Giới thiệu
Tài liệu này dành cho những phụ nữ trẻ bị ung thư vú. Tài liệu này được xuất bản bởi tổ chức Breast Cancer Now trong đó chứa đựng thông tin được trích dẫn từ chính những phụ nữ trẻ đã bị ung thư vú.
Bạn nên đưa tài liệu này cho gia đình bạn và bạn bè để họ hiểu cảm giác của bạn.
Bạn có thể học được một số vấn đề chung mà phụ nữ bị chẩn đoán ung thư vú ở lứa tuổi trẻ phải xử trí như: các mối quan hệ, hình ảnh cơ thể, khả năng sinh sản và có thai.
Tất cả các lời trích dẫn trong tài liệu đều từ những phụ nữ trẻ đã bị ung thư vú và rất có thể nhiều người trong số họ đã có những trải nghiệm giống như bạn hiện tại.
Chúng tôi biết nhu cầu của phụ nữ trẻ mắc ung thư vú thường khác với những phụ nữ lớn tuổi hơn, và muốn đảm bảo rằng bạn nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ một cách đúng đắn và thích hợp nhất. Vì lý do này, chúng tôi đưa ra các tiêu chuẩn chăm sóc cho phụ nữ trẻ mắc ung thư vú mà bạn có thể thấy ở các phần dưới đây.
Chúng tôi hy vọng những thông tin cung cấp sau đây sẽ hỗ trợ cho bạn từ lúc bạn bị chẩn đoán bệnh cũng như trong suốt quá trình điều trị và chăm sóc về sau.
Ung thư vú ở phụ nữ trẻ
Ung thư vú không phổ biến ở phụ nữ trẻ. Mỗi năm có khoảng 6.000 phụ nữ trẻ dưới 45 tuổi ở Anh bị mắc ung thư vú.
Bảng dưới đây cho thấy số lượng trung bình các ca ung thư vú ở phụ nữ trẻ dưới 45 tuổi được chẩn đoán trong một năm trong khoảng thời gian từ 2014-2016 (sử dụng thống kê mới nhất tính đến thời điểm tài liệu này ra đời).
Tuổi | Số ca mắc mới trung bình được chẩn đoán trong một năm từ 2014-2016 |
15-19 | 2 |
20-24 | 35 |
25-29 | 258 |
30-34 | 717 |
35-39 | 1466 |
40-44 | 3009 |
Nguồn: Cancer Research UK, cruk.org.uk/cancerstats |
Tiêu chuẩn chăm sóc cho phụ nữ trẻ mắc ung thư vú
Để giúp đảm bảo nhu cầu của phụ nữ trẻ không bị bỏ qua, chúng tôi đã phát triển các Tiêu chuẩn chăm sóc cho phụ nữ trẻ mắc ung thư vú, gồm các tiêu chí chăm sóc và hỗ trợ mà tất cả các phụ nữ trẻ mắc ung thư vú cần nhận được cũng như những vấn đề quan trọng mà bạn có thể muốn thảo luận với bác sĩ điều trị. Các tiêu chuẩn này được phát triển có tham gia ý kiến của chính những phụ nữ trẻ mắc ung thư vú và cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về ung thư vú.
Có thể bạn sẽ muốn áp dụng các tiêu chuẩn chăm sóc đó với mình sau khi tiếp xúc với nhóm điều trị hoặc điều dưỡng chăm sóc về ung thư vú.
Phần tiếp theo sẽ mô tả các tiêu chuẩn tối thiểu cần áp dụng cho phụ nữ trẻ mắc ung thư vú:
Điều trị và chăm sóc
Lên kế hoạch điều trị
Giải quyết khả năng sinh sản
Nhận sự hỗ trợ
Nhận thông báo bạn mắc ung thư vú
Việc bị chẩn đoán mắc ung thư vú có lẽ là một cú sốc lớn và bạn có thể đang cố gắng để hiểu về điều mà bác sỹ thông báo với bạn. Việc này có thể đặc biệt khó khăn với những phụ nữ mà trước đó không nhận thức được rằng có thể mắc ung thư vú khi tuổi còn trẻ. Bạn có thể hoàn toàn chết lặng đi do sốc. Bạn có thể sẽ rời khỏi phòng khám bệnh viện và cảm thấy bị choáng ngợp với đầy rẫy những câu hỏi trong đầu, bị bối rối và mất phương hướng, tâm trí bạn có thể nghĩ ngay đến điều gì đang và sẽ xảy ra với mình.
Việc cảm thấy lo lắng và không chắc chắn là tâm trạng bình thường của bất kỳ ai khi bị chẩn đoán mắc ung thư. Sẽ tốt hơn nếu bạn nói chuyện với một người bạn, một người họ hàng hoặc điều dưỡng chăm sóc ung thư vú để được hỗ trợ.
Người mắc ung thư vú ở lứa tuổi trẻ thường phải đưa ra các sự lựa chọn về tương lai sớm hơn dự định. Bạn có thể có cảm tưởng như bị “dội bom” với các thông tin mới, khó khăn khi đối mặt và đưa ra các quyết định. Do vậy, tại buổi khám ở bệnh viện những gợi ý sau đây có thể sẽ hữu ích cho bạn:
- Bạn đi cùng một thành viên gia đình hoặc bạn bè.
- Ghi chép lại các phương pháp điều trị của bạn
- Ghi âm lại các trao đổi trong lần khám (hỏi xin phép trước)
- Nếu bảo tồn khả năng sinh sản là quan trọng với bạn, hãy yêu cầu được giới thiệu tới chuyên gia hỗ trợ sinh sản.
Ung thư vú di căn
Ung thư vú di căn là khi các tế bào ung thư từ vú đã lan tới các bộ phận khác của cơ thể như là xương, phổi, gan hoặc não.
Ung thư vú di căn có thể điều trị được nhưng không thể chữa khỏi.
Trước kia tôi đã không nhận thức được rằng phụ nữ trẻ có thể bị ung thư vú. Tôi cảm thấy rất cô đơn và cô độc, thấy mình khác với các bạn tôi là những người đã lấy chồng và có con vào lúc ấy. Jenny |
Tôi luôn luôn là người trẻ nhất trong phòng bệnh. Tôi không gặp bất kỳ ai quanh lứa tuổi tôi trong khi đang điều trị hóa chất. Tôi thấy thật là đau buồn khi thấy rằng rất khó khăn để kết nối với bất kỳ ai đó. Tôi cũng thấy rằng nhiều người cảm thấy buồn cho tôi do tôi còn trẻ. Hattie |
Nói chuyện với những người khác
Ý nghĩ về việc chia sẻ cho người khác về bệnh ung thư vú của bạn có thể làm cho bạn cảm thấy lo lắng về phản ứng của họ. Trên thực tế rất có thể đó là cú sốc đối với họ, nhất là khi họ không biết rằng nó xảy với ai đó ở lứa tuổi của bạn.
Cũng rất khó cho bạn nói chi tiết về chẩn đoán. Bạn có thể cảm thấy bạn không có tất cả thông tin để đưa ra cho người khác, và có thể có những câu hỏi mà bạn không thể trả lời được. Tuy nhiên, chia sẻ việc bạn mắc ung thư vú có thể giúp bạn ứng phó với những gì đang xảy ra và bắt đầu nghĩ tới những điều cần làm sau chẩn đoán. Nó cũng có thể làm những người xung quanh bạn dễ dàng hỗ trợ bạn hơn.
Bạn có thể chỉ muốn nói chuyện với một vài người thân thiết, hoặc nhờ người khác giúp bạn chia sẻ với một người khác một cách gián tiếp. Nói cho ai và nói như thế nào là phụ thuộc vào bạn. Không có cách đúng hoặc sai khi nói cho ai đó rằng bạn bị ung thư, nhưng những mẹo bỏ túi sau đây có thể giúp bạn:
Ai? Chỉ nói với người mà bạn thực sự muốn chia sẻ. Bạn có thể chỉ muốn nói cho những người gần gũi với bạn. Nếu bạn không muốn họ chia sẻ lại với bất kỳ ai khác thì hãy nói rõ ràng điều này.
Ở nơi nào? Hãy chọn thời gian và địa điểm hợp với bạn, khi bạn cảm thấy thoải mái và nơi mà bạn ít thấy bị phân tâm.
Nói cái gì? Bạn có thể nói về các thông tin thực sự cơ bản về chẩn đoán và các lựa chọn điều trị, và hãy để cho cuộc hội thoại diễn ra tự nhiên. Trước cuộc hội thoại, có thể là hữu ích nếu bạn đã quyết định muốn chia sẻ bao nhiêu thông tin. Nói với mọi người rằng sau một thời điểm nào đó bạn không còn muốn nói về ung thư vú của bạn nữa.
Bản thân bạn có thể thấy choáng hoặc ngạc nhiên bởi phản ứng của những người khác. Đôi khi nhiều người không cố tình nói những điều không tế nhị, làm bạn thấy đau lòng hoặc không đúng, hoặc đơn giản là chỉ im lặng – thường là do họ cảm thấy lúng túng hoặc không biết giúp đỡ như thế nào hoặc không biết nói điều gì.
Nhận sự giúp đỡ. Nhóm bác sĩ điều trị ung thư vú có thể giúp bạn nghĩ nên nói điều gì với mọi người, hoặc bạn có thể muốn có một người bạn thân hoặc một người họ hàng ở bên cạnh bạn khi bạn nói ra tin xấu này. Hãy nhờ ai đó mà bạn tin tưởng nói lại với những người khác có thể giúp bạn rũ bỏ gánh nặng phải nói đi nói lại chuyện của bạn. Tuy nhiên với một số người, việc càng nói ra nhiều về bệnh của mình lại giúp họ càng cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Cân nhắc các phương pháp khác để nói với mọi người. Hầu hết gia đình và bạn thân gần gũi chắc chắc sẽ muốn nghe tin trực tiếp hơn, nhưng đôi khi thông báo qua điện thoại lại dễ dàng hơn hoặc thuận tiện hơn. Thậm chí một số người thích nói chuyện với mọi người qua thư điện tử, để cho họ xử lý những gì họ đọc được trước khi thảo luận thêm. Những người khác thích chia sẻ thông tin bằng cách gửi tin nhắn tới gia đình và bạn bè hoặc đăng trên mạng xã hội. Việc này có thể dễ dàng hơn cho bạn nếu bạn cảm thấy quá xúc động không thể nói được.
Bạn cũng có thể đưa thông tin cho mọi người để họ đọc, như đã đề cập trước đó, để giúp họ hiểu về các điều trị mà bạn cần trải qua.
Tôi đã quyết định …… nhắn tin tới mọi người trong vòng một giờ sau khi nhận chẩn đoán trong khi tôi chờ chụp nhũ ảnh. Tôi nói mọi người không gọi điện thoại vì tôi biết rằng nếu tôi phải nói với mọi người qua điện thoại, tôi sẽ khóc trong nước mắt. Sau đó tôi gọi điện cho cha mẹ tôi, anh trai và chị gái tôi vào buổi tối, khi tôi đã có chút thời gian để cảm xúc chìm xuống. Rebecca |
Cuối cùng là tôi đã nói chuyện với rất nhiều bạn thân và gia đình và nhờ họ nói cho người khác biết vì việc ấy làm cho tôi cảm thấy dễ dàng hơn. Jannet |
Khó nhất là kể cho mẹ tôi. Bà không biết tôi đã phát hiện một cục u, do lúc ấy bà đang được điều trị ung thư vú và tôi không muốn làm bà lo lắng. Bà không sống gần tôi nên tôi phải nói chuyện với bà qua điện thoại. Sarah |
Nói chuyện với gia đình và bạn bè
Khi bạn kể với những người gần gũi với bạn rằng bạn bị ung thư thì họ thường phản ứng theo nhiều cách khác nhau. Một số người cảm thấy buồn bã và khóc, một số người cảm thấy rất sốc và những người khác có thể phải đấu tranh để biết nói thế nào với bạn.
Bạn có thể cảm thấy bị áp lực khi phải có cố che dấu nỗi buồn và vẫn phải tươi cười để làm cho những người xung quanh cảm thấy tốt hơn. Nhưng nếu bạn lo lắng về tương lai, thì việc chia sẻ những lo lắng đó có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Bạn không cần phải cố mạnh mẽ tất cả mọi lúc hoặc cố gắng bảo vệ cảm giác của những người khác. Thường là nói thật về cảm giác của mình sẽ làm cho bạn và những người thân cảm thấy dễ dàng hơn.
Đôi khi chúng ta mong chờ những người gần gũi với chúng ta biết chính xác phải làm gì và nói cái gì. Nếu mọi người không tinh tế như bạn mong đợi thì chắc chắn là do họ có cảm giác choáng, sợ hãi và vô vọng. Công bằng mà nói nó có thể có cảm giác giống như mọi người đang tránh nói chuyện với bạn về việc bạn mắc ung thư, nhưng họ có thể chỉ lo lắng về việc làm bạn buồn nếu cứ nói về nó. Bạn có thể thấy hữu ích khi nói chuyện với mọi người về cảm giác của bạn và họ có thể làm gì để giúp bạn.
Đôi khi nhiều người không có kinh nghiệm gì về ung thư sẽ xa rời bạn và điều này có thể không hay chút nào. Một số người bản thân họ có xu hướng tự xa cách và phủ nhận việc đang xảy ra, điều này có thể gây tổn thương người khác. Phản ứng này có thể làm bạn không còn cảm thấy muốn nói chuyện với những người gần gũi với bạn nữa, nhất là nếu bạn có người chồng/người yêu phản ứng theo cách này.
Cũng có thể có nhiều lúc khi bạn không muốn nói chuyện về việc bạn mắc bệnh. Hãy nói cho gia đình và bạn bè biết nếu bạn không muốn nói về ung thư nữa.
Hãy nghĩ về việc những người bạn và gia đình có thể giúp đỡ bạn như thế nào, như là nói chuyện với ai thì tốt và ai có thể giúp bạn trong các hoạt động hàng ngày. Họ chắc chắn sẽ muốn giúp bạn nhưng có thể không biết giúp như thế nào, và nói cho họ biết có thể làm cho mọi chuyện dễ dàng hơn với cả hai.
Nói chuyện với con
Nhiều phụ nữ trẻ bị chẩn đoán bệnh nặng nói rằng họ nghĩ đến trước tiên là con cái. Nhiều người mẹ có thể cảm thấy mình có lỗi và lo lắng về sẽ nói với con họ cái gì và con họ sẽ phản ứng như thế nào. Bạn có thể sợ làm chúng buồn hoặc chính mình sẽ buồn trước mặt chúng.
Quyết định khi nào nói và nói gì với con có thể là một trong những điều thách thức nhất mà bạn phải đối mặt. Thường thì tốt nhất là cởi mở và thành thật để ít làm bọn trẻ sợ hơn, thậm chí nếu chúng không hiểu hết chuyện. Nhiều đứa trẻ có thể cảm nhận khi nào và điều gì đó đang xảy ra và điều này làm chúng bối rối và stress nếu chúng không được tham dự vào. Rất có thể chúng sẽ tưởng tượng ra tình thế rất khác với thực tại. Giữ bí mật cũng mệt mỏi, và có thể khó duy trì mãi – có rủi ro là nếu bạn không nói với chúng thì chúng sẽ tìm ra bằng cách khác.
Nói chuyện với trường học của con hoặc nhà trẻ để họ có thể giúp cân bằng và hỗ trợ khi mà nhà bạn có sự thay đổi.
Bọn trẻ con nhà tôi biết điều gì đó đang xảy ra và tôi không muốn chúng cảm thấy chúng tôi đang giữ điều gì đó bí mật. Mẹ tôi cũng ở cùng với chúng tôi vào thời gian đó. Sarah |
Điều trị ung thư vú ở phụ nữ trẻ
Hầu hết phụ nữ trẻ được khuyến nghị kết hợp điều trị, có thể gồm:
- Phẫu thuật
- Hóa trị
- Xạ trị
- Liệu pháp nội tiết
- Ức chế buồng trứng (làm buồng trứng dừng hoạt động tạm thời hoặc vĩnh viễn)
- Liệu pháp nhắm trúng đích (sinh học)
- Các thuốc bisphophonate (có thể được chỉ định cùng với ức chế buồng trứng hoặc nếu buồng trứng đã được cắt).
Nhóm bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau khi quyết định các điều trị tốt nhất cho bạn, và theo thứ tự ưu tiên giữa các phương pháp. Chúng tôi có thông tin bằng bản in và online về các lựa chọn điều trị khác nhau.
Khả năng sinh sản và có thai
Khả năng sinh sản của bạn và ung thư vú
Một số điều trị ung thư vú có thể ảnh hưởng tới khả năng bạn có thể có thai trong tương lai. Bạn có thể đơn thân hoặc đang có mối quan hệ, bạn không thể chắc chắn nếu bạn muốn có con hoặc bạn có thể sắp bắt đầu lập gia đình. Bất kể tình hình của bạn như thế nào, điều quan trọng là xem xét ảnh hưởng của điều trị lên khả năng sinh sản trước khi bắt đầu điều trị.
Trong khi điều lo ngại chính của bạn chắc chắn là điều trị ung thư vú, thì nếu mong muốn có con trong tương lai của bạn là quan trọng thì cần bảo tồn khả năng sinh sản trước khi bắt đầu điều trị. Thảo luận bất kỳ mối lo ngại nào của bạn với nhóm bác sĩ điều trị sớm – họ cần giới thiệu bạn tới chuyên gia hỗ trợ sinh sản để thảo luận lựa chọn cố gắng bảo tồn khả năng sinh sản.
Hóa trị có thể làm tổn thương buồng trứng, làm giảm số lượng và chất lượng trứng. Điều này sẽ phụ thuộc vào loại thuốc hóa trị được sử dụng, liều, tuổi của bạn và khả năng sinh sản của bạn như thế nào trước khi điều trị. Phụ nữ trên 35 tuổi đang hóa trị rất có thể mất khả năng sinh sản do mãn kinh sớm (thời điểm phụ nữ không còn kinh nguyệt và không còn có thể có thai được nữa). Thậm chí nếu kinh nguyệt của bạn trở lại sau hóa trị thì mãn kinh rất có thể xảy ra sớm hơn (sớm hơn tới 5-10 năm) so với việc bạn không hóa trị.
Nếu ung thư vú có các thụ thể bên trong tế bào liên kết với chất nội tiết estrogen (được gọi là ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính hay là ung thư vú ER+) thì bạn sẽ được chỉ định liệu pháp nội tiết tới 10 năm. Do thời gian uống thuốc nội tiết kéo dài, các tác dụng phụ của thuốc có thể làm che đi các dấu hiệu của mãn kinh tự nhiên. Chỉ có thể biết khi bạn kết thúc uống thuốc nội tiết và bạn nhận ra bạn đã mãn kinh.
Có thể khó đưa ra quyết định về bảo tồn khả năng sinh sản do có nhiều điều không chắc chắn, và bạn có thể phải nghĩ về con cái sớm hơn kế hoạch của bạn. Bạn có thể cảm thấy bạn cần đưa ra quyết định nhanh nhưng việc quan trọng là nói về khả năng sinh sản của bạn trước khi điều trị ung thư vú bắt đầu, để giúp bạn lên kế hoạch điều trị thích hợp nhất cho bạn.
Tôi thúc giục bất kỳ ai… …. đang đối mặt với ung thư vú hãy hỏi. Hãy nhìn vào cuộc sống sau điều trị là. Dùng liệu pháp nội tiết trong môi trường được kiểm soát trong thời gian nhất định là một lựa chọn tốt. Muốn trở thành mẹ cũng rất tuyệt. Và cảm thấy không tự tin cũng là điều bình thường, quá trình thực hiện mình phải chấp nhận. Tất cả điều này khá quan trọng. Tôi đang lo sợ. Nhưng hãy hỏi tôi liệu tôi sẽ làm lại không và tôi sẽ nói có !. Jackie |
Tôi chưa bao giờ muốn có con … và tôi thấy may mắn rằng chồng tôi cũng thấy như vậy. Tôi đã đấu tranh với khả năng mất khả năng sinh sản vào lúc kết thúc điều trị tích cực, đó là cú sốc đối với tôi và làm tôi nghi ngờ đấy liệu đã phải là tất cả những điều mà tôi phải trải qua hay không. Vài tháng đó thực sự khó khăn nhưng tôi đã gặp một chuyên gia tư vấn tại trung tâm Maggie’s ở địa phương của tôi, là người đã giúp tôi nhìn ra rằng tôi đang đau buồn vì sự mất mát mà tôi đã chọn. Jenny |
Tránh thai trong khi điều trị
Nói chung, phụ nữ được tư vấn không nên có thai trong khi đang điều trị ung thư vú. Bạn có thể thảo luận các phương pháp tránh thai với nhóm bác sĩ điều trị. Bất kỳ liệu pháp nội tiết nào được chỉ định như một phần của điều trị không được xem là biện pháp tránh thai.
Phụ nữ đang điều trị ung thư vú thường được khuyên sử dụng các phương pháp tránh thai không có chất nội tiết như là bao cao su, bao cao su cho nữ (Femidoms), vòng tránh thai có dây đồng (không chứa chất nội tiết) hoặc màng chắn âm đạo.
Vòng tránh thai có chứa các chất nội tiết, như là Mirena và Jaydess, hoạt động như là biện pháp tránh thai bằng cách phóng thích một lượng nhỏ chất nội tiết nữ progesteron. Có thông tin hạn chế về tính an toàn của các vòng tránh thai này và ung thư vú – hiện giờ nhà sản xuất không khuyến nghị sử dụng loại vòng này ở phụ nữ mắc ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính. Tuy nhiên một số bác sĩ nội ung thư có thể cân nhắc việc này. Bạn cũng có thể thảo luận điều này với nhóm bác sĩ điều trị.
Không chỉ định dùng viên thuốc tránh thai sau chẩn đoán ung thư vú do nó có chứa chất nội tiết. Tuy nhiên có thể dùng viên thuốc tránh thai khẩn cấp trong trường hợp khẩn cấp do nó là liều nội tiết duy nhất và rất có thể không ảnh hưởng đến ung thư vú.
Thậm chí nếu bạn không có kinh nguyệt thì bạn vẫn có thể có thai. Nói chung, bạn nên cho là bạn có thể có thai trừ khi bạn không còn kinh nguyệt trong ít nhất là một năm sau khi hoàn thành điều trị nếu bạn từ 40 tuổi trở lên, hoặc hai năm sau nếu bạn dưới 40 tuổi. Tuy nhiên, đây là chỉ dẫn chung và thay đổi cho mỗi người. Bạn có thể được làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ nội tiết.
Mắc ung thư vú trong khi mang thai
Bị chẩn đoán ung thư vú trong khi mang thai hoặc ngay sau khi sinh con là hiếm gặp, và phụ nữ bị chẩn đoán vào lúc này có thể cảm thấy rất cô đơn. Phát hiện mình bị ung thư vú có thể gây ra nhiều cảm xúc khác nhau, gồm sốc, sợ hãi, buồn rầu và lo âu vào lúc mà đúng ra họ đang hạnh phúc.Nhiều phụ nữ có thể tiếp tục thai kỳ trong khi điều trị ung thư vú. Tuy nhiên một số phụ nữ chọn cách kết thúc thai kỳ. Quyết định kết thúc việc mang thai có tính rất cá nhân. Có thể chỉ mình bạn quyết định, hoặc bạn và chồng/người yêu quyết định sau khi thảo luận với nhóm bác sĩ điều trị và bác sĩ sản khoa.
Bạn có thể nói chuyện với những phụ nữ khác đã bị chẩn đoán ung thư vú trong khi mang thai.
Cân nhắc mang thai sau ung thư vú
Đối với nhiều phụ nữ, quyết định liệu có nên cố gắng có thai sau chẩn đoán ung thư vú là khó khăn.
Nếu bạn có thể có thai và có con sau điều trị ung thư vú, hiện không có bằng chứng rằng nguy cơ ung thư vú tái phát tăng lên. Cũng không có bằng chứng rằng có bất kỳ nguy cơ sức khỏe nào đối với trẻ em được sinh ra sau điều trị ung thư vú.
Nhiều chuyên gia khuyên phụ nữ chờ ít nhất hai năm trước khi có thai. Chờ đợi thời gian dài có thể không thích hợp cho mọi phụ nữ. Nếu bạn nghĩ về việc có thai, hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa, họ có thể giúp bạn có lựa chọn sáng suốt. Bạn có thể thảo luận về nguy cơ bệnh ung thư quay lại cũng như các yếu tố có liên quan khác kể cả tuổi, phương pháp đã từng điều trị và về điều gì sẽ tiếp tục.
Nếu bạn được chỉ định liệu pháp nội tiết, thì bạn thường được uống thuốc trong khoảng thời gian năm tới mười năm, vào khoảng thời gian đó bạn có thể đối mặt với mãn kinh tự nhiên. Một số phụ nữ chọn tạm dừng uống thuốc nội tiết nếu họ muốn có thai.
Nếu uống nội tiết trong thời gian dài làm bạn lo lắng thì hãy nói với nhóm bác sĩ điều trị. Nếu bạn đang lên kế hoạch có thai sau khi kết thúc liệu pháp nội tiết thì tốt nhất là chờ ít nhất hai tháng để có thời gian cho thuốc đi ra hết khỏi cơ thể.
Hiện giờ có một thử nghiệm gọi là thử nghiệm POSITIVE (Pregnancy Outcome and Safety of Interrupting Therapy for Women With Endocrine Responsive Breast Cancer) xem xét tính an toàn của việc làm gián đoạn liệu pháp nội tiết để cố gắng có thai. Những phụ nữ trong thử nghiệm này được khuyến khích bắt đầu lại liệu pháp nội tiết sau thời gian dừng thuốc để có con. Thử nghiệm này hiện giờ chưa thu nhận người tham gia ở Anh.
Liệu pháp nhắm đích Trastuzumab thông thường được chỉ định trong một năm và không được cho là có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Tuy nhiên bạn cần tránh có thai trong khi đang truyền trastuzumab và trong ít nhất bảy tháng sau khi kết thúc điều trị, là do khả năng gây hại tới thai nhi đang phát triển.
Nếu buồng trứng của bạn bị điều trị ung thư vú làm tổn tương thì bạn có thể có thai khi dùng trứng được hiến tặng. Trứng được thụ tinh với tinh trùng từ chồng/người yêu hoặc người hiến tặng và phôi được chuyển vào tử cung của người phụ nữ đang có hi vọng có thai.
Một số phụ nữ chọn cách khác để có gia đình như là nhận con nuôi, mang thai hộ trong khi những người khác tận hưởng cuộc sống mà không có con.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Nếu bạn đã được phẫu thuật vú hoặc xạ trị, bạn có thể có vấn đề về nuôi con bằng sữa mẹ đối với vú được điều trị. Nuôi con bằng sữa mẹ từ vú được điều trị trước đó bằng xạ trị có thể gây chứng viêm mô vú (nhiễm trùng) và chứng bệnh này khó điều trị. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có thể cho con bú bằng vú còn lại. Nếu bạn không thể cho con bú, bạn có thể tìm kiếm các phương thức khác như là cho con ăn sữa công thức hoặc sữa của người hiến tặng đã được sàng lọc. Hãy nói chuyện với nhóm bác sĩ điều trị hoặc bà đỡ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về nuôi con bằng sữa mẹ.
Lịch sử gia đình và ung thư vú
Ung thư vú ở tuổi trẻ có thể có nghĩa rằng có nguy cơ gia tăng có gen ung thư vú bị đột biến. Chừng 5% phụ nữ mắc ung thư vú thừa hưởng một gen bị đột biến. Gen đột biến phổ biến nhất gắn liền với ung thư vú là BRCA1 và BRAC2. Thừa hưởng sự đột biến ở một gen khác gọi là TP53 (protein khối u 53) cũng làm tăng nguy cơ mặc dầu hiếm hơn nhiều.
Trong khi hầu hết các trường hợp ung thư vú là không phải do di truyền thì nếu bạn bị chẩn đoán ung thư vú gọi là ung thư vú bộ ba âm tính thì bạn nên được giới thiệu tới phòng xét nghiệm di truyền để thảo luận xét nghiệm gen, không kể đến lịch sử gia đình.
Hầu hết phụ nữ trẻ mắc ung thư vú không thừa hưởng gen bị đột biến.
Xét nghiệm gen
Nếu bạn lo lắng về lịch sử gia đình bạn thì hãy nói chuyện với nhóm bác sĩ điều trị. Họ có thể giới thiệu bạn tới phòng khám di truyền để đánh giá thêm. Nếu đánh giá cho thấy bạn có nguy cơ cao thì bạn sẽ được đề nghị tư vấn làm thêm xét nghiệm gen.
Bạn cần được giới thiệu tới phòng xét nghiệm gen để đánh giá nguy cơ lịch sử gia đình nếu:
- Bạn hoặc người họ hàng gần nhất bị ung thư vú trước tuổi 40
- Bạn hoặc một người họ hàng gần mắc ung thư vú ở cả hai bên vú
- Bạn mắc ung thư vú bộ ba âm tính
- Bạn có những người họ hàng gần mắc ung thư vú và những người khác mắc ung thư buồng trứng.
- Người họ hàng nam giới mắc ung thư vú
- Bạn thuộc hậu duệ của người Do thái Ashkenazi.
Bạn cũng có thể được giới thiệu tới nếu gia đình bạn có nhiều loại ung thư khác nhau.
Đề nghị xem website www.brestcancernow.org để có thêm thông tin về lịch sử gia đình, gen và ung thư vú.
Các mối quan hệ
Chẩn đoán ung thư vú rất có thể có tác động lớn lên các mối quan hệ của bạn với gia đình, bạn bè và những người bạn yêu thương.
Nó đặt sức ép lên một số mối quan hệ của tôi với bạn bè, một số không biết phải làm gì hoặc nói gì và xa lánh thực sự, nhưng hầu hết thực sự muốn giúp đỡ tôi và đề nghị giúp đỡ tôi nấu ăn, dọn nhà cửa v.v. Jannet |
Mối quan hệ với chồng/người yêu
Ung thư vú ảnh hưởng thế nào tới mối quan hệ của bạn chắc chắn sẽ phụ thuộc vào tính cách cá nhân bạn, trải nghiệm sống của bạn và thời gian các bạn đã ở bên nhau bao lâu. Thường thì các mối quan hệ được củng cố, nhưng đối với một số người thì chẩn đoán ung thư vú có thể thử nghiệm các giới hạn của một mối quan hệ. Chồng/người yêu của bạn có thể rất đau buồn và cảm thấy rất lo lắng. Nó có thể giúp nói chuyện cởi mở về những lo sợ của bạn, ung thư và điều trị ảnh hưởng gì lên cả hai người. Việc này có thể giúp cả hai.
Chồng tôi và tôi trở nên gần gũi hơn nhiều. Tôi nghĩ do chúng tôi có cùng trải nghiệm chung mà không một người bạn nào của chúng tôi hoặc rộng hơn là gia đình có thể hiểu – anh hiểu một số nỗi sợ của tôi về bệnh quay trở lại và sự “lo lắng về chẩn đoán hình ảnh” (csanxiety). Jenny |
Chúng tôi đang lên kế hoạch cho lễ cưới… … khi tôi bị chẩn đoán bệnh. Tôi không nghĩ người yêu tôi sẽ cưới tôi khi tôi đã mất một bên vú và có thể không có con được nữa. Nhưng anh ấy nói anh ấy yêu tôi vì tôi là tôi. Chúng tôi hiện giờ đã làm lễ cưới được 11 năm và tôi tin rằng ung thư đã làm chúng tôi mạnh mẽ hơn. Kelly |
Nếu bạn độc thân
Nếu bạn còn độc thân khi mắc ung thư vú thì tình hình có thể khó khăn, nhất là nếu bạn sống một mình và quen với sự độc lập. Hầu hết mọi người yêu cầu sự giúp đỡ từ các thành viên gia đình và bạn bè, nhưng có thể là họ không sống gần với bạn hoặc bạn không có mối liên hệ thường xuyên với họ. Hoặc có thể rằng không có ai bạn cảm thấy đủ gần gũi hoặc bạn thấy thoải mái để nói chuyện về cảm giác của bạn.
Hẹn hò và các mối quan hệ mới
Nếu bạn chưa có mối quan hệ nào khi bạn bị chẩn đoán ung thư vú, bạn có thể lo lắng về hẹn hò lại sau chẩn đoán. Bạn có thể lo lắng không biết ung thư vú sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của bạn với người yêu trong tương lai. Nhiều phụ nữ lo lắng khi nào và làm cách nào nói chuyện với người yêu mới rằng họ bị ung thư – không có câu trả lời có sẵn cho điều này và chỉ bạn biết chắc chắn khi nào là đúng lúc.
Bạn cũng có thể lo lắng về một ai đó phản ứng thế nào với các ảnh hưởng của ung thư và điều trị lên cơ thể, như là các vết sẹo đoạn nhũ hoặc vú tái tạo. Bạn có thể cảm thấy không chắc chắn về việc được gần gũi với người yêu mới và lo lắng về phản ứng của họ.
Thảo luận điều này với họ trước để có gắng giải tỏa một số sức ép có thể là hữu ích. Mỗi người là khác nhau và một số người sẽ cần nhiều thời gian hơn người khác để cảm thấy thoải mái chia sẻ các khía cạnh của chẩn đoán bệnh với người yêu mới, nhưng điều quan trọng là tiến hành với tốc độ mà bạn cảm thấy thoải mái.
Tôi đã bắt đầu hẹn hò lại… … sau khi kết thúc điều trị và tôi cởi mở với các bạn tình mới về tình hình của mình. Nhưng không phải luôn dễ dàng bắt đầu cuộc nói chuyện, nhưng tôi đã quyết định rằng nếu một ai đó lảng tránh do tôi bị chẩn đoán ung thư vú thì họ không phải là người đúng cho tôi. Mỗi người tôi gặp đều hiểu điều đó một cách có chút ít ngạc nhiên. Laura |
Hình ảnh cơ thể và khả năng tình dục
Ung thư vú và điều trị có thể gây ra nhiều thay đổi tới cơ thể bạn và ngoại hình, điều này có thể là đặc biệt khó khăn cho những phụ nữ trẻ. Ví dụ sau phẫu thuật bạn sẽ có vết sẹo và bạn có thể rụng mái tóc nếu bạn phải hóa trị. Nhiều phụ nữ cũng lên cân trong hoặc sau khi điều trị.
Mái tóc dài và bộ ngực là một phần nữ tính và sự quyến rũ của tôi và không còn những cái đó thực sự đánh gục sự tự tin của tôi. Janet |
Thậm chí các ảnh hưởng của điều trị thường là tạm thời, chúng vẫn có thể làm bạn rất buồn và có thể làm bạn cảm thấy kém tự tin hơn về ngoại hình và cách người khác nhìn bạn. Nếu đang có mối quan hệ bạn có thể cảm thấy lo âu về người yêu sẽ phản ứng như thế nào tới những thay đổi này hoặc nếu bạn độc thân bạn có thể lo lắng về hẹn hò và tác động của ung thư vú lên mối quan hệ mới.
Tôi thực sự căm ghét … …. nghĩ tới lúc kết thúc điều trị khi tôi rụng cả lông mày và lông mi. Tôi cảm thấy thất bại và giống như là tôi nhìn không giống tôi nữa, điều này làm tôi cảm thấy thấy buồn. Tôi đã trở nên tốt hơn và tôi yêu mái tóc ngắn, mà tôi chưa bao giờ có đủ tự tin để cắt nếu tôi không bị ép buộc làm việc đó. Sarah |
Các triệu chứng mãn kinh và khả năng mãn kinh sớm
Mãn kinh là thời điểm người phụ nữ không có kinh nữa và không thể có thai được nữa. Điều này thường xảy ra tự nhiên trong khoảng độ tuổi 45 tới 55, với 51 tuổi là tuổi trung bình.
Đôi khi ở những phụ nữ trẻ, ung thư vú và điều trị ung thư vú có thể làm mãn kinh sớm. mãn kinh sớm làm bạn buồn nếu bạn đang mong muốn có con của chính bạn, và có thể bạn cảm thấy như đang lão hóa trước tuổi. Một số phụ nữ chọn cách điều trị bảo tồn khả năng sinh sản để cố gắng bảo vệ cơ hội có con trong tương lai (xem phần ‘khả năng sinh sản của bạn và ung thư vú ở các trang sau).
Điều trị như là hóa trị và liệu pháp nội tiết có thể dẫn đến các tác dụng phụ của mãn kinh, có thể gồm bốc hỏa, ra mồ hôi ban đêm, khô âm đạo, đau khớp, tập trung kém và tâm tính thay đổi. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu bạn có các triệu chứng này – họ có thể giúp bạn xử lý, hoặc giới thiệu bạn tới phòng khám chuyên về mãn kinh để có tư vấn thêm và hỗ trợ.
Thậm chí nếu bạn không bị mãn kinh và kinh nguyệt quay trở lại sau hóa trị thì mãn kinh rất có thể xảy ra sớm hơn (5-tới 10 năm) hơn là khi bạn không phải hóa trị.
Loãng xương
Một số điều trị ung thư vú có thể ảnh hưởng tới xương, có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Loãng xương nghĩa là ‘xương xốp’ và khi xương trở nên mỏng hơn và rất có thể bị gãy. Mãn kinh sớm trước tuổi 45 có nghĩa là mức nội tiết estrogen thấp và điều này có thể yếu tố nguy cơ gây loãng xương. Loãng xương thường được chẩn đoán bằng đo quét mật độ xương (thường gọi là đo quét DEXA).
Ở những phụ nữ tiền mãn kinh, uống tamoxifen có thể làm mật độ xương giảm nhẹ, nhưng có thể không dẫn tới loãng xương trừ khi thực hiện ức chế buồng trứng. Tuy nhiên có nguy cơ cao hơn nếu bạn ở tuổi 45 hoặc trẻ hơn và bạn không có kinh nguyệt ít nhất một năm.
Các thuốc như là chất ức chế aromatase (thuốc nội tiết bậc 2 anastrozole, letrozole và exemestane) có thể làm giảm mức estrogen trong cơ thể và làm tăng nguy cơ loãng xương.
Nếu nhóm bác sĩ điều trị lo ngại về nguy cơ bạn bị loãng xương, họ có thể chỉ định bạn được đo quét DEXA để kiểm tra xương của bạn trước khi bắt đầu điều trị.
Hướng dẫn của Viện Sức khỏe và Chăm sóc quốc gia (NICE) về đo quét DEXA
NICE khuyến cáo rằng những người mắc ung thư vú xâm lấn giai đoạn sớm (ung thư có tiềm năng lan tràn tới các cơ quan khác của cơ thể) nên được đo quét DEXA để đánh giá mật độ xương nếu họ không được điều trị ung thư vú bằng thuốc bisphosphonate và họ:
- Đang bắt đầu uống thuốc ức chế aromatase (thuốc nội tiết bậc 2)
- Bị mãn kinh do điều trị gây ra
- Đang được điều trị ức chế buồng trứng.
Đối với một số người thì có thể khuyến nghị đo quét DEXA theo dõi mỗi hai năm.
Để có thêm thông tin đề nghị đọc bài viết Loãng xương sau điều trị ung thư vú.
Hỗ trợ tài chính và hỗ trợ thực tế
Nếu bạn bị chẩn đoán ung thư vú khi bạn còn trẻ, thì điều này rất có thể là giai đoạn bận rộn của đời bạn. Bạn có thể có đời sống xã hội tích cực với nhiều điều đang tiếp diễn, bạn có thể đang bắt đầu xây dựng sự nghiệp hoặc bạn có thể đang lên kế hoạch cho chuyến đi chơi.
Chẩn đoán ung thư vú … …khi còn là một phụ nữ trẻ giáng cho bạn cú đánh vào thời điểm bạn sung sức nhất trong cuộc đời, khi các mối quan hệ vẫn đang được hình thành, gia đình đang được tạo dựng và sự nghiệp đang tăng tốc. Bỗng nhiên bạn bị gạt sang một con đường khác và bạn chỉ có một mình, bạn trở nên bị cô lập. Victoria |
Ứng phó với chẩn đoán ung thư vú và điều trị ung thư vú có thể làm cho việc giải quyết các trách nhiệm khác là đặc biệt khó khăn, nhất là chăm sóc con cái. Bạn có thể thấy khó khăn khi mà cảm thấy mình không có lỗi và không xứng đáng nếu bạn không thể chăm sóc chúng theo cách bạn vẫn làm. Bạn có thể cảm thấy bạn không phải là người mẹ tốt do bạn không thể làm những việc mà bạn đã làm trước khi bị chẩn đoán hoặc bạn và con bạn đang bỏ lỡ cơ hội
Tôi cảm thấy có lỗi … .. về việc mắc ung thư. Tôi không thể làm việc nhiều với các con tôi như tôi thường làm và nghĩ là chúng đang bỏ lỡ cơ hội. Tuy nhiên, chúng đã vượt qua điều này một cách tích cực. Tôi sẽ gợi ý rằng mọi người nên chấp nhận giúp đỡ và hạ thấp kỳ vọng của bản thân trong khi điều trị. Julia |
Công việc và ung thư vú
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của bạn là những tác động có thể của ung thư vú tới công việc hàng ngày của bạn. Bạn có thể muốn hoặc phải tiếp tục làm việc trong một số đợt điều trị của bạn hoặc bạn có thể muốn để dành thời gian nghỉ ngơi. Nhiều người lo lắng về việc dành thời gian cho các cuộc hẹn và điều trị, và quyền lợi của họ tại nơi làm việc. Bạn không bắt buộc phải nói với nhà tuyển dụng của mình rằng bạn bị ung thư nhưng nó có thể giúp họ hỗ trợ bạn và linh hoạt hơn trong công việc. Bạn có quyền đối với bất kỳ thông tin nào bạn cung cấp về ung thư vú, được giữ kín và chỉ thảo luận với đồng nghiệp với sự cho phép của bạn.
Nỗi sợ ung thư quay trở lại
Gần như mọi người đã điều trị ung thư vú đều lo lắng rằng bệnh có thể quay trở lại. Trước tiên, mỗi lần đau đều làm bạn lo lắng. Nhưng khi thời gian trôi đi, bạn có thể chấp nhận các triệu chứng nhỏ có trong hầu hết các trường hợp – các dấu hiệu cảnh báo cảm lạnh hoặc cúm hoặc là kết quả của làm việc quá sức.
Sau chẩn đoán ung thư vú nhiều người sẽ tự nhiên bắt đầu nghĩ tới tiên lượng như thế nào. Nhiều người thay đổi rất nhiều về lượng thông tin họ muốn biết. Một số thà không nghĩ về bệnh trong khi những người khác sẽ thích biết càng nhiều càng tốt. Hãy nói với nhóm bác sĩ điều trị nếu bạn muốn biết thêm về tiên lượng.
Tiến về phía trước sau ung thư vú
Kết thúc điều trị sau khi mắc ung thư vú có thể là thời gian lạ lùng và nhiều người thấy thời khắc đó thật khó khăn. Bạn có thể cảm thấy lo sợ về việc không có liên lạc đều đặn với nhóm bác sĩ điều trị nữa, bạn có thể thấy khó khi quay trở lại công việc thường ngày, hoặc đơn giản là bạn vẫn có thể đang cố gắng xử lý những điều đã xảy ra với bạn.
Tất cả chúng ta đều giải quyết những nỗi lo ấy theo cách riêng của chúng ta, và không có câu trả lời dễ dàng. Nhưng giữ yên lặng và không muốn làm phiền bất kỳ ai thì chắc chắn không phải là hữu ích với bạn. Chỉ khi nói chuyện thẳng thắn về chẩn đoán và điều trị mới có thể giúp bạn đi qua những ngày đầu tiên, đối mặt với nỗi sợ và lo lắng để giúp bạn đi tiếp quãng đường sau này.
Tôi nghĩ một khi việc điều trị tích cực của bạn đã xong và tóc bạn bắt đầu mọc lại và bạn quay trở lại đi làm thì mọi người mong đợi bạn “quay trở lại bình thường. Janet |
Tài liệu tham khảo
https://breastcancernow.org/sites/default/files/publications/pdf/bcc_younger_women_2020_web.pdf