Tìm hiểu chung
Giải ép dây thần kinh trụ là gì?
Giải ép dây thần kinh trụ là một loại phẫu thuật nhằm điều trị chứng chèn ép dây thần kinh trụ. Dây thần kinh trụ đi vòng phía sau mặt trong khuỷu tay và đi qua một ống hẹp giữa xương cẳng tay và các cơ. Chèn ép dây dây thần kinh trụ xảy ra khi có sự tăng áp lực đè lên dây thần kinh trụ, thường sẽ gây tê ở ngón đeo nhẫn và ngón út.
Khi nào bạn nên thực hiện giải ép dây thần kinh trụ?
Mục tiêu của phẫu thuật này là ngăn ngừa tổn thương dây thần kinh trụ nặng hơn. Nếu bạn được phẫu thuật đủ sớm, tình trạng tê ở bàn tay sẽ trở nên khá hơn. Với nhiều người, tốt nhất là nên phẫu thuật giải ép dây thần kinh trụ để tránh gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn thực hiện phẫu thuật nếu:
- Những biện pháp không phẫu thuật không làm cải thiện tình trạng của bạn;
- Dây dây thần kinh trụ của bạn bị chèn ép nặng;
- Chèn ép dây thần kinh trụ đã làm bạn yếu hoặc tổn thương cơ.
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện giải ép dây thần kinh trụ?
Nếu chèn ép dây thần kinh trụ là do những bệnh lý nền tảng (như viêm khớp hay đái tháo đường) thì những bệnh này nên được điều trị trước. Nên để vùng tay bị ảnh hưởng được nghỉ ngơi và bạn nên thay đổi cách sử dụng tay để tránh làm trầm trọng thêm triệu chứng.
Nẹp giữ khuỷu tay và/hoặc cổ tay ở một tư thế thẳng có thể làm giảm chèn ép lên dây thần kinh. Bạn có thể đeo nẹp trong khi thực hiện những vận động hay đeo nẹp về ban đêm khi ngủ. Vật lý trị liệu bao gồm những bài tập duỗi và làm mạnh cơ cũng có thể hữu ích. Những loại thuốc kể cả được kê toa hay không, đều có thể được sử dụng để làm giảm viêm tạm thời và giảm đau. Quá trình điều trị cũng có thể bao gồm tiêm corticosteroid vào ống dây thần kinh trụ để làm giảm viêm và áp lực lên dây thần kinh.
Nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện sau một vài tháng, phẫu thuật có thể cần thiết cho bạn.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?
Như bất kỳ phẫu thuật nào khác, giải ép dây thần kinh trụcũng sẽ có một số nguy cơ nhất định. Bạn nên trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để được giải thích xem các nguy cơ này sẽ có tác động như thế nào đến sức khỏe của bạn.
Biến chứng có thể xảy ra với mọi phẫu thuật là phản ứng không mong muốn với thuốc gây mê, chảy máu nhiều hoặc tạo cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu).
Riêng với giải ép dây thần kinh trụ, bạn còn có thể có các biến chứng sau:
- Tê ngón đeo nhẫn và ngón út kéo dài;
- Bị tê trở lại;
- Tê tại một vùng da phía dưới khớp khuỷu;
- Căng và đau ở sẹo mổ;
- Đau dữ dội, cứng khớp và mất khả năng sử dụng cánh tay (được gọi là hội chứng đau vùng phức tạp).
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Quy trình thực hiện
Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện giải ép dây thần kinh trụ?
Bạn sẽ được chỉ dẫn cụ thể để chuẩn bị cho phẫu thuật, bao gồm việc liệu bạn có thể ăn vài tiếng trước phẫu thuật được không. Đa số trường hợp, bạn nên nhịn ăn khoảng sáu tiếng trước đó. Bạn có thể dùng đồ uống, chẳng hạn như cà phê, một vài tiếng trước phẫu thuật.
Bạn phải thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc bạn sử dụng gần đây, tình trạng dị ứng hoặc các bệnh lý khác mà bạn mắc phải, ngoài ra trước khi thực hiện phẫu thuật bạn sẽ gặp bác sĩ gây mê để cùng nhau lên kế hoạch gây mê. Điều quan trọng là phải tuân thủ các hướng dẫn về thời điểm nhịn ăn uống trước khi phẫu thuật.
Quy trình thực hiện giải ép dây thần kinh trụ như thế nào?
Có nhiều kỹ thuật gây mê hiện có. Phẫu thuật này thường mất 30 tới 45 phút.
Phẫu thuật viên sẽ rạch đường mổ ở phía sau mặt trong khuỷu tay của bạn. Họ sẽ cắt bỏ các mô gây chèn ép dây dây thần kinh trụ.
Phẫu thuật viên có thể cần cắt bỏ một mảnh xương hoặc di chuyển dây thần kinh ra khỏi vị trí bị chèn ép.
Hồi phục sức khoẻ
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện giải ép dây thần kinh trụ?
Bạn có thể về nhà trong cùng ngày.
Bạn có thể cần để tay nghỉ ngơi trên băng đeo trong vài ngày. Quan trọng là phải nhẹ nhàng tập cử động các ngón tay, khuỷu tay và vai để tránh cứng khớp.
Tập luyện đều đặn sẽ giúp bạn quay trở lại với các hoạt động bình thường một cách sớm nhất có thể. Trước khi bắt đầu tập, bạn hãy hỏi xin ý kiến của bác sĩ.
Triệu chứng của bạn có thể cải thiện dần dần trong vòng 18 tháng sau phẫu thuật.
Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.