Người ta hay nói: “Ba mẹ nuôi con bằng trời bằng biển, con nuôi ba mẹ tính tháng tính ngày”, việc chăm sóc ba mẹ lớn tuổi từ xưa đã là một đạo hiếu làm con mà không phải ai cũng có thể làm tròn. Vậy làm sao để bạn có thể phụng dưỡng ba mẹ một cách chu đáo ngay cả khi bận rộn đây?
Ba mẹ là người chăm sóc bạn khi bạn còn nhỏ và khi ba mẹ lớn tuổi là lúc bạn có thể đền đáp công ơn chăm sóc đó. Chăm sóc ba mẹ lớn tuổi cần bạn thấu hiểu tâm lý người lớn và có kiến thức về dinh dưỡng cũng như chăm sóc y tế. Hãy thử áp dụng 10 bí quyết chăm sóc ba mẹ lớn tuổi sau đây, bạn sẽ luôn cảm thấy ấm áp khi ở bên các bậc sinh thành.
1. Lắng nghe mong muốn của ba mẹ
Thông thường, ba mẹ lớn tuổi cần đến sự chăm sóc của con cháu trong một số trường hợp. Ba mẹ lớn tuổi sẽ bớt minh mẫn, chân tay yếu nên khó đảm bảo sinh hoạt cá nhân hàng ngày hoặc khi ốm đau, cần người hỗ trợ, chăm sóc thường xuyên.
Đối với ba mẹ lớn tuổi, thay đổi từ cuộc sống độc lập, chủ động trước đây sang sống chung hoặc nhận sự chăm sóc từ con cháu là một thay đổi rất lớn trong cuộc sống. Khi chăm sóc ba mẹ lớn tuổi, con cháu cần lắng nghe mong muốn của ba mẹ xem ba mẹ muốn sống ở đâu, muốn được chăm sóc như thế nào, mong muốn gì...
Ở Việt Nam, nhiều gia đình có con cháu sống ở các thành phố lớn do yêu cầu công việc, ba mẹ thì lại quen sống ở quê. Cuộc sống thành thị và ở quê có sự khác biệt rất lớn từ không gian sống đến thói quen sinh hoạt hàng ngày. Đón ba mẹ lớn tuổi từ quê lên để chăm sóc hay mình quyết định về sống cùng với ba mẹ là điều cần xem xét dựa vào mong muốn của ba mẹ và điều kiện của bản thân.
Nhiều người lớn tuổi cũng có những mong muốn như sống gần gũi với thiên nhiên, có người bầu bạn, tâm sự cũng ở lứa tuổi như mình, về quê đón Tết… Có người lại muốn được đi du lịch, được thấy biển, được đi lễ chùa… Mong muốn của người lớn tuổi thường giản dị nhưng lại rất có ý nghĩa đối với họ nên bạn hãy lắng nghe để giúp đỡ họ thực hiện.
2. Đảm bảo an toàn cho ba mẹ lớn tuổi
Khi ba mẹ lớn tuổi, sức khỏe yếu nên dễ bị té ngã. Bạn nên chú ý cầu thang, sàn nhà trơn, nhà tắm, nhà vệ sinh, giày dép ba mẹ đi hàng ngày để tránh trơn, trượt và ướt. Nếu kỹ hơn, bạn nên hạn chế để ba mẹ đi cầu thang bằng cách thu xếp không gian sống và sinh hoạt không có lầu cho ba mẹ. Vào buổi tối nếu ba mẹ phải đi lại ở nơi chưa quen cũng rất dễ xảy ra va chạm, té ngã nên bạn cần hết sức cẩn thận và giúp đỡ ba mẹ.
Bạn cũng cần quan tâm đến an toàn thực phẩm cho ba mẹ. Hệ tiêu hóa của người lớn tuổi khá nhạy cảm nên bạn hãy ưu tiên các món ăn mềm, dễ tiêu hóa và được chế biến kỹ để tránh nguy cơ rối loạn tiêu hóa hoặc các vấn đề liên quan.
Người lớn tuổi cần được chăm sóc sức khỏe vô cùng kỹ càng. Vậy nên lưu tâm đến huyết áp, nhịp tim, đường huyết và các vấn đề sức khỏe khác của ba mẹ để hỗ trợ y tế kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
3. Lên kế hoạch chăm sóc chu đáo và hợp lý
Chăm sóc ba mẹ lớn tuổi cần một kế hoạch rõ ràng và chi tiết. Bạn hãy để ý tới những điều sau:
• Người chăm sóc: Kế hoạch chăm sóc còn tùy thuộc ba mẹ lớn tuổi cần được chăm sóc một phần hoặc cần hỗ trợ mọi lúc. Nếu ba mẹ còn minh mẫn và có thể tự lo một số sinh hoạt cá nhân, chỉ cần được hỗ trợ bữa ăn và chăm sóc giấc ngủ thì cả gia đình có thể cùng chăm sóc. Nếu ba mẹ sức khỏe yếu hoặc không còn minh mẫn thì cần xác định người chăm sóc chính. Nếu người chăm sóc chính chưa nghỉ hưu thì có thể xem xét xin nghỉ việc hoặc thuê người chăm sóc chính và những thành viên khác sẽ hỗ trợ.
• Chuẩn bị tài chính: Cả gia đình cần chuẩn bị chu đáo về mặt tài chính để có thể chăm sóc bố mẹ lớn tuổi chu đáo. Nếu một người phải nghỉ việc, hoặc phải tìm người chăm sóc vấn đề về tài chính của gia đình sẽ có nhiều thay đổi.
• Chuẩn bị về chăm sóc y tế: Người chăm sóc cần chuẩn bị bảo hiểm, đăng ký nơi khám chữa bệnh và có những chuẩn bị tài chính chu đáo nếu ba mẹ bị bệnh mạn tính hoặc sức khỏe yếu.
4. Tạo không gian sống thoải mái cho ba mẹ
Lựa chọn nơi ở và thu xếp không gian sống là một phần quan trọng khi chăm sóc ba mẹ lớn tuổi. Người lớn tuổi thường thích những nơi yên tĩnh, không ồn ào. Vì vậy, không gian sống của người cao tuổi cần lành mạnh, thân thiện, tránh tiếng ồn từ tivi, nhạc.
Người lớn tuổi cũng luôn mong muốn sự hòa thuận của các thành viên trong gia đình, vì vậy bạn nên tránh to tiếng hay tranh cãi. Ngoài ra, nơi ở cho người lớn tuổi cần có đủ ánh sáng, tốt nhất là có cây xanh và hoa tươi.
5. Dành thời gian trò chuyện với ba mẹ
Người lớn tuổi thường thích tâm sự, chia sẻ, kể chuyện ngày xưa về cuộc sống của mình và những người xung quanh. Thậm chí, nhiều người còn hay hoài niệm về ngày xưa. Được lắng nghe là điều làm người lớn tuổi cảm thấy được an ủi rất lớn. Vì vậy, nếu con cháu kiên nhẫn lắng nghe và tâm sự thì người lớn tuổi sẽ rất vui.
6. Cập nhật kiến thức về chăm sóc sức khỏe
Những thông tin về cách chăm sóc, hỗ trợ, cung cấp dinh dưỡng cho người lớn tuổi luôn thay đổi và cập nhật. Vậy nên bạn hãy theo dõi những kiến thức này mỗi ngày để có cách chăm sóc khoa học nhất.
Chăm sóc ba mẹ lớn tuổi cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý và hợp khẩu vị của ba mẹ. Ngoài việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ dưỡng chất, mềm, dễ tiêu hóa, tránh ăn thức ăn lạnh, nhiều mỡ, cay, nóng, cứng… bạn cũng cần để ý tới sở thích của ba mẹ nữa nhé.
Ngoài việc đưa ba mẹ đi khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh thường gặp ở người cao tuổi, người chăm sóc cũng cần tìm hiểu về sơ cứu, hỗ trợ y tế để hỗ trợ người lớn tuổi. Kỹ năng sơ cứu là vô cùng quan trọng khi chăm sóc ba mẹ lớn tuổi.
7. Để ba mẹ được tự do trong sinh hoạt
Người già ngại phiền con cháu, và luôn lo lắng trở thành gánh nặng cho con cháu. Vì vậy, nếu ba mẹ lớn tuổi muốn tự làm một số việc sinh hoạt cá nhân, hãy để ba mẹ tự làm. Ngoài ra, một số người có sở thích chăm sóc cây cảnh, hoa hoặc tự làm đồ bằng tay, hãy tôn trọng sở thích và để ba mẹ lớn tuổi tự làm để lấy lại sự chủ động trong cuộc sống.
Nếu được con cháu hỏi ý kiến hay nhờ giúp đỡ, người lớn tuổi sẽ cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Vậy nên bạn hãy thường xuyên chia sẻ các buồn vui trong ngày để ba mẹ biết mình là một phần quan trọng của bạn nhé.
8. Kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của ba mẹ
Người lớn tuổi cũng thường khó tính hơn, dễ tủi thân hơn và có nhiều suy nghĩ khác xa so với thế hệ sau nên khi chăm sóc ba mẹ lớn tuổi con cháu cần phải kiên nhẫn và nhẹ nhàng. Khi có những quan điểm khác biệt, bạn nên tìm cách đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của ba mẹ để dễ cảm thông và tôn trọng ý kiến của ba mẹ. Các thành viên trong gia đình cũng cần sống hòa thuận, học cách giao tiếp với người lớn tuổi để dạy con cách biết lắng nghe nếu bạn đã có con.
9. Thấu hiểu những nhu cầu của ba mẹ
Người lớn tuổi luôn mong muốn được thấu hiểu. Khi về già, đặc biệt là khi phải chuyển chỗ ở để con cái tiện chăm sóc, mối quan hệ xã hội của ba mẹ lớn tuổi bị thu hẹp. Đồng thời, cuộc sống của họ cũng có nhiều xáo trộn. Con cháu hãy cùng xem một bộ phim, đọc một bài báo, câu chuyện nhẹ nhàng, hỏi han về phong tục tập quán ngày xưa hay nghe ba mẹ chia sẻ về những vấn đề mà ba mẹ quan tâm.
Con cháu cũng nên quan tâm đến nhu cầu của ba mẹ lớn tuổi xem họ có cần chuẩn bị gì, có muốn đi chùa, về thăm quê, muốn giúp đỡ ai, muốn thăm bạn bè… để đưa ba mẹ đi khi có dịp. Những điều nho nhỏ này sẽ khiến ba mẹ lớn tuổi rất vui.
10. Chia sẻ trách nhiệm chăm sóc với người thân
Dù người chăm sóc chính hầu như đảm nhiệm vai trò chăm sóc và hỗ trợ người thân từ việc ăn uống, sinh hoạt đến chăm sóc y tế, các thành viên khác trong gia đình cũng cần hỗ trợ. Chia sẻ trách nhiệm chăm sóc ba mẹ lớn tuổi không chỉ giúp giảm bớt áp lực cho người chăm sóc chính mà còn giúp gắn kết gia đình và đem lại nhiều niềm vui cho ba mẹ lớn tuổi. Ai cũng mong muốn những năm tháng tuổi già được quây quần bên con cháu.
Khi bạn quá bận rộn, việc chăm sóc ba mẹ lớn tuổi là một trách nhiệm khá nặng nhưng có thể mang tới nhiều hạnh phúc khi thấy ba mẹ vui vẻ. Những phút ở bên ba mẹ như vậy rất quý giá nên bạn hãy trân trọng nhé.
Hồng Nhung | HELLO BACSI