Dậy thì là gì?
Dậy thì là thời điểm cơ thể bạn bắt đầu có sự thay đổi để trở thành cơ thể của người trưởng thành. Sự bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt là một trong những thay đổi này.
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Khi dậy thì bắt đầu, những tín hiệu não bộ khiến cơ thể sản xuất các hormon. Mỗi tháng, một số trong những hormon này giúp cơ thể bạn chuẩn bị cho một thai kỳ có thể có. Đây được gọi là chu kỳ kinh nguyệt. Những hormon làm lớp niêm mạc tử cung dày lên kèm theo sự phát triển mạch máu và mô. Sau đó một trong hai buồng trứng sẽ phóng thích ra một trứng, được gọi là sự rụng trứng. Trứng di chuyển xuống một trong hai ống dẫn trứng về phía tử cung.
Nếu trứng không được thụ tinh với tinh trùng của người đàn ông, việc mang thai sẽ không xảy ra. Lớp niêm mạc tử cung bị phá vỡ và chảy ra khỏi cơ thể qua đường âm đạo. Sự giải phóng máu và mô từ lớp niêm mạc tử cung được gọi là thời kỳ kinh nguyệt (hay còn gọi là “hành kinh”)
Kỳ kinh nguyệt sẽ bắt đầu lúc nào?
Đa số các trẻ gái sẽ bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt trong độ tuổi từ 12 đến 13 tuổi, nhưng cũng có một số trường hợp sớm hơn hoặc muộn hơn.
Một kỳ kinh nguyệt kéo dài bao lâu?
Kỳ kinh nguyệt xảy ra lần đầu tiên có thể kéo dài chỉ một vài ngày. Lượng máu chảy vào những kỳ kinh đầu tiên có thể rất ít. Bạn có thể chỉ thấy một vài đốm máu nâu đỏ. Một kỳ kinh kéo dài từ 2 đến 7 ngày là bình thường.
Tuần suất của kỳ kinh?
Một chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên chảy máu trong một tháng đến ngày đầu tiên chảy máu trong tháng tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình kéo dài khoảng 28 ngày, nhưng một chu kỳ kinh từ 21 ngày đến 45 ngày vẫn được xem là bình thường. Có thể sau 6 năm đầu hoặc hơn thế nữa, chu kỳ kinh nguyệt mới bắt đầu trở nên đều đặn.
Tại sao phải theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình?
Nếu bạn theo dõi kỳ kinh của mình mỗi tháng, bạn có thể ghi chú thành một thời gian biểu. Điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn để dự đoán kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Ghi chú online hoặc trên ứng dụng điện thoại có thể giúp bạn theo dõi kỳ kinh nguyệt của mình.
Làm thế nào để có thể theo dõi kỳ kinh nguyệt trên lịch?
Để theo dõi kỳ kinh trên lịch, đánh dấu ngày đầu tiên chảy máu của bạn trên lịch bằng dấu “X”. Đánh dấu X mỗi ngày tiếp theo mà bạn bị chảy máu. Đếm dấu “X” đầu tiên là ngày thứ nhất. Tiếp tục đếm số ngày cho đến khi bạn có kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
Những vật dụng cá nhân nào nên có trong kỳ kinh nguyệt?
Băng vệ sinh được dùng để thấm hút dòng máu kinh nguyệt. Băng vệ sinh dạng ống (tampon) và cốc nguyệt san hứng lấy kinh nguyệt bên trong âm đạo. Băng vệ sinh, tampon và cốc nguyệt san có thể được sử dụng tại các thời điểm khác nhau hoặc sử dụng đồng thời.
Băng vệ sinh được sử dụng như thế nào?
Băng vệ sinh được dán vào bên trong của đồ lót để thấm hút dòng máu kinh nguyệt. Chúng có kích thước, kiểu dáng và độ dày khác nhau. Một số có thêm hai mảnh ở hai bên được gọi là “cánh” gấp trên các cạnh của đồ lót để giúp giữ và bảo vệ miếng băng tốt hơn. Một loại mỏng hơn, ngắn hơn được gọi là “panty liner ” – loại băng vệ sinh dành riêng cho sử dụng hằng ngày. Một số cô gái dùng loại băng nhỏ này trong những ngày cuối cùng của kỳ kinh khi lượng máu ít hoặc vào những ngày mà họ nghĩ rằng kỳ kinh của họ sắp đến.
Sau bao lâu thì bạn nên thay băng vệ sinh?
Thay băng vệ sinh của bạn ít nhất sau mỗi 4 – 8 giờ hoặc bất cứ khi nào nó có vẻ đầy hoặc cảm thấy ướt và khó chịu. Một số cô gái thay băng sau mỗi lần đi tiểu.
Tampon được sử dụng như thế nào?
Tampon có dạng ống tròn nhỏ. Một số tampon bên ngoài được làm bằng nhựa hoặc bìa cứng giúp đưa tampon vào trong âm đạo. Một số tampon dạng “trần” chỉ có phần bông thấm hút và được đưa vào âm đạo bằng tay. Một sợi dây ngắn được gắn vào đầu cuối của tampon và treo ra khỏi âm đạo để bạn có thể rút ra dễ dàng.
Nên chọn một tampon như thế nào?
Cũng giống băng vệ sinh, tampon có các kích cỡ khác nhau tùy theo lượng máu kinh nguyệt nhiều hay ít. Gói tampon sẽ cho biết nó có thể hấp thụ lượng máu bao nhiêu. Ví dụ: một tampon “siêu thấm” dày hơn, phù hợp cho lượng máu nhiều. Một tampon “mỏng” nhỏ hơn phù hợp cho lượng máu ít hơn.
Bao lâu thì nên thay tampon?
Bạn nên thay tampon mỗi 4 – 8 giờ, sử dụng trong thời gian dài có thể gây ra hội chứng sốc độc tố. Cũng cần lưu ý, khi chảy máu nhiều, bạn sẽ cần thay thường xuyên hơn.
Cốc nguyệt san là gì?
Cốc nguyệt san được làm từ nhựa hoặc cao su. Chúng được đặt vào trong âm đạo để hứng lấy kinh nguyệt trong ngày “đèn đỏ”. Bạn cần phải tháo và vệ sinh cốc mỗi 8 – 12 giờ. Một số loại chỉ dùng một lần rồi bỏ. Một số loại khác có thể rửa sạch và tái sử dụng.
Kinh nguyệt có gây ra đau hay khó chịu không?
Một số bạn gái hay bị đau quặn bụng dưới, lưng hoặc đau ngực ngay trước và trong thời kỳ hành kinh. Một số người khác thì bị đau đầu hoặc cảm thấy chóng mặt. Một số khác thì bị buồn nôn hoặc tiêu chảy.
Để hạn chế đau bụng kinh, bạn có thể thử một số cách dưới đây:
- Uống ibuprofen hoặc naproxen natri (nếu không dị ứng với aspirin hoặc hen suyễn nặng). Đọc kĩ hướng dẫn khi sử dụng thuốc.
- Tập thể dục.
- Chườm nóng bằng miếng đệm nóng, quấn nhiệt hoặc các cách chườm khác trên bụng hoặc dưới lưng.
Nếu những vấn đề này không biến mất sau khi điều trị hoặc nếu bạn không thể đến trường hay hoạt động bình thường, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn.
Vô kinh là gì?
Vô kinh có nghĩa là không có kinh. Đó là điều bình thường đối với một bé gái dưới 16 tuổi chưa có kinh nguyệt. Nhưng bạn nên gặp bác sĩ nếu bạn đã 15 tuổi và chưa có kinh. Trường hợp khác cũng nên gặp bác sĩ nếu bạn đã bắt đầu có kinh nhưng sau đó không có kinh hơn 3 tháng.
Nên làm gì khi chảy máu quá nhiều?
Nếu bạn bị chảy máu nhiều đến mức bạn cần phải thay băng vệ sinh hoặc tampon mỗi 1 – 2 giờ hoặc nếu thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày, bạn nên đi gặp bác sĩ. Gặp bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy xây xẩm, chóng mặt hoặc cảm thấy mạch nhanh.
Nên làm gì nếu kinh nguyệt không đều?
Bạn nên nói với bác sĩ nếu bình thường kinh nguyệt của bạn đều đặn bỗng nhiên trở nên thất thường trong vài tháng. Bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu chu kì kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày hoặc kéo dài hơn 45 ngày.
Bảng chú giải
Nếu bạn có thêm câu hỏi, liên hệ với bác sĩ sản phụ khoa.
Tài liệu tham khảo