Nghiên cứu mới cho thấy uống các vitamin nhóm B bao gồm vitamin B6 và vitamin B12 liều cao có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi ở nam giới.
Vitamin B12 góp phần giúp xây dựng các tế bào máu và duy trì tế bào thần kinh khỏe mạnh. Trong khi đó, vitamin B6 hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận, giúp làm dịu và duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh, đóng vai trò chính trong các quá trình trao đổi chất.
Tuy vậy, một nghiên cứu được thực hiện trên 77.118 người tham gia và công bố vào tháng 8 năm 2017 trên Tạp chí Ung thư lâm sàng đã cho thấy các vitamin nhóm B này có những ảnh hưởng không tốt, đặc biệt là đối với nam giới.
Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung liều cao vitamin B6 và B12 lâu dài có liên quan đến nguy cơ ung thư phổi, khả năng mắc bệnh tăng gấp 2–4 lần ở những người dùng các chất bổ sung này so với người không dùng.
Nguy cơ cao nhất ở nhóm nam giới có hút thuốc và đã dùng hơn 20mg vitamin B6 hay 55mcg vitamin B12 mỗi ngày trong 10 năm. Nam giới dùng vitamin B6 với liều này có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 3 lần, còn những người hút thuốc dùng vitamin B12 với liều trên có khả năng mắc bệnh cao gấp gần 4 lần so với người không sử dụng.
Mối liên quan giữa khả năng mắc ung thư phổi và việc sử dụng các vitamin nhóm B hiện chưa được tìm thấy ở phụ nữ.
Cơ thể cần bao nhiêu các vitamin nhóm B là đủ?
Nghiên cứu về vitamin và lối sống (VITAL) là một nghiên cứu dài hạn được xây dựng để đánh giá mối liên quan giữa việc bổ sung vitamin và các khoáng chất khác đến nguy cơ mắc ung thư ở những người tham gia. Các nhà nghiên cứu theo dõi những đối tượng tham gia sống ở tiểu bang Washington, Mỹ, có độ tuổi từ 50–76, trong vòng 10 năm. Kết quả cho thấy có 808 người tham gia mắc bệnh ung thư phổi, có sự liên hệ giữa việc sử dụng các vitamin nhóm B và một số loại ung thư phổi (không phải tất cả các loại ung thư phổi).
Bác sĩ Kim, một giáo sư ngành y học và dinh dưỡng từ trường đại học Toronto, khuyến cáo về việc bổ sung các vitamin nhóm B rằng bạn nên sử dụng các nguồn thực phẩm tự nhiên có chứa các vitamin nhóm B hơn là sử dụng các thực phẩm bổ sung. Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh theo khuyến nghị sẽ cung cấp đủ lượng vitamin này. Bạn nên hạn chế dùng các chất bổ sung trừ khi mắc phải một vài tình trạng sức khỏe gây cản trở đến sự hấp thụ và chuyển hóa của các vitamin nhóm B.
Một người trưởng thành có thể có đầy đủ vitamin B6 từ chế độ ăn với ngũ cốc, thịt bò, thịt gia cầm, các loại rau củ nhiều tinh bột và trái cây noncitrus (như dưa hấu, chuối, táo, lê). Vitamin B12 có ở các sản phẩm động vật, bao gồm cá, thịt đỏ, thịt gia cầm, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Vitamin B12 thường không có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Lượng vitamin cần thiết cho cơ thể còn phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, đối tượng đặc biệt (phụ nữ mang thai và cho con bú…), bạn có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng khi muốn bổ sung thêm vitamin qua các thực phẩm chức năng.
Khuyến cáo lượng vitamin B6 cần hàng ngày cho người lớn trên 14 tuổi là khoảng 1,3mg và lượng vitamin B12 hàng ngày là 2,4mcg. Một sự thật bạn cần lưu ý là lượng vitamin cơ thể thật sự hấp thu từ các viên thực phẩm chức năng là không cao, ước tính cơ thể chỉ hấp thu được khoảng 10mcg từ viên thực phẩm bổ sung vitamin B12 500mcg.
Các vitamin nhóm B ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư phổi như thế nào?
Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng giải thích tại sao sử dụng liều cao các vitamin nhóm B này lại ảnh hưởng đến khả năng mắc ung thư phổi ở nam giới. Một giả thuyết được đưa ra là vitamin B6 và B12 có liên quan đến các phản ứng quan trọng đối với quá trình tổng hợp ADN và methyl hóa ADN. Trong quá trình methyl hóa, nhóm methyl, bao gồm một carbon và ba hydro (-CH3), sẽ cùng nhau sửa chữa ADN, bật và tắt gien, chống nhiễm trùng và loại bỏ độc tố môi trường.
Khi lượng vitamin B6 và B12 mà cơ thể hấp thu quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình methyl hóa ADN. Do đó, quá trình methyl hóa ADN xảy ra bất thường và gây rối loạn biểu hiện gien liên quan đến sự phát triển cũng như tiến triển của bệnh ung thư, nhất là ung thư phổi.
Vẫn còn những nghi ngờ…
Các nghiên cứu về vitamin và lối sống (VITAL) chỉ có thể thiết lập mối tương quan giữa chế độ sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung vitamin với nguy cơ ung thư mà không nêu được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên tiếp tục sử dụng vitamin liều cao hàng ngày. Thông thường, bạn uống bổ sung vitamin 1 lần/ngày là an toàn, các liều sử dụng cao hơn đều không được khuyến khích.
Đến nay, vẫn có những tranh luận xung quanh việc sử dụng liều cao các vitamin nhóm B làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Tốt hơn hết, bạn hãy thiết lập một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và hỏi ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ trước khi muốn sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung thêm vitamin cho cơ thể.