Giấc ngủ và thói quen ngủ của trẻ sẽ bắt đầu thay đổi khi trẻ bước vào tuổi thanh thiếu niên. Một vài hoạt động ban ngày và một số thói quen đi ngủ tốt là cách hữu ích để giúp bạn chăm sóc giấc ngủ của trẻ vị thành niên.
Những đứa trẻ tuổi vị thành niên thường có thói quen đi ngủ muộn và không muốn dậy sớm. Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu về giấc ngủ của trẻ vị thành niên và cách hỗ trợ để trẻ có giấc ngủ tốt, phù hợp với lứa tuổi và giúp trẻ khỏe mạnh hơn.
Tại sao giấc ngủ lại quan trọng đối với trẻ vị thành niên?
Giấc ngủ của trẻ vị thành niên rất quan trọng vì nó:
- Giúp cơ thể khỏe mạnh
- Hệ miễn dịch của trẻ hoạt động tốt
- Giúp tăng năng lượng, nâng cao khả năng tập trung
- Giúp trẻ nhớ mọi thứ lâu hơn.
Thiếu ngủ có thể khiến trẻ gặp khó khăn về việc cư xử, điều hòa cảm xúc, giao tiếp với mọi người, khả năng chú ý và khả năng học tập ở trường.
Trẻ vị thành niên cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi đêm?
Trẻ vị thành niên cần ngủ từ 8 – 10 giờ mỗi đêm. Điều này có nghĩa là trẻ vẫn cần ngủ nhiều hơn người lớn để có thể học tập và vui chơi tốt nhất trong ngày.
Ngoài ra, không phải trẻ ngủ đủ số giờ là được. Điều quan trọng mà bạn cần chú ý là chất lượng giấc ngủ của trẻ. Thông thường, khi bước vào độ tuổi thanh thiếu niên, trẻ sẽ bắt đầu hình thành thói quen đi ngủ muộn và thức dậy trễ vào sáng hôm sau. Điều này là do ở giai đoạn này cơ thể trẻ bắt đầu tiết ra hormone melatonin nhiều hơn vào ban đêm, nên ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của trẻ. Ngoài ra, bộ não của trẻ cũng sẽ trưởng thành trong giai đoạn này. Do đó, nó có thể khiến trẻ tỉnh táo hơn.
Cách hỗ trợ giấc ngủ của trẻ vị thành niên
Bạn có thể hỗ trợ chăm sóc giấc ngủ cho trẻ tuổi teen bằng cách quan sát những gì mà trẻ làm trong ngày. Trẻ cần phải có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, có các mối quan hệ xã hội tích cực và thường xuyên tập thể dục.
Các thói quen tốt vào ban ngày có thể giúp trẻ tránh được các vấn đề về giấc ngủ. Những thói quen này cũng có thể giúp trẻ giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến giấc ngủ.
1. Những thói quen tốt mà bạn nên tập cho trẻ
- Khuyến khích trẻ đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Giữ thói quen này ngay cả vào những ngày cuối tuần để giúp đồng hồ sinh học của cơ thể quen với điều này.
- Khuyến khích trẻ rời khỏi giường sau khi thức dậy thay vì cố gắng nằm lại.
- Dành thời gian để thực hiện các hoạt động thư giãn trước khi đi ngủ. Các hoạt động này có thể là tắm nước nóng, uống 1 ly sữa ấm, đọc sách, nghe nhạc nhẹ…
- Khuyến khích trẻ ngủ trưa không quá 20 phút và phải ngủ vào đầu giờ trưa. Ngủ quá lâu và quá trễ có thể khiến trẻ cảm thấy khó ngủ vào ban đêm.
2. Môi trường ngủ của trẻ
- Tắt nhạc, điện thoại di động, màn hình máy tính và tivi ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Các cuộc gọi, tin nhắn và mạng xã hội có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Vì vậy, hãy khuyến khích trẻ trò chuyện với bạn bè vào ban ngày thay vì ban đêm.
- Kiểm tra phòng ngủ của trẻ. Một không gian yên tĩnh, ít ánh sáng là điều quan trọng để trẻ có một giấc ngủ ngon.
- Đảm bảo trẻ cảm thấy an toàn vào ban đêm. Khen thưởng cho sự dũng cảm của trẻ nếu trẻ sợ điều gì đó. Tránh xem các chương trình tivi, phim ảnh, trò chơi điện tử, sách có các yếu tố khiến trẻ sợ hãi. Một số trẻ có nỗi sợ hãi bóng đêm. Do đó, khi đi ngủ, bạn để đèn ngủ vào ban đêm.
- Nếu trẻ cứ liên tục quan tâm đến thời gian, hãy khuyến khích trẻ di chuyển đồng hồ đến vị trí mà con không thể nhìn thấy.
- Nếu trẻ khó ngủ, hãy để con ngồi dậy và làm một vài hoạt động thư giãn như đọc sách… Khi nào cảm thấy mệt mỏi, trẻ có thể trở lại giường.
3. Sức khỏe và dinh dưỡng tốt
- Đảm bảo rằng trẻ có một bữa ăn tối vừa phải vào một thời điểm hợp lý. Cảm thấy quá đói hoặc quá no trước khi đi ngủ có thể khiến trẻ khó chịu và khó ngủ.
- Khuyến khích trẻ tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, đặc biệt là vào buổi sáng. Điều này sẽ giúp cơ thể sản xuất ra hormone melatonin vào đúng thời điểm trong chu kỳ ngủ.
- Đảm bảo rằng trẻ có một bữa ăn sáng lành mạnh. Trẻ có thể biếng ăn nhưng một bữa ăn sáng nhẹ có thể giúp khởi động đồng hồ sinh học của cơ thể.
- Khuyến khích trẻ hạn chế dùng caffeine, thường có trong các loại thức uống như coca, trà, cà phê…, đặc biệt là vào buổi chiều và buổi tối.
- Khuyến khích trẻ tập thể dục vào ban ngày chứ không phải ban đêm. Hoạt động quá mức vào ban đêm có thể khiến trẻ khó ngủ.
4. Lo lắng
- Nếu có những nỗi lo lắng khiến trẻ phải thức dậy vào ban đêm, hãy thử nói với trẻ về điều đó vào ban ngày. Bạn và trẻ có thể cùng nhau tìm cách để giải quyết những vấn đề mà trẻ đang gặp phải.
- Khuyến khích trẻ ghi những nỗi sợ hãi của mình vào một quyển sổ, giúp trẻ lọc lại suy nghĩ của mình.
Dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp các vấn đề giấc ngủ
Trẻ vị thành niên có thể đang gặp phải các vấn đề về giấc ngủ nếu trẻ:
- Tốn nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ
- Nhiều lần tỉnh dậy vào ban đêm và không ngủ lại được
- Rất khó thức dậy đúng giờ vào buổi sáng
- Có các thói quen ngủ bất thường từ ngày này qua ngày khác
- Mộng du hoặc thường xuyên thức dậy để ăn vào ban đêm
- Thường xuyên gặp ác mộng.
Nếu trẻ có vấn đề về giấc ngủ, bạn cũng có thể bắt gặp một số dấu hiệu vào ban ngày như:
- Mỗi sáng rất khó đánh thức trẻ dậy đi học
- Luôn thấy trẻ thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi
- Ngủ trưa quá lâu hoặc ngủ gật ở trường
- Rất khó tập trung hoặc ghi nhớ.
Sự thay đổi thói quen ngủ của trẻ vị thành niên, chẳng hạn như ngủ muộn hơn bình thường chưa chắc là do trẻ gặp phải các vấn đề về giấc ngủ. Dấu hiệu này có thể là do trẻ đang gặp phải một vấn đề gì đó chứ không phải là trẻ bị rối loạn giấc ngủ.
Một số vấn đề về giấc ngủ của trẻ vị thành niên tạm thời có thể được cải thiện thông qua các thói quen tốt vào ban ngày và chế độ ăn để giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn.
Giải quyết các vấn đề về giấc ngủ của trẻ vị thành niên
Nếu trẻ có các vấn đề về giấc ngủ, có lẽ trẻ sẽ cần thay đổi lối sống và tập thói quen ngủ mới trong nhiều tuần. Ngoài ra, bạn cũng nên để trẻ tham gia vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến giấc ngủ của mình. Bạn có thể đặt cho trẻ một số câu hỏi như điều gì khiến trẻ khó ngủ. Sau đó, để trẻ chọn một thói quen vào ban ngày mà trẻ cần thay đổi để trẻ có giấc ngủ tốt hơn. Ví dụ, trẻ có thể tập thể dục vào mỗi buổi chiều.
Nếu những cách trên không có tác dụng, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý. Các chuyên gia có thể đề nghị cho bạn một giải pháp phù hợp. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề ngủ của trẻ và không nên tự ý dùng thuốc ngủ được bán tự do nhé.