Đa số mọi người đều cho rằng rèn luyện thể chất chỉ giúp bạn giảm cân và hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động. Thực tế, các lợi ích của việc tập thể dục còn nhiều hơn thế.
Ngày nay, thói quen tập thể dục đang dần trở thành xu thế cho một lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, hầu hết mọi người tìm đến các hoạt động thể chất với mong muốn cải thiện vẻ bề ngoài, chẳng hạn như:
- Giảm cân
- Cơ thể thon gọn
- Ba vòng hoàn hảo
- Cơ bụng săn chắc
Tuy nhiên, theo thống kê từ nhiều nhà nghiên cứu, có đến 2/3 người dân ở Mỹ sau một thời gian rèn luyện thể chất vẫn giữ nguyên tình trạng thừa cân (béo phì). Nguyên nhân có thể do họ tập sai cách hoặc cường độ tập luyện chưa đủ.
Tuy vậy, dù với bất kỳ lý do gì, điều này vẫn sẽ khiến bạn cảm thấy chán nản với những gì mình đang thực hiện.
Do đó, không ít chuyên gia khuyến nghị mọi người nên chuyển mục tiêu vào những lợi ích của việc tập thể dục khác, thay vì cứ mong chờ vào một thể hình “trong mơ”.
Vậy, bạn đã biết ngoài cải thiện ngoại hình của mình, lợi ích của việc tập thể dục còn bao gồm những gì nữa chưa?
Tập thể dục giúp bạn thông minh hơn
Mọi người đều biết các bài rèn luyện thể chất có thể giúp bạn xây dựng cơ bắp hoàn hảo. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết não bộ cũng hưởng lợi tương tự từ việc tập luyện.
Theo Dr. John Ratey, chuyên gia tâm thần học đến từ Đại học Harvard, thói quen vận động thường xuyên sẽ giúp bạn gia tăng số lượng tế bào não được sản sinh. Cụ thể hơn, cứ mỗi 4–5 phút tăng thêm khi thực hiện các bài tập dành cho tim mạch sẽ kích thích lưu lượng máu đến não tăng hơn 15%, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các tế bào “con”.
Không những thế, việc rèn luyện thể chất còn nâng cao hiệu quả làm việc bằng cách cải thiện các yếu tố như:
- Tập trung
- Chú ý
- Động lực
- Tâm trạng
Thêm vào đó, số lượng những chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, norepinephrine và serotonin cũng tăng lên đáng kể nhờ việc tập luyện thể dục thể thao.
Tăng hạnh phúc: một lợi ích của việc tập thể dục không thể không nhắc đến
Đã có 23 kết quả nghiên cứu từ Đại học Michigan cho thấy việc vận động thể chất có khả năng giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Các chuyên gia ở đây còn cho biết, một buổi tập thể dục 20 phút cũng sẽ giúp cơ thể hạn chế sản sinh cortisol, một loại hormone giúp chống căng thẳng.
Trong trường hợp nguy hiểm, nồng độ cortisol sẽ tăng cao để đối kháng lại các yếu tố gây cản trở cho quá trình đối phó với cảm xúc tiêu cực, căng thẳng. Điều này dẫn đến những triệu chứng như:
- Tăng nhịp tim
- Đau bụng
- Khô miệng
- Căng cứng cơ bắp
- Hoảng loạn
Do đó, việc hạn chế bớt lượng cortisol sinh ra giúp bạn đánh lừa bộ não rằng tình trạng căng thẳng đã được giải quyết.
Mặt khác, chạy bộ 20 phút cũng có khả năng cải thiện tâm trạng theo hướng tích cực trong nửa ngày, nhờ vào sự tăng cường các phản ứng sinh hóa bên trong cơ thể.
Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Duke, một chế độ rèn luyện thể chất thường xuyên còn đạt hiệu quả điều trị trầm cảm tương tự thuốc Zoloft.
Điều này xuất phát từ sự kích thích BDNF (brain-derived neurotrophic factor, còn gọi là protein dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não) của các bài tập. Đây là một trong những thành phần chính của phương pháp điều trị trầm cảm bằng thuốc.
Hoạt động thể chất còn giúp bạn thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn
Dựa trên những lợi ích của việc tập thể dục đối với não bộ và sức khỏe tinh thần, bạn có thể nhận ra thói quen này đang dần dần thay đổi cuộc sống của mình theo chiều hướng tích cực hơn trước.
Ngoài ra, tập thể dục còn cung cấp cho bạn nguồn năng lượng dồi dào. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy nhiều sức sống hơn và hoàn thành tốt các công việc hàng ngày.
Mặt khác, theo một số nghiên cứu, khi tăng dần độ khó của các bài tập và hoàn thành mục tiêu sẽ giúp bạn có cảm giác đạt được thành tựu. Điều này mang lại sự tự tin cần thiết cho bạn để vượt qua các thách thức cũng như tạo ra những thay đổi mới trong cuộc sống sau này.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Thuốc chẹn beta giao cảm và tập thể dục: cẩn thận rủi ro
- Bạn đã thật sự hiểu hết lợi ích của việc tập thể dục đối với bệnh nhân ung thư gan?
- Bài tập thể dục nào tốt cho bệnh thoái hóa khớp gối?