Các lựa chọn khi mang thai: nuôi con, cho làm con nuôi, và phá thai

(3.63) - 14 đánh giá

Chú thích của người dịch: bài này dịch từ trang bác sĩ gia đình của Mỹ, do đó có chứa các thông tin phù hợp với đời sống ở Mỹ mà có thể chưa có ở Việt Nam, bao gồm các thông tin về trợ giúp từ chính phủ và điều kiện phúc lợi xã hội.

các lựa chọn khi mang thai

Các lựa chọn khi mang thai: nuôi con, cho làm con nuôi, và phá thai (Nguồn ảnh: etlife.tw)

Các lựa chọn khi biết mình có thai

Có 3 lựa chọn khi bạn biết là mình có thai:

1) Sinh con và nuôi con.

2) Sinh con và cho làm con nuôi.

3) Phá thai.

Điều cần phải làm trước khi lựa chọn giải pháp đối với thai nhi

Trước khi lựa chọn một trong ba giải pháp trên, cần biết chắc là bạn thực sự có thai. Nếu que thử thai tại gia cho kết quả dương tính thì nên đến gặp bác sĩ để xác nhận đúng là bạn có thai. Bác sĩ sẽ cho biết bạn có thai được bao lâu rồi.

Những yếu tố cần tính đến khi quyết định lựa chọn nào

Các yếu tố cần tính đến khi quyết định lựa chọn đối với thai bao gồm: độ tuổi, giá trị, tôn giáo, sức khỏe, tình trạng hiện tại, và mục tiêu tương lai. Tuổi của thai nhi cũng sẽ giới hạn lựa chọn nào là có thể. Nếu phá thai thì phải thực hiện khi thai còn nhỏ khi mức độ rủi ro còn thấp. Nếu người mẹ mang bệnh tật nào đó, việc mang thai có thể gây rủi ro cho chính người mẹ, và có thể gây biến chứng cho con.

Cần làm gì trong khi chưa quyết định lựa chọn?

Khi vẫn chưa quyết định xem sẽ chọn giải pháp nào, người mẹ nên bắt đầu uống bổ sung đa vitamin có chứa 600 microgram axit folic. Điều này giúp bảo vệ trẻ khỏi một vài bất thường bẩm sinh. Không uống rượu, hút thuốc lá, hoặc dùng ma tuý. Hỏi bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, kể cả thuốc kê đơn hoặc không kê đơn để đảm bảo là chúng an toàn cho thai nhi. Nếu bạn chọn nuôi con hoặc cho làm con nuôi, nên bắt đầu các khoá chăm sóc tiền sản càng sớm càng tốt.

Tại sao chăm sóc tiền sản lại quan trọng?

Chăm sóc tiền sản tốt sẽ giúp cho bạn có đứa con khỏe mạnh. Chăm sóc tiền sản cũng bao gồm việc học về đau đẻ và quá trình đẻ, và các biện pháp tránh thai sau khi sinh.

Cần phải nghĩ đến những điều gì khi quyết định nuôi con?

Nên nghĩ đến những điều sau khi quyết định nuôi con:

  • Ai có thể giúp bạn chăm sóc trẻ? Chồng/bạn trai hoặc có ai trong thành viên gia đình có thể giúp bạn được không?
  • Bạn và con sẽ sống ở đâu? Bạn có phải thay đổi chỗ ở không?
  • Nếu bạn đã có con, việc nuôi dạy đứa con sắp ra đời có làm ảnh hưởng đến chúng không?

Nuôi trẻ tốn nhiều tiền. Bạn sẽ cần có hỗ trợ tài chính. Nếu bạn làm việc toàn thời gian, bạn sẽ phải tìm nơi trông trẻ trong thời gian đi làm. Ở Mỹ, nếu bạn không có việc làm hoặc lương không đủ sống, bạn có thể sẽ nhận được trợ giúp từ các tổ chức chính phủ hoặc tư nhân.

Cho làm con nuôi như thế nào?

Ở Mỹ, mỗi bang có luật riêng về cho nhận con nuôi. Thông thường một thời gian ngắn sau khi sinh, mẹ đẻ (người sinh ra đứa trẻ) ký giấy tờ xác nhận kết thúc quyền lợi đối với đứa trẻ và sự đồng thuận cho làm con nuôi. Nếu biết danh tính của cha đẻ và người đó nhận là cha đẻ thì người cha cũng ký vào những giấy tờ này.

Một số trường hợp trẻ rời bệnh viện cùng với cha mẹ nuôi. Một số trường hợp trẻ được đưa đến trung tâm nhận con nuôi. Trong thời gian này, cha mẹ nuôi làm các thủ tục để nhận con nuôi. Toà án chấp nhận việc nhận con nuôi sau một khoảng thời gian chờ đợi (thường khoảng 1-6 tháng). Sau thời gian này việc nhận con nuôi hoàn tất.

Có bao nhiêu loại nhận con nuôi?

Có 3 loại nhận con nuôi: 1) mở, 2) kín, 3) nửa kín.

Trong dạng nhận con nuôi mở, mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thể gặp trực tiếp và trao đổi tên và địa chỉ. Trong dạng nhận con nuôi kín, mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không gặp nhau và không biết tên của nhau. Cha mẹ nuôi chỉ biết các thông tin về tình trạng sức khoẻ của cha mẹ đẻ hoặc lịch sử gia đình mà không biết bất cứ thông tin nào để biết đích xác cha mẹ đẻ. Trong dạng nhận con nuôi nửa kín, trung tâm nhận con nuôi sẽ cung cấp các thông tin về trẻ từ cha mẹ nuôi cho mẹ đẻ và ngược lại, nhưng không có bất cứ tiếp xúc trực tiếp nào giữa mẹ đẻ và đứa trẻ. Danh tính của các bên cũng được giữ kín.

Việc nhận con nuôi được sắp xếp thế nào?

Việc nhận con nuôi có thể được sắp xếp thông qua các trung tâm nhận con nuôi, hoặc ở một số bang một cách độc lập. Hầu hết các trung tâm kiểm tra cẩn thận những người muốn xin nhận con nuôi để chọn cha mẹ nuôi. Một số trung tâm cho phép mẹ đẻ tham gia vào việc chọn lựa này. Trong trường hợp nhận con nuôi độc lập, trẻ được đưa đến nhà cha mẹ nuôi mà không thông qua một trung tâm nào.Việc này có thể làm thông qua luật sư, bác sĩ, trung tâm tư vấn, hoặc các tổ chức độc lập. Trước khi kết thúc việc nhận con nuôi, việc nhận ai làm cha mẹ nuôi và cách sắp xếp nơi ở cho trẻ phải được xác nhận thông qua trung tâm quốc gia phụ trách về cho nhận con nuôi và phải được xác nhận bởi toà án.

Nếu chọn việc cho làm con nuôi, có các trợ giúp về kinh tế nào?

Nếu việc cho nhận con nuôi được làm thông qua trung tâm cho nhận con nuôi, hãy hỏi trung tâm đó xem có các trợ giúp kinh tế nào không – cả về y tế và luật pháp. Nếu bạn không thể trả tiền cho luật sư riêng, bạn có thể tìm đến trợ giúp về luật pháp. Phần lớn các bang cho phép cha mẹ nuôi trả tiền phí thủ tục luật pháp và y tế. Một số bang cho phép việc trả tiền cho các lệ phí khác, như tư vấn. Tuy nhiên không một ai được phép kiếm tiền từ việc cho nhận con nuôi.

Nếu quyết định phá thai thì cần phải biết luật pháp của bang

Các bang khác nhau có luật khác nhau về việc phá thai. Một số bang yêu cầu phụ nữ trẻ hơn 18 tuổi thông báo cho cha mẹ đẻ hoặc người bảo trợ hoặc phải được chấp nhận bởi toà án cho phép phá thai. Một số bang yêu cầu phụ nữ phải đi gặp tư vấn trước khi phá thai. Một số bang yêu cầu phải có một khoảng thời gian chờ đợi (thường là 24 tiếng) từ khi gặp tư vấn cho đến khi thực hiện phá thai.

Phá thai (Nguồn ảnh: frontlines.org)

Phá thai được làm như thế nào?

Khi phá thai, phôi thai hoặc thai nhi sẽ được lấy ra khỏi tử cung của mẹ. Nếu quyết định phá thai thì nên làm càng sớm càng tốt. Sau 12 tuần, việc phá thai sẽ cần nhiều bước hơn và cần nhiều thời gian hơn.

Có những loại phá thai nào?

Một số loại phá thai được làm thông qua phẫu thuật, một số được làm bằng cách sử dụng thuốc. Việc thực hiện loại nào phụ thuộc vào lựa chọn của bạn, nhưng cũng phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ, và độ tuổi của thai. Xem bài Phá thai để biết chi tiết về các loại phá thai.

Các loại phá thai được thực hiện khi nào?

Loại phẫu thuật phá thai thông thường nhất là hút thai chân không. Loại phẫu thuật này có thể được thực hiện cho đến khi thai dưới 14 tuần ở trung tâm y tế hoặc phòng khám tư.

Thủ thuật phá thai sau 14 tuần thai kỳ được gọi là nạo gắp thai. Loại phẫu thuật này mất nhiều thời gian hơn hút chân không và có thể phải đến tái khám vài lần. Loại phẫu thuật này có thể được thực hiện ở phòng khám tư, trung tâm y tế hoặc bệnh viện. Thường bạn có thể về nhà vài giờ sau phẫu thuật.

Trong trường hợp phá thai nội khoa, một số thuốc sẽ được dùng để gây sẩy thai. Trường hợp này chỉ dùng cho thai dưới 9 tuần tuổi.

Các rủi ro liên quan đến phá thai

Thông thường có ít rủi ro liên quan đến phá thai. Rủi ro và biến chứng phụ thuộc vào việc phá thai được thực hiện sớm bao nhiêu và phương pháp thực hiện. Ít hơn 1% phụ nữ bị biến chứng sau khi thực hiện phá thai đối với thai nhỏ hơn 14 tuần. Đối với những trường hợp phá thai muộn hơn, dưới 2% phụ nữ bị biến chứng. Trong phần lớn trường hợp, rủi ro từ việc phá thai thường nhỏ hơn rủi ro gặp phải khi sinh con. Phần lớn bác sĩ cho rằng việc phá thai không làm ảnh hưởng đến việc có thai lần sau hoặc sức khoẻ của người mẹ. Tuy nhiên, khi việc phá thai xảy ra càng muộn thì rủi ro cũng càng cao.

Điều gì xảy ra sau khi phá thai?

Sau khi phá thai, thường bạn sẽ đến gặp bác sĩ lại để kiểm tra. Nên nhớ rằng bạn có khả năng mang thai lại ngay sau khi phá thai. Nếu cần bạn phải sử dụng các biện pháp tránh thai ngay lập tức.

Chú giải

Nạo gắp thai: là thủ thuật trong đó bác sĩ nong rộng cổ tử cung và sau đó nạo và gắp thai ra ngoài.

Phôi: là thai được tính từ khi trứng thụ tinh bám vào tử cung cho đến hết 8 tuần thai.

Thai nhi: là thai được tính từ tuần thứ 9 đến khi sinh.

Chăm sóc tiền sản: là chương trình chăm sóc cho thai phụ trước khi sinh con.

Tử cung: là một cơ quan nằm trong vùng chậu nữ giới, chứa và nuôi dưỡng thai nhi trong quá trình mang thai.

Hút thai chân không: thủ thuật trong đó một phần của lớp màng tử cung hoặc toàn bộ những gì bên trong tử cung bị hút bỏ thông qua một ống đưa vào tử cung.

Chú ý

Nếu bạn có thêm thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa

Bài này được thiết kế để trợ giúp bệnh nhân, chứ không mô tả toàn bộ quá trình điều trị cần thiết, và do đó không nên bỏ qua các phương pháp khác có thể. Tuỳ thuộc vào trạng thái của từng bệnh nhân, điều kiện của cơ sở y tế mà các phương pháp điều trị có thể có thay đổi.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/Patients/FAQs/Pregnancy-Choices-Raising-the-Baby-Adoption-and-Abortion

Biên dịch - Hiệu đính

TS. Dư Ngọc Hiền - BS. Phạm Thanh Hoàng
Đánh giá:

Bài viết liên quan

Nguy cơ dị tật cho thai nhi do nhiễm Toxoplasma gondii

(78)
Toxoplasma gondii là gì? Là 1 loài động vật đơn bào nguyên sinh. Ký sinh chủ yếu ở mèo, nó có thể sinh sản và phát triển trong động vật có vú và chim. Xem thêm ... [xem thêm]

Xét nghiệm chẩn đoán di truyền trước sinh

(38)
Xét nghiệm di truyền trước sinh cung cấp bố mẹ thông tin liệu thai nhi có mắc rối loạn di truyền hay không Rối loạn di truyền là gì? Rối loạn di truyền xảy ... [xem thêm]

Phẫu thuật nội soi ổ bụng

(14)
Phẫu thuật nội soi ổ bụng là gì? Phẫu thuật nội soi ổ bụng là một kĩ thuật mổ không cần rạch một đường rạch lớn trên da thành bụng. Một ống ... [xem thêm]

Các phương pháp tránh thai có rào cản: Thuốc diệt tinh trùng, bao cao su, miếng xốp tránh thai, màng ngăn âm đạo và mũ chụp cổ tử cung

(22)
Phương pháp tránh thai có rào cản là gì? Các phương pháp tránh thai có rào cản đóng vai trò là rào cản để ngăn tinh trùng của người đàn ông không gặp trứng ... [xem thêm]

Bài 29 – Ông bố tương lai cần làm gì

(63)
Mai là ngày Valentine, mình viết bài này dành cho các anh chồng, đặc biệt là những anh đang mong con. Mà thật ra, đã từ lâu, mình thấy hình như các anh bị “bỏ ... [xem thêm]

Điều trị ngoại khoa tiểu không kiểm soát khi gắng sức

(27)
Tiểu không kiểm soát khi gắng sức là gì? Tiểu không kiểm soát khi gắng sức (Stress urinary incontinence (SUI)) là một tình trạng tiểu không kiểm soát. Khi bị SUI, ... [xem thêm]

Bài 36 – Bác sĩ ơi, tại sao, thế nào, khi nào?…

(53)
Các dấu hiệu của mới có thai là gì? Hay gặp nhất là trễ kinh. Ngoài ra còn có thể gặp các dấu hiệu như: mệt mỏi, căng ngực, mắc tiểu liên tục, ... [xem thêm]

Những câu hỏi thường gặp khi thai phụ nhiễm HIV

(22)
HIV là gì? Vi-rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là loại vi-rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). HIV xâm nhập vào cơ thể bằng ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN