Biên dịch: Nguyễn Thị Đào
Hiệu đính: Ths.Bs Nguyễn Hải Nam, Lê Hà Cảnh Châu
Được chấp thuận bởi Ban biên tập Cancer.Net, tháng 06/2019
Được chấp thuận bởi Ban biên tập Yhoccongdong.com, tháng 12/2019
Bài viết đề cập đến một số chính sách và thông tin liên lạc ở Mỹ.
Mắc ung thư không có nghĩa là bạn nhất thiết phải ngừng làm việc. Bạn có thể xin nghỉ phép để đi khám bệnh, điều trị bệnh hoặc nghỉ ngơi. Bạn có thể làm việc trong khả năng của mình hoặc nghỉ phép và quay lại sau đó.
Làm việc có thể đem lại lợi ích khi bạn bị ung thư. Làm việc giúp bạn cảm thấy bình thường hơn, và nhắc nhở bạn rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Công việc cũng đem lại nguồn tài chính quan trọng, bao gồm cả lợi ích bảo hiểm y tế. Bài viết này đề cập đến vấn đề làm việc trong khi bị ung thư và trở lại làm việc sau khi điều trị.
Làm việc khi bạn bị ung thư
Một đạo luật của Hoa Kỳ được gọi là Đạo luật Người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA) yêu cầu chủ lao động tư nhân có từ 15 nhân viên trở lên và chủ lao động của chính quyền tiểu bang hoặc địa phương tạo ra “môi trường làm việc hợp lý” cho người lao động. Môi trường làm việc là nơi bạn có thể thực hiện công việc. Ví dụ, bạn có thể cần ngừng làm việc liên quan đến thực phẩm nếu bạn bị buồn nôn trong khi điều trị. Hoặc bạn có thể cần công việc có thời gian linh hoạt để có thể sắp xếp đi khám bệnh.
Đội ngũ chăm sóc sức khỏe có thể giúp đỡ
Đội ngũ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể giúp bạn tiếp tục làm việc. Ví dụ, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống buồn nôn. Hoặc bạn có thể lên lịch điều trị trước ngày nghỉ, vì vậy bạn có thể nghỉ ngơi mà không bỏ lỡ công việc.
Tôi có cần chia sẻ thông tin không?
Bạn có thể không muốn nói với chủ lao động hoặc đồng nghiệp về bệnh ung thư bạn mắc phải. Bạn không cần phải làm vậy, trừ khi bạn đang yêu cầu sự trợ giúp từ tổ chức ADA hoặc luật pháp tiểu bang. Trong trường hợp đó, bạn cần chia sẻ một số thông tin sức khỏe với chủ lao động hoặc bộ phận nhân sự.
Nếu bạn cần hỗ trợ pháp lý
Nếu bệnh ung thư hoặc việc điều trị bệnh khiến bạn không thể làm việc, hãy trao đổi với bác sĩ và chủ lao động. Nếu chủ lao động không sẵn lòng giúp bạn điều chỉnh, bạn có thể trao đổi với người hiểu biết về luật pháp trong khu vực của bạn. Mạng lưới dịch vụ pháp lý ung thư quốc gia có một danh sách các nguồn lực có thể tư vấn và giúp đỡ.
Điều chỉnh thể chất để làm việc
Cơ thể của bạn có thể phản ứng khác nhau với các hoạt động bình thường khi bạn bị ung thư hoặc đang điều trị. Nó cũng có thể cần vài tháng hoặc lâu hơn để phục hồi sau khi điều trị. Đôi khi, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, đau đớn hoặc khó khăn trong việc suy nghĩ và ghi nhớ mọi thứ hoặc có các tác dụng phụ điều trị khác. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để cải thiện:
- Nghỉ giải lao trong ngày hoặc trong ca làm việc để giữ năng lượng làm việc
- Sử dụng danh sách liệt kê và báo thức để ghi nhớ các cuộc họp hoặc nhiệm vụ.
- Trao đổi với người quản lý của bạn về bất kỳ mối quan tâm nào
Tác dụng phụ của điều trị ung thư được coi là khuyết tật theo ADA, vì vậy chủ lao động phải cung cấp môi trường làm việc hợp lý. Chúng có thể bao gồm:
- Cho bạn thời gian nghỉ để uống thuốc, đi khám bác sĩ hoặc nghỉ ngơi
- Sắp xếp một công việc phù hợp với giờ giấc hoặc khả năng của bạn
- Giúp bạn tiếp cận tư vấn thông qua chương trình hỗ trợ nhân viên
Điều chỉnh theo môi trường làm việc
Những nhân viên khác có thể biết về bệnh ung thư của bạn, hỗ trợ bạn và vui mừng khi bạn quay trở lại. Hoặc họ có thể không biết hoặc không hiểu. Bạn hãy giải đáp mọi ý kiến và mối quan tâm theo cách đơn giản, tích cực. Ví dụ, bạn có thể nói, “Tôi sẽ đi điều trị vào thứ Sáu, nhưng tôi đang làm việc với giám sát viên để công việc vẫn được đảm bảo”. Hoặc “Tôi đã điều trị khối u, nhưng bây giờ tôi ổn rồi”.
Nếu đồng nghiệp dành cho bạn quá nhiều sự quan tâm hoặc cảm thông, bạn có thể cảm thấy không thoải mái. Bạn có thể nói với họ rằng bạn không muốn trả lời các câu hỏi cũng như bị quan tâm quá nhiều vào lúc này.
Sẵn sàng trở lại làm việc
Khi bác sĩ nói rằng bạn đã sẵn sàng để trở lại làm việc, bạn có thể cảm thấy phấn khích và choáng ngợp. Dưới đây là một số điều có thể làm để có thể quay trở lại làm việc dễ dàng hơn:
- Biết quyền lợi và trách nhiệm tại nơi làm việc của bản thân. Điều này sẽ giúp bạn lập kế hoạch trở lại và đối mặt với thách thức. Các trang web bên dưới có nhiều thông tin quan trọng.
- Đạo luật nghỉ phép gia đình và y tế (FMLA) cho phép nghỉ phép không lương trong 12 tuần trong thời gian 12 tháng
- Tìm hiểu thêm về phân biệt đối xử trên trang web ADA
- Tìm hiểu xem nhà tuyển dụng có chương trình “trở lại làm việc” chính thức hoặc chương trình quản lý khuyết tật hay không. Bạn cũng nên tìm hiểu thêm về:
- Tùy chọn công việc linh hoạt, chẳng hạn như giờ làm việc
- Địa điểm làm việc bạn có thể cần
- Bảo hiểm và quyền lợi của bạn
- Chuẩn bị nội dung cũng như cách trao đổi với đồng nghiệp. Bạn có thể muốn có những cuộc trò chuyện riêng tư với một vài đồng nghiệp thân thiết. Hoặc bạn có thể muốn nói với tất cả mọi người cùng một lúc, chẳng hạn như trong một cuộc họp.
Quay trở lại làm việc có thể là một thách thức, ngay cả khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng. Bạn có thể trao đổi với một chuyên gia tư vấn hoặc tham gia một nhóm hỗ trợ để học hỏi kinh nghiệm của những người sau điều trị ung thư.
Khi bạn không thể quay lại làm việc
Ung thư và việc điều trị ung thư có thể thay đổi kế hoạch trở lại làm việc. Bạn có thể không đủ sức khỏe để làm việc sau khi điều trị. Bạn có thể bị khuyết tật về thể chất hoặc có vấn đề về suy nghĩ và trí nhớ. Hoặc, chỉ đơn giản là bạn thấy công việc căng thẳng. Dừng công việc vì bất kỳ lý do gì là một thay đổi lớn ảnh hưởng nguồn tài chính của bạn.
Tàn tật và bảo hiểm nếu bạn ngừng làm việc
Rời bỏ một công việc thường có nghĩa là mất đi khoản thu nhập đáng tin cậy và có thể là bảo hiểm y tế. Bạn có thể nhận bảo hiểm y tế thông qua các chương trình liên bang như COBRA và Đạo luật Chăm sóc và Bảo vệ Bệnh nhân (ACA). COBRA gia hạn bảo hiểm y tế cho chủ lao động trong một thời gian ngắn, thường là 18 tháng và không quá 36 tháng. Tuy nhiên, chính sách này có thể tốn kém và bạn sẽ phải trả tiền túi. Bạn có thể đăng ký bảo hiểm ACA nếu bạn có thay đổi cuộc sống hoặc đủ điều kiện nhận trợ cấp y tế. Bạn nên trao đổi với nhóm chăm sóc sức khỏe của bạn để đảm bảo việc thay đổi bảo hiểm sẽ không ảnh hưởng đến việc điều trị của bạn.
Bảo hiểm khuyết tật cũng có thể có ích. Nếu bạn đã mua loại bảo hiểm này trước khi mắc ung thư, bạn có thể nhận được khoản thu nhập trong một thời gian dài hoặc suốt đời. Thường có thời gian chờ từ 1 đến 6 tháng trước khi bạn nhận được lợi ích. Và bạn sẽ không thể mua bảo hiểm khuyết tật sau khi bạn bị ung thư.
Bạn có thể đủ điều kiện tham gia các chương trình An sinh xã hội liên bang như Thu nhập Bảo hiểm Bổ sung (Supplemental Security Income – SSI) hoặc Bảo hiểm Tàn tật An sinh Xã hội (Social Security Disability Insurance – SSDI). SSI hỗ trợ tài chính cho một số người lớn và trẻ em khiếm thị hoặc khuyết tật. Chương trình SSDI:
- Có sẵn cho người lớn có thu nhập hạn chế và trong tình trạng sức khỏe khiến bạn không thể làm việc trong vòng ít nhất 1 năm.
- Có sẵn sau ít nhất 5 tháng sống với người khuyết tật.
- Có sẵn miễn là bạn không thể làm việc.
Bạn có thể phải trả thuế cho khoản thu nhập SSD nếu bạn kiếm được nhiều hơn một khoản tiền nhất định mỗi năm.
Một số tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ tài chính cho những người mắc bệnh ung thư.
Những việc cần làm nếu bạn không thể làm việc
Không có việc làm cũng khó khan như tình trạng không có tiền. Nhiều người kết bạn và giao lưu khi làm việc, và bạn có thể bỏ lỡ phần này. Nghỉ làm là một thay đổi lớn trong cuộc sống, đặc biệt khi bạn là một người trẻ. Dưới đây là một số người bạn có thể chia sẻ cùng:
- Bạn bè và gia đình, những người có thể chia sẻ các hoạt động xã hội mới hoặc bạn yêu thích.
- Nhân viên công tác xã hội từ phòng khám hoặc trung tâm điều trị bệnh viện của bạn, người này có thể giúp bạn tìm người tư vấn, các nhóm hỗ trợ và cách đối phó.
- Đồng nghiệp hoặc chủ lao động thân thiết với bạn, nếu bạn cảm thấy thoải mái khi nói về căn bệnh ung thư bạn mắc phải với họ.
Bạn cũng có thể muốn dành thời gian cho đam mê cá nhân, học một kỹ năng hoặc sở thích mới hoặc làm tình nguyện. Các trung tâm thành phố hoặc quận huyện địa phương thường xuyên cung cấp các lớp giáo dục dành cho người lớn và các vị trí tình nguyện nơi bạn có thể xây dựng kế hoạch công việc và các mối quan hệ mới.
Các nhóm liên quan đến ung thư sẽ hỗ trợ để bệnh nhân quay lại làm việc. Bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều hoạt động xã hội và câu lạc bộ trực tuyến, giúp bạn biết đến những sở thích và con người mới.
Sự hỗ trợ luôn sẵn có nếu bạn quyết định ngừng làm việc sau khi điều trị. Con đường mới này có thể đầy thách thức nhưng cũng chứa đựng nhiều cơ hội.
Tài liệu tham khảo
https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/young-adults/family-friends-and-school/going-work-during-and-after-cancer