Ác mộng là những giấc mơ kinh hãi có thể đánh thức con bạn khỏi giấc ngủ. Thường thì những giấc mơ kinh khủng luôn là điều hết sức bình thường ở tất cả các lứa tuổi lớn hơn sáu tháng tuổi. Khi bé gặp một cơn ác mộng, bé sẽ khóc và hét lên cho đến khi một người nào đó đến với bé. Khi trẻ tuổi mẫu giáo gặp một cơn ác mộng, bé thường khóc và chạy vào phòng ngủ của cha mẹ. Những bé lớn hơn bắt đầu hiểu cơn ác mộng là gì và có thể tự quay lại với giấc ngủ mà không đánh thức cha mẹ của chúng.
Nguyên nhân của ác mộng ở trẻ nhỏ
Tất cả chúng ta hầu hết đều mơ bốn hoặc năm lần mỗi đêm. Một số giấc mơ hết sức tốt đẹp, một số còn lại lại hết sức đáng sợ. Giấc mơ giúp hồi tưởng các sự kiện phức tạp hay các thông tin mà bộ não đã gặp trong cuộc sống thường ngày. Nội dung của những cơn ác mộng thường liên quan đến những khó khăn mà bé gặp phải trong quá trình phát triển. Bé tập đi thường có những cơn ác mộng về việc bị tách khỏi cha mẹ, bé tuổi mẫu giáo có những giấc mơ về con quái vật hay bóng tối và các em bé trong độ tuổi đi học thường gặp rắc rối về những giấc mơ về cái chết hoặc nguy hiểm thực sự. Ác mộng thường xuyên cũng có thể được gây ra bởi các chương trình truyền hình hoặc phim có nội dung bạo lực mà bé xem vào ban ngày.
Cùng trẻ đối phó với những cơn ác mộng
Bố mẹ có thể giúp con có giấc ngủ yên lành hơn bằng cách:
Trấn an và âu yếm bé
Hãy giải thích cho con bạn rằng bé đã có một giấc mơ xấu. Bạn nên ngồi trên giường cho đến khi bé bình tĩnh, sau đó rời khỏi và để cửa phòng mở (không bao giờ đóng cửa khi con sợ hãi). Bạn cũng có thể trang bị cho bé một cái đèn ngủ, đặc biệt nếu bé sợ bóng tối. Hầu hết các bé sẽ trở về giấc ngủ khá nhanh chóng sau khi được cha mẹ trấn an.
Khuyến khích bé kể về những cơn ác mộng này trong ngày
Con bạn có thể không nhớ những gì bé đã mơ trừ khi bạn nhắc bé về một điều bé nói lúc bé mơ. Nếu con bạn mơ về việc bị té ngã hoặc bị truy đuổi, hãy trấn an rằng rất nhiều trẻ em cũng mơ về điều đó. Nếu con bạn có những giấc mơ xấu hơn nữa, hãy giúp bé tưởng tượng ra một kết thúc tốt đẹp cho những giấc mơ xấu này. Khuyến khích con bạn tưởng tượng ra một nhân vật mạnh mẽ hay một vũ khí kỳ diệu để giúp bé đánh bại những người xấu. Bạn cũng có thể giúp con bạn vẽ hoặc viết về những câu chuyện trong mơ với cái kết mới hạnh phúc hơn. Việc giải quyết nỗi sợ hãi của bé thường phải mất nhiều thời gian, nhưng kết quả đem lại sẽ rất tích cực.
Tránh để bé xem những bộ phim và chương trình ti vi đáng sợ
Đối với nhiều bé, phim bạo lực hay kinh dị thường gây sợ hãi và ác mộng khi ngủ. Những nỗi sợ hãi này có thể tồn tại nhiều tháng hoặc nhiều năm. Tuyệt đối cấm bé xem những phim này trước khi con được 13 tuổi. Trong khoảng thời gian con đang ở độ tuổi 13 đến 17, bạn nên cẩn thận khi quyết định cho con xem những phim xếp hạng R (có chứa nội dung bạo lực hay người lớn). Ngoài ra, cũng cần cảnh giác khi bé tham gia tiệc ngủ hoặc tiệc Halloween.
Khi nào bạn nên cho bé đi khám bác sĩ?
Cơn ác mộng có thể làm xáo trộn sinh hoạt hàng ngày của bé và gia đình. Bạn nên đưa con đến bác sĩ khi nhận thấy:
- Những cơn ác mộng của bé trở nên tồi tệ hơn;
- Những cơn ác mộng không giảm sau khi bạn đã sử dụng các phương pháp trên trong hai tuần;
- Nỗi sợ hãi cản trở hoạt động ban ngày của bé;
- Con của bạn luôn lo lắng và e dè;
- Bạn có thắc mắc hoặc câu hỏi khác.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng
8 mẹo đơn giản giúp bé ngủ ngon