Nám thường và nám da khi mang thai tuy giống nhau về bản chất nhưng lại có nguyên nhân và cách chữa trị hoàn toàn khác nhau tùy vào tình trạng da. Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây để có thể phân biệt 2 loại nám da này và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Một làn da sáng khỏe đầy sức sống luôn là mơ ước của mọi phụ nữ. Thật không may mắn khi vẫn còn nhiều người phải chịu đựng nỗi ám ảnh mang tên nám da. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được sự khác nhau giữa nám thông thường và nám do mang thai. Vậy hai loại nám này có gì khác nhau? Nguyên nhân và cách điều trị cho từng loại nám là gì?
Nám thường và nám da khi mang thai khác nhau như thế nào?
Nám thường
Nám thường là tình trạng nhiều vùng da trở nên sẫm màu hơn so với những vùng da xung quanh. Các bác sĩ gọi đây là sự tăng sắc tố. Tình trạng này chủ yếu xuất hiện trên mặt, đặc biệt ở trán, má và vùng da môi trên. Các vùng da tối màu có thể mờ dần, từ màu vàng nhạt đến màu nâu sẫm. Các vùng da khác trên cơ thể khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể bị nám nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra. (1) (2)
Yếu tố quan trọng nhất khiến nám trở nên nặng hơn là do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc khiến bạn nhạy cảm với ánh nắng mặt trời (nhạy sáng) cũng có thể làm tăng nguy cơ nám da. Các loại thuốc này có thể bao gồm các loại mỹ phẩm và thuốc uống được dùng để chữa trị các vấn đề về nhũ hoa hay tuyến giáp.
Nám da khi mang thai
50-70% phụ nữ mang thai có thể xuất hiện những đốm nám da trong thai kỳ của mình. Ngoài ra, tình trạng nám da do mang thai còn được gọi là “mặt nạ thai kỳ” với những đặc điểm như những vùng da tối màu đối xứng thường xuất hiện trên má, vùng da môi trên, trán và cằm, gần giống như một chiếc mặt nạ. Những người có nước da rám nắng và tối màu hơn sẽ có nguy cơ bị nám nhiều hơn. Nám da do mang thai cũng có xu hướng xuất hiện nhiều vào mùa hè vì làn da phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
Nám da do thai kỳ còn liên quan đến sự thay đổi hormone xảy ra trong suốt thai kỳ, vì vậy những vùng da tối màu là một dấu hiệu thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai. Nếu bạn đang tiến hành liệu pháp thay thế hormone hay uống thuốc tránh thai, bạn cũng có khả năng bị nám.
Tìm hiểu thêm: Chăm sóc da mặt trong thai kỳ liệu có an toàn?
Nguyên nhân gây ra tình trạng nám da
Nguyên nhân gây nám da thông thường
- Nám da là bệnh về da rất dễ gặp. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng phụ nữ trẻ tuổi với tông da nâu có nhiều nguy cơ bị nám da nhiều hơn
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể là một yếu tố tiềm ẩn gây ra nám da. Những người sống ở khí hậu nhiệt đới thường dễ bị nám hơn
- Dị ứng với các loại thuốc và mỹ phẩm có thể gây ra nám da dù rất hiếm
- Bệnh nhân Addison (một dạng rối loạn tuyến thượng thận) có thể xuất hiện triệu chứng nám da
- Nám da thường liên quan đến sự thay đổi hormone ở nữ giới. Sự thay đổi lượng estrogen và progesterone có thể gây ra nám da
- Thuốc tránh thai hay liệu pháp thay thế hormone có thể kích hoạt các đốm đen trên da
- Khuynh hướng di truyền có thể làm sạm da
- Những bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tuyến giáp cũng có thể bị nám da
- Cơ thể sản xuất quá nhiều hormone kích thích melanocyte do căng thẳng cũng khiến làn da bị sạm và xuất hiện các vết nám
Nguyên nhân dẫn đến nám da khi mang thai
Thời kỳ mang thai là giai đoạn cơ thể phụ nữ có nhiều biến đổi rối loạn trong các cơ quan như đường tiêu hóa, tĩnh mạch, thần kinh và gây nhiều lo lắng nhất là biến đổi về nội tiết để lại những hậu quả kéo dài trên làn da như: lỗ chân lông to, vùng da mặt nhờn, màu da xỉn, nám ở 2 bên má…
Những biến đổi nội tiết trong cơ thể gây nên rối loạn sắc tố da. Nguyên nhân khởi phát của nám da trong thai kỳ là do sự gia tăng đột biến của các yếu tố nội tiết tố nữ như estrogen, progesterone.
Mức độ của các nội tiết tố này tăng vọt cũng như lưu lượng máu tăng cao sẽ kích thích sự hình thành của các phân tử tyrosine và melanocytes (các tiền hắc sắc tố melanin) dẫn đến tăng sinh sản xuất các hắc sắc tố và biểu hiện thành đốm, mảng nám bên ngoài da.
Với phụ nữ đã bị tàn nhang thì trong thai kì, tàn nhang sẽ trở nên đậm hơn đồng thời các nốt ruồi cũng có sắc tố đậm hơn trong suốt thời kỳ mang thai.
Những biểu hiện này phổ biến ở phụ nữ da màu hoặc những người gốc châu Á và châu Phi – những người đã có sẵn những sắc tố da. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể làm cho nám da trong thời kỳ mang thai tồi tệ hơn.
Tìm hiểu thêm: Vì sao người châu Á hay bị nám da?
Cách chữa trị nám da khi mang thai và nám thường
Điều trị nám thường
Dưới đây là một vài lựa chọn giúp làm mờ hay loại bỏ các vùng da sạm màu do nám:
- Hydroquinone là một loại kem giúp loại bỏ sắc tố da. Loại kem này ngăn ngừa quá trình hóa học tự nhiên dẫn đến sự hình thành sắc tố melanin, một loại chất làm sạm màu da
- Tretinoin là một loại vitamin A giúp làm tăng tỉ lệ các tế bào da chết mất đi và các tế bào mới xuất hiện. Việc này giúp các mảng nám mờ đi nhanh hơn vì các tế bào sắc tố da mới được đẩy ra
- Kem Axit Azelaic giúp làm chậm hoặc ngưng lại sự sản xuất sắc tố da, nguyên nhân khiến da bị sạm
- Mặt nạ hóa học là một loại chất lỏng đắp lên mặt, tạo ra một vết bỏng hóa học nhẹ, tương tự như cháy nắng. Qua thời gian, lớp da bỏng tróc ra và để lại làn da mới. Mặt nạ hóa học có nhiều loại mức độ khác nhau. Axit glycolic là một trong những loại nhẹ nhất, vì vậy mà nguy cơ để lại sẹo hay gây bạc màu da thường thấp hơn. Mặt nạ hóa học có thể được sử dụng khi các phương pháp nám da khác không mang lại hiệu quả
- Liệu pháp IPL (Intense Pulsed Light) sử dụng sức mạnh của sóng ánh sáng để loại bỏ các vùng sắc tố trên da
Cách chữa trị nám da khi mang thai
Khi hormone ổn định, những đốm nám trên da thường sẽ mờ đi. Những người nám da do mang thai sẽ thấy các đốm nám bắt đầu mờ đi sau khi sinh con. Những người đang uống thuốc tránh thay hay sử dụng liệu pháp hormone thay thế cũng sẽ thấy những vùng da sạm này mờ đi khi dừng uống các loại thuốc này.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn có một làn da trắng sáng trong thời gian mang thai mà không cần sử dụng các loại thuốc hay kem bôi có thể ảnh hưởng đến thai nhi, các biện pháp trị nám tự nhiên dưới đây có thể giúp bạn.
- Giấm rượu táo: sử dụng giấm rượu táo trên các vùng da bị nám một hoặc hai lần mỗi ngày có thể dần dần làm sáng các vùng da này
- Nước cốt chanh: bạn vắt một ít nước chanh rồi bôi lên vùng da sạm màu hai lần mỗi ngày, các vết nám có thể sẽ biến mất sau vài tuần
- Chiết xuất hạt bưởi: vitamin C và chất chống oxi hóa có trong chiết xuất hạt bưởi có thể giúp trị nám khi sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy phương pháp này có thể giúp làm sáng màu da
- Tinh dầu: nhiều loại tinh dầu, ví dụ như tinh dầu trà xanh và dầu lavender giàu vitamin và chất chống oxi hóa rất tốt trong việc chữa trị các bệnh về da. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người hộ sinh trước khi sử dụng các tinh dầu này vì bạn có thể gặp một vài tác dụng phụ trong quá trình mang thai
- Mặt nạ chuối: bạn chỉ cần nghiền nát một quả chuối chín còn tươi trên vùng da bị nám, để im trong vòng 15 phút, sau đó rửa mặt lại với nước lạnh. Các đốm đen trên da sẽ biến mất và bạn sẽ có một làn da sáng và mềm mại
Nám thường hay nám do mang thai tuy giống nhau về bản chất nhưng lại có nguyên nhân và cách chữa trị hoàn toàn khác nhau. Bạn nên tìm hiểu thật kỹ tình trạng da của mình để có cách điều trị thích hợp.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm về cách trị nám da và tàn da sau sinh từ các nguyên liệu tự nhiên để tốt nhất cho làn da nhé.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.