Nhận biết sớm nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ, bạn sẽ tránh được những bi kịch đau lòng khi không thể kiểm soát được cảm xúc tiêu cực.
Vừa qua, rất nhiều người đã bày tỏ sự bàng hoàng và thương tiếc cho một nam ca sĩ Hàn Quốc lựa chọn cách tự tử để giải thoát cho mình sau chuỗi ngày dài sống chung với chứng trầm cảm. Sự ra đi của anh khiến nhiều người giật mình về tác động khủng khiếp của trầm cảm mà bấy lâu nay chúng ta không quan tâm tới.
Tuy nhiên theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thì tỷ lệ mắc chứng trầm cảm ở phụ nữ cao hơn nam giới đến gấp 2 lần. Có thể nói, phụ nữ phải đối diện với chứng bệnh tâm lý đáng sợ này trong suốt các giai đoạn quan trọng của cuộc đời mình.
Nguyên nhân gây trầm cảm ở phụ nữ
1. Giai đoạn tuổi dậy thì
Hormone thay đổi trong tuổi dậy thì có thể làm gia tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm ở một số cô gái. Tuy nhiên, sự thay đổi tâm trạng tạm thời liên quan đến sự thay đổi của hormone trong giai đoạn dậy thì là bình thường, tức là nếu chỉ có những thay đổi này thì sẽ không gây trầm cảm. Tuổi dậy thì thường kết hợp với những vấn đề khác có thể dẫn đến trầm cảm, như mâu thuẫn với cha mẹ hay áp lực học tập hoặc những áp lực khác. Khi đó, bạn có thể đã có những thay đổi lớn ở tuổi dậy thì mà bố mẹ đôi khi không quan tâm.
Sau tuổi dậy thì, tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới. Bởi vì các bé gái thường dậy thì trước bé trai nên chúng sẽ dễ bị trầm cảm sớm hơn. Sự chênh lệch này kéo dài cho đến sau khi mãn kinh.
2. Giai đoạn tiền kinh nguyệt
Đối với hầu hết những phụ nữ bước vào giai đoạn tiền kinh nguyệt (PMS) sẽ có các triệu chứng như bụng chướng bụng, đau ngực, nhức đầu, lo lắng, cáu kỉnh, chán thường… Nhưng một số ít người khác lại có các triệu chứng nghiêm trọng làm gián đoạn công việc, mối quan hệ hoặc các lĩnh vực khác trong cuộc sống của họ. Vào thời điểm đó, PMS có thể trở thành chứng rối loạn tiền kinh nguyệt (PMDD) một loại trầm cảm thường đòi hỏi phải được điều trị.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được mối liên kết rõ ràng giữa trầm cảm và PMS. Có thể những thay đổi theo chu kỳ của estrogen, progesterone và các hormone khác có thể phá vỡ chức năng của các hóa chất não như serotonin giúp điều khiển tâm trạng. Đặc điểm di truyền, trải nghiệm sống và các yếu tố khác cũng có khả năng đóng vai trò trong quá trình gây nên sự trầm cảm ở phụ nữ.
3. Giai đoạn mang thai
Những thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời gian mang thai, và những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của phụ nữ. Các vấn đề khác cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm xuất hiện trong thời kỳ mang thai hoặc tiền mang thai như:
- Sảy thai
- Vô sinh
- Thiếu sự hỗ trợ xã hội
- Các mối quan hệ gặp vấn đề
- Ngừng sử dụng thuốc chống trầm cảm
- Mang thai ngoài ý muốn hoặc không mong muốn
- Các giai đoạn trầm cảm ban đầu, trầm cảm sau sinh hoặc PMDD
- Thay đổi về cách sinh hoạt hoặc công việc hoặc những căng thẳng cuộc sống khác
4. Tình trạng trầm cảm sau sinh
Nhiều bà mẹ mới sinh con cảm thấy buồn, tức giận và cáu kỉnh vì luôn phải nghe những tiếng kêu khóc ngay sau khi sinh. Những cảm xúc này được gọi là baby blues. Chúng khá bình thường và thường giảm dần trong vòng một hay hai tuần. Nhưng nếu những cảm giác trở nên nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Có ý định tự tử
- Căng thẳng hoặc cảm giác tê liệt
- Mất ngủ ngay cả khi con bạn đã ngủ say
- Không có khả năng chăm sóc cho con
- Có suy nghĩ sẽ gây hại cho em bé
- Thất vọng hoặc cảm giác mình là người mẹ không tốt
Chứng trầm cảm sau sinh là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng cần điều trị kịp thời. Khoảng 10 – 15% phụ nữ sẽ phải đối mặt với chứng bệnh tâm lý này sau giai đoạn sinh nở. Trầm cảm sau sinh được cho là liên quan đến một số nguyên nhân như sự biến động của các hormone quan trọng ảnh hưởng đến tâm trạng, trách nhiệm chăm sóc trẻ sơ sinh, các vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ, các biến chứng hoặc các nhu cầu đặc biệt…
5. Giai đoạn mãn kinh
Nguy cơ trầm cảm có thể tăng lên trong quá trình chuyển sang giai đoạn mãn kinh, khi mức hormone có thể dao động thất thường. Nguy cơ trầm cảm cũng có thể tăng lên trong thời kỳ mãn kinh sớm hoặc sau khi mãn kinh, đây là hai giai đoạn mà mức estrogen giảm đáng kể. Hầu hết phụ nữ gặp các triệu chứng khó chịu khi mãn kinh nhưng hầu hết không phát triển thành trầm cảm. Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm:
- Giấc ngủ bị ngắt quãng hoặc ngủ không sâu
- Lo lắng hoặc có tiền sử trầm cảm
- Căng thẳng trong cuộc sống
- Tăng cân hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn
- Mãn kinh ở tuổi trẻ hơn
- Mãn kinh do phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
6. Hoàn cảnh sống căng thẳng
Tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở phụ nữ không chỉ do các yếu tố sinh học. Các tình huống thường gặp cuộc sống và những căng thẳng về văn hóa cũng có thể là tác nhân gây trầm cảm. Mặc dù những căng thẳng này cũng xảy ra ở nam giới, nhưng vẫn không cao bằng nữ giới.
- Tình trạng bất bình đẳng: Phụ nữ thường sống trong điều kiện kinh tế khó khăn hơn so với nam giới, vì vậy họ thường sẽ lo ngại về tương lai và ít tiếp cận với các nguồn lực của cộng đồng như chăm sóc sức khoẻ. Một số phụ nữ phải đối mặt với stress do phân biệt chủng tộc. Những vấn đề này có thể gây ra những cảm giác tiêu cực, hạ thấp lòng tự trọng và dẫn tới sự thiếu kiểm soát đối với cuộc sống của họ.
- Công việc quá tải: Thường thì phụ nữ vừa phải đi làm việc và vẫn đảm nhiệm các công việc nội trợ. Nhiều phụ nữ còn phải đối mặt với những thách thức của việc làm mẹ đơn thân, và họ phải làm nhiều việc cùng lúc. Ngoài ra, phụ nữ có thể phải chăm sóc con cái của họ trong khi cũng chăm sóc người già hoặc ốm yếu trong gia đình.
- Lạm dụng tình dục hoặc thể chất: Phụ nữ bị lạm dụng về thể chất hoặc tình dục có nhiều khả năng bị trầm cảm ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ hơn những người không bị ngược đãi. Phụ nữ thường có xu hướng bị lạm dụng tình dục nhiều hơn nam giới nên khả năng bị trầm cảm cũng cao hơn.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến trầm cảm như lo lắng, rối loạn ăn uống hoặc lạm dụng rượu bia hay chất kích thích.
Những dấu hiệu của trầm cảm ở phụ nữ
Dưới đây là một số dấu hiệu trầm cảm thường gặp ở phụ nữ:
- Đau nhức cơ thể
- Luôn có cảm giác buồn bã, tội lỗi hoặc tuyệt vọng
- Không còn hứng thú với những điều bạn từng thích
- Những thay đổi đáng kể trong giấc ngủ, chẳng hạn như khó ngủ hoặc ngủ thiếp đi hoặc ngủ quá nhiều
- Mệt mỏi, hoặc cảm thấy đau hoặc các triệu chứng thể chất khác mà không có nguyên nhân rõ ràng
- Gặp vấn đề về sự tập trung hoặc khả năng ghi nhớ
- Thay đổi sự thèm ăn dẫn đến giảm cân hoặc tăng cân
- Cảm giác như thể cuộc sống không đáng sống, hoặc có tư tưởng tự sát
Cách đối phó với bệnh trầm cảm
1. Nếu bạn là người mắc chứng trầm cảm
Nếu bạn cảm thấy mình đang mắc phải các triệu chứng trầm cảm kể trên thì hãy ngay lập tức đến gặp bác sĩ. Bạn hãy cố gắng miêu tả thật kỹ những triệu chứng mà bạn gặp phải, đừng giấu giếm bất cứ gì với bác sĩ. Một khi bác sĩ nắm được tất cả những triệu chứng của bạn thì họ mới có thể đưa ra phương án chữa trị tốt nhất.
Điều quan trọng nhất là bạn cần phải chia sẻ những lo lắng của bạn với người thân hay bạn bè để có thể giải thoát bản thân khỏi những cảm xúc hỗn độn đang vây lấy bạn. Với những người đang phải đấu tranh với trầm cảm thì việc tìm được người để chia sẻ và tâm sự là rất quan trọng. Nếu bạn cứ giữ những áp lực và khó khăn của mình trong lòng thì sẽ chỉ càng khiến cảm xúc của bạn trở nên tệ hơn.
Tập thể dục và chế độ ăn uống cũng rất quan trọng trong việc cảm thiện tâm trạng của bạn. Bạn có thể tập yoga hoặc ngồi thiền để bình tĩnh hơn và giúp tâm hồn luôn thanh thản. Bạn cần đi ra ngoài ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nghiên cứu cho thấy rằng không nhận được đủ vitamin D từ ánh mặt trời hoặc các nguồn khác có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Bạn cũng có thể bắt đầu một thói quen nào đó mà bạn cảm thấy có thể giúp bạn lạc quan hơn như nấu ăn hay nghe nhạc. Điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là đừng để mình suy sụp trước những suy nghĩ tiêu cực đang bủa vây lấy bạn. Hãy nhớ, luôn thư giãn, nhìn mọi việc một cách tích cực và yêu thương bản thân là cách để vượt qua trầm cảm.
2. Nếu người thân của bạn đang bị trầm cảm
Rất nhiều người thường không thể hiện ra cho mọi người thấy cảm xúc của ho. Do vậy chúng ta ít khi biết được họ đang bị trầm cảm cho đến khi bệnh tình của họ trở nên nghiêm trọng. Bạn nên quan tâm đến người thân của mình dù là những thay đổi bất thường của họ. Ví dụ như họ ăn ít đi, mất ngủ hay trở nên cáu gắt hoặc có những suy nghĩ kỳ quặc. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang gặp vấn đề.
Hãy luôn bên cạnh họ để giúp họ vượt qua trầm cảm vì đó chính là lúc họ yếu đuối và cần người thân bên cạnh nhất. Hãy thường xuyên ra ngoài với họ, truyền cho họ suy nghĩ tích cực và cùng họ đi đến gặp bác sĩ. Với những người bị trầm cảm, thì sự quan tâm của bạn bè hay gia đình chính là chiếc phao cứu trợ giúp họ vượt qua những áp lực mà họ đang phải đối mặt.
Trên thực tế, trầm cảm nguy hiểm và đáng sợ hơn chúng ta nghĩ. Hãy nắm rõ các nguyên nhân, dấu hiệu cũng như các biện pháp phòng ngừa trầm cảm ở phụ nữ để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn mỗi ngày bạn nhé!