Kiểm soát chứng rối loạn lưỡng cực: Chỉ cần bạn cố gắng!

(3.83) - 67 đánh giá

Chứng rối loạn lưỡng cực liên quan đến những thay đổi ở tâm trạng, năng lượng và cường độ hoạt động của người bệnh. Sử dụng thuốc có thể giúp bạn kiểm soát triệu chứng nhưng cũng sẽ gây tác dụng phụ. Do đó, bạn có thể muốn thử một số biện pháp khắc phục loại bệnh tâm thần này tại nhà.

Theo thống kê từ các nhà nghiên cứu, chứng rối loạn lưỡng cực có xu hướng phát sinh từ độ tuổi 25. Người mắc bệnh này sẽ lần lượt trải qua hai giai đoạn trầm cảm nặng và hưng phấn tột độ xen kẽ. Trong lúc trầm cảm, người bệnh mất khả năng sinh hoạt và làm việc bình thường.

Ngược lại, khi cơn hưng cảm kéo đến, bạn có nguy cơ đưa ra những quyết định liều lĩnh, nhiều khả năng ảnh hưởng đến tính mạng. Mặt khác, trầm cảm hoặc hưng phấn tột cùng là một trong những tiền đề cho rối loạn tâm thần phát triển.

Thực tế, bạn không thể điều trị triệt để chứng rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, các bác sĩ có biện pháp để kiểm soát tình trạng này, chẳng hạn như chỉ định người bệnh sử dụng thuốc đặc hiệu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thay đổi một số thói quen sống hoặc chú trọng vấn đề dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình điều trị, cải thiện kết quả cuối cùng.

Thay đổi lối sống

Nhìn chung, bên cạnh tư vấn tâm lý hay liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), một loạt thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng tích cực có thể giúp người mắc chứng rối loạn lưỡng cực bằng cách:

  • Kiểm soát tốt các triệu chứng
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống

Chú trọng giấc ngủ

Chứng rối loạn lưỡng cực có thể làm đảo lộn giờ giấc sinh học của cơ thể. Trong thời kỳ hưng cảm, bạn có thể ngủ rất ít. Ngược lại, khi tiến vào giai đoạn trầm cảm, bạn có khả năng ngủ liên tục trong thời gian dài bất thường.

Rối loạn giấc ngủ có khả năng kích thích tâm trạng, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực không đáng có. Vì vậy, ngủ đủ giấc rất quan trọng để kiểm soát tốt tâm trạng.

Một số mẹo vệ sinh giấc ngủ tốt có thể hỗ trợ người mắc chứng rối loạn lưỡng cực có giấc ngủ ngon, ổn định. Ví dụ như:

  • Tập thói quen đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định
  • Đảm bảo không gian phòng ngủ thoải mái
  • Thả lỏng cơ thể trước khi đi ngủ, tránh rơi vào những tình huống căng thẳng
  • Không ăn quá no trước khi ngủ
  • Hạn chế những thức uống chứa cồn

Nếu bị mất ngủ do bệnh rối loạn lưỡng cực, bạn nên sớm đến gặp bác sĩ và nhờ họ tư vấn chuyên sâu hơn.

Bạn có thể quan tâm: Cùng tìm hiểu về rối loạn giấc ngủ ở người lớn tuổi.

Lưu ý vấn đề dinh dưỡng

Một chế độ ăn uống lành mạnh là thói quen quan trọng đối với tất cả mọi người, bao gồm cả những người đang bị rối loạn lưỡng cực.

Theo thống kê từ các nhà nghiên cứu, 68% trường hợp rối loạn lưỡng cực có đặc điểm béo phì. Ngoài ra, người bệnh còn có nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:

  • Đái tháo đường (tiểu đường)
  • Loãng xương
  • Các bệnh về tim mạch

Do đó, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ gặp phải những bệnh lý trên.

Một nghiên cứu khác vào năm 2013 cho thấy tình trạng thừa cân, béo phì của người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực có thể bắt nguồn từ:

  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị
  • Bạn đã ăn quá nhiều trong giai đoạn trầm cảm

Béo phì có khả năng cản trở quá trình phục hồi. Đồng thời, nó còn gây tăng nguy cơ phát sinh những biến chứng như:

  • Đái tháo đường
  • Tăng huyết áp
  • Căng thẳng tột độ

Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân rối loạn lưỡng cực có thể xuất phát từ sự mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh trong não, bao gồm:

  • Noradrenaline
  • Dopamine
  • Serotonin

Trong đó, serotonin có khả năng tạo tác động đến sự thèm ăn. Theo chuyên gia dinh dưỡng, khi nồng độ của hoạt chất này giảm xuống, bạn sẽ có xu hướng thèm những món giàu tinh bột và thực phẩm ngọt.

Để đảm bảo cơ thể nhận đủ dinh dưỡng ngay cả khi bạn đang mắc chứng rối loạn lưỡng cực, hãy áp dụng những mẹo dưới đây và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm:

  • Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa
  • Thực đơn đa dạng, cân bằng dinh dưỡng và có nhiều rau củ quả cũng như trái cây tươi
  • Lên kế hoạch cho các bữa ăn hàng ngày, chuẩn bị sẵn danh sách thực phẩm cần mua và bám sát nó

Học và thực hành những công thức nấu ăn mới trong lúc tâm trạng tích cực có thể giúp bạn dễ dàng thiết lập những thói quen tốt này.

Bạn có thể muốn tìm hiểu: 6 cách tăng cường serotonin không dùng thuốc.

Rèn luyện thể chất thường xuyên

Thường xuyên tập thể dục với cường độ vừa phải sẽ giúp bạn cân bằng tâm trạng, ngăn ngừa một số vấn đề sức khỏe như thừa cân hay bệnh tim mạch.

Tuy không tác động trực tiếp đến chứng rối loạn lưỡng cực, nhưng các hoạt động thể chất có thể hỗ trợ cải thiện tâm trạng trong giai đoạn người bệnh xuống tinh thần.

Theo một cuộc đánh giá khoa học gần đây, các nhà nghiên cứu cho biết tập thể dục có nhiều khả năng hiệu quả giúp đối phó với giai đoạn trầm cảm của bệnh rối loạn lưỡng cực. Mặt khác, rèn luyện thể chất còn có mối liên hệ mật thiết với nhiều biện pháp cải thiện sức khỏe khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn về những vấn đề như

  • Một người nên tập thể dục bao nhiêu là đủ
  • Tần suất cũng như cường độ hoạt động

Tập thể dục đúng cách rất quan trọng, đặc biệt khi chứng rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến một số yếu tố thể chất và tâm lý của bạn.

Bạn có thể muốn đọc thêm: 10 cách để bạn siêng tập thể dục buổi sáng.

Tránh xa những thói quen xấu

Người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực rất dễ sa vào những chất gây nghiện. Theo kết quả từ một cuộc nghiên cứu, 56% người bị bệnh này có xu hướng nghiện rượu, thuốc lá hoặc ma túy.

Vấn đề trên có thể phát sinh do một số đường dẫn truyền thần kinh đảm nhiệm vai trò kiểm soát cảm xúc vui sướng. Người mắc chứng rối loạn lưỡng cực có xu hướng dễ dàng kích hoạt các đường dẫn truyền này. Điều đó có thể thúc đẩy người bệnh hướng đến nhiều hành vi đầy tính rủi ro.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, mặt tích cực của điều này là khuyến khích mọi người làm việc với hiệu suất cao, nhằm hướng tới mục tiêu cũng như tham vọng của bản thân. Ngược lại, nó cũng có thể khiến người chịu ảnh hưởng hoàn toàn tập trung vào mục tiêu đã định, bác bỏ những rủi ro có nguy cơ xảy ra.

Sau đây, Hello Bacsi sẽ gợi ý một số mẹo để ngăn ngừa những vấn đề trên, ví dụ như:

  • Cẩn thận trước mọi quyết định của chính mình
  • Ý thức về bất kỳ hành động nào của bản thân, chẳng hạn như quyết định sử dụng chất gây nghiện
  • Tìm đến sự giúp đỡ từ người thân và bạn bè về việc khuyên can trước những quyết định sai lầm

Kiểm soát giai đoạn hưng cảm

Cơn hưng cảm có thể đem lại cho bạn những phiền toái không mong muốn do thay đổi tâm trạng. Những biện pháp phòng ngừa tâm trạng cao bất thường đôi khi không hiệu quả. Do đó, bạn nên học cách kiểm soát tốt tình trạng này. Một số mẹo sau đây có thể hỗ trợ bạn trong việc này, chẳng hạn như:

  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ nếu đây là lần đầu tiên bạn rơi vào trường hợp này
  • Tuân thủ kế hoạch điều trị và tái khám đúng hẹn, vì thuốc được kê toa có khả năng cần điều chỉnh
  • Chú trọng giấc ngủ của mình, hạn chế tối đa những tình huống căng thẳng
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng
  • Chăm rèn luyện thể chất
  • Tránh rượu, bia và những chất kích thích khác
  • Theo sát tâm trạng và cảm xúc của bản thân
  • Chia sẻ với người thân hoặc bạn bè để họ có thể hỗ trợ phần nào trong quá trình điều trị

Ngoài ra, ngừng điều trị hoặc điều trị không hiệu quả cũng có thể khiến cơn hưng cảm trở nên nghiêm trọng. Lúc này bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Một số liệu pháp bổ sung

Những biện pháp khắc phục chứng rối loạn lưỡng cực dưới đây chỉ bao gồm các chất bổ sung và tư vấn tâm lý, không liên quan đến việc sử dụng thuốc kê toa hoặc không kê toa.

Các loại thảo mộc và thực phẩm chức năng

Một số người bị rối loạn lưỡng cực có thể sử dụng các loại thảo mộc hoặc chất bổ sung (thực phẩm chức năng) nhằm thuyên giảm những triệu chứng đang diễn ra.

Omega-3

Theo một số nghiên cứu, chiết xuất dầu cá omega-3 có khả năng hỗ trợ đối phó chứng rối loạn lưỡng cực. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng bệnh rối loạn lưỡng cực ít phổ biến ở những quốc gia tiêu thụ nhiều cá. Thực tế, hàm lượng omega-3 trong cơ thể người bị trầm cảm cũng thấp hơn so với người bình thường.

Ngoài ra, axit béo omega-3 còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe khác cho người dùng. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý ưu tiên hấp thụ hoạt chất này ở dạng tự nhiên. Điều này có nghĩa là bạn nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu omega-3 vào thực đơn hàng ngày của mình, bao gồm:

  • Những loại cá như cá hồi, cá thu…
  • Các loại hạt
  • Dầu thực vật

Magiê

Một số nhà khoa học nghĩ rằng magiê đóng vai trò điều chỉnh tâm trạng của cả giai đoạn hưng cảm và trầm cảm. Không những thế, loại khoáng chất này còn có khả năng hỗ trợ một số nhóm thuốc hoạt động hiệu quả hơn.

Do đó, một số bác sĩ có thể đề nghị bạn bổ sung magiê. Hãy nghiêm túc thảo luận về việc bổ sung magiê với bác sĩ điều trị.

Vitamin và các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống

Một số người cho rằng vitamin có thể giúp ích trong việc kiểm soát chứng rối loạn lưỡng cực, cụ thể là vitamin C và axit folic.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng vitamin C có thể giúp ích trong việc này. Tuy nhiên, nó vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Ngoài ra, axit folic có khả năng hỗ trợ cho việc nhận thức, nhưng việc hoạt chất này có thể giúp điều trị rối loạn lưỡng cực hay không vẫn chưa được kiểm chứng kỹ. Các chuyên gia sẽ cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để có thể công bố giả thiết trên.

Tuy nhiên, vitamin C cũng như axit folic có thể tăng cường sức đề kháng của bạn, từ đó phòng ngừa một loạt vấn đề sức khỏe.

Lựa chọn thảo dược phù hợp

Một số người bị trầm cảm có thể dùng thảo dược St. John’s wort (Hypericum perforatum) để điều trị các triệu chứng. Tuy vậy, bạn cần lưu ý rằng vị thuốc này có thể làm tăng nguy cơ hưng cảm và phản ứng với thuốc chống trầm cảm được kê đơn.

Do đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị người mắc chứng rối loạn lưỡng cực không nên sử dụng thảo dược St. John’s wort.

Ngoài ra, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ liệu pháp bổ sung hoặc tự nhiên nào. Tác dụng phụ hoặc khả năng tương tác với những loại thuốc bạn đang dùng của chúng có thể đem lại nhiều rắc rối không đáng có.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ không có quy định chính thức về các sản phẩm thực phẩm chức năng và thảo dược. Vì vậy, mọi người có thể không biết chính xác những gì họ đang mua.

Tư vấn tâm lý và liệu pháp nhận thức – hành vi

Biện pháp tư vấn tâm lý cùng với liệu pháp nhận thức – hành vi dường như rất hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng rối loạn lưỡng cực.

Một bài phân tích tổng hợp được công bố vào năm 2017 đã kết luận rằng liệu pháp nhận thức – hành vi có hiệu quả trong việc:

  • Giảm tỷ lệ tái phát bệnh
  • Cải thiện các triệu chứng trầm cảm và mức độ hưng cảm
  • Phục hồi chức năng tâm lý xã hội

Các nhà nghiên cứu đánh giá tốt tác dụng của liệu pháp này. Người thực hiện có thể đạt được kết quả khả quan khi kéo dài liệu trình ít nhất 90 phút.

Bên cạnh đó, liệu pháp nhận thức – hành vi còn giúp bạn xác định những thói quen hoặc hành vi tiêu cực và phá hoại, từ đó thay đổi chúng theo hướng tích cực hơn.

Hỗ trợ và điều trị lâm sàng

Các bác sĩ tâm thần chuyên về rối loạn lưỡng cực thường sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc điều trị bệnh cho bạn. Họ có thể sẽ kê đơn những loại thuốc giúp ổn định tâm trạng giai đoạn hưng cảm, bao gồm:

  • Lithium
  • Axit valproic
  • Carbamazepine
  • Lamotrigine

Bạn nên tái khám đúng hẹn để có thể điều chỉnh lại toa thuốc nếu cần thiết.

Mặt khác, nếu bệnh đã tiến triển đến mức phát sinh rối loạn tâm thần, bạn cũng có thể cần dùng thuốc chống loạn thần, chẳng hạn như:

  • Olanzapin
  • Risperidone
  • Quetiapine
  • Aripiprazole
  • Ziprasidone
  • Luraidone
  • Asenapine

Các bác sĩ thường không kê đơn thuốc chống trầm cảm riêng cho một người bị rối loạn lưỡng cực, ngay cả trong giai đoạn tinh thần xuống thấp. Điều này có thể được giải thích rằng nhóm thuốc này rất dễ “kích hoạt” giai đoạn hưng cảm. Do đó, những người dùng thuốc chống trầm cảm sẽ cần sử dụng thêm thuốc ổn định tâm trạng hoặc chống loạn thần.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ đề nghị bạn nhập viện nếu họ nghi ngờ:

  • Tình trạng rối loạn tâm thần phát sinh
  • Triệu chứng rối loạn lưỡng cực gây nguy hiểm cho chính người bệnh hoặc những người xung quanh

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Bệnh sùi mào gà ở trẻ em: Dễ lây nhưng không gây hại

(56)
Bệnh sùi mào gà ở trẻ em dù không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé nhưng vẫn cần được theo dõi sát sao để tránh lây lan sang những người khác. ... [xem thêm]

Dâu tây: Giá trị dinh dưỡng và những công dụng tuyệt vời

(38)
Dâu tây là loại thực vật có quả và lá dùng để làm thức ăn, bào chế thuốc cũng như có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.Mọi người thường quan ... [xem thêm]

Thực phẩm không thể thiếu trong tủ lạnh

(40)
Bạn đã biết cách bảo quản rau trong tủ lạnh chưa? Sự thật là không phải loại rau củ quả nào cũng có cách bảo quản giống nhau và rất có thể bạn đã ... [xem thêm]

Dạy con nhận biết màu sắc với 6 mẹo nhỏ

(57)
Bắt đầu từ khoảng 18 tháng tuổi, bé đã bắt đầu thể hiện nhu cầu học hỏi. Do đó, từ khi bé được 2 – 3 tuổi, bạn có thể dạy con nhận biết màu ... [xem thêm]

Phương pháp chữa trị ung thư tử cung

(31)
Tìm hiểu chungUng thư tử cung là gì?Tử cung là cơ quan lưu giữ và nuôi lớn thai nhi, nằm ở giữa bàng quang và trực tràng, bao gồm cổ tử cung và thân tử cung. ... [xem thêm]

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lo lắng ở nữ giới

(53)
Vì sao xảy ra các trường hợp lo lắng ở nữ giới? Liệu đây chỉ là do các tác động bên ngoài hay còn bởi những chứng bệnh tồn tại bên trong? Nỗi lo lắng ... [xem thêm]

Gia đình chung tay làm giảm nguy cơ đột quỵ ở các thành viên

(93)
Định nghĩaBệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não) là bệnh gì?Đột quỵ xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ ... [xem thêm]

Giải đáp thắc mắc: Bệnh sốt xuất huyết có ngứa không?

(71)
Sốt xuất huyết là căn bệnh không còn mấy xa lạ, nhất là khi vào mùa mưa, bệnh bùng phát thành dịch vô cùng nguy hiểm. Có rất nhiều câu hỏi thắc mắc xoay ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN