Quyết định giục sinh không chỉ đưa ra trong các ca sinh khó mà còn là một lựa chọn nên cân nhắc nếu mẹ bầu muốn giảm nguy cơ sinh mổ. Kết quả một nghiên cứu cho thấy giục sinh tự nhiên hoặc dùng thuốc giục sinh ở tuần 39 còn giúp phụ nữ tránh nhiều biến chứng khi chuyển dạ.
Bước vào tuần 39 của thai kỳ, người mẹ thường cảm thấy lo lắng về việc chuyển dạ và sinh con bất kỳ lúc nào. Các bác sĩ sản khoa thường khuyên phụ nữ mang thai hãy theo dõi các dấu hiệu và chờ cho tới khi chuyển dạ.
Tuy nhiên, kết quả của một nghiên cứu trên quy mô lớn công bố trên tạp chí Y khoa The New England Journal of Medicine tháng 8/2018 cho thấy giục sinh ở tuần 39 có thể là một lựa chọn phù hợp đối với nhiều phụ nữ mang thai. Chủ động giục sinh ở tuần 39 còn giúp phụ nữ mang thai giảm những biến chứng khi chuyển dạ và giảm nguy cơ phải sinh mổ.
Giục sinh để giảm nguy cơ phải sinh mổ
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, có tới 31,9% số ca sinh là sinh mổ. Ở các bệnh viện phụ sản lớn tại Việt Nam, số ca sinh mổ lên tới 40–50%. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tỷ lệ sinh mổ chỉ nên chiếm 10–15%.
Mang thai 39 tuần chưa có dấu hiệu sinh phải làm sao? Kết quả một nghiên cứu cho thấy bạn có thể lựa chọn phương pháp giục sinh tự nhiên ở tuần 39 nếu cảm thấy lo lắng về những biến chứng chuyển dạ và muốn tăng cơ hội sinh thường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi phụ nữ mang thai ở tuần 39 đều nên giục sinh chủ động vì nguy cơ sinh mổ khi chờ dấu hiệu chuyển dạ tự nhiên vẫn thấp.
Giục sinh ở tuần 39 và chuyển dạ tự nhiên
Một nghiên cứu đã tiến hành so sánh sự khác biệt giữa hai trường hợp giục sinh và chuyển dạ tự nhiên khi áp dụng cách chuyển dạ nhanh tuần 39. Các nhà khoa học thử nghiệm ngẫu nhiên đã tiến hành với sự tham gia của 6.106 phụ nữ mang thai tại 41 bệnh viện tại Mỹ trong mạng lưới các đơn vị chăm sóc mẹ và bé của Viện Sức khỏe Trẻ em và Phát triển Con người Eunice Kennedy Shriver.
6.106 phụ nữ này đều là những người đang mang thai đứa con đầu lòng và thuộc nhóm có nguy cơ thai kỳ thấp. Những phụ nữ này được chia thành 2 nhóm:
- Nhóm sẽ được giục sinh ở tuần 39 gồm 3.062 phụ nữ.
- Nhóm chờ chuyển dạ tự nhiên gồm 3.044 phụ nữ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
• Tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh ở cả hai nhóm không có sự khác biệt.
• Chỉ 18,6% phụ nữ thuộc nhóm được giục sinh phải sinh mổ, trong khi đó, tỷ lệ này là 22,2% ở nhóm chờ tới khi chuyển dạ tự nhiên. Vậy, 28 phụ nữ thuộc nhóm được giục sinh ở tuần 39 đã tránh được nguy cơ phải sinh mổ.
• Rối loạn tăng huyết áp thai kỳ xảy ra ở 9,1% phụ nữ lựa chọn giục sinh ở tuần 39, trong khi tỷ lệ này ở nhóm phụ nữ chọn chờ chuyển dạ tự nhiên là 14,1%.
• Nhóm phụ nữ lựa chọn giục sinh ở tuần 39 ít đau đớn và ít bị ảnh hưởng kiểm soát nhận thức trong khi sinh hơn.
• Phụ nữ lựa chọn giục sinh chủ động chuyển dạ trong thời gian lâu hơn và phải ở trong phòng sinh lâu hơn, nhưng thời gian hồi phục sau sinh lại ngắn hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ được thực hiện ở phụ nữ sinh con đầu lòng và có nguy cơ thai kỳ thấp, những người tham gia nghiên cứu cũng biết mình thuộc nhóm nào. Vì vậy cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định lựa chọn sinh con theo cách nào sẽ là tốt nhất đối với từng trường hợp cụ thể và chi phí sinh con cho mỗi phương pháp cũng cần được xem xét.
Chỉ định của bác sĩ về việc giục sinh
Bác sĩ Errol Norwitz, giám đốc khoa Sản và Nhi khoa tại Boston cho biết, nghiên cứu trên sẽ đưa đến nhiều thay đổi thực tế:
• Bác sĩ sản khoa có thể cho biết việc giục sinh chủ động ở tuần 39 không gây ảnh hưởng sức khỏe thai nhi so với đợi chuyển dạ tự nhiên mà lại có thể giúp giảm nguy cơ sinh mổ.
• Thai 39 tuần có nên đi bộ? Bác sĩ có thể sẽ không khuyên bệnh nhân nên làm gì như trước nữa mà sẽ tư vấn và cung cấp các số liệu để phụ nữ mang thai và gia đình có thể tự đưa ra quyết định của mình.
Phụ nữ mang thai và gia đình yêu cầu giục sinh ở tuần 39 thường được bác sĩ khuyên nên đợi cho đến tuần 41. Bác sĩ thường không chỉ định giục sinh chủ động nếu không có bất kỳ vấn đề hay lý do cụ thể. Tuy nhiên, việc kéo dài thai kỳ hơn 42 tuần có thể làm tăng các vấn đề về nhau thai, nhiễm trùng trong tử cung và các biến chứng bất ngờ như tiền sản giật do huyết áp cao.
Tuy không phải tất cả phụ nữ mang thai 39 tuần chưa có dấu hiệu sinh đều nên giục sinh chủ động nhưng bạn nên trao đổi với bác sĩ về những nguy cơ, lợi ích và đưa ra quyết định về lựa chọn của mình.
Tuy nghiên cứu chỉ được thực hiện với những người tham gia sinh con đầu lòng và có nguy cơ thai kỳ thấp, lựa chọn giục sinh chủ động ở tuần 39 có thể đem lại nhiều lợi ích cho một số phụ nữ mang những nguy cơ nhất định. Đặc biệt là nhóm phụ nữ bị thừa cân, phụ nữ có nguy cơ gặp trường hợp thai chết lưu hay phụ nữ mang thai trên 40 tuổi.
Giục sinh ở tuần 39 là một quyết định quan trọng nên bạn hãy cân nhắc tình trạng sức khỏe của mình và bé trong bụng thật kỹ. Cả ba lựa chọn giục sinh, chờ sinh tự nhiên hay sinh mổ đều có những mặt lợi và hại nên bạn hãy trao đổi với bác sĩ xem cách sinh nào là phù hợp với mình nhất.