Tìm hiểu chung
Nang đơn thận là bệnh gì?
Thận là hai cơ quan hình hạt đậu trong cơ thể người với chức năng chính là lọc chất thải từ máu và tạo ra nước tiểu. Nang đơn thận là những túi tròn chứa chất lỏng nằm ở vùng vỏ hoặc vùng tủy của thận. Tuy nhiên, nang đơn thận là loại nang không gây ung thư và cũng không dẫn đến suy thận hoặc các biến chứng khác.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh nang đơn thận?
Nang đơn thận không gây ra ung thư và có thể không gây ra bất kì triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu các nang phát triển đủ lớn, nó có thể gây ra một số vấn đề đến sức khỏe. Các triệu chứng thường gặp của nang đơn thận là:
- Có khối phồng lên ở bụng do xuất hiện u nang;
- Khó chịu hoặc đau ở hông lưng;
- Có máu trong nước tiểu;
- Đi tiểu thường xuyên;
- Cao huyết áp (vẫn chưa rõ mối quan hệ với bệnh);
Đôi khi triệu chứng rất nhẹ và người bệnh sẽ sống cả cuộc đời mà không biết rằng họ có nang thận.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Những nguyên nhân nhân nào gây nang đơn thận?
Chưa có một giải thích đầy đủ nào về nguyên nhân gây ra bệnh. Một giả thuyết cho rằng nang đơn thận phát triển khi các lớp bề mặt của thận suy yếu và tạo thành các túi. Sau đó, các túi này sẽ tích tụ dịch bên trong và phát triển thành một nang, gọi là nang đơn thận.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải nang đơn thận?
Số người mắc bệnh nang đơn thận chiếm khoảng 5% dân số, chủ yếu là nam giới. Ngoài ra, một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh lên đến 25-33% chính là tuổi tác. Bạn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nang đơn thận?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như bệnh phổ biến hơn ở nam giới, mặc dù bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh thường xuất hiện ở người già hơn so với người trẻ.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nang đơn thận?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách hỏi về bệnh sử của bạn và gia đình. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm hình ảnh như siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định kích thước, hình dạng và tính chất của nang. Bạn cũng có thể cần phải thực hiện một xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định chức năng thận có bị suy giảm hay không.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nang đơn thận?
Mức độ điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bạn. Trong trường hợp nhẹ, bác sĩ sẽ thực hiện một thủ thuật nhỏ để lấy dịch từ trong nang ra ngoài, đồng thời bơm các dung dịch chứa cồn vào nang để tránh tái phát.
Trong trường hợp tình hình phức tạp hơn như nang tái phát hoặc phình quá lớn, bác sĩ sẽ lấy toàn bộ dịch bên trong đồng thời đốt vách nang.
Nếu nang không gây ra bất kỳ triệu chứng hay biến chứng nào, bạn có thể không cần phải điều trị.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế nang đơn thận?
Bạn sẽ có thể kiểm soát nang đơn thận nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Khám sức khỏe hàng năm. Nhiều trường hợp bệnh nhân phát hiện ra họ có nang thận qua khám sức khỏe định kỳ;
- Tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện sức khỏe của bạn nói chung và cũng như sức khỏe của thận;
- Có một chế độ ăn uống phù hợp. Bạn cần chế độ ăn giảm chất béo và các thực phẩm có đường. Vì chất béo sẽ chuyển vào máu, khiến cho thận của bạn làm việc vất vả hơn để lọc máu;
- Giảm bớt căng thẳng. Stress có thể gây hoặc làm trầm trọng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Yoga, thái cực quyền, massage, thiền hoặc hít thở sâu có thể giúp bạn giảm stress.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.