Khuôn mặt của bạn không phải là nơi duy nhất để mụn trứng cá “tấn công”. Không ít người khổ sở vì thường xuyên bị nổi mụn ở các vùng khác trên cơ thể như lưng, ngực và cổ.
Thống kê cho thấy trong số những người bị mụn trứng cá, 92% có mụn trên mặt, 60% bị mụn ở cổ và lưng. Nếu một ngày bạn thấy mụn xuất hiện trên những vùng da này, đó chính là dấu hiệu cho thấy tình trạng mụn của bạn đã trở nên nghiêm trọng.
Nguyên nhân hình thành mụn ở cổ và lưng
Mụn trứng cá là kết quả của việc lỗ chân lông bị tắc. Trong khi đó, lưng và cổ, cũng giống như khuôn mặt, có vô số tuyến bã nhờn tiết ra dầu nhờn. Bã nhờn, cùng với các tế bào da chết và vi khuẩn, có thể tích tụ trên các nang lông trên cổ và lưng, làm tắc nghẽn chúng và hình thành nên mụn.
Sự thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân chủ yếu nhất gây ra mụn ở cổ và lưng. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như:
√ Không vệ sinh những vùng da này thường xuyên, đặc biệt là sau khi ra mồ hôi (do chơi thể thao, đi dưới trời nắng nóng…).
√ Mặc quần áo ôm sát, khiến da cổ và lưng bị hầm hơi sinh ra mồ hôi, làm tình trạng mụn càng trở nên trầm trọng.
√ Bạn để tóc xõa, vô tình đưa vi khuẩn, bụi bẩn từ tóc đến vùng da cổ sinh ra mụn.
√ Loại kem dưỡng ẩm/dưỡng trắng toàn thân mà bạn đang sử dụng làm tắc nghẽn lỗ chân lông – đây chính là điều kiện thuận lợi để mụn trứng cá phát triển.
√ Bạn nạp quá nhiều thức ăn dầu mỡ.
√ Bạn “bỏ quên” phần cổ và lưng trong lúc tắm, khiến sữa tắm chưa được làm sạch hết gây bít lỗ chân lông.
√ Bạn chỉ tẩy da chết trên mặt đều đặn mà không tẩy tế bào chết toàn thân, vô tình làm các vùng da khác trên cơ thể bị tồn đọng dầu nhờn, da chết và cả vi khuẩn gây mụn.
Các loại mụn thường gặp ở lưng và cổ
- Mụn đầu trắng: Còn được gọi là mụn trứng cá đóng, mụn đầu trắng phát triển bên dưới da, tạo thành cồi mụn màu trắng trên bề mặt da.
- Mụn đầu đen: Khi một nang mụn hình thành trên bề mặt da, nó sẽ phát triển thành mụn đầu đen, còn gọi là mụn trứng cá mở. Sự xuất hiện của loại mụn này là do phản ứng giữa bã nhờn và không khí chứ không phải do bụi bẩn làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Mụn viêm: là những nốt mụn nhỏ màu hồng, mềm, rất khó thấy nhân.
- Mụn mủ: là một dạng mụn viêm nhưng bên trong chứa đầy mủ màu trắng hoặc vàng.
- Mụn bọc: Loại mụn này khó trị nhất. Nó hình thành khi vùng dưới da bị tổn thương, cứng lại tạo thành một nốt sần cứng, gây đau đớn và dễ để lại sẹo thâm, sẹo lõm.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Nguyên nhân và cách điều trị mụn bọc ở má
Điều trị mụn ở cổ và lưng cách nào?
Tẩy tế bào chết toàn thân 1 lần/tuần
Nếu đã dành nhiều công sức chăm sóc da mặt, bạn hãy dành thêm chút thời gian cho vùng da cổ và lưng. Tẩy tế bào chết toàn thân 1 lần/tuần là cách giúp bạn làm sạch lỗ chân lông, ngăn chặn sự tích tụ của da chết, vi khuẩn và bụi bẩn. Một số nguyên liệu bạn có thể sử dụng là muốn biển, bùn khoáng hoặc nước cốt chanh. Bạn bôi chúng lên da trong lúc tắm, chờ khoảng 15 phút rồi xả lại với nước ấm để làm sạch da tuyệt đối.
Sử dụng các loại sản phẩm bôi không kê đơn
Phương pháp điều trị này được áp dụng cho tình trạng mụn ở thể nhẹ đến trung bình. Bạn có thể thoa sản phẩm chứa thành phần trị mụn như benzoyl peroxide, resorcinol, axit salicylic, lưu huỳnh… từ 1-2 lần/ngày. Lưu ý mặc quần áo rộng, để hở vùng da lưng và cổ càng tốt.
Các loại gel trị mụn chiết xuất từ thành phần tự nhiên cũng rất hiệu quả trong việc điều trị mụn lưng và cổ. Nghệ vàng (chứa curcumin dạng nano) là kháng sinh tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, điều trị mụn và tổn thương sau mụn. Tinh chất hành tây đỏ giúp ngăn ngừa hình thành sẹo lõm. Vitamin E và lô hội dưỡng ẩm, làm sáng da và chống oxy hóa.
Điều trị theo toa
Đối với các loại mụn thể nặng, bạn nên đến bác sĩ thăm khám để có hướng điều trị dứt điểm. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc bôi, thuốc uống và thậm chí cả các phương pháp điều trị khác như liệu pháp chiếu laser hoặc tiêm thuốc làm xẹp mụn bọc.
Một số phụ nữ bị mụn do rối loạn nội tiết tố sẽ được chỉ định uống thuốc tránh thai. Loại thuốc này có chứa estrogen và progestin, có hiệu quả trong việc kiểm soát mụn trứng cá.
Ngăn ngừa mụn cổ và lưng
Giữ vùng da này luôn sạch sẽ
Nguyên tắc đầu tiên trong việc điều trị mụn lưng và cổ là giữ cho các vùng da này luôn thông thoáng, sạch sẽ. Bạn hãy tạm biệt những chiếc áo cổ lọ, áo bó sát hoặc áo chất liệu dày, không thấm hút mồ hôi. Thay vào đó, nên mặc trang phục mỏng, rộng rãi và không mặc quá một ngày.
Tuyệt đối không nặn mụn bừa bãi
Bạn có thể nặn mụn đầu trắng, mụn đầu đen dễ dàng. Tuy nhiên, với các loại mụn viêm, mụn mủ và đặc biệt là mụn bọc, tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu bạn nặn không đúng cách. Vi khuẩn sẽ lây lan sang các vùng da lân cận, gây viêm nhiễm.
Chăm sóc da đúng cách
Hãy thường xuyên làm sạch da cổ và lưng bằng sữa rửa mặt nhẹ nhàng, tắm sau khi tập thể dục, giữ tóc luôn sạch sẽ (đảm bảo bạn rửa sạch hoàn toàn các loại dầu xả dùng cho tóc), tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều.
Biến chứng tiềm ẩn
Khi bạn bị mụn ở lưng và cổ, đặc biệt là mụn bọc, hãy quan sát thật kỹ để đảm bảo rằng chúng không phải cái gì khác ngoài mụn trứng cá. Bởi lẽ, đã có rất nhiều người nhầm lẫn mụn với dấu hiệu của một tình trạng da khác, chẳng hạn như:
– Ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc vảy (ung thư da)
– Nhiễm trùng da sâu hơn hoặc áp xe
– Một u nang nhiễm bệnh
– Sẹo lồi.
Nếu cảm thấy sự bất thường đối với các nốt mụn ở lưng và cổ (như không có nhân, không gây đau nhức, mãi không lành), bạn đừng chần chừ mà hãy đến gặp bác sĩ da liễu ngay.