Tên thường gọi: Thanh táo
Tên gọi khác: Tần cửu, thuốc trặc, tần giao, trường sơn cây
Tên nước ngoài: Willow-leaf justicia
Tên khoa học: Justicia gendarussa L.; Gendarussa vulgaris Nees.
Họ: Ô rô (Acanthaceae)
Tổng quan về dược liệu thanh táo
Tìm hiểu chung về thanh táo
Thanh táo là một loài cây nhỏ, cao khoảng 1–1,5m. Cành nhẵn, màu lục hoặc hơi tím sẫm, hơi phình ở các mấu.
Lá mọc đối, hình mác hẹp, gốc thuôn, đầu nhọn, mép nguyên, gân lá đôi khi màu tía, hai mặt nhẵn. Mặt trên lá có màu xanh đậm và nhạt hơn ở mặt dưới, gân giữa và các gân chính nổi rõ ở mặt dưới, cuống ngắn, lá thường hay bị loài nấm Puccinia thwaitesii ăn hại thành những khoanh tròn màu vàng hoặc nâu đen.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành bông hẹp,; hoa màu trắng hay hơi hồng, có những đốm tía. Quả nang, bên trong chứa 4 hạt.
Mùa hoa quả vào khoảng tháng 2–6.
Ở Việt Nam, loài cây này mọc hoang ở dọc các bờ khe suối ngoài cửa rừng. Cây còn được trồng làm hàng rào ở các tỉnh đồng bằng, trung du và trong các vườn hoa.
Bộ phận dùng của thanh táo
Có thể dùng vỏ thân hay vỏ rễ, rễ, lá tươi hoặc khô. Rễ thường được dùng với tên tần giao, tần cửu hay tần cừu.
Thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là vào tháng 7–8.
Thành phần hóa học trong thanh táo
Khảo sát sơ bộ thành phần hóa học cho thấy trong lá, thân, rễ dược liệu này có sự hiện diện của các nhóm alkaloid, flavonoid, triterpenoid, carotenoid, các hợp chất phenolic, saponin, tanin, carbohydrat. Một số amin thơm như 2-(2’-amino-benzylamino) benzyl alcohol và 0-methyl ethers tương ứng của chúng, 2-amino benzyl alcohol, stigmasterol, lupeol, 16-hydroxylupeol, β-sitosterol, aromadendrin, β-sitosterol-β-D-glycosid và hợp chất có khả năng hạn chế sinh sản ở nam như gendarusin A, gendarusin B cũng được phân lập từ cây thanh táo. Ngoài ra, trong lá có chứa β-sitosterol, lupeol, friedelin và các amin thơm.
Một số flavonoid có hoạt tính kháng viêm, kháng khuẩn đã được phân lập và định danh từ cây thanh táo là apigenin, vitexin.
Theo một số tài liệu, trong cây thanh táo có chứa một alkaloid tên là justicin và một lượng tinh dầu rất nhỏ.
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện và phân lập được hai hợp chất mới có tác dụng kháng HIV trong dịch chiết methanol của thân và vỏ cây là justiprocumin A và B, thuộc nhóm arylnaphthalide lignan (ANL) glycosid và patentiflorin A từ dịch chiết thân và rễ.
Tác dụng, công dụng của thanh táo
Dược liệu thanh táo có tác dụng gì?
Những tác dụng dược lý đã được nghiên cứu từ nhiều dịch chiết khác nhau của cây thanh táo bao gồm:
- Kháng oxy hóa
- Kháng viêm
- Kháng khuẩn
- Kháng nấm
- Chống lại quá trình tạo mạch máu mới (anti-angiogenic)
- Giảm đau
- Bảo vệ gan
Theo nhiều nghiên cứu, cây thanh táo còn có tác dụng an thần, giảm lo âu, diệt giun sán, chống ung thư, giảm acid uric trong máu.
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra trong cây Thanh táo có chứa hợp chất giúp kháng HIV là patentiflorin A. Hợp chất này ức chế hoạt động phiên mã ngược hiệu quả hơn nhiều so với azidothymidine (AZT) – thuốc chống HIV đầu tiên được phát triển và chấp thuận vào năm 1987. Đây là tín hiệu tích cực để điều chế ra các loại thuốc kháng lại virus HIV, bệnh lao, sốt rét và kháng ung thư.
Trong Đông y, thanh táo có bị hơi chua, đắng, tính mát, quy vào kinh can và thận. Vị thuốc này có tác dụng khu phong, trừ thấp, tán ứ, tiêu sưng, giảm đau.
Công dụng của dược liệu thanh táo là gì?
Vỏ rễ và vỏ thân được dùng làm thuốc chữa đau xương, đau khớp, chân tay tê bại, các vết sưng đau, vàng da, ho, sốt, mụn nhọt, rôm sẩy.
Để dùng ngoài da, đem lá cây giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa với liều lượng không hạn chế. Cả cây thanh táo phơi khô, tán bột có tác dụng trừ sâu, mọt, nhậy.
Trong y học Trung Quốc, rễ đem sắc và hãm dùng làm thuốc lợi tiểu, hạ nhiệt và giảm đau, chữa lao phổi, thấp khớp, tiểu khó, mụn nhọt, tiêu chảy. Lá trị sốt, đau lưng, vô kinh, sưng tấy, ho, eczema, đau nửa đầu.
Trong y học dân gian Ấn Độ, thanh táo được coi là có tác dụng hạ sốt, gây nôn, điều kinh, làm ra mồ hôi, điều trị vô kinh và rối loạn chức năng dạ dày. Lá được dùng làm thuốc chống sốt rét chu kỳ, hồi phục chức năng và diệt sâu bọ.
Lá tươi giã đắp chữa tê phù, thấp khớp. Lá và mầm non làm ra mồ hôi, nước hãm lá chữa nhức đầu, liệt nửa người và mặt. Dịch ép lá giúp cầm máu bên trong cơ thể, dùng nhỏ tai trị đau tai, nhỏ mũi trị đau nửa đầu và cũng dùng chữa cơn đau bụng ở trẻ em.
Rễ trị thấp khớp, tiểu tiện khó, sốt, mụn nhọt, vàng da và tiêu chảy. Vỏ cây là thuốc gây nôn.
Ở Philippines, cao lá và mầm non được dùng làm thuốc gây nôn, trị ho và hen, lá tươi dùng tại chỗ chữa phù trong bệnh tê phù và thấp khớp, lá nấu nước tắm cho phụ nữ sau khi đẻ.
Ở Malaysia, lá đắp chữa nhức đầu và nấu nước tắm, rửa sau khi đẻ. Lá còn có trong các chế phẩm trị lậu, vô kinh và sốt rét.
Ở Indonesia, lá dùng trị nhức đầu, thấp khớp và các chứng đau.
Ở Thái Lan, rễ trị tiểu tiện khó, tiêu chảy và rắn cắn; vỏ cây trị sốt, ho, lỵ amip, vết thương và dị ứng.
Ở Madagascar, nước sắc từ rễ đun với sữa được sử dụng trong bệnh thấp khớp, kiết lỵ và vàng da. Nước sắc từ ngọn hoa thường được dùng với mục đích khử trùng. Lá còn được dùng như là một biện pháp để phòng tránh thai ở cả đàn ông và phụ nữ.
Liều dùng của thanh táo
Liều dùng thông thường của thanh táo là bao nhiêu?
Trung bình, một ngày có thể dùng 6–12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc cao hay ngâm rượu.
Một số bài thuốc có thanh táo
Thanh táo được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa ho, số, mồ hôi trộm
Rễ thanh táo, miết giáp, địa cốt bì, sài hồ mỗi vị 10g, đương quy, tri mẫu mỗi vị 5g, thanh cao, ô mai mỗi vị 4g. Tất cả đem sắc uống trong ngày.
2. Chữa phong thấp, chân tay tê bì
Rễ thanh táo, dây chiều, rễ hoàng lực, rễ gai tầm xoong mỗi vị 20g, củ cốt khí, rễ thiên niên kiện mỗi vị 10g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
3. Chữa vết lở, vết thương chảy máu, nhọt lở khó liền
Lá thanh táo, lá mỏ quạ lấy lượng bằng nhau, đem rửa với nước muối, giã nhỏ rồi đắp lên vết thương. Thay thuốc hàng ngày. Kết hợp với uống nước sắc gồm bạch chỉ nam, kim ngân hoa, bồ công anh mỗi vị một nắm.
4. Chữa sản phụ ra máu sẫm, choáng váng, mắt mờ
Thanh táo, mần tưới, cỏ mần trầu mỗi vị 20–30g. Sắc nước uống trong ngày.
5. Chữa bong gân, sai khớp
Thanh táo 20g, lá diễn tươi 50g, cốt toái bổ, xuyên tiêu, trạch lan mỗi vị 20g. Sắc uống lúc còn ấm, một thang/ngày.
Lá thanh táo, lá ngải cứu, lá diễn dùng tươi, mỗi vị lấy lượng bằng nhau. Giã nhỏ, đắp 2 lần/ngày.
Lưu ý, thận trọng khi dùng thanh táo
Khi dùng thanh táo, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng thanh táo một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Lưu ý, uống thanh táo tươi thường bị nôn nên cần thận trọng khi dùng.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của thanh táo
Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng thanh táo trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.
Tương tác có thể xảy ra với thanh táo
Thanh táo có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.
Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.