Vitamin C là một loại vitamin khá quen thuộc, thường có nhiều trong các trái cây họ cam quýt và một số thực phẩm như cà chua, khoai tây hay các loại rau ăn lá. Bình thường, chúng ta có thể bổ sung đủ lượng vitamin này cho cơ thể thông qua nguồn thức ăn, nước uống.
Bạn có thể quan tâm: 12 nguồn thực phẩm giàu vitamin C bạn cần biết.
Một số trường hợp bị thiếu hoặc có khả năng thiếu vitamin C, bạn có thể bổ sung bằng các viên uống (dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng). Để tìm hiểu rõ hơn tác dụng, công dụng, liều dùng và những lưu ý khi dùng viên uống vitamin C, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.
Tác dụng, công dụng
Vitamin C có tác dụng gì?
Vitamin C (axit ascorbic) là một vitamin tan trong nước có vai trò quan trọng đối với xương và mô liên kết, cơ bắp và các mạch máu. Vitamin này còn giúp cơ thể hấp thụ chất sắt, góp phần vào quá trình sản xuất hồng cầu được diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, chúng còn dùng để điều trị và ngăn ngừa thiếu hụt vitamin C.
Vitamin này được sản xuất dưới nhiều dạng với hàm lượng, thường thấy là vitamin C 500mg, có khi là 1000mg. Công dụng của vitamin C chủ yếu dùng để:
- Phòng và điều trị bệnh do thiếu vitamin này (bệnh scorbut).
- Tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc, mau lành vết thương.
- Điều trị mệt mỏi do cảm cúm hoặc sau khi ốm.
- Axit hóa nước tiểu để giải độc trong một số trường hợp.
Vitamin này cũng có ở dạng thuốc tiêm dùng theo chỉ định của bác sĩ. Đường tiêm có thể là qua tĩnh mạch, tiêm bắo hoặc tiêm dưới da. Đa số trường hợp tiêm thuốc vitamin C để điều trị bệnh scorbut do thiếu vitamin này gây ra.
Một số tác dụng khác không được liệt kê ở trên nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.
Dạng bào chế, hàm lượng
Vitamin C có những dạng bào chế với hàm lượng nào?
Vitamin này có thể được sản xuất dưới nhiều dạng bào chế với hàm lượng khác nhau. Trong đó, chúng có thể là thuốc hoặc thực phẩm chức năng dùng để bổ sung thêm vitamin này cho cơ thể.
- Viên nang phóng thích kéo dài, thuốc uống: vitamin C 500mg.
- Dạng lỏng, thuốc uống: 500mg/5 ml.
- Dạng dung dịch, thuốc tiêm: 250mg/ml, 500mg/ml.
- Dạng sirô, thuốc uống: 500mg/ml.
- Viên nén, thuốc uống: 100mg, 250mg, 500mg, 1.000mg, 1.500mg.
- Viên nén, thuốc nhai: 500mg, 1.000mg, 1.500mg.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng thông thường của vitamin C
– Liều dùng thông thường cho người lớn hỗ trợ giảm cân:
- Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 50-200 mg/ ngày.
– Liều dùng thông thường cho người lớn để acid hóa nước tiểu:
- Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 4-12g/ ngày, chia thành 3-4 liều.
– Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh Scorbut:
- Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 100-250mg 1-2 lần/ ngày trong ít nhất hai tuần.
– Liều dùng thông thường cho trẻ em hỗ trợ giảm cân:
- Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 35-100mg/ ngày.
– Liều dùng thông thường cho trẻ em để acid hóa nước tiểu:
- Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 500mg mỗi 6-8 giờ.
– Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh Scorbut:
- Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 100-300mg/ ngày chia làm nhiều lần trong ít nhất hai tuần.
Cơ thể bạn cần bao nhiêu vitamin C mỗi ngày?
Đối với người trưởng thành, lượng vitamin C khuyến cáo tiêu thụ hàng ngày là khoảng 65 – 90mg, tối đa là 2.000mg/ ngày. Tuy nhiên, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, những người hút thuốc lá thì cần bổ sung vitamin này nhiều hơn.
Cách dùng
Bạn nên dùng sản phẩm bổ sung vitamin C như thế nào?
Sử dụng theo đúng hướng dẫn trên nhãn sản phẩm, không uống nhiều hơn hay ít hơn liều lượng hoặc uống trong thời gian lâu hơn khuyến cáo. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc làm sao uống vitamin C đúng cách, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Với viên uống, hãy uống với nhiều nước. Các viên nhai phải được nhai hoàn toàn trước khi nuốt. Bạn không nên uống vitamin C hàm lượng cao vào buổi chiều, tối vì có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như đi tiểu đêm hoặc tăng nguy cơ tạo thành sỏi thận.
Mỗi dạng bào chế thường có một số lưu ý chung khi dùng, chẳng hạn như:
- Đối với vitamin C dạng viên nhai, hãy nhai kỹ trước khi nuốt.
- Đừng nghiền nát, nhai hoặc đập vỡ viên phóng thích kéo dài. Hãy nuốt trọn viên thuốc.
- Sử dụng dụng cụ đo (muỗng đo, ly đo) để đo lường liều lượng nếu vitamin này ở dạng lỏng. Nếu bạn không có một thiết bị đo, hãy hỏi dược sĩ.
Nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
Điều gì sẽ xảy ra nếu dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm y tế địa phương gần nhất.
Thận trọng/ Lưu ý
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Lưu ý trước khi dùng vitamin C
Nếu có phản ứng dị ứng với các sản phẩm chứa vitamin C hay bất kỳ thành phần nào khác trên nhãn, bạn không nên sử dụng chúng.
Bạn cũng nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi uống vitamin C nếu bạn bị:
- Bệnh thận hoặc từng bị sỏi thận
- Rối loạn chuyển hóa di truyền
- Hút thuốc (hút thuốc làm hiệu quả của vitamin giảm xuống).
Liều dùng vitamin C có thể sẽ khác trong thời gian bạn mang thai và cho con bú. Bạn không được dùng vitamin này mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng bạn không được đột ngột ngừng dùng vitamin C sau một thời gian dài dùng liều cao hoặc nếu bạn đang bị thiếu loại vitamin này. Các triệu chứng khi đột ngột ngừng dùng vitamin này như chảy máu nướu răng, cảm thấy mệt mỏi, các điểm màu đỏ hoặc xanh dương xung quanh các nang lông. Bạn nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc giảm liều.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng vitamin C trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
Với phụ nữ mang thai, vitamin này có thể được sử dụng với liều lượng được bác sĩ chỉ định theo khuyến cáo của FDA. Bạn không nên tự ý bổ sung thêm vitamin trong thai kỳ khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ.
Vitamin C được cho là có khả năng bài tiết vào sữa mẹ. Tuy tác dụng phụ của chúng lên trẻ bú mẹ chưa rõ nhưng bạn nên thận trọng khi muốn bổ sung vitamin này trong khi đang cho con bú. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp tác dụng phụ khi dùng vitamin C?
Phản ứng phụ thường thấy bao gồm:
- Ợ nóng, khó chịu dạ dày
- Buồn nôn, tiêu chảy, co rút dạ dày.
Gọi cấp cứu ngay nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu của phản ứng dị ứng, bao gồm:
- Phát ban
- Khó thở
- Sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng.
Ngừng sử dụng vitamin C và gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn bị:
- Đau khớp, suy nhược hoặc cảm giác mệt mỏi, sụt cân, đau dạ dày
- Ớn lạnh, sốt, đi tiểu nhiều lần, đi tiểu đau hoặc khó khăn
- Đau ở phía bên hoặc dưới lưng, có máu trong nước tiểu của bạn.
Trên đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng không mong muốn sẽ xảy ra. Bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ khác không được đề cập. Hãy thông báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình sử dụng.
Tương tác thuốc
Viamin C có thể tương tác với những thuốc nào?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tốt nhất, bạn hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thực phẩm chức năng và thảo dược) cho bác sĩ xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ. Vitamin C có thể gây tương tác với một số thuốc như:
- Fluphenazine
- Thuốc hóa trị ung thư
- Nhóm thuốc statin
- Aspirin
- Estrogen
- Warfarin
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến vitamin C?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có những vấn đề sức khỏe, đặc biệt là:
- Vấn đề về máu – vitamin C liều cao có thể gây ra các vấn đề về máu.
- Bệnh tiểu đường tuýp 2 – vitamin C liều quá cao có thể ảnh hưởng đến các xét nghiệm đường trong nước tiểu.
- Thiếu glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) – vitamin C liều cao có thể gây thiếu máu tán huyết.
- Sỏi thận (hoặc có tiền sử bị sỏi thận) – vitamin C liều cao có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận ở đường tiết niệu.
Bảo quản
Bạn nên bảo quản vitamin C như thế nào?
Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 25ºC, tránh ánh sáng trực tiếp.