Nuôi bú song song (tandem nursing) là thuật ngữ dùng để chỉ những người mẹ đang mang thai nhưng vẫn duy trì cho con lớn bú mẹ hoặc những bà mẹ cho cả hai bé khác tuổi bú cùng một lúc. Trên thế giới, nuôi bú song song khá phổ biến nhưng ở Việt Nam, rất nhiều người còn mơ hồ và chưa hiểu rõ về khái niệm này.
Bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ nhưng lại mang thai lần hai, vậy có nên cai sữa cho bé lớn càng nhanh càng tốt không? Nếu bạn đang rơi vào tình huống này, đừng quá lo lắng, hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu vấn đề này nhé.
Lợi ích của việc nuôi bú song song
Nuôi bú song song ít nhận được sự ủng hộ, thông cảm vì nghĩ rằng việc làm này không an toàn. Do đó, người mẹ thường chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, thực tế, việc nuôi bú song song không gây ra tác hại gì, ngược lại còn tốt cho hai bé và bản thân người mẹ cũng nhận được nhiều lợi ích về sức khỏe:
- Số lượng trẻ bú càng tăng thì lượng sữa tiết ra cũng tăng lên. Vì vậy, việc nuôi bú song song sẽ giúp lượng sữa bạn tiết ra luôn dồi dào.
- Nếu dòng sữa chảy ra quá nhanh khiến bé nhỏ bú không thoải mái thì việc cho bé lớn bú trước sẽ giúp điều chỉnh dòng chảy của sữa.
- Nuôi bú song song còn giúp mẹ giảm cảm giác căng tức ở vú trong tuần đầu tiên sau khi sinh.
- Ngoài ra, nuôi bú song song giúp bé lớn không cảm thấy ghen tỵ với em và giúp tình cảm anh chị em được thắt chặt.
- Tiếp tục cho bé lớn bú còn là cơ hội để người mẹ thắt chặt tình cảm với đứa con đầu bởi trong quá trình mang thai và sinh nở, người mẹ thường ít khi chú ý đến việc này.
- Nuôi bú song song giúp bé lớn có cơ hội nhận được những lợi ích từ sữa mẹ.
Hạn chế của việc nuôi bú song song
Bên cạnh những lợi ích kể trên, việc nuôi bú song song cũng có những hạn chế nhất định. Nếu bạn đang có ý định nuôi bú song song thì tốt nhất bạn nên hiểu rõ về những hạn chế này:
- Cho 2 đứa bé bú đồng nghĩa với việc nhu cầu dinh dưỡng mà bạn phải đáp ứng sẽ tăng lên. Điều này có thể khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Cho con bú trong khi mang thai có thể gây buồn nôn.
- Nuôi bú song song sẽ khiến bạn dễ tăng cân do phải ăn nhiều hơn để đảm bảo sữa mẹ đủ dinh dưỡng.
- Nếu bạn cho 2 bé bú ở những khung giờ khác nhau, bé nhỏ sẽ cần bú khoảng vài tiếng một lần trong khi bé lớn cần bú 3 – 4 lần/ngày, thì bạn hầu như sẽ không còn thời gian cho bản thân.
- Ngoài ra, việc nuôi bú song song hiện vẫn còn rất nhiều người phản đối. Do đó, người mẹ sẽ chịu rất nhiều áp lực từ các luồng ý kiến cho rằng nuôi 2 bé cùng lúc sẽ khiến bé nhỏ không nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Nuôi bú song song nên được thực hiện như thế nào?
Mỗi đứa trẻ sẽ có một nhu cầu dinh dưỡng khác nhau nên thói quen bú mẹ cũng sẽ khác nhau. Ngoài ra, người mẹ cần cân bằng giữa việc cho bé bú và đảm bảo sức khỏe cho bản thân:
1. Đối với mẹ
Bạn có thể cho cả 2 bé bú cùng một lúc. Điều này phụ thuộc vào sở thích và cảm giác của người mẹ. Nếu không, bạn có thể phân ra và cho từng bé bú. Một số bà mẹ sẽ quy định bên vú cho từng bé, trong khi một số khác lại thay đổi mỗi ngày.
2. Đối với trẻ tập đi
Thói quen bú mẹ của trẻ tập đi sẽ khác với trẻ sơ sinh. Trẻ tập đi không cần bú nhiều hơn 3 lần/ngày trong khi trẻ sơ sinh cần bú mỗi 2 – 3 giờ. Đôi khi, trẻ tập đi sẽ cảm thấy giận dữ nếu bé muốn bú mà bạn từ chối. Tuy nhiên, do còn phải chăm sóc cho trẻ sơ sinh, bạn nên chú ý đến sức khỏe của mình dù phải nói “không” với bé đi nữa.
Cho trẻ tập đi uống sữa non có an toàn hay không?
Sữa non hoàn toàn an toàn với trẻ tập đi. Không những vậy, sữa non còn có chứa các chất cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Tuy nhiên, bạn nên cho trẻ sơ sinh bú sữa non trước vì sữa này được sản xuất dành cho trẻ sơ sinh và những bé lớn đã được uống khi còn nhỏ.
Lời khuyên cho bạn khi nuôi bú song song
Mặc dù nuôi bú song song không quá phổ biến nhưng nếu muốn thử, bạn có thể tham khảo một số bí quyết dưới đây:
1. Chuẩn bị cho trẻ lớn
Nói chuyện với trẻ về đứa bé sắp chào đời. Hãy giúp trẻ hiểu rằng sữa mẹ là thức ăn duy nhất đối với trẻ sơ sinh trong khi trẻ tập đi có thể ăn những món khác. Đa phần các bé lớn đều ý thức được trách nhiệm của mình đối với em. Do đó, bạn hãy chia sẻ chân thành, cởi mở để bồi đắp tình cảm anh chị em giữa các bé, tránh tình trạng ghen tỵ.
2. Cho trẻ sơ sinh bú trước
Điều này đảm bảo rằng trẻ sơ sinh sẽ nhận được tất cả các chất dinh dưỡng mà bé cần. Ngoài ra, bạn nên cho trẻ sơ sinh bú thường xuyên trong khi trẻ tập đi thì chỉ thỉnh thoảng.
3. Chú ý đến sự thay đổi của sữa mẹ
Bạn nên biết rằng sữa mẹ sẽ thay đổi theo độ tuổi của bé để cung cấp những dưỡng chất mà bé cần theo tuổi. Vì vậy, khi bé thứ hai được sinh ra, chu kỳ này sẽ lặp lại với việc sản xuất sữa non.
4. Kích thích tiết sữa
Cơ thể sẽ phản ứng lại với sự kích thích. Nếu cả hai bé đều được cho bú đều đặn, cơ thể bạn sẽ sản xuất đủ sữa cho cả hai. Nếu việc cho bú trở nên bất thường, khả năng sản xuất sữa sẽ giảm.
5. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn cho bú trong thời gian mang thai
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay cả trước khi bé thứ hai chưa chào đời. Bác sĩ sẽ cho biết bạn có nên tiếp tục cho bé bú trong khi mang thai hay không bởi không phải ai cũng có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho cả hai đứa trẻ cùng lúc.
6. Theo dõi sự phát triển của trẻ sơ sinh
Theo dõi sự phát triển của trẻ sơ sinh là một điều rất quan trọng. Trong những tuần lễ đầu sau sinh, bạn nên đưa bé đến bác sĩ kiểm tra cân nặng thường xuyên để xem bé có bú đủ hay không.
7. Đương đầu với áp lực
Nuôi bú song song không phổ biến nhưng nó không phải là không thể. Nếu trẻ sơ sinh nhận được đầy đủ dinh dưỡng và phát triển bình thường, thì bạn vẫn có thể tiếp tục cho bé lớn bú. Trẻ tập đi có thể nhận được nhiều lợi ích từ việc bú sữa mẹ mặc dù trẻ đang dùng những thực phẩm khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng trẻ nhỏ nên được cho bú sữa mẹ đến khi hai tuổi.
8. Bạn cũng cần nghỉ ngơi đầy đủ
Để có thể nuôi bú song song, điều quan trọng là bạn nên chăm sóc cho bản thân thật tốt. Uống nhiều nước, nghỉ ngơi đầy đủ và một chế độ ăn cân bằng là cách để giúp cơ thể bạn khỏe mạnh.