Hormone DHT: Nguyên nhân hói đầu ở nam giới

(3.62) - 60 đánh giá

Hormone DHT thuộc nhóm androgen, một hormone sinh dục ở nam giới. Nghiên cứu cho thấy nồng độ DHT cao có liên quan đến chứng rụng tóc gây hói đầu ở nam giới.

Các yếu tố nội tiết tố (hormone) dường như cũng góp phần gây ra rụng tóc kiểu hói ở nam giới (male pattern hair loss) hay còn gọi là rụng tóc androgen. Trong đó, hormone có liên quan đặc biệt đến tình trạng trên có tên gọi dihydrotestosterone (DHT).

Rụng tóc gây hói đầu đã ảnh hưởng đến khoảng 50% nam giới trên 50 tuổi, tính trên toàn thế giới.

Hormone DHT cũng có liên quan đến chứng rụng tóc ở phụ nữ, nhưng bài viết sau đây sẽ chỉ tập trung vào chứng hói đầu ở nam giới.

Hormone DHT là gì?

DHT là một hormone sinh dục có cấu trúc steroid, được sản xuất từ tuyến sinh dục. Nó cũng thuộc nhóm hormone androgen.

Các hormone androgen chịu trách nhiệm biểu hiện những đặc điểm sinh học ở phái nam, bao gồm giọng nói trầm hơn, phát triển lông, tóc và tăng khối lượng cơ bắp. Từ trong bào thai, hormone DHT đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của dương vật và tuyến tiền liệt.

Ở nam giới, enzyme 5-alpha-reductase (5-AR) giúp chuyển đổi testosterone thành DHT ở tinh hoàn và tuyến tiền liệt. Bình thường, có đến 10% testosterone được chuyển hóa thành DHT.

Hormone DHT có hoạt tính mạnh hơn testosterone. Mặc dù chúng cũng gắn vào cùng vị trí với testosterone nhưng khả năng gắn kết dễ dàng hơn. Một khi đã gắn vào, thời gian DHT tồn tại ở đó cũng lâu hơn.

Ảnh hưởng của hormone DHT không chỉ liên quan đến tóc. Các nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nồng độ DHT cao bất thường với:

  • Chậm chữa lành vết thương trên da sau chấn thương
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Bệnh tim mạch vành

Mọc tóc và rụng tóc

Rụng tóc kiểu hói ở nam giới là loại rụng tóc phổ biến nhất gặp ở phái mạnh. Phần tóc ở thái dương và trên đỉnh đầu từ từ mỏng dần và cuối cùng mất hoàn toàn.

Nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được hiểu rõ nhưng các yếu tố di truyền, nội tiết tố và yếu tố môi trường đều được xem là có liên quan. Trong đó, hormone DHT là một tác nhân chính.

Ba giai đoạn của quá trình mọc tóc

Trước khi tìm hiểu về rụng tóc kiểu hói ở nam giới, bạn cần biết về quá trình tóc tăng trưởng.

Quá trình mọc tóc được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn tăng trưởng (anagen), ngừng phát triển (catagen) và rụng tóc (telogen).

  • Anagen là giai đoạn tăng trưởng của tóc. Tóc được duy trì ở giai đoạn này trong 2–6 năm. Thời gian này càng lâu, tóc càng phát triển dài ra. Thông thường, khoảng 80–85% tóc trên đầu ở trong giai đoạn này.
  • Catagen chỉ kéo dài 2 tuần. Thời gian này cho phép các nang tóc tự làm mới.
  • Telogen là giai đoạn nghỉ ngơi. Các nang tóc sẽ không hoạt động từ 1–4 tháng. Thông thường, có 12–20% tóc trên đầu đang ở giai đoạn này.

Sau đó, giai đoạn anagen bắt đầu trở lại. Sợi tóc hiện tại được đẩy ra khỏi lỗ chân lông bởi sự tăng trưởng mới và tóc sẽ rụng tự nhiên.

Các giai đoạn trong chu kỳ mọc tóc

Quá trình rụng tóc

Rụng tóc kiểu hói ở nam giới xảy ra khi các nang tóc dần bị thu nhỏ lại, giai đoạn anagen bị rút ngắn và giai đoạn telogen trở nên dài hơn.

Khi giai đoạn tăng trưởng bị rút ngắn đồng nghĩa với việc tóc không thể mọc dài như trước đây.

Theo thời gian, giai đoạn anagen ngắn đến nỗi những sợi tóc mới được tạo thành thậm chí chưa kịp mọc qua bề mặt da đầu. Giai đoạn telogen trong quá trình mọc tóc làm sợi tóc mới ít bám chặt vào da đầu, khiến chúng dễ rụng hơn.

Khi các nang tóc nhỏ dần đi, thân tóc trở nên mỏng hơn qua mỗi chu kỳ mọc tóc. Cuối cùng, tóc trở nên giống với tóc tơ – sợi tóc mềm, nhẹ, thấy được ở trẻ sơ sinh và sau này dần biến mất trong độ tuổi dậy thì do ảnh hưởng của hormone androgen.

Theo nghiên cứu cho thấy người sử dụng các thuốc nhóm steroid đồng hóa, bao gồm cả người đang tập thể hình (body builder), sẽ có mức độ DHT cao hơn bình thường. Đồng thời, họ cũng thường gặp phải tình trạng rụng tóc nhiều hơn.

Ảnh hưởng của hormone DHT

Sự phát triển của tóc không cần đến sự hiện diện của hormone DHT nhưng lông ở các nơi khác như nách, râu… không thể mọc mà không có androgen.

Những người đã bị thiến hoặc thiếu enzyme 5-AR có thể không bị hói đầu nhưng sẽ có rất ít lông tại các vị trí khác trên cơ thể.

Mặc dù chưa hiểu rõ nguyên do, hormone DHT rất cần thiết cho sự phát triển của lông trên cơ thể nhưng lại gây bất lợi cho quá trình phát triển tóc.

DHT được cho là có khả năng gắn vào các thụ thể androgen trên nang tóc. Nhờ vào một cơ chế chưa rõ nào đó, chúng xuất hiện để kích hoạt các thụ thể bắt đầu thu nhỏ lại.

Năm 1988, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cả nang tóc và da trên đầu những người bị hói đều có lượng thụ thể androgen cao hơn so với da đầu những người không bị hói.

Một số nhà khoa học cho rằng có những người thừa hưởng gene di truyền nên nhạy cảm hơn với nồng độ androgen bình thường, đặc biệt là DHT. Sự kết hợp của các yếu tố nội tiết tố và di truyền giúp giải thích được tại sao có người dễ bị rụng tóc hơn những người khác.

Tại sao hormone DHT ảnh hưởng đến nhiều người theo nhiều cách khác nhau?

DHT có thể tác động theo nhiều cách khác nhau ở mỗi người có thể là do:

  • Sự gia tăng các thụ thể DHT ở nang tóc
  • Sản xuất DHT tại chỗ lớn hơn
  • Độ nhạy với thụ thể androgen cao hơn
  • DHT được sản sinh từ nhiều nơi khác trong cơ thể rồi đi vào vòng tuần hoàn
  • Testosterone trong máu tăng lên và hoạt động như một tiền chất của DHT

Hormone DHT liên kết với các thụ thể trên nang tóc mạnh hơn 5 lần so với testosterone nhưng số lượng DHT trong da đầu rất nhỏ so với trong tuyến tiền liệt.

Việc làm sao mức độ của hormone này được kiểm soát và thay đổi như thế nào vẫn chưa được khám phá.

Vai trò của enzyme 5-alpha-reductase

5-alpha-reductase (5-AR) là enzyme giúp chuyển hóa testosterone thành một androgen có nhiều tiềm năng hơn, chính là DHT.

Nếu nồng độ enzyme 5-AR tăng lên, số lượng testosterone được chuyển thành DHT càng nhiều và sẽ khiến tóc rụng nhiều hơn.

Có hai loại enzyme 5-AR là:

  • Loại 1: chủ yếu được tìm thấy trong các tuyến bã nhờn sản xuất các chất giữ ẩm tự nhiên cho da.
  • Loại 2: chủ yếu nằm trong đường sinh dục và các nang lông/tóc.

Loại 2 đóng vai trò quan trọng trong quá trình rụng tóc.

Điều trị bằng thuốc

Rụng tóc kiểu hói ở nam giới có thể gây mất tự tin và ảnh hưởng đến lòng tự trọng của cánh mày râu. Chính vì lý do này, một số phương pháp điều trị đã được nghiên cứu và phát triển.

Có rất nhiều loại thuốc điều trị rụng tóc liên quan đến hormone DHT và nhiều loại đã được chứng minh có tác dụng bằng cách nhắm vào quá trình sản xuất DHT và liên kết với thụ thể. Thuốc điều trị rụng tóc kiểu hói ở nam giới có 2 nhóm chính:

  • Ngăn chặn (blocker). Những chất này sẽ ngăn DHT liên kết với các thụ thể 5-AR, bao gồm cả những chất trong nang tóc mà cho phép DHT thu nhỏ nang tóc.
  • Ức chế (inhibitor). Các chất này sẽ làm cơ thể giảm sản xuất ra hormone DHT.

Finasteride

Finasteride đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt về tính an toàn và hiệu quả vào năm 1997.

Đó là chất ức chế chọn lọc trên enzyme 5-AR loại 2. Chúng sẽ hoạt động trên enzyme 5-AR tập trung tại các nang tóc để ức chế quá trình sản xuất ra DHT.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thuốc có thể ngăn ngừa chứng hói đầu tiến triển và trong một số ít trường hợp, tóc sẽ bắt đầu mọc trở lại. Tuy nhiên, số lượng tóc mọc được trong 6,5cm2 da đầu trong 5 năm là 227 sợi, trong khi số lượng tóc trung bình có trong 6,5cm2 là khoảng 2.200 sợi.

Finasteride có thể dùng đường uống với liều 1mg/ngày hoặc dùng đường tiêm theo chỉ định. Lưu ý, nếu dừng điều trị, tóc sẽ tiếp tục bị rụng.

Các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải bao gồm giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng duy trì sự cương cứng và giảm xuất tinh.

Minoxidil

Minoxidil được biết đến như một thuốc giãn mạch ngoại biên. Chúng có tác dụng mở rộng và làm giãn mạch máu để máu lưu thông dễ dàng hơn.

Loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, minoxidil cũng có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của tóc khi dùng tại chỗ trên da đầu.

Biotin

Biotin hay vitamin H là một vitamin B tự nhiên giúp chuyển hóa một số thức ăn và đồ uống mà bạn tiêu thụ thành năng lượng cho cơ thể.

Biotin cũng giúp tăng cường và duy trì nồng độ keratin, một loại protein có trong tóc, móng tay và da. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy vitamin này có thể giúp tóc mọc trở lại và giữ tóc không bị rụng nhiều.

Bạn có thể bổ sung bằng thực phẩm chức năng hoặc ăn các thực phẩm có chứa biotin như lòng đỏ trứng, các loại hạt và ngũ cốc.

Vitamin B12 và B6

Sự thiếu hụt vitamin nhóm B, đặc biệt là B6 hoặc B12, có thể dẫn đến một số triệu chứng bao gồm rụng tóc, mỏng tóc.

Vitamin B là chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe tổng thể. Việc bổ sung vitamin B12 hay B6 chưa chắc giúp phục hồi tóc đã rụng nhưng có thể giúp tóc dày và khỏe hơn nhờ cải thiện lưu lượng máu đến nuôi dưỡng các nang tóc.

Những nguyên nhân khác gây rụng tóc

Một giả thuyết khác được đưa ra để giải thích cho chứng rụng tóc kiểu hói đầu ở nam giới là do tuổi tác. Khi tuổi càng cao, các nang tóc phải tự chịu áp lực ngày càng tăng từ da đầu.

Ở người trẻ tuổi, các nang tóc được đệm bởi mô mỡ xung quanh nằm dưới da. Da lúc này cũng giữ nước tốt hơn. Đến khi da dần trở nên mất nước do lão hóa, da đầu cũng gây chèn ép lên các nang tóc khiến chúng thu nhỏ lại.

Testosterone cũng góp phần gây giảm bớt các mô mỡ. Do đó, khi mức testosterone tăng cao sẽ khiến khả năng đệm các nang tóc ở da đầu bị giảm sút.

Khi các nang tóc đang cố gắng duy trì trạng thái của chúng, hoạt động của enzyme bổ sung cũng xảy ra tại cùng vị trí. Nhiều testosterone được chuyển đổi thành DHT dẫn đến rụng tóc ngày càng nhiều.

Nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa hormone DHT và rụng tóc kiểu hói đầu ở nam giới có thể giúp khám phá ra cách điều trị cho tình trạng này trong tương lai.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Cắt ống dẫn tinh hai bên

(56)
Tìm hiểu chungPhẫu thuật cắt ống dẫn tinh hai bên là gì?Cắt ống dẫn tinh là phương pháp tránh thai vĩnh viễn ở nam giới. Đây là thủ thuật cắt hoàn toàn ... [xem thêm]

Bệnh hói đầu: Nguyên nhân và triệu chứng

(57)
Bệnh hói đầu là một dạng rối loạn tự miễn dịch phổ biến, thường khiến tóc rụng nhiều đột ngột, hình thành những mảng da đầu bị trống. Đây cũng ... [xem thêm]

Cương cứng dương vật

(78)
Cương cứng dương vật là bệnh hiếm gặp. Bé trai từ 5 – 10 tuổi bị chứng thiếu máu do thiếu hồng cầu hình liềm và nam giới 20 – 50 tuổi là nhóm dễ mắc ... [xem thêm]

Sưng bìu tinh hoàn

(53)
Sưng bìu tinh hoàn, hay túi bìu phình to, là tình trạng phình đại bất thường của túi bìu đựng tinh hoàn. Sưng bìu tinh hoàn có thể xảy ra do chấn thương hoặc ... [xem thêm]

Hẹp bao quy đầu

(75)
Định nghĩaHẹp bao quy đầu là gì?Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu bị thắt chặt và không thể kéo tuột xuống để cho đầu dương vật lộ ra cho dù ... [xem thêm]

Xét nghiệm tinh dịch đồ

(79)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm tinh dịch đồBộ phận cơ thể/Mẫu thử: Tinh dịchTìm hiểu chung về xét nghiệm tinh dịch đồXét nghiệm tinh dịch đồ là ... [xem thêm]

Mất khả năng cương cứng do nghiện phim người lớn

(63)
Bạn có từng thắc mắc liệu xem quá nhiều phim khiêu dâm có thể gây ra vấn đề về khả năng quan hệ tình dục ở nam giới, ví dụ như chứng rối loạn cương ... [xem thêm]

6 dấu hiệu dương vật dự báo sức khỏe của đấng mày râu

(93)
Bạn nghĩ dương vật chỉ dùng cho chuyện đi vệ sinh và chuyện ấy? Thực ra, các biểu hiện của dương vật nói lên rất nhiều vấn đề như dấu hiệu dương ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN