Viêm dạ dày ruột do virus còn được gọi với tên là cúm dạ dày. Đây là một bệnh lý khá thường gặp gây ra viêm và rối loạn chức năng ở dạ dày, ruột. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.
Viêm dạ dày ruột do virus là gì?
Viêm dạ dày ruột do virus là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở dạ dày và ruột gây ra một loạt các triệu chứng, tiêu biểu là tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa. Virus gây bệnh có thể lây truyền từ người sang người thông qua việc tiếp xúc gần với người bệnh hay ăn, uống những thực phẩm nhiễm virus.
Vì tác nhân gây bệnh có khả năng lây truyền cao nên căn bệnh này còn có tên gọi là cúm dạ dày. Tuy nhiên, virus gây bệnh cúm không hề liên quan đến viêm dạ dày ruột.
Ở người khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi mà không để lại biến chứng gì. Thế nhưng, đối với trẻ sơ sinh, người cao tuổi hay những người có hệ miễn dịch suy yếu, viêm dạ dày ruột có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm dạ dày ruột do virus
Virus gây bệnh sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công ruột và gây ra các triệu chứng như:
- Tiêu chảy, đi tiêu ra phân lỏng như nước, thường không có máu (nếu thấy máu tức là bạn đã bị nhiễm trùng nặng)
- Đau quặn bụng, cảm giác co thắt ở bụng
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau nhức cơ hoặc đau đầu
- Sốt nhẹ
Tùy thuộc vào nguyên nhân, viêm dạ dày ruột do virus có thể xuất hiện sau 1–3 ngày từ khi bạn nhiễm phải mầm bệnh, có thể ở mức độ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng thường kéo dài trong 1 hoặc 2 ngày, đôi khi kéo dài đến 10 ngày.
Bởi vì các triệu chứng này không đặc trưng nên rất dễ nhầm lẫn với tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn (như nhiễm Clostridium difficile, salmonella, E. coli, ký sinh trùng như giardia). Bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh đang gặp phải.
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ ngay?
Người trưởng thành
Nếu có các biểu hiện sau, bạn cần phải đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức:
- Tiêu chảy hoặc nôn mửa liên tục trong 24 giờ
- Bị nôn mửa trong hơn 2 ngày hoặc nôn ra máu
- Có dấu hiệu mất nước, bao gồm cảm giác khát quá mức, khô miệng, nước tiểu màu vàng sẫm hoặc tiểu ít, suy nhược nghiêm trọng, chóng mặt…
- Nhìn thấy có máu trong phân
- Sốt cao (40ºC)
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Bạn cần đưa trẻ đến bệnh viên ngay nếu nhận thấy trẻ:
- Sốt cao (trên 38,5ºC)
- Quấy khóc, khó chịu hoặc ngủ li bì
- Kêu đau đớn, khó chịu
- Tiêu chảy ra máu
- Có dấu hiệu mất nước (so sánh lượng nước uống vào và lượng nước tiểu thải ra trong ngày)
- Nôn liên tục trong vài giờ
- Tã không ướt trong khoảng 6 giờ
Nguyên nhân viêm dạ dày ruột do virus là gì?
Bạn rất có thể bị mắc bệnh khi ăn hoặc uống những thực phẩm bị ô nhiễm hay dùng đồ dùng cá nhân, khăn hay ăn uống chung với người bệnh.
Có rất nhiều loài virus có khả năng gây ra bệnh lý này. Trong đó, loài virus gây bệnh thường gặp nhất là:
- Rotavirus. Đây là tác nhân phổ biến nhất gây ra viêm dạ dày ruột ở trẻ em hay những người có thói quen hay đưa ngón tay, đồ vật vào miệng. Tình trạng nhiễm trùng thường diễn biến nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Người lớn khi nhiễm rotavirus có khi không biểu hiện triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.
- Norovirus. Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị nhiễm norovirus. Đó là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh ở đường tiêu hóa từ thực phẩm. Hầu hết trường hợp, người bệnh bị nhiễm virus này do ăn thức ăn hoặc uống nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, norovirus vẫn có khả năng lây từ người sang người, nhất là khi sinh hoạt trong cùng một khoảng không gian.
Virus lây lan nhanh chóng qua các phần tử trong chất nôn hoặc phân của người bệnh và bạn bị nhiễm thông qua:
- Các tiếp xúc trực trực tiếp với người bệnh
- Tiếp xúc với đồ vật nhiễm virus
- Thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm virus
Ai có nguy cơ cao bị viêm dạ dày ruột do virus?
Một số đối tượng dễ bị viêm dạ dày ruột hơn những người khác:
- Trẻ nhỏ vì hệ thống miễn dịch của chúng chưa hoàn thiện
- Người cao tuổi thường có hệ miễn suy yếu dần theo thời gian
- Học sinh hay những người ở trong một khu dân cư có khu sinh hoạt chung
- Người có hệ miễn dịch yếu, như bị nhiễm HIV/AIDS, đang hóa trị liệu hoặc có bệnh lý khác
Chẩn đoán bệnh viêm dạ dày ruột do virus
Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng này dựa trên các triệu chứng mà bệnh nhân mô tả, thăm khám sức khỏe và hỏi về môi trường sống xung quanh. Xét nghiệm phân có thể giúp phát hiện ra rotavirus hoặc norovirus nhưng không tìm được các loại virus khác gây viêm dạ dày ruột. Một số trường hợp, bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm phân để loại trừ khả năng nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.
Nếu bạn chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không kéo dài, bạn thường không cần làm thêm xét nghiệm gì.
Điều trị bệnh viêm dạ dày ruột do virus
Căn bệnh này không có cách điều trị đặc hiệu. Sử dụng thuốc kháng sinh không có hiệu quả chống lại virus. Do đó, nếu bạn lạm dụng kháng sinh có thể góp phần gây phát triển các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh.
Việc điều trị ban đầu sẽ bao gồm các biện pháp tự chăm sóc và nâng cao hệ miễn dịch. Hãy thử các cách sau:
- Để cho dạ dày ổn định, ngừng ăn các thực phẩm dạng rắn, cứng
- Hãy uống nước thành từng ngụm nhỏ, bạn có thể uống nước canh, đồ uống thể thao không chứa caffein để bổ sung nước cho cơ thể
- Ăn những thực phẩm dễ tiêu, dễ nuốt và tạm thời ngừng ăn nếu cảm thấy buồn nôn lại
- Tránh ăn một số thực phẩm như các sản phẩm từ sữa, thức uống có caffein, rượu, thực phẩm nhiều chất béo hay tẩm ướp nhiều gia vị
- Nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có thời gian phục hồi hoàn toàn
- Sử dụng một số thuốc giúp giảm đau như paracetamol, ibuprofen nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống
Nếu người bệnh bị tiêu chảy nặng và không thể tự bù nước đường uống vì cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa, bác sĩ sẽ cho truyền dịch qua tĩnh mạch (IV). Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiều khả năng cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Biến chứng viêm dạ dày ruột do virus
Biến chứng nguy hiểm nhất khi bị viêm dạ dày ruột là mất nước và chất điện giải. Nếu bạn vẫn có khả năng uống bù đủ lượng nước mất đi thì sẽ không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng.
Trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu có khả năng bị mất nước nghiêm trọng khi lượng nước mất đi nhiều hơn lượng nước được bù lại. Khi đó, người bệnh cần phải nhập viện để được truyền dịch qua tĩnh mạch.
Các biến chứng khác có thể xảy ra là:
- Mất cân bằng dinh dưỡng
- Yếu cơ, nhược cơ
Ngoài ra, khi bị mất nước nặng có thể dẫn đến những biến chứng của chính tình trạng này, gồm:
- Sưng phù não
- Hôn mê
- Sốc giảm thể tích máu
- Suy thận
- Co giật, lên cơn động kinh
Do đó, bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay khi nhận thấy có các dấu hiệu mất nước.
Phòng ngừa bệnh viêm dạ dày ruột do virus
Bạn nên tuân thủ các biện pháp giữ vệ sinh để ngăn ngừa bị nhiễm virus gây viêm dạ dày ruột, bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, nếu không có sẵn thì có thể dùng nước rửa tay khô gốc cồn.
- Sử dụng các vật dụng cá nhân riêng. Tránh dùng chung dụng cụ ăn uống, ly uống nước và các đồ vật khác như khăn tắm.
- Giữ khoảng cách với người được chẩn đoán mắc bệnh.
- Khử trùng các bề mặt hay chạm tay vào trong nhà.
- Khi đi du lịch, tránh ăn những thực phẩm lạ hay thịt, cá sống, rau sống