Đối với một số trẻ em, cắn móng tay đã thành thói quen và là cách để giảm căng thẳng. Tuy nhiên, thói quen này hoàn toàn không tốt. Vậy bố mẹ nên làm gì khi con cắn móng tay?
Con cắn móng tay có thể là vì tò mò, chán nản, căng thẳng, theo thói quen hoặc bắt chước. Việc cắn móng tay cũng là thói quen không tốt cho sức khỏe như mút ngón tay, ngoáy mũi, vò, bứt tóc và nghiến răng.
Bố mẹ nên làm gì khi con cắn móng tay?
Chăm sóc móng
Con sẽ cắn móng tay khi móng mọc quá dài hoặc nham nhở. Để giảm bớt việc bé cắn móng tay, bố mẹ hãy thường xuyên cắt móng tay và giũa móng cho bé. Tùy thuộc tốc độ móng mọc nhanh hay chậm mà bạn hãy cắt và giũa cho con mỗi vài tuần.
Hãy thông cảm
Bất kỳ thói quen nào cũng khó bỏ. Chính bố mẹ cũng có thói quen tương tự không thể bỏ như cắn bút hoặc quấn tóc. Vì vậy, hãy đối xử nhẹ nhàng với bé và đừng làm cho con cảm thấy xấu hổ về tật cắn móng tay.
Nếu bạn bực mình khi thấy con cắn móng tay thì bé sẽ càng lo lắng hơn. Bé coi đây là một cách tuyệt vời để thu hút sự chú ý của bố mẹ nên sẽ cắn móng tay thường xuyên hơn. Vì vậy, bạn hãy cố gắng không chú ý quá nhiều khi bé cắn móng tay. Thay vào đó, hãy khen ngợi khi con không cắn móng tay.
Giải quyết những lo lắng của bé
Nếu bạn nhận ra bé đang lo lắng về những chuyện gần đây như bố mẹ ly hôn, trường học mới hoặc bài kiểm tra sắp tới thì nên dành thời gian lắng nghe con. Bé sẽ không căng thẳng mà cắn móng tay nữa.
Đừng cằn nhằn hoặc trừng phạt bé
Trừ khi con thực sự muốn bỏ thói quen cắn móng tay, nếu không bạn cũng khó có thể ngăn bé. Giống như các thói quen khác, cắn móng có xu hướng vô thức. Nếu con không nhận thức được việc mình làm, thật vô ích nếu bạn cứ mãi cằn nhằn và trừng phạt bé. Ngay cả những người lớn cũng có một thời gian dài mới có thể bỏ được thói quen như thế này.
Giúp con khi bé muốn bỏ cắn móng tay
Nếu bé muốn từ bỏ thói quen xấu này vì bị bạn bè trêu chọc, lúc này con sẽ cần sự giúp đỡ của bạn đấy! Trước hết, hãy nói chuyện với con về việc bị trêu chọc và khuyến khích bé kể cho bạn về cảm giác của con. Hãy trấn an rằng bạn yêu bé cho dù móng tay của bé trông như thế nào, sau đó chuyển sang các giải pháp khả thi khác.
Bạn hãy thảo luận với con về những thói quen xấu và làm thế nào để bỏ chúng. Quan trọng nhất, bạn hãy cổ vũ và động viên con nhé!
Hãy kiên trì không bỏ cuộc
Giải thích cho bé biết mỗi bé cơ địa khác nhau sẽ phản ứng với các giải pháp khác nhau và khuyến khích bé thử nhiều giải pháp nếu giải pháp đầu tiên không hiệu quả. Nhìn chung, khi bé càng lớn, tính trách nhiệm của con càng cao.
Cuối cùng, bạn nhắc nhở con cũng như bản thân mình rằng, thói quen thì rất khó phá vỡ và bố mẹ sẽ cùng con giải quyết những thói quen xấu này. Bạn nên dành cho bé nhiều tình thương và quan tâm, dẫu bé có bỏ được thói quen cắn móng tay xấu này hay không. Cuối cùng, nên có một phần thưởng để khích lệ tinh thần khi bé đã từ bỏ được thói quen này.
Hy vọng sau khi áp dụng các phương pháp trên, bố mẹ sẽ giúp con từ bỏ dần thói quen cắn móng tay. Vì việc này đòi hỏi nhiều thời gian nên cần có sự phối hợp giữa bé và bố mẹ.