Viêm giác mạc là tình trạng nhãn khoa không quá nguy hiểm nhưng lại có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của người bệnh nếu không được chữa trị kịp thời.
Mắt là bộ phận nhạy cảm nên có nhiều lớp bảo vệ khác nhau, chẳng hạn như mí mắt, nước mắt… Trong đó, giác mạc được xem lớp phòng ngự đầu tiên, chịu trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn bụi bẩn, vi sinh vật cũng như các mầm bệnh khác tấn công mắt.
Cũng chính vì vậy, giác mạc rất dễ bị kích thích dẫn đến viêm. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có nguy cơ cao gây suy giảm thị lực hoặc thậm chí là mù.
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu bệnh viêm giác mạc là gì cùng các vấn đề xoay quanh thường gặp.
Viêm giác mạc là gì?
Giác mạc lớp ngoài cùng trong suốt của mắt, đóng vai trò:
- Hội tụ tia sáng vào mắt
- Bảo vệ nhãn cầu trước sự xâm nhập của vật thể lạ như vi trùng, bụi bẩn…
- Sàng lọc tia cực tím
Những tác nhân trên đều có khả năng kích thích các phản ứng viêm xảy ra ở lớp màng này, dần dần phát triển thành viêm giác mạc. Bệnh có thể gồm nhiều vấn đề khác nhau diễn ra tại đây, chẳng hạn như:
- Viêm loét giác mạc
- Viêm biểu mô giác mạc nông
- Viêm giác mạc sâu
- Viêm giác mạc đốm (viêm giác mạc chấm)
- Viêm giác mạc cấp
- Viêm giác mạc sợi
Giác mạc bị viêm có thể ảnh hưởng đáng kể đến thị lực của người bệnh, đồng thời khiến mắt nhạy cảm với ánh sáng hơn bình thường.
Mức độ phổ biến của bệnh viêm giác mạc
Theo bác sĩ, tình trạng sức khỏe này là một trong các vấn đề nhãn khoa phổ biến nhất, thường xảy ra ở nam giới (65 – 71% trường hợp). Bên cạnh đó, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên nhân viêm giác mạc là gì?
Tình trạng sức khỏe này có thể phát sinh bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
Nguyên nhân viêm giác mạc không do nhiễm trùng
Những yếu tố gây viêm ở lớp bảo vệ ngoài cùng của nhãn cầu có thể kể đến như:
- Đeo kính áp tròng quá lâu
- Khô mắt
- Dị ứng (mỹ phẩm, không khí ô nhiễm…)
- Xuất hiện dị vật ở mắt
- Giác mặt bị chấn thương vật lý
- Mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gay gắt
- Thiếu hụt vitamin A
Nguyên nhân viêm giác mạc do nhiễm trùng
Các vi sinh vật có khả năng gây viêm tại lớp màng này gồm:
- Vi khuẩn: phổ biến nhất là hai chủng Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus
- Nấm: giác mạc của mắt dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với Aspergillus, Candida hoặc Fusarium
- Virus: Herpes simplex là chủng virus gây viêm giác mạc mắt phổ biến nhất, thường phát triển từ tình trạng viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
- Ký sinh trùng: Acanthamoeba là ký sinh trùng dạng đơn bào được tìm thấy nhiều trong nguồn nước tự nhiên, có thể gây viêm giác mạc bằng cách bám trụ lại trên bề mặt kính áp tròng và tấn công vào lớp hàng rào ngoài cùng của nhãn cầu khi người bệnh đeo kính.
Bệnh viêm giác mạc có lây không?
Đáp án cho câu hỏi “bệnh viêm giác mạc có lây không?” phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh. Nếu vấn đề của bạn là khô mắt, dị ứng, thiếu vitamin A… bạn sẽ không lây bệnh cho những người xung quanh.Ngược lại, với trường hợp tác nhân đứng sau vi sinh vật gây bệnh, bạn có thể dễ dàng bị lây nhiễm nếu để tay tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh rồi đưa tay lên mắt.
Ngoài ra, đôi khi căn bệnh nhãn khoa này cũng có thể là hệ lụy lây nhiễm của một số tình trạng nhiễm trùng đang diễn ra, chẳng hạn như mụn rộp sinh dục do herpes.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm giác mạc là gì?
Bên cạnh các nguyên nhân được đề cập ở trên, bạn có thể có rủi ro mắc bệnh cao hơn những người khác nếu đáp ứng bất kỳ yếu tố nào dưới đây, bao gồm:
- Hệ miễn dịch kém
- Khí hậu nơi sinh sống nóng ẩm
- Đã từng bị chấn thương mắt trong quá khứ
Những dấu hiệu và triệu chứng viêm giác mạc là gì?
Khi nói về triệu chứng viêm giác mạc, bạn không thể không nhắc đến các biểu hiện như sau:
- Đỏ mắt
- Mắt bị kích ứng và đau nhức khó chịu
- Suy giảm thị lực (có thể mờ tầm nhìn hoặc thậm chí là không thấy gì)
- Mắt bị viêm giác mạc nhạy cảm với ánh sáng
- Gần như không thể mở mắt hoàn toàn
Các dấu hiệu viêm giác mạc xuất hiện sớm hay muộn tùy thuộc vào vấn đề bạn gặp phải. Ví dụ như, các triệu chứng viêm giác mạc do vi khuẩn thường xuất hiện ngay lập tức khi bệnh xảy ra.
Ngoài ra, đôi khi bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập ở trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như trên hoặc có câu hỏi về các dấu hiệu viêm giác mạc, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.
Viêm giác mạc có nguy hiểm không?
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi gặp phải tình trạng này là bệnh viêm giác mạc có nguy hiểm không. Theo các chuyên gia, bạn sẽ không cần phải quá lo lắng về vấn đề này nếu tiếp nhận điều trị ngay từ đầu. Ngược lại, sự chậm trễ trong điều trị có nguy cơ kéo theo hàng loạt vấn đề phát sinh gồm:
- Loét giác mạc
- Sẹo giác mạc
- Tăng nhãn áp
- Mất thị lực vĩnh viễn
Các thủ thuật dùng trong chẩn đoán bệnh viêm giác mạc
Bác sĩ nhãn khoa sẽ xác định một người có mắt bị viêm giác mạc hay không bằng cách:
- Khám tổng quát mắt
- Đặt câu hỏi về bệnh sử cá nhân của người bệnh
- Phân tích mẫu mô giác mạc nhằm tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng
Ngoài ra, với trường hợp nghi ngờ bệnh do ký sinh trùng gây nên, các chuyên gia có thể yêu cầu người thực hiện một số thủ thuật xét nghiệm chuyên sâu khác nhằm xác nhận chẩn đoán, đồng thời xác định loại ký sinh trùng gây bệnh.
Đâu là cách chữa viêm giác mạc hiệu quả?
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà mỗi người sẽ có cách chữa viêm giác mạc mắt khác nhau, chẳng hạn như:
Đeo kính áp tròng
Hãy vứt cặp kính khiến mắt bạn bị kích ứng, đồng thời không sử dụng loại kính này cho đến khi tình trạng mắt cải thiện.
Nhiễm khuẩn
Đối với trường hợp mắt bị viêm giác mạc do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê toa:
- Thuốc kháng sinh dạng nhỏ mắt cho trường hợp nhẹ, không quá nguy hiểm
- Thuốc nhỏ mắt trị viêm giác mạc chứa steroid đối với tình trạng chuyển biến nghiêm trọng
Ngoài ra, nhằm hạn chế rủi ro gặp tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần đảm bảo tuân theo chỉ định của bác sĩ khi áp dụng phương pháp này.
Nhiễm nấm
Thuốc kháng nấm sẽ được áp dụng trong vài tháng để đối phó với trường hợp này. Nếu bệnh không có dấu hiệu cải thiện, bạn có thể cần đến phẫu thuật.
Nhiễm virus
Thuốc nhỏ mắt trị viêm giác mạc có tính kháng virus là lựa chọn điều trị hàng đầu đối với tình trạng này. Ngoài ra, đôi khi bác sĩ cũng có thể kết hợp thêm với thuốc kháng virus dạng uống. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thuốc đặc trị cho chủng Herpes simplex gây bệnh vẫn chưa được tìm ra nên mắt bị viêm giác mạc hoàn toàn có khả năng tái phát, ngay cả khi bạn điều trị thành công.
Nhiễm ký sinh trùng
Tình trạng này được đánh giá là khó điều trị nhất. Người bị viêm giác mạc mắt do ký sinh trùng sẽ cần được phẫu thuật hoặc áp dụng phác đồ điều trị khẩn cấp.
Trong trường hợp những cách chữa viêm giác mạc mắt thông thường không đem lại hiệu quả như mong đợi hoặc lớp màng bảo vệ này đã bị thương tổn nghiêm trọng, ghép giác mạc sẽ là lựa chọn điều trị cuối cùng.
Điều trị viêm giác mạc bao lâu khỏi?
Câu trả lời cho vấn đề điều trị viêm giác mạc bao lâu khỏi ở mỗi người sẽ không giống nhau, vì nó còn phụ thuộc vào vấn đề bạn gặp phải cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh trạng.
Phần lớn trường hợp, những cách chữa viêm giác mạc mắt sẽ cần thời gian 5 – 7 ngày để phát huy tác dụng. Nếu các dấu hiệu viêm giác mạc không có xu hướng cải thiện sau giai đoạn này, người bệnh nên lập tức tìm gặp bác sĩ để có giải pháp xử lý kịp thời.
Phòng ngừa bệnh viêm giác mạc
Tình trạng viêm ở lớp màng bảo vệ ngoài cùng của mắt có thể được ngăn chặn ngay từ đầu với một số thói quen như sau:
- Đeo kính bảo hộ nếu công việc của bạn có nguy cơ ảnh hưởng đến mắt (làm việc trong phòng thí nghiệm, xưởng gỗ…)
- Sử dụng kính mát khi đi ra ngoài, tránh để mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời
- Hạn chế tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và có thể tăng cường vitamin A
- Cố gắng hạn chế đưa tay lên mắt
- Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt mà không có chỉ định của bác sĩ
- Bảo quản, vệ sinh cũng như sử dụng kính áp tròng đúng cách, bao gồm:
- Rửa tay với nước sạch cùng xà phòng và lau khô trước khi đưa tay lên mắt hoặc chạm vào kính áp tròng
- Tuyệt đối không đeo kính áp tròng khi ngủ, tắm hoặc đi bơi
- Ngoài dung dịch chuyên dụng, không rửa kính áp tròng với bất kỳ dung dịch nào khác, bao gồm cả nước máy
- Khám mắt đúng định kỳ và tìm gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức nếu bắt gặp bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở mắt
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
(function() { var qs,js,q,s,d=document, gi=d.getElementById, ce=d.createElement, gt=d.getElementsByTagName, id="typef_orm", b="https://embed.typeform.com/"; if(!gi.call(d,id)) { js=ce.call(d,"script"); js.id=id; js.src=b+"embed.js"; q=gt.call(d,"script")[0]; q.parentNode.insertBefore(js,q) } })()