Trẻ con đôi lúc cũng cãi nhau và đôi khi bé cũng có một số hành động bạo lực như đánh nhau đấm, đẩy, kéo tóc. Chắc chắn ông bố bà mẹ nào khi trông thấy điều này cũng không khỏi lo lắng và băn khoăn: “Liệu bé nào là người có lỗi trước? Tại sao bé kia lại khóc? Khi nào thì mình phải can dự và xử lý như thế nào?”. Bài viết sau đây sẽ phần nào giải tỏa những câu hỏi trên.
Rèn luyện tính cách của con trước khi xảy ra việc đánh nhau
Đừng đợi xảy ra sự việc rồi bạn mới bắt đầu dạy dỗ trẻ. Từng cử chỉ, lời nói hàng ngày của bố mẹ ảnh hưởng đến tính cách của con rất lớn và chúng sẽ bộc phát khi có mâu thuẫn với bạn bè. Bạn muốn chứng kiến con nhào vào đánh nhau quyết liệt với bạn đến mức có thể gây chảy máu hay chúng chỉ va chạm nhau chút đỉnh và tìm được cách hóa giải ngay sau đó? Tất cả phụ thuộc vào cách thức mà bạn dạy con hàng ngày. Hãy thử 3 gợi ý thông minh dưới đây để giảm thiểu xô xát nhiều nhất có thể giữa bọn trẻ:
1. Dành cho con những lời khen ngợi đúng lúc đúng chỗ
Bé thường nhanh chóng nhận ra việc mình tỏ ra hoạt bát sẽ gây được nhiều sự chú ý hơn. Bạn nên chỉ cho con thấy rằng hoạt bát không thôi chưa đủ, bé còn phải cư xử đúng mực và việc đó sẽ giúp bé có được nhiều lời khen hơn. Hoạt bát không có nghĩa là hung hăng. Bạn hãy khen ngợi khi bé chia sẻ đồ chơi, chơi nhẹ nhàng và biết chờ đến lượt của mình. Dần dần, bé sẽ hiểu được nếu bé cư xử đúng mực và ngoan ngoãn, bé sẽ nhận được những lời khen ngợi tốt đẹp.
2. Chia sẻ cảm xúc với con
Vì còn nhỏ nên bé thường không có nhiều từ để diễn tả cảm xúc hiện tại, vì vậy một số bé chỉ biết dùng những hành động như đấm, cắn, nhéo để thể hiện tâm trạng của mình. Vẫn có cách để bạn giúp bé phát triển việc biểu lộ cảm xúc mà không cần “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Bạn có thể cùng trò chuyện với bé về những biểu hiện của cảm xúc trên gương mặt, khuôn mặt giận dữ ra sao, khuôn mặt vui vẻ ra sao. Khi bé đã bắt đầu hiểu ra thực sự bản thân mình đang cảm thấy như thế nào, bé sẽ có thể kiểm soát những cảm xúc ấy tốt hơn.
3. Cảnh báo con về những hậu quả nếu bé đánh nhau
Vào buổi sáng ngày đi chơi, bạn có thể nói với bé một câu như “Hôm nay chúng ta đến nhà bạn. Con phải nhớ, không được đánh nhau với bạn. Nếu con đánh nhau, mẹ sẽ chở con về ngay lập tức”. Quan trọng nhất là bạn phải thực hiện đúng như những gì mình đã nói.
Cách xử lý khi con đánh nhau với bạn
Tính cách của mỗi đứa trẻ do một phần di truyền và một phần từ cách dạy dỗ của bố mẹ mang lại, vì vậy bé sẽ luôn có những cách giải quyết xung đột khác nhau. Bé không tự nhiên biết cách giải quyết mọi thứ được, bé cần trải qua một quá trình dài học hỏi. Vậy nên bạn đừng vội can thiệp nếu như chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra giữa bọn trẻ. Thỉnh thoảng, đánh nhau là cách bé tìm cách giải quyết sau những xích mích. Bạn có thể cho các bé 1, 2 phút để cãi nhau, va chạm nhau miễn là không bé nào bị thương.
Tuy thế, bố mẹ cũng cần can thiệp khi xảy ra những bất thường. Đó là tình huống như một bé không chịu ngừng lại, trong khi bé kia đã muốn đầu hàng, hoặc khi bạn nghĩ rằng bạn có thể hóa giải xích mích này giúp các bé và cũng giúp không gian yên tĩnh hơn. Bạn hãy áp dụng những cách sau để can ngăn chúng:
Dùng những từ ngữ cứng rắn
Bố mẹ nên cho con biết rằng đánh nhau là một việc không bao giờ được chấp nhận. Bạn có thể nói : “Ngưng đánh nhau ngay! Con ôm bạn một cái đi!”. Mặc dù lúc đầu có thể không bé nào chú ý đến lời nói của bạn, bạn có thể lặp đi lặp lại nhiều lần cho tới khi các bé ngưng đánh nhau. Bạn không bao giờ can chúng bằng cách đánh con mình hoặc đánh đứa trẻ khác. Việc bạn đánh bé không chỉ khiến bé hiểu sai về việc sử dụng bạo lực mà còn làm tổn thương đến cảm giác an toàn và lòng tự trọng của bé.
Hãy tìm giải hòa hai bé
Bố mẹ nên tìm cách tách hai bé ra và phân tán sự chú ý của chúng. Không quan trọng bé nào là người gây sự trước, bạn nên tách các bé ra, giải hòa rồi sau đó bạn có thể gợi ý một trò chơi mới dưới sự kiểm soát của bạn hoặc cho bé ăn bánh hay cho bé nghe kể chuyện.
Bài học mà con có được từ những xích mích này?
Sau khi trải qua những điều này, trẻ biết được mình hoàn toàn có can đảm và tự tin để đối phó với những kinh nghiệm đau thương trong cuộc sống sau này. Bé sẽ tự học cách chịu trách nhiệm mỗi khi làm tổn thương ai đó và biết cách sửa sai. Thật tuyệt khi bạn có thể trở thành người luôn bên cạnh lắng nghe bé nói mà không hề than phiền hay trách móc bé một lời. Có bố mẹ bên cạnh khi xảy ra cuộc tranh cãi không chỉ khiến bé cảm thấy an toàn hơn, mà còn khiến bé tin tưởng rằng luôn có người giúp bé mỗi khi bé cần.
Đánh nhau dường như là một tình huống có thể xảy ra với bất kì bé nào. Bố mẹ là người nuôi dưỡng và giáo dục bé, cách tốt nhất là bạn phải kiên nhẫn và sáng suốt trong mọi tình huống, vừa giúp bé hiểu được cảm giác của người khác, vừa giúp bé rèn luyện tính cách sau này.