Phẫu thuật cắt tử cung là gì?
Phẫu thuật cắt tử cung là dùng phương pháp cắt bỏ tử cung bằng việc mổ (can thiệp ngoại khoa).
Cắt tử cung được thực hiện vì những lý do gì?
Phẫu thuật cắt tử cung có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến tử cung:
- U xơ tử cung
- Lạc nội mạc tử cung
- Vấn đề liên quan đến sự nâng đỡ của khung chậu (ví dụ: sa tử cung)
- Xuất huyết tử cung bất thường
- Ung thư
- Đau vùng chậu mạn tính
Có những phương pháp cắt tử cung nào?
Có nhiều phương pháp cắt tử cung:
- Cắt tử cung toàn phần: Toàn bộ tử cung, kể cả cổ tử cung, cũng đều được cắt bỏ.
- Cắt tử cung bán phần: Phần trên của tử cung được cắt bỏ, nhưng phần cổ tử cung được giữ lại.
- Cắt tử cung kết hợp cắt hai ống dẫn trứng và hai buồng trứng.
Cắt tử cung được thực hiện như thế nào?
Có 3 cách thực hiện:
Cắt tử cung qua đường âm đạo được thực hiện như thế nào?
Trong thủ thuật này, tử cung được cắt thông qua đường âm đạo. Vì vết cắt nằm ở bên trong âm đạo, thời gian hồi phục có thể nhanh hơn so với khi phẫu thuật qua đường bụng. Quá trình hồi phục có thể sẽ ít đau đớn hơn. Thủ thuật cắt tử cung qua đường âm đạo ít gây tai biến hơn so với những phương pháp khác và là một phương pháp cắt tử cung rất an toàn. Ngoài ra, thời gian điều trị tại bệnh viện sẽ ngắn hơn và quá trình hồi phục cũng sẽ nhanh hơn so với khi phương pháp cắt tử cung qua đường bụng.
Cắt tử cung qua đường bụng được thực hiện như thế nào?
Trong thủ thuật cắt tử cung qua đường bụng, bác sĩ (phẫu thuật viên) sẽ rạch vào da và tổ chức mô ở vùng bụng dưới để có thể tiếp cận tử cung. Phương pháp này giúp phẫu thuật viên quan sát tử cung và các bộ phận khác một cách rõ ràng. Phương pháp này thường được sử dụng nếu bạn có một khối u lớn hoặc có khả năng bị ung thư. Phẫu thuật cắt tử cung qua thành bụng có thể tốn nhiều thời gian để hồi phục hơn so với việc cắt tử cung qua đường âm đạo hoặc cắt tử cung qua nội soi, và bệnh nhân cũng cần nằm viện lâu hơn.
Cắt tử cung qua nội soi được thực hiện như thế nào?
Trong phẫu thuật cắt tử cung qua nội soi, một ống nội soi sẽ được sử dụng để hỗ trợ phẫu thuật viên. Ống nội soi là một ống mỏng, nhẹ được đưa vào bụng thông qua một vết rạch nhỏ trong hoặc xung quanh rốn. Nó sẽ giúp phẫu thuật viên quan sát được các tạng ở vùng chậu qua màn hình. Một số vết rạch nhỏ khác sẽ được tạo ra trên bụng để đưa các dụng cụ hỗ trợ phẫu thuật vào trong bụng. Trong trường hợp cắt tử cung toàn phần, tử cung sẽ được bóc tách và phân lập từ bên trong cơ thể và sau đó được lấy ra theo từng mảnh nhỏ thông qua vết rạch ở bụng hoặc thông qua âm đạo. Trong phẫu thuật cắt tử cung qua đường âm đạo với hỗ trợ của nội soi, tử cung được lấy ra ngoài qua đường âm đạo và ống nội soi được sử dụng để quan sát và định hướng. Trong phẫu thuật cắt tử cung qua nội soi với sự trợ giúp của robot, phẫu thuật viên sẽ sử dụng robot gắn vào dụng cụ để hỗ trợ phẫu thuật.
Những biến chứng của phẫu thuật cắt tử cung
Phẫu thuật cắt tử cung là một trong những thủ thuật ngoại khoa an toàn nhất. Tuy nhiên, cũng như mọi ca mổ khác, những biến chứng có thể xảy ra:
- Nhiễm trùng
- Xuất huyết trong và sau phẫu thuật
- Tổn thương đường tiết niệu và các cơ quan lân cận
- Huyết khối tĩnh mạch sâu, một nguy cơ của mọi phẫu thuật
- Vấn đề liên quan đến gây mê/gây tê
- Tử vong
- Tắc ruột do sẹo trên thành ruột non
- Hình thành cục máu đông tại vết thương
Những chú ý trong quá trình hồi phục sau khi cắt tử cung
Bạn sẽ được động viên để đi lại sau ca mổ càng sớm càng tốt. Đi lại giúp ngăn ngừa nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Bạn cũng có thể được đề nghị dùng thuốc hoặc một số biện pháp khác để ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu.
Bạn sẽ cảm thấy đau đớn trong những ngày đầu tiên sau ca mổ. Bạn sẽ được cho thuốc để giảm bớt cơn đau. Bạn sẽ bị xuất huyết và rỉ dịch ở đường âm đạo trong vòng vài tuần. Bạn có thể sử dụng băng vệ sinh sau khi phẫu thuật.
Không được cho bất cứ thứ gì vào âm đạo trong 6 tuần đầu tiên, bao gồm việc thụt rửa, quan hệ tình dục và sử dụng tampon.
Những thay đổi thể chất xảy ra sau khi cắt tử cung
Sau khi cắt tử cung, kinh nguyệt sẽ chấm dứt. Nếu vẫn còn hai buồng trứng và bạn vẫn chưa mãn kinh, estrogen, một loại hormone ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể, sẽ vẫn được sản xuất. Tùy vào độ tuổi, nếu hai buồng trứng bị cắt trong quá trình phẫu thuật, bạn sẽ cảm thấy những dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi sự thiếu hụt estrogen, bao gồm nóng ran, khô âm đạo và rối loạn giấc ngủ. Bạn cũng sẽ có nguy cơ gãy xương do loãng xương sớm hơn so với những phụ nữ mãn kinh tự nhiên. Hầu hết phụ nữ gặp những thay đổi nặng nề này có thể được điều trị bằng liệu pháp estrogen.
Những biến đổi tâm lý xảy ra sau khi cắt tử cung
Một số phụ nữ cảm thấy bị trầm cảm vì họ không thể sinh con được nữa. Một số khác lại cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì những triệu chứng trước kia giờ đã không còn.
Những thay đổi về tình dục xảy ra sau khi cắt tử cung
Một số phụ nữ nhận ra thay đổi trong ham muốn tình dục sau khi cắt tử cung. Đó là vì khi tử cung mất đi, cảm giác co thắt tử cung khi cực khoái cũng sẽ biến mất.
Một vài phụ nữ lại thấy tăng ham muốn tình dục sau khi cắt tử cung. Nguyên nhân cũng có thể là do họ không còn cảm thấy lo lắng về việc có thai. Đó cũng có thể là do họ không còn thấy khó chịu hoặc bị chảy máu nặng do căn bệnh trước khi phẫu thuật.
Chú giải
- Âm đạo : một cấu trúc hình ống rỗng, bao quanh bởi cơ, nối từ tử cung ra ngoài cơ thể.
- Buồng trứng : hai tuyến nằm ở hai bên tử cung, chứa trứng được phóng thích trong thời kì rụng trứng, cũng như sản xuất hormone.
- Cổ tử cung : phần bắt đầu của tử cung, ở vùng đầu của âm đạo.
- Estrogen : hormone nữ được sản xuất ở hai buồng trứng,
- Hormone : còn gọi là nội tiết tố, chất được cơ thể tiết ra nhằm điều hòa chức năng của nhiều cơ quan khác.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) : tình trạng cục máu đông (huyết khối) hình thành ở các tĩnh mạch sâu, thường là ở chân.
- Lạc nội mạc tử cung : tình trạng mà những mô, có cấu trúc tương tự lớp mô phủ mặt trong của tử cung, được tìm thấy ngoài tử cung, thông thường là ở buồng trứng, ống dẫn trứng, và những tạng thuộc vùng chậu khác.
- Loãng xương : tình trạng xương trở nên yếu đến mức dễ gãy.
- Mãn kinh : một giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ khi buồng trứng hết hoạt động, biểu hiện bằng sự vắng chu kỳ kinh nguyệt trong 1 năm.
- Ống dẫn trứng : hai ống mà trứng đi qua khi di chuyển từ buồng trứng đến tử cung.
- Ống nội soi : một ống mỏng, truyền được ánh sáng được dùng để quan sát các tạng ở bụng, ở vùng chậu, hoặc là để thực hiện phẫu thuật.
- Phẫu thuật cắt tử cung : sự loại bỏ tử cung bằng việc mổ.
- Sa tử cung : tình trạng tử cung sa xuống âm đạo.
- Tử cung : một tạng cơ nằm trong vùng chậu của người phụ nữ giúp chứa và nuôi dưỡng phôi thai.
- U xơ : khối tăng trưởng lành tính (không phải ung thư) hình thành trong lớp cơ của tử cung.
Nếu bạn có thắc mắc, hãy trao đổi với các bác sĩ Sản phụ khoa.
Tài liệu tham khảo
http://www.acog.org/~/media/For%20Patients/faq008.ashx