Tác giả: Huỳnh Ngọc Chiến
Bài viết là đôi lời tâm sự của nhà nghiên cứu, dịch giả Huỳnh Ngọc Chiến
Năm 1996, lần đầu tiên tôi phải nhập viện để điều trị mổ trực tràng. Đêm đầu tiên nằm tại bệnh viện, cảm khái về cảnh SANH, LÃO, BỆNH TỬ của đời người. tôi làm một bài thơ :
Bệnh rồi ta mới thấy ra
Sinh là thế ấy, Tử là thế thôi
Đã qua ba cửa quan rồi
Vẫn chưa hết được cuộc chơi Ta Bà
Cửa thứ tư chắc không xa
Bước vào sẽ thấy đâu là Cố Hương.
Nhưng đến tháng 8/2020, khi phát hiện mình bị K thực quản, phải vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, tôi mới hiểu thế nào là BỆNH cùng tất cả sự khổ não của đời người. Trải qua 3 đợt hoá trị hành hạ đến kiệt sức, và 1 đợt mổ kéo dài từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều vào ngày 14/12. Sau đó, chịu tiếp 8 ngày gần như nằm bất động với 8 ống dẫn lưu đâm vào người! Một trải nghiệm kinh khủng. Nhớ lại còn sởn da gà. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Ngày 25/12 xuất viện, tưởng ổn. Nhưng hiện nay vết mổ lại bị trục trặc nên phải tiếp tục ngoại trú thêm một thời gian nữa. Nói chung cũng tạm ổn. Chỉ buồn chút là thanh quản bị ảnh hưởng nên hiện vẫn chưa nói còn rất yếu, và vĩnh viễn không thể hát hò như cũ!!! Cũng không sao, vì vẫn còn cây đàn làm bạn!
Bạn bè, người thân cứ lo tôi sẽ bị suy sụp tinh thần, sẽ bị depressed. Nhưng tôi nhận tin mình bị cancer rất thanh thản, vì hiểu lẽ sinh tử thường nhiên. Mọi chuyện trong đời xem như đã tạm tròn bổn phận nên tôi giờ rất xem nhẹ lẽ tử sinh. Chỉ mong sao sinh thuận tử an. Để tiếp tục chu kỳ sinh hoá khác trong vũ trụ. Vậy thôi. Ngày mai hay năm, mười năm nữa cũng the same! What difference? Thân bệnh là chuyện thường tình và tất yếu của con người, giữ tâm không bệnh mới là điều quan trọng. Trong những cơn đau quặn thắt vị hóa trị, tôi vẫn hoàn tất được bộ kinh Lăng Già đối chiếu. Và thấy lòng thanh thản vô cùng. Tôi mang ơn kinh Phật đã đem lại cho tôi những huyền lực để giúp tôi tìm được thanh thản giữa những cơn đau khủng khiếp đến kiệt sức.
Khi dich xong cuốn kinh Lăng Già, và được một nhà xuất bản nhận in, thì tác phẩm L’Enseignement de Vimalakīrti – bản dịch cuốn kinh Duy Ma sang Pháp ngữ từ Tạng ngữ – của Étienne Lamotte lại cuốn hút tôi. Và tôi lại bắt tay vào dịch bộ kinh phương đẳng kỳ diệu này. Tôi xem đây như là một Cuộc Chơi Chuyển Nghiệp khi tiếp cận bến bờ sinh tử, và làm một bài thơ:
Gượng đau ngồi dịch Lăng Già
Xong, lại mơ cõi Duy Ma phiêu bồng
Để mai về bến sương hồng
Trong tâm còn lại đôi dòng chân kinh
Bước chân qua cõi tử sinh
Không biết tôi có còn đủ thời gian để hoàn tất bộ kinh này như tâm nguyện hay không. Tất cả đều tùy thuộc vào hai chữ NHÂN DUYÊN. Nếu xong thì đó là ân phước, còn dang dỡ thì xin thành tựu ở kiếp sau. Bản thân tôi, có đôi điều tôi cảm nhận có tiền kiếp, nên tôi luôn tin vào thuyết luân hồi. Cuộc sống chỉ này là một mắc xích trong chuỗi luân hồi tái sinh. Nên tôi xem giai đoạn bạo bệnh này là phương tiện để trả những nghiệp xấu, trước khi giúp ta chuyển nghiệp. Đến Đức Phật còn chịu nhiều khổ nạn, huống gì những kẻ tục tử phàm phu như chúng ta?
Trong thời gian điều trị, gần như tôi dùng thơ để chống chọi lại những cơn đau. Bạn bè gọi đùa thơ tôi làm lúc này là thơ … chữa bệnh. Tôi xin ghi lại đây.
HÓA TRỊ LẦN 1
(Ngày 9/9 Lên lầu tầng 9 , ngồi ghế số 63, hoá trị cả ngày, ngẫu hứng làm thơ)
Sáng ni lên chín tầng trời
Ngồi nghe thiên cổ kể lời biển dâu
Muốn cho cuộc sống nhiệm mầu
Mỗi giây phút phải xanh màu thiên thu
Để khi vào cõi sa mù
Sẽ bay như hạt mưa thu nhẹ nhàng
HÓA TRỊ LẦN 2
Ngày 2/10, hoá trị lần 2, cảm xúc làm thơ
Hôm nay tóc rụng hết rồi
Lần hai hoá trị, lại ngồi thi gan
Vội ghi lại một vài hàng
Xem như gởi lại trần gian đôi lời
Mai đây khởi sự xa đời
Cơn Mơ nào sẽ đưa người ngàn thu?
Xin khi vào cõi Không Hư
Hoá thân thành một lời ru dịu dàng
Bao nhiêu mộng ước dỡ dang
Sẽ thành tựu với Cung Đàn Trùng Sinh.
HÓA TRỊ LẦN 3
Sáng 23/10 hoá trị đợt 3, từ 7h đến 13h, làm thơ…. chữa bệnh
Hôm nay hoá trị đợt ba
Bước xuống ghế bệnh mắt hoa, quay cuồng
Cười ta quen thói phiêu bồng
Bây giờ dừng vó ngựa hồng nơi đây
Giang hồ bao cuộc tỉnh say
Mây đưa tiếng hát, khói bay cung đàn
Cuối đời phiêu bạt phương nam
Cần Thơ sông nước ngọt trầm cải lương
Bến Tre nhớ bóng tà buông
Sài Gòn hoà tiếng hát buồn Bạc Liêu
Tam Kỳ phố cũ thương yêu,
Vui trưa Đà Nẵng, say chiều Hà Lam
Ta nhàn du cõi trần gian
Rong chơi cùng với cây đàn guita
Dịch kinh, viết sách gọi là
Lưu chút tặng vật làm quà thế gian
Bận tâm chi chuyện hợp tan
Sinh là nắng gió, tử ngàn hoa bay
Đến như hoa thắm bên này
Đi thành hương ngát tháng ngày bên kia
Một làn sương mỏng cách chia
TRƯỚC MỔ
6h sáng 14/12 lên bàn mổ, tối 13/12 làm thơ chơi.
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Nguyễn Du)
Tố Như kỳ vọng ba trăm năm
Sẽ có người nhỏ lệ tri âm
Còn ta đâu biết ai người khóc
Hỏi làm chi “Thiên hạ hà nhân?”
Bên cạnh ta luôn có cây đàn
Từng theo ta ngược bắc xuôi nam
Mấy mươi năm vọng hoài âm điệu
Phượng cầu Hoàng hề! Ôi Văn Quân!
Tỉnh say chếnh choáng cuộc giang hồ,
Phiêu đãng tâm tình mấy tiếng tơ
Học Lý Bạch vung đao chém nước
“Minh triêu tản phát lộng thiên chu”
Ta đã rong chơi từ vô thuỷ
Phóng đãng hình hài với cỏ cây
Mai mốt luân hồi trong cõi khác
Thành nắng? thành sương? hay khói mây?
Vạn biệt thiên sai ta vẫn ta
Học làm Trang Tử gõ bồn ca
Nghêu ngao nằm khểnh trong Nhà Lớn
Nhìn cõi trần gian qua lướt qua
Mai mốt bước qua bờ sinh tử
Vén màn sương vào cõi Hư Vô
Cũng chờ ngày trùng du cố quận
Để “lai rai chén rượu giang hồ”
Tài liệu tham khảo
https://huynhngocchien.com/ngoa-benh-cam-tac