Tìm hiểu chung
Cắt mở niệu đạo là gì?
Cắt mở niệu đạo là một phẫu thuật được thực hiện để điều trị tình trạng hẹp niệu đạo. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang đến lỗ tiểu. Chỗ hẹp trên niệu đạo thường gây ra do mô sẹo được hình thành sau quá trình viêm, nhiễm trùng hoặc chấn thương. Điều này có thể gây ra tình trạng tiểu lắt nhắt, tiểu gấp, dòng nước tiểu bị chậm và cảm giác đi tiểu không hết hoàn toàn.
Khi nào bạn nên thực hiện cắt mở niệu đạo?
Phẫu thuật cắt mở niệu đạo được thực hiện để cải thiện dòng nước tiểu trên những bệnh nhân có sẹo gây ra hẹp niệu đạo.
Bạn sẽ cần phẫu thuật mở niệu đạo để đi tiểu dễ dàng và cải thiện khả năng làm rỗng bàng quang, cũng như tình trạng đi tiểu về ban đêm. Bạn cũng sẽ giảm bớt được nguy cơ bị nhiễm trùng.
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện cắt mở niệu đạo?
Trước khi thực hiện cắt mở niệu đạo, bạn cũng có thể được điều trị bằng những phương pháp sau:
- Thông tiểu: bác sĩ sẽ đưa một ống thông vào bên trong bàng quang của bạn để dẫn nước tiểu ra ngoài. Thông tiểu có thể là một lựa chọn hữu hiệu nếu bạn có tình trạng hẹp niệu đạo ngắn hạn.
- Đặt ống thông tiểu vĩnh viễn: nếu bạn có một tình trạng hẹp niệu đạo nặng và không muốn điều trị bằng phẫu thuật, bạn có thể lựa chọn điều trị bằng cách đặt một ống thông tiểu lưu lâu dài để giữ cho niệu đạo của bạn mở rộng hay dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang ra ngoài qua một ống thông vĩnh viễn. Tuy nhiên, những thủ thuật này có nhiều bất lợi, bao gồm nguy cơ gây kích thích bàng quang, gây khó chịu cũng như nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Phương pháp này thường cũng đòi hỏi cần theo dõi sát sao. Thủ thuật này thường được xem như lựa chọn cuối cùng và hiếm khi được sử dụng.
- Nong niệu đạo bằng bóng: bác sĩ sẽ đưa một bóng vào để làm rộng niệu đạo của bạn. Đôi khi những trường hợp hẹp phức tạp hơn cần phải được mổ hở bằng kỹ thuật tạo hình niệu đạo.
Bạn nên lưu ý tình trạnh hẹp niệu đạo có thể tái phát sau khi phẫu thuật.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra hay không?
Như bất kỳ phẫu thuật nào khác, cắt mở niệu đạo cũng sẽ có một số nguy cơ nhất định. Bạn nên trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để được giải thích xem các nguy cơ này sẽ có tác động như thế nào đến sức khỏe của bạn.
Biến chứng có thể xảy ra với mọi phẫu thuật là phản ứng không mong muốn với thuốc gây mê, chảy máu nhiều hoặc tạo cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu).
Riêng với cắt mở niệu đạo, bạn còn có thể có các biến chứng:
- Tiểu khó;
- Sưng dương vật;
- Hẹp phần khác của niệu đạo.
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc phải biến chứng bằng cách cẩn thận làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho phẫu thuật, chẳng hạn như nhịn đói và ngưng một số thuốc nhất định.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Quy trình thực hiện
Bạn nên làm gì trước khi thực hiện cắt mở niệu đạo?
Bạn sẽ được chỉ dẫn cụ thể để chuẩn bị cho phẫu thuật, bao gồm việc liệu bạn có thể ăn vài tiếng trước phẫu thuật hay không. Đa số trường hợp, bạn nên nhịn ăn khoảng sáu tiếng trước đó. Bạn có thể dùng đồ uống, chẳng hạn như cà phê, một vài tiếng trước phẫu thuật.
Bạn phải thảo luận với bác sĩ về các loại thuốc bạn sử dụng gần đây cùng tình trạng dị ứng hoặc các bệnh lý khác mà bạn mắc phải, ngoài ra trước khi thực hiện phẫu thuật bạn sẽ gặp bác sĩ gây mê để lên kế hoạch gây mê cho quá trình phẫu thuật. Điều quan trọng là bạn phải tuân thủ các hướng dẫn về thời điểm nhịn ăn uống trước khi phẫu thuật.
Quy trình thực hiện cắt mở niệu đạo là gì?
Phẫu thuật thường được thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê tuỷ sống và thường mất ít hơn 30 phút.
Phẫu thuật viên sẽ đưa một ống soi cứng (đèn soi bàng quang) vào niệu đạo để khảo sát chỗ hẹp.
Bác sĩ sẽ cắt mô sẹo hoặc đốt mô sẹo bằng laser để làm cho niệu đạo của bạn rộng hơn.
Hồi phục sức khỏe
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện cắt mở niệu đạo?
Bạn có thể về nhà trong cùng ngày hoặc vào ngày hôm sau.
Bạn sẽ được kê thuốc kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng. Cùng với đó, bạn cũng sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc giảm đau trên đường tiết niệu.
Bạn có thể quay trở lại làm việc sau một vài ngày.
Tập luyện đều đặn sẽ giúp bạn quay trở lại với các hoạt động bình thường sớm nhất có thể. Trước khi bắt đầu tập, bạn hãy hỏi xin ý kiến của bác sĩ.
Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.