Khô môi ở trẻ sơ sinh là tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu con bạn gặp phải vấn đề này, bạn cần tìm cách khắc phục càng nhanh càng tốt bởi nó sẽ khiến bé khó chịu và gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc ăn, ngủ của bé.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, khô môi ở trẻ sơ sinh có thể khiến môi bé bị nứt nẻ, nặng hơn nữa là nhiễm trùng môi. Vấn đề này đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ.
Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp khô môi ở trẻ sơ sinh có thể khắc phục tại nhà chỉ trong vài ngày. Bạn hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu những cách làm tốt nhất!
Tại sao bé gặp tình trạng khô môi ở trẻ sơ sinh?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khô môi ở trẻ sơ sinh. Đó có thể là do thói quen liếm hoặc mút môi quá nhiều. Nguyên nhân phổ biến khác là do bé bị bú không đủ, mất nước do ốm, sốt hoặc thời tiết hanh khô.
Mùa đông lạnh, mùa hè nóng bức hoặc tiếp xúc quá nhiều với gió trời có thể khiến môi bé bị mất độ ẩm. Ngoài ra, khi bé bị nghẹt mũi, thở bằng miệng cũng sẽ bị khô môi ở nhiều cấp độ.
Làm thế nào để biết trẻ sơ sinh đang bị mất nước?
Theo các bác sĩ nhi khoa, những dấu hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh bao gồm:
– Lưỡi khô, môi khô
– Tã lâu đầy nước tiểu
– Thóp phập phồng nhiều bất thường
– Mắt trũng sâu
– Da khô và nhăn
– Thở gấp
– Tay, chân mát lạnh
Nếu bé gặp bất kỳ triệu chứng vừa nêu, hãy đưa bé đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để bác sĩ thăm khám bài bản theo chuyên môn y tế.
Điều gì sẽ xảy ra với tình trạng khô môi ở trẻ sơ sinh mãn tính?
Nếu bé bị khô môi trong một thời gian dài hoặc tái phát nhiều lần, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác.
Đó có thể là tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa một hoặc vài loại vitamin nhất định, nhất là vitamin A.
Một vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe cần chú ý là bệnh Kawasaki. Đây là căn bệnh hiếm gặp, xảy ra ở trẻ em, có liên quan trực tiếp đến viêm mạch máu và các hội chứng về tim mạch. Khô môi mãn tính chỉ là một trong các dấu hiệu của căn bệnh này. Bệnh nhi luôn bị sốt cao và trông gầy yếu. Những triệu chứng khác của bệnh Kawasaki bao gồm:
– Phát ban toàn thân, đặc biệt nhiều hơn ở vùng háng
– Mắt đỏ
– Môi đỏ, sưng, khô, nứt nẻ
– Sưng hạch bạch huyết ở cổ
– Lưỡi dâu tây (xuất hiện những đốm đỏ tươi)
– Sưng phù tay, chân
Nếu bạn nghi ngờ con mình đang mắc bệnh Kawasaki, hãy đưa con đến bệnh viện ngay lập tức. Đa số các triệu chứng bệnh chỉ là tạm thời và hầu hết bệnh nhi đều có khả năng hồi phục hoàn toàn. Song tim và mạch máu có thể bị ảnh hưởng lâu dài. Vì thế, bạn cần phải làm đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý hạ sốt hoặc điều trị triệu chứng tại nhà.
Cách điều trị tình trạng khô môi ở trẻ sơ sinh
Điều tốt nhất và dễ làm nhất giúp bạn khắc phục tình trạng khô môi ở trẻ sơ sinh là thoa một ít sữa mẹ lên môi của con. Bên cạnh hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, sữa mẹ còn có đặc tính làm mềm da và kháng khuẩn. Khi bạn dùng ngón tay hoặc tăm bông thấm sữa mẹ bôi vào môi con, bé sẽ bớt khó chịu.
Trong một số trường hợp, trẻ bị khô môi do không bú đủ lượng sữa cần thiết mỗi ngày. Các bác sĩ nhi khoa cho biết hầu hết trẻ sơ sinh cần được bú từ 8-12 lần mỗi ngày, tức là cứ sau 2-3 giờ, bé cần được bú 1 lần.
Bạn cũng có thể sử dụng loại son dưỡng môi tự nhiên dành riêng cho trẻ sơ sinh, bôi trực tiếp vào môi của con hoặc bôi vào núm vú để môi con tiếp xúc trực tiếp với các hoạt chất dưỡng môi khi bú mẹ. Nếu không muốn dùng son dưỡng môi, bạn có thể thay bằng dầu dừa.
Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng khô môi ở trẻ sơ sinh?
Phòng ngừa là cách tốt nhất giúp con bạn tránh khỏi hiện tượng môi khô hoặc nứt nẻ. Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm cho bé bú đủ lượng sữa cần thiết mỗi ngày.
Đảm bảo nhiệt độ trong phòng hoặc trong nhà duy trì ở mức lý tưởng. Một chiếc máy tạo độ ẩm vào mùa đông hoặc những ngày thời tiết hanh khô sẽ giúp bạn làm được điều này.
Để tránh hiện tượng khô môi ở trẻ sơ sinh do thời tiết bên ngoài, mỗi lần cho con ra ngoài, đặc biệt là khi trời nhiều gió hoặc nắng gắt, bạn hãy che mặt con bằng khẩu trang vải mềm hoặc khăn choàng thoáng khí.
Khi đã áp dụng tất cả biện pháp điều trị hoặc phòng ngừa khô môi cho trẻ tại nhà mà tình hình vẫn không được cải thiện, bạn cần đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và chẩn đoán tình trạng sức khỏe của con.
Trương Phương Đài / HELLO BACSI