Chụp CT đại tràng (nội soi đại tràng ảo)

(3.61) - 99 đánh giá

CT là viết tắt của Computerized Tomography (chụp cắt lớp vi tính). Chụp CT đại tràng sử dụng một máy quét CT để tạo nên hình ảnh chi tiết của đại trực tràng (ruột già). Kỹ thuật này có thể được sử dụng thay cho nội soi đại tràng để giúp phát hiện bệnh ung thư và bất thường đường ruột khác.

Lưu ý: Các thông tin dưới đây là hướng dẫn tổng quát. Quy trình chuẩn bị và cách thực hiện có thể khác nhau giữa các bệnh viện. Do đó, bạn nên tuân theo những hướng dẫn của bác sĩ hoặc bệnh viện nơi bạn khám.

CT đại tràng là gì?

CT đại tràng được viết đầy đủ là chụp cắt lớp vi tính đại tràng. Đây là kỹ thuật sử dụng một máy quét CT để tạo nên hình ảnh bên trong của đại tràng và trực tràng (đại tràng là phần cuối của ruột và trực tràng là đoạn giữa đại tràng và hậu môn, hai phần này hay được gọi chung là đại trực tràng).

CT đại tràng có thể cung cấp những thông tin thường chỉ có được bằng cách thực hiện nội soi đại tràng. Nội soi đại tràng là kỹ thuật quan sát trong lòng đại tràng bằng ống soi có gắn camera đưa vào qua ngả hậu môn.

Chụp CT ít xâm lấn hơn so với nội soi đại tràng vì quá trình thực hiện không cần đưa ống soi vào hết đại tràng. CT đại tràng đôi khi được gọi là nội soi đại tràng ảo.

Chụp CT đại tràng để làm gì?

Lý do chính để chụp CT là để tìm các thương polyp hoặc u ở đại trực tràng. Polyp là một tình trạng dày lên bất thường của niêm mạc đại tràng (lớp trong cùng của đại tràng); đó là kết quả của những biến đổi về gen. Chúng có thể là vô hại nhưng, cũng có thể phát triển thành ung thư.

Nếu bạn có những triệu chứng như thay đổi thói quen đi tiêu, sụt cân hoặc có máu trong phân, trên 50 tuổi, thiếu máu chưa rõ nguyên nhân, bạn nên chụp CT đại tràng hoặc nội soi đại tràng. CT đại tràng cũng có thể được sử dụng để sàng lọc/tầm soát ung thư đại tràng ở những người có nguy cơ mắc bệnh. CT đại tràng thường được sử dụng ở những người quá yếu, hoặc không thể nội soi đại tràng.

Nguyên lý chụp CT đại tràng như thế nào?

Các máy quét CT trông giống như một vòng nhẫn dày khổng lồ. Trong thành của máy quét có một nguồn phát tia X (X-quang). Đối diện với nguồn, ở phía bên kia của vòng là một đầu thu tia X. Bạn nằm trên một chiếc bàn dài và nó trượt vào trong cho đến khi phần cơ thể cần quét nằm trong máy. Nguồn phát sẽ quay xung quanh cơ thể, vừa quay vừa phát ra chùm tia X xuyên qua cơ thể.

Tại mỗi vị trí nhất định của bàn chụp (còn gọi là lát cắt), đầu thu/đầu dò sẽ phát hiện và ghi lại cường độ chùm tia X sau khi đi qua cơ thể. Mô càng đặc thì X-quang càng ít xuyên qua và ngược lại. Các máy dò tia X đưa thông tin này vào máy tính. Các loại mô với mật độ khác nhau sẽ tạo thành hình ảnh trên màn hình máy tính thông qua các màu xám khác nhau (thang thước xám). Vì vậy, hình ảnh bên trong cơ thể sẽ được tạo ra sau mỗi bước chụp, tạo thành hình ảnh của một lát cắt.

Khi bàn chụp di chuyển qua máy quét, tia X sẽ xuyên qua bộ phận tiếp theo của cơ thể và máy tính sẽ tạo ra những lát cắt mới. Những máy quét mới hơn thậm chí có thể tạo ra hình ảnh 3 chiều từ phần cơ thể được quét.

Quy trình chụp CT đại tràng như thế nào?

Quy trình chuẩn bị và cách thực hiện có thể khác nhau giữa các bệnh viện. Cách thức thực hiện cũng có thể thay đổi tùy theo tình trạng của bạn.

  • Bạn có thể được tiêm thuốc giảm co thắt cơ đường ruột. Bạn cũng có thể được tiêm thuốc cản quang, tùy vào lý do của việc kiểm tra.
  • Xét nghiệm bắt đầu bằng việc nằm trên bàn chụp CT, thường là nằm ngửa, nghiêng hoặc sấp. Dây đeo và gối có thể được sử dụng để giúp bạn giữ được vị trí chính xác trong quá trình chụp.
  • Một ống nhỏ sẽ được đưa vào trong trực tràng để kỹ thuật viên bắt đầu bơm hơi. Một máy bơm điện tử được sử dụng để đưa khí vào đại tràng. Khí giúp mở đại tràng càng nhiều càng tốt, làm giảm các nếp gấp hay nếp nhăn vốn có thể làm ẩn các polyp.
  • Khi bơm hơi, bạn có thể sẽ cảm thấy bụng đầy hơi hay mắc cầu, có thể bạn sẽ xì hơi. Điều này là bình thường nên bạn không cần phải cảm thấy xấu hổ.
  • Tiếp theo, bàn chụp sẽ di chuyển qua máy quét. Bạn có thể được yêu cầu ngưng thở trong khoảng 15 giây trước khi thay đổi tư thế. Khi bạn di chuyển qua máy quét những hình ảnh sẽ được chụp và ghi lại.
  • Sau khi quét xong, ống bơm hơi sẽ được rút ra và bạn sẽ có thể rời khỏi bàn chụp. CT scan không đau do bạn không thể cảm thấy X-quang. Bạn sẽ được yêu cầu bất động tối đa; nếu không, hình ảnh chụp có thể bị mờ. Việc quét có thể mất khoảng 5-30 phút, tùy thuộc vào phần của cơ thể được quét.

Tôi nên làm gì để chuẩn bị chụp CT?

Bạn sẽ được hướng dẫn chi tiết những gì cần làm. Như một quy tắc chung, để bác sĩ để có thể nhìn thấy ruột rõ ràng. Bạn cần tuân theo một chế độ ăn uống đặc biệt cho một vài ngày trước đó và uống thuốc nhuận tràng để làm sạch ruột.

Bạn có thể được yêu cầu uống thuốc cản quang khoảng hai ngày trước khi thực hiện. Thuốc này sẽ giúp hiển thị đường ruột chính xác hơn trong quá trình quét. Nếu cần phải tiêm thuốc cản quang, bạn phải ngưng một số thuốc trước đó, đặc biệt với người đang dùng metformin (một loại thuốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường). Nếu bạn đang dùng thuốc này, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn các hướng dẫn về những gì cần làm.

Bạn có thể được yêu cầu không ăn hoặc uống trong một vài giờ trước khi chụp CT.

Những gì có thể xảy ra sau khi chụp CT?

Bạn thường sẽ có thể trở lại hoạt động bình thường ngay sau khi kết thúc chụp. Bạn có thể cảm thấy hơi chướng bụng hoặc sẽ xì hơi trong một thời gian sau khi chụp. Điều này thường hết khá nhanh.

Nếu bạn đã dùng thuốc giảm co thắt cơ trơn đường ruột hoặc tiêm thuốc cản quang, bạn cần phải chờ trong một thời gian ngắn trước khi lái xe. Bạn có thể nhờ một ai đó đưa về nhà sau khi chụp cho an toàn.

Nếu đang cho con bú, bạn có thể cần phải bỏ sữa trong 24 giờ sau khi chụp. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Có bất kỳ tác dụng phụ hoặc biến chứng sau khi chụp CT không?

Phụ nữ mang thai, nếu có thể thì không nên chụp CT vì X-quang có thể gây ra dị tật cho thai nhi. Hãy báo cho bác sĩ nếu bạn đang có thai, hoặc nghĩ rằng mình có thể có thai.

Các thuốc nhuận tràng sử dụng để chuẩn bị đường ruột có thể gây tiêu chảy và có thể làm cho bạn cảm thấy mệt, chướng bụng. Thỉnh thoảng, một số người có cảm giác nóng hoặc thấy vị kim loại trong miệng sau khi tiêm cản quang. Điều này thường chỉ kéo dài một hoặc hai phút. Nếu bạn được chích thuốc giãn cơ, bạn có thể tạm thời thấy mờ mắt hay có cảm giác chóng mặt.

Một số hiếm người có phản ứng dị ứng với thuốc cản quang. Điều này có thể được điều trị ngay lập tức. Rất hiếm khi các thuốc cản quang gây ra tổn thương thận. Nếu có thì tác dụng phụ này thường gặp nhất ở những người đã có vấn đề về thận.

Ruột có thể bị thương tổn trong quá trình chụp với một tỉ lệ nhỏ. Điều này có thể dẫn đến chảy máu và nhiễm trùng, có thể cần điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Rủi ro của tia X dùng trong chụp CT

CT scan sử dụng tia X (X-quang) là một loại bức xạ. Tiếp xúc với liều lượng lớn X-quang có liên quan đến việc mắc ung thư hoặc bệnh bạch cầu nhiều năm sau đó.

Liều X-quang cần thiết cho một CT scan là nhiều hơn so với chụp X quang đơn thuần, nhưng nói chung là khá thấp. Các nguy cơ gây hại từ các liều bức xạ được sử dụng trong CT scan là rất nhỏ, nhưng nó không phải là hoàn toàn không có rủi ro. Như một quy luật, các lượng bức xạ càng cao thì càng có nhiều nguy cơ. Vì vậy, khi chụp các phần cơ thể lớn hơn thì các liều bức xạ tác động lên bạn sẽ nhiều hơn, lặp lại CT theo thời gian gây ra sự tăng tổng lượng bức xạ ảnh hưởng. Ngoài ra,tuổi càng trẻ thì nguy cơ mắc các bệnh ung thư hay bạch cầu sau chụp CT càng cao sau này.

Nhiều nghiên cứu đã nhắm tới việc ước tính nguy cơ phát triển ung thư hoặc bệnh bạch cầu sau khi chụp CT scan. Nói chung, các rủi ro là nhỏ. Trong nhiều tình huống, các lợi ích của chụp CT scan là nhiều so với nguy cơ của nó. Tuy nhiên, như các nghiên cứu tương tự đã kết luận “mặc dù lợi ích lâm sàng vượt trội các nguy cơ, liều bức xạ từ việc chụp CT phải được giữ ở mức thấp nhất có thể, và những thủ thuật khác mà không liên quan đến bức xạ ion hóa, nên được xem xét nếu thích hợp “.

Hình 1. Ảnh chụp CT đại tràng, hình ảnh được dựng lại trông như nội soi đại tràng nên được gọi là nội soi đại tràng ảo

Hình 2. Polyp đại tràng được phát hiện qua CT đại tràng

Tài liệu tham khảo

  • http://patient.info/health/ct-colonography
  • http://pubs.rsna.org/doi/full/10.1148/rg.e18
  • https://radiology.uchicago.edu/page/virtual-colonoscopy-patients
  • http://pacificcancer.org/Resources/Cancer/Colorectal/CRC_Screening_and_Surveillance.pdf
  • http://www.medicinenet.com/colon_polyps/article.htm
  • http://www.askdrray.com/virtual-colonoscopy-may-help-find-other-disease/
  • Biên dịch - Hiệu đính

    BS.TS. Phạm Nguyên Quý - Ths.BS. La Vĩnh Phúc
    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    Nhóm máu

    (95)
    Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm nhóm máuBộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chungXét nghiệm nhóm máu là gì?Với các nhóm máu, kháng nguyên hệ ABO và yếu tố ... [xem thêm]

    Cryglobutin

    (56)
    Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm cryoglobulin (globulin lạnh)Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chungXét nghiệm cryoglobulin là gì?Với xét nghiệm cryoglobulin, mẫu ... [xem thêm]

    Photphatase kiềm (ALP)

    (43)
    Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm photphatase kiềm (ALP)Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chungXét nghiệm photphatase kiềm (ALP) là gì?Xét nghiệm photphatase kiềm ... [xem thêm]

    Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA)

    (94)
    Chọc hút bằng kim nhỏ là gì? Chọc hút bằng kim nhỏ là thủ thuật sử dụng một cây kim nhỏ và rỗng đâm xuyên qua da một cách nhẹ nhàng vào tổn thương để ... [xem thêm]

    Đếm tế bào CD4+

    (57)
    Tên kỹ thuật y tế: Đếm tế bào CD4+Bộ phận cơ thể/mẫu thử: MáuTìm hiểu chungĐếm tế bào CD4+ là gì?Đếm tế bào CD4+ là xét nghiệm máu để xác định ... [xem thêm]

    Nồng độ glucose niệu

    (81)
    Tên kỹ thuật y tế: Xét nghiệm nồng độ glucose niệuBộ phận cơ thể/Mẫu thử: Nước tiểuTìm hiểu chungXét nghiệm nồng độ glucose niệu là gì?Đây là một ... [xem thêm]

    Nội soi dạ dày (Gastroscopy)

    (31)
    Hình: Nội soi dạ dày Ghi chú: Nội soi dạ dày (gastroscopy) còn được gọi là nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng, nội soi dạ dày tá tràng, nội soi ... [xem thêm]

    Đo đường huyết tại nhà

    (43)
    Tên kỹ thuật y tế: Đo đường huyết tại nhàBộ phận cơ thể/mẫu thử: MáuTìm hiểu chungĐo đường huyết tại nhà là gì?Đo đường huyết tại nhà là ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN