Bạn có biết con nhút nhát thường là do nhiều cảm xúc? Đó là kết quả của một chuỗi những cảm giác sợ hãi, căng thẳng, dè chừng và bối rối.
Trẻ nhút nhát thường ngần ngại nói ra ý kiến của mình trong lớp học hoặc thích giấu kín tất cả cảm xúc lại trong lòng và ngồi một mình lặng lẽ trong một góc. Nhút nhát đôi khi có lợi, nhưng đôi khi lại vô cùng bất lợi. Vậy bố mẹ có nên lo lắng khi con nhút nhát?
Con nhút nhát có đáng lo ngại?
Là bố mẹ, ai cũng mong muốn con sẽ dạn dĩ khi đến trường, nhưng bạn cũng không nên đòi hỏi bé quá nhiều, đặc biệt nếu con còn đang ở mẫu giáo. Trong những năm trước khi vào lớp 1, bé chỉ mới bắt đầu học cách giao tiếp với bạn bè và tham gia vào các hoạt động nhóm mà thôi.
Nhiều trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo vẫn cảm thấy thoải mái khi tự chơi một mình, quan sát và bắt chước hơn là chơi trực tiếp với bạn bè. Đây là quá trình dài để con làm quen với môi trường mới, học các quy tắc hành vi mới nên bố mẹ hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên.
Khi tính nhút nhát là hữu ích
Sự nhút nhát là đặc trưng trong tính cách của mỗi con người và nó hoàn toàn không có lỗi. Bạn có thể gặp những người rất đẹp và giỏi nhưng lại nhút nhát. Những người này có khuynh hướng chăm chú lắng nghe và thể hiện bằng hành động hơn là lời nói.
Khi tính nhút nhát là trở ngại
Ở một số trẻ, sự nhút nhát là sự biểu hiện của các vấn đề bên trong, thường là do không bình tĩnh. Một khi bé quá nhút nhát thì dễ có biểu hiện né tránh. Con sẽ tránh nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi giao tiếp và có rất nhiều vấn đề về hành vi khiến mọi người không được thoải mái.
Khi tìm hiểu sâu vào vấn đề, bạn sẽ thấy những bé nhút nhát thường không thể bình tĩnh và tin tưởng mà luôn chất chứa sự sợ hãi và cảm thấy bực bội trong thâm tâm.
Hy vọng những thông tin nêu trên có thể giúp bố mẹ hiểu hơn về những biểu hiện của trẻ nhút nhát. Không ai khác, chính bố mẹ là người giúp con cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống.