xin khi chúng nhắm vào nhiều thụ thể bên trong hoặc trên bề mặt của các tế bào miễn dịch bẩm sinh. Vì vậy, lớp bảo vệ trường kì chống lại các tác nhân gây bệnh mà vắc xin nhắm tới được thiết lập. Một số loại thành phần trên đang được kiểm nghiệm và sử dụng như tá dược trong vắc xin ngày nay bao gồm:
- Monophosphoryl Lipid A
- Poly (I:C)
- Chất bổ trợ CpG DNA
- Nhũ tương
Tá dược dạng hạt
Loại tá dược này phát triển thành các hạt với kích thước rất nhỏ có thể kích thích hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh. Hơn nữa, các tá dược này còn giúp tăng cường việc phân phối kháng nguyên đến các tế bào miễn dịch. Dưới đây là một số ví dụ về tá dược dạng hạt:
- Phèn
- Thể virus
- Cytokin
Tá dược tổ hợp
Các tá dược tổ hợp, ví dụ như AS04, thường được ưa chuộng hơn vì chúng có thể tạo ra nhiều đáp ứng miễn dịch bảo vệ trong cơ thể người bệnh. Hơn nữa, một số tá dược bị hạn chế công dụng khi hoạt động riêng lẻ, nhưng nếu kết hợp chúng cùng nhiều loại tá dược khác sẽ cải thiện kết quả đạt được.
Nghiên cứu về tá dược tổ hợp chỉ mới ở giai đoạn ban đầu. Các nhà khoa học và chuyên gia đang cố gắng khám phá cách kết hợp các tá dược lại với nhau để tạo ra đáp ứng miễn dịch hữu ích cho một kháng nguyên nhất định cũng như chức năng của chúng. Mục tiêu cuối cùng của dòng nghiên cứu này là tạo ra “một hộp công cụ tá dược” có thể được kết hợp theo nhiều cách khác nhau để bất kỳ loại đáp ứng miễn dịch nào cũng có thể được tạo ra.
Những trường hợp không cần đến tá dược
Một số vắc xin được làm từ vi trùng bị suy yếu hoặc bất hoạt có thể tự tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ. Trong trường hợp đó, sự xuất hiện của tá dược là không cần thiết. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, các vắc xin phòng ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, virus rota, bại liệt và cúm theo mùa được điều chế mà không bổ sung thêm tá dược.